ClockThứ Hai, 22/06/2020 12:15

Đồng hành cùng phụ nữ biên cương

TTH - “Nhìn lại 3 năm đồng hành cùng phụ nữ biên cương, đội ngũ cán bộ, hội viên, phụ nữ ở các xã được giúp đỡ đã có sự thay đổi tích cực. Đó chính là động lực, niềm tin để chúng tôi tiếp tục đồng hành trong thời gian tới”, chị Trần Thị Kim Loan, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh cho biết.

Nhiều hoạt động đồng hành cùng phụ nữ biên cương

Tặng quà cho người dân khó khăn các xã biên giới

Thay đổi tích cực

Xế trưa, trên triền đồi thôn Mu Nú - Ta Rá, xã Hương Nguyên, huyện A Lưới, đàn dê gần chục con của gia đình chị Nguyễn Thị Tái chen mình dưới rừng tràm vừa kiếm ăn vừa tránh nắng. Chị Tái ốm nên chồng là anh Trần Đại Nghĩa tranh thủ làm việc nhà lại trông đàn dê.

Anh Nghĩa kể, vợ hay đau ốm, các con lại đang tuổi ăn học nên gia đình rơi vào hộ nghèo. Năm 2019, được chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” của Hội LHPN tỉnh hỗ trợ 2 con dê, tạo sinh kế cho gia đình, vợ chồng anh vay mượn đầu tư thêm cặp dê giống. Là tài sản quý, vợ chồng anh Nghĩa dành công chăm sóc nên đàn dê phát triển tốt và sinh sản nhanh, sau gần một năm 2 cặp dê ban đầu đã được nhân lên thành 8 con. Hiện 2 con dê mẹ sắp sinh lứa tiếp theo. "Tôi sẽ chăm sóc tốt đàn dê để vươn lên thoát nghèo trong thời gian tới", anh Nghĩa tâm sự.

Chị A Rét Thị Hằng, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Hương Nguyên cho biết, chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” của Hội LHPN tỉnh đã trao tặng 12 con dê giống cho hội viên, phụ nữ nghèo của xã. Cán bộ phụ nữ xã thường xuyên phối hợp với các chiến sĩ biên phòng trực tiếp về bản hỗ trợ, hướng dẫn cho hội viên nắm vững kiến thức, kinh nghiệm trong chăm sóc và phòng ngừa dịch bệnh cho đàn dê để đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất.

Hai năm trước, chị Hồ Thị Huế, ở thôn Kê, xã Hồng Vân tham gia chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” với vai trò hộ nghèo, được chương trình hỗ trợ 30 triệu đồng để xây dựng mái ấm tình thương.

Chị Huế nhớ lại: "Chồng đau ốm phải thuốc thang triền miên, tôi vừa lo toan việc nhà vừa phát nương, trồng rẫy thuê nhưng cuộc sống vẫn không khá lên được. Cả gia đình lại tá túc trong ngôi nhà lúc nào cũng như muốn sập. Được Hội LHPN tỉnh hỗ trợ 30 triệu đồng trong chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương", tôi vay mượn thêm xây được ngôi nhà kiên cố”. Có nhà khang trang, chị Huế như được tiếp động lực. Chị tận dụng mặt bằng trước hiên nhà và năng khiếu chế biến món ăn của bản thân để mở quán bán hàng ăn. Buôn bán thuận lợi lại chịu khó vun vén chi tiêu, chị Huế vừa trả hết nợ vừa có điều kiện đầu tư mở rộng hàng quán. Nhờ đó, đầu năm 2020 chị Huế chính thức thoát khỏi hộ nghèo.

Mô hình sinh kế của gia đình anh Trần Đại Nghĩa

Hướng đến tính bền vững

Chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương" được Hội LHPN tỉnh đưa vào nhiệm vụ trọng tâm từ 3 năm nay. Để có những hoạt động thiết thực, hàng năm, công tác vận động cán bộ, hội viên ủng hộ, đồng hành cùng phụ nữ biên cương được Hội LHPN tỉnh đưa vào chỉ tiêu thi đua. Hội LHPN tỉnh đã phát động tới toàn thể cán bộ, hội viên, phụ nữ nhắn tin ủng hộ phụ nữ, trẻ em vùng biên cương; tích cực kết nối và kêu gọi sự hỗ trợ của các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh; tranh thủ khai thác các dự án để tạo nguồn lực cho chương trình.

Qua 3 năm, chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” đã trao 7 mái ấm tình thương, tặng gần 400 suất quà với tổng trị giá hơn 800 triệu đồng; trao sinh kế cho hàng chục hộ gia đình hội viên, phụ nữ; tổ chức hàng chục lớp trang bị kỹ năng cho phụ nữ và trẻ em vùng biên giới…

Chương trình năm nay được Hội LHPN tỉnh gắn với việc hỗ trợ kịp thời cho hội viên các xã biên giới vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID -19. Chương trình trao tặng 70 suất quà, mỗi suất trị giá 500 ngàn đồng cho phụ nữ khó khăn.

Theo chị Trần Thị Kim Loan, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, các hoạt động hỗ trợ và đồng hành của chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” bám sát vào nhu cầu hội viên, phụ nữ các xã biên giới. Công tác hỗ trợ hội viên, phụ nữ biên giới khó khăn được tập trung theo hướng trao sinh kế để có tính bền vững. Bên cạnh hỗ trợ vật chất, hội còn tổ chức tuyên truyền, bổ sung kiến thức, hướng dẫn phụ nữ phương pháp hoạch định chi tiêu trong gia đình, kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc.

Ba năm “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, đội ngũ cán bộ, hội viên, phụ nữ ở 3 xã được giúp đỡ là Hương Nguyên, Hồng Vân và Hồng Thái (A Lưới) đã có sự thay đổi tích cực. Những chị được hỗ trợ sinh kế đang từng bước cải thiện đời sống kinh tế; những chị được hỗ trợ mái ấm tình thương đã an cư lạc nghiệp. Nhiều chị biết vận dụng kiến thức được trang bị để nuôi con tốt, dạy con ngoan, chấp hành tốt vai trò người công dân của xã vùng biên. Đó chính là động lực, là niềm tin để Hội LHPN tỉnh tiếp tục đồng hành trong thời gian tới.

Bài, ảnh: Hải Thuận

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phụ nữ đi đầu trong giữ gìn bản sắc văn hóa Huế

Sáng 23/12, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành Hội LHPN tỉnh lần thứ IX, khoá XVI nhiệm kỳ 2021-2026; tổng kết hoạt động hội và phong trào phụ nữ năm 2024, triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2025. Đến dự có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Đức Tiến và lãnh đạo một số ban, ngành của tỉnh.

Phụ nữ đi đầu trong giữ gìn bản sắc văn hóa Huế

TIN MỚI

Return to top