ClockThứ Hai, 20/05/2024 10:10

Tăng giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng

Mở rộng các nguồn thu từ rừng, tăng giá trị kinh tế của rừng, góp phần khôi phục chất lượng của các khu rừng, mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Ðây là một hướng đi quan trọng nhằm phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng trong điều kiện hiện nay.

Phát triển diện tích trồng rừng gỗ lớnSóng nhiệt và cháy rừng làm trầm trọng thêm tình trạng ô nhiễm không khíNgăn chặn suy giảm đa dạng sinh học

Du lịch khám phá rừng ngày càng được yêu thích. Trong ảnh: Trải nghiệm Khu bảo tồn ngập nước Ðồng Tháp Mười (Long An). (Ảnh Lan Phương) 

Cả nước hiện có 14.860.309 ha rừng, bao gồm rừng tự nhiên 10.129.751 ha và rừng trồng 4.730.557 ha.

Phát triển bền vững rừng gỗ lớn

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với hơn 3,5 triệu ha rừng sản xuất, trong đó có khoảng 500.000 ha rừng trồng gỗ lớn đã tạo nguồn cung cấp nguyên liệu gỗ hằng năm khoảng 40 triệu m3 quy tròn, đáp ứng 70% nhu cầu của ngành chế biến gỗ. Ngành lâm nghiệp đã xây dựng được 526 nguồn giống được công nhận tại 35/63 tỉnh, thành phố, diện tích 1.467 ha, với nhiều giống cây trồng lâm nghiệp có năng suất chất lượng cao đã được đưa vào trồng rừng sản xuất gỗ lớn.

Ðến nay, nhiều tỉnh đã xây dựng được các mô hình rừng trồng sản xuất gỗ lớn hiệu quả như Bắc Giang,Yên Bái, Quảng Ninh,Thanh Hóa, Quảng Trị và Cà Mau. Các địa phương nêu trên đã xây dựng được 770 ha mô hình trồng rừng, sản xuất, kinh doanh gỗ lớn keo lai và keo tai tượng với 310 hộ tham gia tại 57 xã, 36 huyện; xây dựng 447 ha chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn với 260 hộ tham gia, ở 34 xã của 21 huyện.

Mặc dù đã đáp ứng được tỷ lệ lớn nhu cầu chế biến gỗ, nhưng thực tế những loại gỗ có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu thì trong nước chưa đáp ứng được. Hằng năm, các doanh nghiệp vẫn phải nhập từ 5 đến 7 triệu m3 gỗ để sản xuất các sản phẩm gỗ xuất khẩu. Hầu hết các quốc gia đang hạn chế xuất khẩu gỗ, nên việc tự chủ nguyên liệu gỗ nhất là cây gỗ lớn là một chính sách cần thiết và kịp thời trong bối cảnh hiện nay.

Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách về ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực lâm nghiệp. Ðể thúc đẩy phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng cần có những chính sách phù hợp hơn nữa để góp phần phát triển bền vững các giá trị của hệ sinh thái rừng nói chung và trồng rừng gỗ lớn nói riêng, trong đó có tính đến lợi ích của các nhà đầu tư, người trồng rừng và các doanh nghiệp chế biến gỗ.

Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

Ðến nay, nhiều địa phương đã hình thành một số vùng trồng rừng nguyên liệu tập trung; ưu tiên phát triển rừng gỗ lớn, chuyển hóa từ rừng trồng gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn; gắn các vùng sản xuất nguyên liệu với chế biến hàng hóa tập trung đối với một số sản phẩm có thế mạnh. Thời gian tới sẽ tăng tỷ trọng nguồn cung cấp nguyên liệu gỗ có chứng chỉ từ rừng trồng trong nước phục vụ cho ngành chế biến gỗ và lâm sản. Tập trung phát triển công nghệ chế biến tinh, chế biến sâu; từng bước hình thành kinh tế tuần hoàn trong ngành sản xuất lâm nghiệp.

