ClockThứ Bảy, 23/02/2019 06:45

Lá cờ đầu trong phong trào thi đua

TTH - Cán bộ, Nhân dân huyện Phú Vang đã thực hiện tốt nhiều phong trào thi đua trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, trong đó điểm nhấn là phong trào thi đua “chung sức xây dựng nông thôn mới”, “lao động giỏi - lao động sáng tạo”, “sản xuất giỏi”. Hiệu quả từ các phong trào ngày càng thấy rõ.

Phú Vang: Đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế biển đầm phá

Chủ tịch UBND xã Vinh Hà (phải) và Giám đốc HTX Nông nghiệp xuống đồng kiểm tra lúa

Hai năm liền (2017, 2018), UBND huyện Phú Vang được UBND tỉnh tặng Cờ thi đua đơn vị dẫn đầu khối thi đua các huyện, thị xã, thành phố và hiện đang được UBND tỉnh đề nghị tặng Cờ thi đua của Chính phủ.

Thi đua và hiệu quả

Ngay từ đầu năm 2018, Đảng bộ, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể xã Vinh Hà và đại diện toàn thể cán bộ, công chức và Nhân dân của xã đã ký kết giao ước thi đua, cam kết tổ chức đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước. Theo đó, phong trào thi đua “sản xuất giỏi”, “lao động giỏi - lao động sáng tạo”, “chung sức xây dựng nông thôn mới” là những phong trào mà huyện phát động đã được triển khai từ xã đến thôn…

Trong 2 đợt triều cường, mưa lớn sau Tết Mậu Tuất, đảng viên, cán bộ, Nhân dân Vinh Hà kịp thời chung sức gia cố, nâng cao đê Tây Phá Cầu Hai, đê Đập Sung nhằm bảo vệ 280 ha lúa, đảm bảo hiệu quả sản xuất. Ngày mùng 2 tết (Mậu Tuất 2018), cán bộ UBND xã, HTX và nhiều nông dân đã ở trên đồng ruộng… Từ nỗ lực thi đua, sản lượng lúa năm 2018 của xã là 6.134,1 tấn, đạt 107,3 % kế hoạch, tương ứng sản lượng tăng 418,8 tấn và tăng 723,1 tấn so với cùng kỳ năm 2017. Đây là một trong những chỉ tiêu kinh tế vượt kế hoạch của Vinh Hà và là một trong các đơn vị cấp xã dẫn đầu trong phong trào thi đua của huyện Phú Vang, được UBND tỉnh tặng Cờ thi đua xuất sắc năm 2018.

Cũng là một đơn vị dẫn đầu trong phong trào thi đua trên toàn huyện, thị trấn Thuận An (là địa phương trọng điểm của huyện về nghề khai thác biển) đã nỗ lực khắc phục, vươn lên sau sự cố môi trường biển bằng việc phát động, hưởng ứng mạnh mẽ các phong trào thi đua “sản xuất giỏi”, “lao động giỏi- lao động sáng tạo”…, khôi phục, phát triển kinh tế thông qua việc tập trung nguồn lực để đầu tư đóng mới, cải hoán tàu thuyền công suất lớn nhằm vươn khơi đánh bắt xa bờ. Ngư dân học hỏi để làm chủ những trang thiết bị hiện đại, phục vụ khai thác biển. Năm 2018, sản lượng khai thác biển của Thuận An đạt trên 9.000 tấn, vượt kế hoạch đề ra, góp phần rất lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và trên toàn huyện.

Các địa phương khác trên địa bàn huyện Phú Vang cũng tùy vào đặc điểm riêng để triển khai thực hiện các phong trào thi đua thiết thực, đạt hiệu quả cao nhất. Nhờ vậy, các chỉ tiêu chủ yếu kinh tế - xã hội năm 2018 của huyện đều vượt kế hoạch. Tốc độ tăng trưởng kế hoạch năm 2018 đề ra là 12,4%, thực hiện 12,6%, đạt 101%. Kế hoạch thu ngân sách 197.640 tỷ đồng, thực hiện 308.635 tỷ đồng, vượt 157,6 tỷ đồng. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia kế hoạch năm 2018 là 12 trường, thực hiện 14 trường, đạt 116% . Tỷ lệ hộ nghèo theo kế hoạch năm 2018 giảm 5,90 %, nhưng đã giảm còn 5,64%...

