ClockThứ Sáu, 13/09/2024 12:31

Giảm thiểu ùn tắc giao thông trước cổng trường

TTH - TP. Huế có địa bàn rộng, số lượng học sinh đông nên vấn đề đảm bảo an toàn giao thông, trật tự đô thị (ATGT - TTĐT) trước cổng trường luôn được ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) thành phố cũng như các địa phương, ban ngành, trường học chú trọng và triển khai nhiều giải pháp nhằm hạn chế tình trạng ùn tắc, kẹt xe vào các khung giờ đưa - đón học sinh đến trường.

Người dân Điền Hòa kiến nghị đầu tư thêm hạ tầng giao thôngMâu thuẫn sau va chạm giao thông: Kẻ chết, người vào tù Cao điểm đảm bảo an toàn giao thông trước cổng trườngXây dựng thành phố xanh bằng phương tiện di chuyển cá nhân Những “bệ phóng” liên vùng đã mở

Các thành viên tổ tự quản Trường tiểu học Quang Trung hỗ trợ phụ huynh đưa học sinh vào trường nhằm tránh ùn tắc giao thông 

Giảm ùn tắc

Là một trong những cơ sở trường học đóng trên địa bàn TP. Huế có số học sinh đông, trong đó tỷ lệ phụ huynh đưa đón con bằng phương tiện ô tô cá nhân và dịch vụ xe đưa đón 16 chỗ nhiều nên ngay từ đầu năm học, Trường THCS Nguyễn Tri Phương đã triển khai kế hoạch phân luồng giao thông đến toàn trường và từng phụ huynh thông qua giáo viên chủ nhiệm.

Theo đó, trường tổ chức phân luồng giao thông theo các phương án phù hợp, trong đó trường hợp phụ huynh đưa đón học sinh bằng xe máy thì đậu xe ở đường Vũ Xuân Chiêm (cổng sau) ở trên vỉa hè - phần kẻ vạch dành cho việc đậu xe. Phụ huynh đưa đón học sinh bằng xe ô tô sẽ đậu xe sát hai bên lề đường Tố Hữu (cổng chính) thành 1 hàng dọc theo hướng đường 1 chiều, đối với học sinh đi xe đạp đi về phía cổng chính. Ngoài ra, vào giờ tan học tất cả học sinh không tập trung tại khu vực hai cổng trường (học sinh di chuyển đến các vị trí đã hẹn phụ huynh đến đón).

Để triển khai hiệu quả công tác phân luồng giao thông, Ban giám hiệu nhà trường phối hợp với các phòng ban, Đội trật tự giao thông ở các khối lớp tổ chức giám sát việc thực hiện phân luồng giao thông, đồng thời bố trí khu vực giới hạn đậu, đỗ xe, hướng dẫn phụ huynh đậu xe đúng quy định.

Theo Hiệu trường nhà trường, cô giáo Nguyễn Thị Diệu Trang, việc tổ chức phân luồng giao thông nhằm tạo sự chuyển biến trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn giao thông, văn hóa giao thông trong trường học, đồng thời giảm thiểu ùn tắc giao thông ở hai bên cổng trường vào giờ tan học. Hoạt động này thể hiện trách nhiệm của cán bộ, giáo viên, học sinh trong vấn đề tổ chức giao thông. Qua đó, giáo dục hành vi tham gia giao thông cho toàn thể học sinh và tạo hiệu ứng về ý thức, hành vi tham gia giao thông đến cộng đồng xã hội.

Trường tiểu học (TH) Quang Trung nằm trên trục đường Nguyễn Huệ, là một trong những trục đường chính của TP. Huế có lưu lượng xe qua lại thường xuyên đông, trong đó hầu hết học sinh đều được phụ huynh đưa đón nên số lượng phương tiện giao thông trước cổng trường trong giờ cao điểm rất lớn. Để đảm bảo an ninh, trật tự trước cổng trường và hạn chế ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm, nhiều năm qua, nhà trường đã xây dựng mô hình “Phụ huynh tự quản về ATGT - TTĐT trước cổng trường”, mang lại nhiều kết quả khả quan.  

Theo ông Nguyễn Hữu Xuân Hoàng, thành viên tổ tự quản ở cổng Trường TH Quang Trung, tổ tự quản gồm 3 thành viên, làm việc theo 2 khung giờ cố định, từ 7h - 7h30 sáng và từ 3h30 - 4h30 chiều. Tổ có nhiệm vụ phân luồng giao thông, sắp xếp xe đậu đỗ đúng nơi quy định và hỗ trợ phụ huynh trong việc đưa, đón con em bằng xe ô tô nhằm hạn chế tình trạng ùn tắc, kẹt xe khi số lượng xe ô tô đưa đón đông vào khung giờ cao điểm.