Hiện nay, nhu cầu sử dụng nguyên liệu của các doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản trong nước rất lớn, nhưng có tới hơn 30% phải nhập khẩu từ nước ngoài, trong đó có những loại nguyên liệu phải nhập khẩu 100% đã đẩy giá thành lên cao, khó cạnh tranh. Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tân Vĩnh Cửu (Ðồng Nai) Võ Quang Hà cho rằng, không gì tốt hơn là phát triển bền vững các vùng nguyên liệu lâm sản trong nước. Muốn thế phải đầu tư. Cùng với Nhà nước, các nhà đầu tư nên đồng hành với các địa phương, người dân có rừng, có đất để tạo ra các vùng nguyên liệu theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Ðây chính là cách phát triển bền vững nhất, có lợi nhuận tốt nhất cho cả nông dân và doanh nghiệp.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, đến nay, cả nước mới có khoảng 20 dự án liên kết sản xuất trong lĩnh vực lâm nghiệp và liên kết theo Nghị định số 98/NÐ-CP của Chính phủ được các địa phương phê duyệt. Tỷ lệ giá trị sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài gỗ được sản xuất dưới các hình thức liên kết mới chỉ đạt 3,74%. Số hợp tác xã lâm nghiệp hiện cũng chỉ chiếm 1,02% (181 hợp tác xã), tổ hợp tác chiếm 1,03% (320 tổ hợp tác) và 129 trang trại chiếm 0,65% trang trại trên địa bàn cả nước.

Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) Ðỗ Xuân Lập cho rằng, các doanh nghiệp xuất khẩu có sử dụng gỗ rừng trồng đang gặp khó khăn, dẫn tới nhiều chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là ách tắc trong việc xác định nguồn gốc gỗ rừng trồng và tính pháp lý trong giao dịch ở khâu trung gian trong chuỗi cung ứng. Tình trạng này xảy ra bởi một số diện tích rừng hiện còn thiếu các bằng chứng pháp lý về nguồn đất đai, như đất còn thiếu sổ đỏ, đất có tranh chấp, diện tích đất trên sổ khác với diện tích thực tế, đất mua đi bán lại giữa các bên theo hình thức không chính thống, chưa sang tên đổi chủ chính thức...

Ðể làm tốt các mục tiêu đề ra, ngành lâm nghiệp tập trung hỗ trợ phát triển các nguồn nguyên liệu có chứng chỉ bền vững, phù hợp quy chuẩn quốc tế và nguồn nguyên liệu thích ứng, giảm đến mức thấp nhất tác động của biến đổi khí hậu; hỗ trợ chế biến nguyên liệu thân thiện với môi trường và phát triển công nghệ chế biến nguyên liệu.

Lực lượng Kiểm lâm phối hợp với chủ rừng tuần tra, bảo vệ rừng trồng gỗ lớn tại xã Ðồng Vương, huyện Yên Thế (Bắc Giang). (Ảnh VŨ SINH) 

Tăng giá trị lâm sản ngoài gỗ

Các chuyên gia ngành lâm nghiệp cho rằng, lâm sản ngoài gỗ có giá trị cao, khối lượng nhẹ, vận chuyển dễ dàng hơn so với gỗ, khả năng phục hồi nhanh, cho thu hoạch sớm hơn gỗ, giá trị, năng suất kinh tế cao và ổn định, có khả năng kinh doanh liên tục, phù hợp với quy mô hộ gia đình và dễ được người dân chấp nhận.

Theo Tiến sĩ Trần Lâm Ðồng, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, lâm sản ngoài gỗ được coi là nguồn tài nguyên hết sức quý giá của đất nước. Nước ta có khoảng 7.000 loài cây cho lâm sản ngoài gỗ có giá trị. Gần đây, nhờ chủ trương phát triển diện tích trồng các loài cây dưới tán rừng, nhiều địa phương có rừng có xu hướng đẩy mạnh trồng cây dược liệu, mang lại hiệu quả kinh tế cao, như thảo quả tập trung ở các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang; sa nhân tập trung ở các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Phú Thọ, Thái Nguyên, Hà Giang; ba kích ở các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ; cây sâm ở Lai Châu, Lào Cai, Kon Tum, Quảng Nam... Từ đó, đã hình thành nên nhiều vùng chuyên canh một số loài cây lâm sản ngoài gỗ để cung cấp nguyên liệu cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu...

Giám đốc Công ty TNHH Hệ sinh thái The VOS Lê Hoàng Thế cho biết, Việt Nam đã có những cánh rừng trồng gỗ lớn. Keo lai là một trong những cây gỗ mang lại giá trị kinh tế cao. Từ năm thứ 5 đến năm thứ 8, cây keo lai đã cho khai thác. Doanh nghiệp đã trồng nấm linh chi dưới tán rừng keo lai từ năm thứ 4. Khi đến tuổi khai thác, cứ 1 kg nấm thu về một triệu đồng, một năm cây nấm cho thu hoạch ba lần, 1 m2 mỗi năm cho doanh thu 10 triệu đồng từ trồng nấm.