Nhân rộng các nhân tố mới, mô hình mới

Theo ông Nguyễn Xuân Hải, Trưởng phòng Nội vụ huyện Phú Vang: “Có những nhân tố mới, mô hình mới có hiệu quả từ phong trào thi đua đã và đang được nhân rộng”. Xã Phú Lương, một trong những vùng có diện tích canh tác lúa lớn nhất huyện Phú Vang với 1.100 ha. Trong các vụ sản xuất, Phú Lương chủ yếu sử dụng giống lúa như Khang Dân 18, HT1, qua nhiều năm, các giống lúa này đã bị nhiễm bệnh, ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng. HTX Nông nghiệp Phú Lương 3 đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông huyện và Công ty Giống cây trồng Trung ương đưa vào thử nghiệm các giống lúa mới như RVT, Thiên Ưu 8, Bắc Thơm 7, Đài Thơm 8… trên các chất đất khác nhau. Chi phí đầu tư sản xuất các giống lúa mới tương đương các giống lúa hiện tại nhưng lại cho năng suất cao, chất lượng gạo ngon hơn nên thu lãi cao hơn từ 4-5 triệu đồng/ha. Thời gian tới, UBND huyện sẽ nhân rộng các giống lúa này trên địa bàn.

Ở lĩnh vực nuôi trồng thủy hải sản, việc nuôi xen ghép cá đối mục với tôm, cua, cá kình, dìa và trồng thêm rong câu là mô hình mới, phù hợp với môi trường vùng đầm phá trên địa bàn. Mô hình này được triển khai đầu tiên tại các xã Phú Xuân, thị trấn Phú Đa, thị trấn Thuận An. Sau thời gian thả nuôi, mô hình này cho năng suất cao, bình quân 1,71 tấn/ha, thu lãi từ 55 đến 60 triệu đồng/hộ. Từ hiệu quả bước đầu, các địa phương trong vùng đã mở rộng diện tích nuôi theo mô hình này. Tại xã Vinh Thanh, mấy năm gần đây nuôi trồng thủy sản không còn xảy ra dịch bệnh, thua lỗ như trước nhờ mô hình nuôi xen ghép. Toàn xã hiện có 47 ha ao hồ nuôi trồng thủy sản đều mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, hộ ông Nguyễn Công Tin ở thôn 3 có khoảng 4 ha mặt nước, mỗi năm nuôi 3 vụ tôm-cua-cá, đều cho thu nhập từ 1 tỷ đồng trở lên, lãi từ 500 triệu đến 700 triệu đồng, được người dân trong và ngoài địa phương đến học tập kinh nghiệm.

Ông Nguyễn Xuân Hải cho biết: Để giữ vững lá cờ đầu trong phong trào thi đua, UBND huyện Phú Vang đã đề ra nhiều nhiệm vụ trong công tác thi đua - khen thưởng năm 2019. Trong đó, quan tâm phát hiện nhân tố mới, điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt trong các phong trào thi đua để khen thưởng, tôn vinh, nêu gương, học tập. Công tác khen thưởng chú trọng hướng về cơ sở, các tập thể, cá nhân trực tiếp lao động, sản xuất…

Bài, ảnh: QUỲNH ANH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đáp ứng sự hài lòng của người bệnh

Ngày 26/12, UBND huyện Phú Vang tổ chức hội nghị tổng kết công tác y tế năm 2024, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025. Tham dự có PGS.TS.BS Trần Kiêm Hảo, Giám đốc Sở Y tế.

Đáp ứng sự hài lòng của người bệnh
Lá cờ đầu trong phong trào thi đua

Liên tục hai năm 2023 và 2024 được Bộ Tư lệnh Quân khu 4 tặng danh hiệu “Đơn vị quyết thắng”, Ban chỉ huy Quân sự (CHQS) phường Tứ Hạ là “Lá cờ đầu” trong phong trào thi đua của lực lượng vũ trang (LLVT) TX. Hương Trà.

Lá cờ đầu trong phong trào thi đua

TIN MỚI

Return to top