ClockThứ Ba, 04/06/2019 06:30

Phúc lợi cho đoàn viên: Phù hợp với nhu cầu mới hiệu quả

TTH - Sau 2 năm triển khai, “Chương trình phúc lợi cho đoàn viên công đoàn và người lao động” mang lại hiệu quả thiết thực trong việc chăm lo đời sống cho hơn 46.000 đối tượng được thụ hưởng, nhưng vẫn còn một số hạn chế nên sức lan tỏa chưa cao.

10 doanh nghiệp tham gia Chương trình Phúc lợi đoàn viên năm 2019Tạo phúc lợi cho đoàn viênĐem nhiều phúc lợi đến với đoàn viên công đoàn

Các doanh nghiệp ký kết “Chương trình phúc lợi cho đoàn viên công đoàn và người lao động” năm 2019 của LĐLĐ TP. Huế

Mang phúc lợi đến người lao động

Trong Tháng Công nhân năm 2019, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP. Huế phối hợp với Phòng khám Đa khoa Âu Lạc - Thanh Sơn và Phòng khám Cựu quân nhân 268 tổ chức khám sức khỏe, tư vấn miễn phí cho gần 200 đoàn viên công đoàn.

Anh Lê Kim Nam, đoàn viên Công đoàn cơ sở (CĐCS) phường Hương Sơ chia sẻ, đợt khám sức khỏe miễn phí của công đoàn giúp anh kiểm tra sức khỏe tổng quát, sớm phát hiện các bệnh tiềm ẩn để điều trị. Các bác sĩ cũng đưa ra các lời khuyên về chế độ dinh dưỡng, luyện tập thể dục thể thao, giúp anh giữ gìn sức khỏe.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Phòng khám Đa khoa Âu Lạc - Thanh Sơn cho biết, với mục tiêu góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, đơn vị cam kết đồng hành cùng LĐLĐ thành phố trong chương trình phúc lợi nhằm hỗ trợ, chia sẻ khó khăn cùng đoàn viên, người lao động. Đây cũng là cơ hội tốt để doanh nghiệp quảng bá thương hiệu đến khách hàng.

Vừa qua, LĐLĐ thành phố tiếp tục ký kết thực hiện chương trình phúc lợi với 10 doanh nghiệp như: Đại lý sơn Isotex Thái Hiền giảm giá 35%, Công ty TNHH Tôn Bảo Khánh giảm giá 20%, Nhà phân phối Công ty CP Đại Nam Group giảm giá 35%...

Đây là chương trình phúc lợi có ý nghĩa, góp phần chăm lo, cải thiện đời sống đoàn viên công đoàn và người lao động, đồng thời hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy sản xuất, nâng cao uy tín của doanh nghiệp.

Mở rộng toàn tỉnh, tính đến tháng 12/2018, có 12 đối tác là các doanh nghiệp, tổng công ty đã ký kết với Tổng LĐLĐ Việt Nam có chi nhánh tại Thừa Thiên Huế và một số đối tác có các thiết chế của tổ chức Công đoàn tại tỉnh gồm: hệ thống nhà khách Công đoàn, Trường trung cấp Công nghệ số 10, Nhà Văn hoá Lao động tỉnh, Quỹ Trợ vốn công nhân lao động nghèo, Văn phòng Tư vấn pháp luật thực hiện các nội dung thoả thuận hợp tác cung cấp dịch vụ, sản phẩm ưu đãi cho người lao động. Sau 2 năm thực hiện, có 46.285 đoàn viên và người lao động được thụ hưởng từ chương trình, với tổng số tiền hơn 1,7 tỷ đồng.

Đổi mới để hiệu quả

Chị Lê Thị Lan Anh, người lao động tại Khu Công nghiệp Phú Bài (Hương Thủy) cho biết, chị chỉ mới tiếp cận với 2 hình thức ưu đãi là gói cước viễn thông MobiFone và giảm giá mua gas. Với các chương trình ưu đãi từ các doanh nghiệp khác, chị hầu như không chú ý đến do khó tiếp cận hoặc vượt quá thu nhập của gia đình.

Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Khoa Hoài Hương, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho biết, một số thoả thuận hợp tác như Bưu điện tỉnh, Công ty Xăng dầu Thừa Thiên Huế, Chi nhánh Tổng Công ty đường sắt Việt Nam- Khai thác đường sắt Thừa Thiên Huế nhờ được sự chỉ đạo thống nhất từ phía Tổng Công ty nên các đối tác đã chủ động, tích cực triển khai chương trình với LĐLĐ tỉnh, đem lại một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, việc thực hiện hoạt động bán hàng với giá ưu đãi cho đoàn viên chưa tạo được sự thu hút và chưa mang lại phúc lợi rõ ràng cho đoàn viên công đoàn và người lao động ở những nơi thực sự có nhu cầu. Trên thực tế, chỉ có 1.462/46.285 đoàn viên và người lao động tham gia chương trình được thụ hưởng phúc lợi từ doanh nghiệp với số tiền 660 triệu đồng, số còn lại đến từ các thiết chế công đoàn.

Về nguyên nhân hoạt động bán hàng ưu đãi chưa thực sự thu hút đoàn viên, bà Hoài Hương chia sẻ có nhiều lý do khác nhau như: một số đối tác có chi nhánh tại địa phương chưa chủ động liên hệ với các cấp công đoàn để triển khai chương trình ưu đãi giảm giá theo thỏa thuận hợp tác đã ký với Tổng LĐLĐ Việt Nam; tỷ lệ giảm giá, ưu đãi chưa tạo sự khác biệt, chưa hấp dẫn, thu hút được người lao động; nhu cầu của người lao động mua hàng và sử dụng sản phẩm theo mục đích cá nhân với số lượng ít, không ổn định nên khó khăn cho các đối tác khi cung cấp sản phẩm đối với khách hàng lẻ... Ngoài ra, việc cán bộ công đoàn trực tiếp hỗ trợ, làm cầu nối cho các đối tác bán hàng tại doanh nghiệp có thể gây ảnh hưởng đến hình ảnh của tổ chức công đoàn, vì một số doanh nghiệp và người lao động đã có suy nghĩ cán bộ công đoàn làm việc này để được hưởng hoa hồng từ đối tác.

“Để khắc phục những tồn tại trên, thời gian qua, LĐLĐ tỉnh đã vận động nhiều doanh nghiệp, tổ chức, đối tác cùng tham gia chương trình phúc lợi thiên về các hoạt động xã hội, góp phần chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên và người lao động ở những nơi có nhu cầu cấp thiết. Nổi bật như chương trình “Điều ước đoàn viên”; hỗ trợ xây dựng "Mái ấm Công đoàn"; hỗ trợ xây dựng nhà ở công vụ cho giáo viên các trường học vùng sâu, vùng xa... Đây là hướng mở hiệu quả, thiết thực và sẽ được đẩy mạnh triển khai trong thời gian tới thay vì hoạt động bán hàng giảm giá như trước đây”, bà Hương cho biết thêm.

Bài, ảnh: Minh Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tinh gọn bộ máy gắn với hiệu quả hoạt động sau sáp nhập huyện

Cùng với việc khẩn trương thực hiện các đề án để sáp nhập hai huyện Phú Lộc và Nam Đông theo Nghị quyết (NQ) số 1314/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, huyện Phú Lộc cũng đang triển khai các kế hoạch để tinh gọn bộ máy theo chủ trương của Đảng, Nhà nước và đảm bảo hoạt động hiệu quả sau khi sáp nhập huyện.

Tinh gọn bộ máy gắn với hiệu quả hoạt động sau sáp nhập huyện
Phát triển kinh tế tập thể: Hướng đi hiệu quả

Việc liên kết sản xuất, đổi mới mẫu mã, phương thức bán hàng đã giúp các mô hình kinh tế hợp tác xã (HTX) phát huy tối đa lợi thế, thúc đẩy sự phát triển, nhất là các sản phẩm công nghiệp nông thôn...

Phát triển kinh tế tập thể Hướng đi hiệu quả
Hiệu quả từ cảnh báo, phòng chống thiên tai qua ứng dụng Hue-S

Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, thời gian qua, các cơ quan chức năng của tỉnh đã tăng cường công tác tuyên truyền, thông tin, cảnh báo thiên tai đến người dân bằng nhiều biện pháp, hình thức khác nhau. Trong đó, ứng dụng Hue-S của Trung tâm Giám sát và Điều hành đô thị thông minh (IOC) và các nền tảng mạng xã hội đã phát huy hiệu quả, giúp người dân chủ động nắm bắt thông tin và ứng phó kịp thời.

Hiệu quả từ cảnh báo, phòng chống thiên tai qua ứng dụng Hue-S

TIN MỚI

Return to top