Cùng với đó, công ty có thêm sản phẩm nữa là các-bon hữu cơ để tham gia thị trường chuyển nhượng, mang lại giá trị thương mại bền vững cho doanh nghiệp và người trồng rừng. Hiện công ty đã bán sản phẩm nước giải khát nấm linh chi và đã xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Bộ Nông nghiệp Mỹ đã cấp giấy chứng nhận sản phẩm Organic cho sản phẩm nước giải khát nấm linh chi.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, dự kiến đến năm 2030, diện tích có khả năng trồng lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng tập trung đạt tối thiểu 200.000 ha. Từ đó hình thành các vùng nguyên liệu mang tính sản xuất hàng hóa gắn liền với các cơ sở chế biến trên cơ sở xác định cây chủ lực có lợi thế trên thị trường.

Tiến sĩ Trần Lâm Ðồng chia sẻ, phát triển kinh tế dưới tán rừng dựa trên hai đối tượng là rừng tự nhiên và rừng sản xuất. Riêng rừng tự nhiên, cả về cơ sở pháp lý và khoa học thì hiện nay đều rất khó phát triển, do các văn bản quy định chưa cụ thể, rõ ràng và nguy cơ dẫn đến suy thoái rừng rất cao.

Hiện chỉ còn một đối tượng là rừng sản xuất có thể phát triển tốt các loại lâm sản ngoài gỗ mà các địa phương cần tranh thủ điều kiện, nguồn lực để phát triển bền vững. Do đó, các địa phương có rừng cần sớm hoàn thiện và tổ chức thực thi hiệu quả chính sách liên quan đến phát triển lâm sản ngoài gỗ, nhất là cây lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng như giao, khoán hoặc cho thuê đất, rừng để trồng dược liệu dưới tán rừng; thực hiện tốt chính sách về quản lý giống cây lâm sản ngoài gỗ, chính sách về đầu tư, hỗ trợ vốn, chính sách về lâm sản ngoài gỗ, thuế...

Tiến sĩ Vũ Thị Quế Anh, đại diện FSC (tổ chức quốc tế về quản lý và bảo vệ rừng bền vững) tại Việt Nam khẳng định, muốn gia tăng giá trị kinh tế của lâm sản ngoài gỗ cần áp dụng tiêu chuẩn quản lý rừng FSC cho các sản phẩm đã được công bố. Các tổ chức hiện có thể được cấp chứng nhận FSC cho lâm sản ngoài gỗ như cao su, mây, tre, hỗ trợ thúc đẩy lâm nghiệp bằng cách bảo đảm trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường và bền vững kinh tế.

Việc khai thác sử dụng bền vững lâm sản ngoài gỗ và tiếp cận các thị trường quốc tế có nhu cầu chứng chỉ FSC sẽ tác động tích cực đến sinh kế của người dân các vùng nông thôn. Tiêu chuẩn này sẽ giúp tháo gỡ nút thắt và thúc đẩy nguồn cung cấp các lâm sản ngoài gỗ được chứng nhận đang có nhu cầu ngày càng tăng ở Việt Nam, cũng là động lực thúc đẩy, thông qua đó sẽ hỗ trợ quản lý rừng bền vững và nâng cao giá trị của rừng.

Theo Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), nguồn thu của các loại dịch vụ trong các hệ sinh thái rừng gồm dịch vụ cung cấp gỗ và lâm sản ngoài gỗ, dịch vụ môi trường rừng, dịch vụ hấp thụ và lưu trữ các-bon, dịch vụ du lịch sinh thái... đã mang lại giá trị khoảng 40.000 tỷ đồng mỗi năm.

Cục trưởng Cục Lâm nghiệp Trần Quang Bảo cho biết, riêng loại hình du lịch cộng đồng dựa vào rừng đang phát triển khá mạnh mẽ kể từ năm 2016 trở lại đây. Hằng năm, đã có từ 3 đến 4 triệu lượt khách tham gia du lịch. Các vườn quốc gia Pù Mát, Cúc Phương, Phong Nha-Kẻ Bàng là ba trong số các vườn quốc gia đã phát triển khá tốt loại hình du lịch cộng đồng, khai thác giá trị sinh thái rừng. Hiện tại Vườn quốc gia Pù Mát có nhiều điểm du lịch cộng đồng thu hút hàng trăm lao động tham gia, với mức thu nhập bình quân từ 4 đến 6 triệu đồng/người/tháng.

Tại Vườn quốc gia Cúc Phương, chỉ tính riêng cộng đồng dân tộc Mường sống ở vùng đệm đã có khoảng 100 đến 200 người tham gia làm du lịch với mức thu nhập thường xuyên khoảng 7 triệu đồng/tháng. Phó Giám đốc Vườn quốc gia Hoàng Liên, ông Vũ Ðức Quyền chia sẻ: “Bảo vệ rừng phải dựa vào cộng đồng nên phát triển du lịch cộng đồng dựa vào người dân là tất yếu. Khi người dân có thu nhập ổn định thì rừng được bảo vệ tốt hơn”.