“Cùng với việc hướng dẫn phụ huynh thực hiện tốt mô hình “Xếp hàng đón con”, thời gian qua nhà trường phối hợp với Hội Cha mẹ học sinh duy trì mô hình “Phụ huynh tự quản về ATGT - TTĐT trước cổng trường” nên tình hình trật tự trước cổng trường đã dần đi vào ổn định, tình trạng mất cắp, cạy cốp xe không còn. Thông qua mô hình, phụ huynh đậu đỗ xe đúng nơi quy định góp phần hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm, giúp phụ huynh tiết kiệm được thời gian khi đưa đón con”, chị Nhật Hà, một phụ huynh có con học ở Trường TH Quang Trung chia sẻ.

Tăng cường giáo dục về an toàn giao thông

Theo thống kê, hiện Phòng GD&ĐT TP. Huế đang quản lý 163 trường học với hơn 95 ngàn học sinh. Trong đó, có nhiều trường học ở vị trí trung tâm thành phố, số lượng học sinh khá đông như các trường THCS Chu Văn An, Nguyễn Chí Diểu, TH Vĩnh Ninh, Trần Quốc Toản… Ở các trường học trên, ngoài số lượng học sinh đông thì trên cùng tuyến đường, các cơ quan ban ngành đóng khá nhiều, dân cư đông đúc, phụ huynh đưa đón nhiều, phương tiện ô tô cũng ngày càng tăng nên dễ xảy ra ùn tắc giao thông, nhất là giờ ra về (tập trung khung giờ buổi chiều từ 16h - 17h30) làm ảnh hưởng đến trật tự ATGT - TTĐT trên địa bàn thành phố.

Để đảm bảo ATGT trước cổng trường, thời gian qua ngành GD&ĐT đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó chỉ đạo các trường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục ATGT, đảm bảo TTĐT kết hợp phòng, chống tội phạm ma túy, tệ nạn xã hội, đồng thời tiếp tục thực hiện và nâng cao hiệu quả mô hình “Xếp hàng đón con” như phân vị trí, kẻ vạch, quay đầu xe ra ngoài, sắp xếp ngăn nắp... Đối với các trường học có lề đường chật, hẹp, các trường căn cứ vào tình hình thực tế trong sân trường phân chia vị trí, kẻ vạch để phụ huynh đến đón con chờ, đậu đỗ xe máy thuận lợi. Ngoài ra, các trường tổ chức tuyên truyền trên hệ thống phát thanh của nhà trường trong giờ cao điểm, phát thanh các nội dung liên quan việc chấp hành ATGT, TTĐT… đến học sinh và phụ huynh khi đến đưa đón con em tại cổng trường nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho phụ huynh trong việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ.

Theo lãnh đạo phòng GD&ĐT TP. Huế, ông Nguyễn Thuận, thời gian tới ngành GD&ĐT thành phố tiếp tục phối hợp với Công an thành phố triển khai tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ, công tác đảm bảo ATGT trước cổng trường ở cấp học THCS và phối hợp công an các phường, xã tuyên truyền ATGT ở các đơn vị tiểu học trực thuộc. Đồng thời, đưa nội dung giáo dục pháp luật về trật tự ATGT, phòng, chống tệ nạn xã hội, ma túy, bạo lực học đường là một trong những tiêu chí đánh giá thi đua hằng năm đối với cán bộ, giáo viên và học sinh; biểu dương khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác giáo dục ATGT; xử lý nghiêm những trường hợp tập thể và cá nhân cố tình vi phạm, trong đó có nội dung vi phạm Luật Giao thông đường bộ.

Bài, ảnh: Thanh Hương
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nâng cao ý thức tham gia giao thông từ Nghị định 168

Từ ngày 1/1/2025, Nghị định 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe có hiệu lực. Trong đó, nhiều hành vi vi phạm giao thông có mức xử phạt cao hơn nhiều lần so với trước đây.

Nâng cao ý thức tham gia giao thông từ Nghị định 168
Các dự án giao thông chạy “nước rút” thi công, giải ngân

Thời điểm cuối năm này, các chủ đầu tư/Ban Quản lý dự án thuộc Bộ Giao thông vận tải đang tập trung cao độ, phối hợp với nhà thầu thi công tăng tốc tiến độ thi công các hạng mục, dự án nhằm chạy “nước rút” về khối lượng giải ngân vốn đầu tư công.

Các dự án giao thông chạy “nước rút” thi công, giải ngân

TIN MỚI

Return to top