ClockChủ Nhật, 07/06/2015 07:40

“Giúp” người trái pháp luật là hại mình

TTH - Không quen biết, thù oán với bị hại, chỉ vì nhận lời giúp một phụ nữ đang ghen tuông đánh dằn mặt “tình địch” (tức bị hại trong vụ án) của chị này, Trần Như Cảnh (trú tại thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền) vướng vòng lao lý… 

Sự việc bắt đầu từ câu chuyện chẳng dính dáng gì đến bị cáo. Số là, Nguyễn Thị Hoàng Phương, Nguyễn Thị Tý, Nguyễn Thị Hạnh đều là công nhân một công ty may. Do Phương ghen tuông và có mâu thuẫn trong công việc với chị Hạnh nên nhờ Tý tìm người đánh dằn mặt. Tý giới thiệu Cảnh cho Phương. Sau nhiều lần Phương, Tý, Cảnh gặp nhau trao đổi, Cảnh đồng ý nhận lời. Để việc đánh dằn mặt chị Hạnh diễn ra thuận lợi, Cảnh mời Mai Thị Thanh Tú đi ăn nhậu, rủ Tú cùng “giúp một tay”. Tú đồng ý.

Được Phương thông báo biển số xe máy, đặc điểm nhận dạng và giờ chị Hạnh tan ca, Cảnh, Tú đến gần trước cổng công ty, nơi chị Hạnh làm việc, đứng đợi. Sau khi phát hiện thấy xe có biển số, loại xe và đặc điểm người điều khiển đúng như Phương đã thông báo chạy từ cổng công ty ra, Cảnh liền chở Tú đuổi theo chặn đầu xe và quát dừng lại. Tú nhảy xuống đánh vào mặt khiến chị Hạnh ngã xuống đường. Sợ nhiều người thấy sẽ bị lộ, Cảnh bảo Tú buộc chị Hạnh chở Tú về một quán cà phê tại thị trấn Phong Điền để tiếp tục đánh nạn nhân. Cảnh đi áp sát theo sau.
Tại quán cà phê, ép nạn nhân ngồi vào ghế sát góc tường, Cảnh, Tú ngồi hai bên tiếp tục đánh. Có người gọi tới, nên chị Hạnh lấy điện thoại trong túi ra cầm trên tay. Tú liền nói: “Mi gọi cho ai, đưa điện thoại đây” và chụp điện thoại bỏ vào túi áo khoác. Sự việc diễn ra đồng thời với lời Cảnh yêu cầu: “Tú, giữ điện thoại lại không cho hắn báo công an”. Cả hai tiếp tục đánh, đến khi nạn nhân quỳ lạy van xin, Cảnh và Tú mới tha cho chị Hạnh ra về. Tú bán chiếc điện thoại với giá 500.000đồng, tiêu xài cá nhân. Theo kết luận giám định, chị Hạnh tổn hại sức khỏe 10%; máy điện thoại bị chiếm đoạt đã qua sử dụng, trị giá 800.000 đồng.
Sau khi sự việc bị phát hiện, tại Cơ quan điều tra, Cảnh, Tú, Phương, Tý đã thỏa thuận bồi thường theo yêu cầu của chị Hạnh tổng thiệt hại hơn 17.000.000 đồng. Bị hại nhận đủ tiền, đã làm đơn không yêu cầu Cơ quan điều tra khởi tố về tội cố ý gây thương tích đối với Cảnh, Tú, Phương, Tý. Tuy nhiên, Cảnh và Tú phải ra hầu tòa về tội “cướp tài sản”. TAND huyện Phong Điền phạt Cảnh 3 năm 6 tháng tù, Tú 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo (khi phạm tội, Tú còn ở tuổi chưa thành niên). Không cam lòng bởi cho rằng mức án quá nặng, Cảnh kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Người bị hại cũng xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Phiên tòa phúc thẩm, Tú (không có kháng cáo và không bị kháng nghị) nên tham gia tố tụng với tư cách là người làm chứng. Do mới sinh con nhỏ, Tú xin vắng mặt. Nhưng cha mẹ Tú (đại diện theo pháp luật cho Tú) có mặt tại phiên tòa.
Bị cáo cho rằng, điện thoại của nạn nhân là do Tú chụp lấy. Cũng một mình Tú bán lấy tiền tiêu xài, bị cáo không “dính dáng” gì mà phải chịu mức án 3 năm 6 tháng tù là “thiệt thòi”. Tòa phân tích, đồng thời với lúc Tú chụp điện thoại của chị Hạnh, Cảnh bảo Tú giữ điện thoại lại, có nghĩa đã đồng phạm với Tú về hành vi cướp tài sản. Trong đó, Tú là người trực tiếp chiếm đoạt còn Cảnh là người tiếp nhận ý chí và giúp sức. Hành vi phạm tội của bị cáo rất nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm trực tiếp đến quyền sở hữu tài sản của người khác được pháp luật bảo hộ và tác động xấu đến trật tự trị an tại địa phương. Vì vậy, cần xử lý nghiêm minh để giáo dục và phòng ngừa. Tòa còn phân tích thêm, may cho bị cáo và những đồng phạm khác, do người bị hại không yêu cầu xử lý hình sự về hành vi cố ý gây thương tích. Nếu bị xử lý về tội đó thì ngoài việc Cảnh và Tú bị cộng thêm hình phạt, sẽ còn có hai đối tượng nữa phải ra trước vành móng ngựa. Tòa nghiêm khắc: “Bị cáo không thù oán, thậm chí chẳng quen biết gì bị hại, mà nhận lời đi đánh dằn mặt người ta. Hành vi của bị cáo quá coi thường pháp luật, để đến nỗi đang là một người lương thiện, có nghề nghiệp đàng hoàng, phải vướng vòng lao lý. Không những vậy lại còn rủ rê Tú đi vào con đường sai trái. Qua phiên xét xử này, hy vọng bị cáo thực sự nhận ra sai lầm của mình để không bao giờ còn lặp lại. Đồng thời cũng là lời cảnh tỉnh chung cho tất cả mọi người, rằng “giúp” người bằng hành vi trái pháp luật là hại bản thân mình”.   
 Tuy nhiên, xem xét những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mới tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; mặt khác, bị cáo đồng phạm “cướp tài sản” với vai trò là người giúp sức, Tòa án cấp sơ thẩm phạt Cảnh 03 năm 06 tháng tù là có phần nặng so với hình phạt 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo đối với bị cáo Tú, cấp phúc thẩm đã giảm cho Cảnh còn 2 năm 9 tháng tù.
Quỳnh Anh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lắp biển xử lý vi phạm Nghị định 168

Ngày 10/1, Phòng Cảnh sát giao thông Công an TP. Huế cho biết, đơn vị đã triển khai đồng loạt các biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn và xử lý vi phạm theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe (GPLX).

Lắp biển xử lý vi phạm Nghị định 168
Đảm bảo an ninh trật tự, phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội

Ngày 9/1, Công an TP. Huế tổ chức hội nghị triển khai công tác Công an năm 2025. Tham dự hội nghị có các ông: Lê Trường Lưu, UVTW Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng Đoàn ĐBQH TP. Huế; Phạm Đức Tiến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Thanh Bình, UVTV Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Huế.

Đảm bảo an ninh trật tự, phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội

TIN MỚI

Return to top