Một nguồn thu khác là dịch vụ môi trường rừng. Theo Phó cục trưởng Cục Lâm nghiệp Phạm Hồng Lượng, Ðề án Phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành đã giao chỉ tiêu cho ngành lâm nghiệp phải phấn đấu bảo đảm nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng tăng trưởng ổn định, bình quân 5%/năm. Mục tiêu phát triển dịch vụ môi trường rừng trên cơ sở cụ thể hóa, mở rộng các loại dịch vụ môi trường rừng; đồng thời quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn từ dịch vụ môi trường rừng phù hợp với quy định của pháp luật.

Ngành lâm nghiệp tập trung phấn đấu đa dạng hóa, mở rộng nguồn thu từ các loại dịch vụ môi trường rừng phù hợp với quy định của pháp luật, đặc biệt là dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng; giảm phát thải khí nhà kính từ hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý rừng bền vững, tăng trưởng xanh. Nghiên cứu, thể chế hóa các quy định về áp dụng mức thu tiền dịch vụ môi trường rừng tiệm cận với giá trị thực mà rừng mang lại, từng bước nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống của người trực tiếp tham gia quản lý bảo vệ và phát triển rừng.

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng: Khi không gian giá trị được mở rộng thì ai cũng có được lợi ích, không còn xung đột và sẽ tìm cách để bảo vệ, phát triển rừng. Giá trị của rừng phải cao gấp 10, gấp 100 lần nữa mới xứng đáng với hai chữ “rừng vàng”. Muốn làm được điều đó, cần “thổi” được hồn, đưa được những câu chuyện vào những sản phẩm từ rừng để tăng giá trị. Phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng hứa hẹn mở ra “kho báu” từ rừng. Và kho báu lớn nhất, không chỉ là nguồn lợi, là tài nguyên, mà hơn hết, chính là tư duy cùng trân trọng, nâng niu, vun đắp từng giá trị của rừng, để rừng mãi lên xanh, tỏa bóng mát cho thế hệ mai sau.

Ngày 29/2/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 208/QÐ-TTg phê duyệt Ðề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, Ðề án đặt mục tiêu nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng bền vững tài nguyên rừng; tạo việc làm, tăng thu nhập và nâng cao đời sống cho người làm nghề rừng, thúc đẩy bảo tồn đa dạng sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu; góp phần bảo đảm an ninh, quốc phòng...
Theo Nhân dân
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giá xăng lại tiếp tục tăng

Lúc 15h ngày 9/1 là thời điểm điều chỉnh giá xăng dầu trong nước theo chu kỳ của Liên Bộ Tài chính - Công thương. Trong phiên điều chỉnh lần này, giá xăng RON95 lại tăng lên hơn 21.000 đồng/lít. Đây là lần tăng thứ 2 liên tiếp của giá xăng trong năm 2025.

Giá xăng lại tiếp tục tăng
Tăng nguồn máu dự trữ điều trị dịp Tết

Để đáp ứng nhu cầu điều trị và cấp cứu dịp Tết cho 11 đơn vị y tế của 4 tỉnh, thành, Trung tâm Huyết học Truyền máu Bệnh viện Trung ương Huế đã triển khai nhiều đợt hiến máu vệ tinh và tăng cường truyền thông.

Tăng nguồn máu dự trữ điều trị dịp Tết
Giữ cho rừng thêm xanh

Phía tây Phong Điền bây giờ không còn đất trống, đồi trọc mà thay vào đó là những cánh rừng đã xanh hơn. Đây là kết quả của sự đoàn kết chung tay của ban, ngành chức năng và người dân trong việc trồng, quản lý và bảo vệ rừng thời gian qua.

Giữ cho rừng thêm xanh
Phát triển các tiện ích, hệ sinh thái du lịch thông minh

Sự tác động của cuộc cách mạng 4.0 đã kéo theo sự phát triển của xu hướng du lịch thông minh. Các đơn vị, doanh nghiệp trong ngành du lịch không chỉ ứng dụng công nghệ thông tin để tạo ra các sản phẩm mới, giúp nâng cao trải nghiệm của du khách mà còn cần những sự thay đổi phù hợp với tình hình mới.

Phát triển các tiện ích, hệ sinh thái du lịch thông minh

TIN MỚI

Return to top