ClockChủ Nhật, 20/10/2024 06:38

Khi doanh nhân là phụ nữ

TTH - Con số 35% trong tổng số khoảng 7.000 doanh nghiệp đang hoạt động ở Thừa Thiên Huế do phụ nữ quản lý tuy còn khá khiêm tốn, nhưng cũng thật đáng nói khi so sánh với con số 20 - 24% trong cả nước, một tỷ lệ đủ để doanh nhân nữ nước ta đạt mức cao nhất ở khu vực Đông Nam Á.

Thêm hoạt động nâng cao năng lực cho đội ngũ doanh nhân nữ

 Các sản phẩm của Myy Nature đang được thị trường đón nhận vì sự thân thiện. Ảnh: Hoàng Loan

Và, không chỉ nhiều về số lượng. Tạp chí Fortune của Mỹ tháng 10/2024 công bố danh sách “Những người phụ nữ quyền lực nhất châu Á năm 2024”. Đó là những phụ nữ tài năng, đại diện cho nhiều lĩnh vực khác nhau, như: Tài chính, năng lượng, vận tải, thực phẩm và đồ uống, dịch vụ khách sạn… Rất vinh dự cho phụ nữ Việt, trong số 100 phụ nữ quyền lực kia có 3 nữ doanh nhân Việt Nam. Đó là Chủ tịch Vietjet Air Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO Vinamilk Mai Kiều Liên và CEO Sacombank Nguyễn Đức Thạch Diễm.

Hơn 20 năm trước, trong thư gửi doanh nhân toàn quốc, không lâu trước khi ngày 13/10 hằng năm được chọn làm “Ngày Doanh nhân Việt Nam”, cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhấn mạnh, doanh nhân là người đứng đầu và là nhạc trưởng doanh nghiệp, phải có ý chí vươn lên theo tinh thần đổi mới, sáng tạo, nghĩ những điều chưa ai nghĩ, làm những việc chưa có tiền lệ, với ý thức vượt khỏi những ràng buộc của lối mòn, tiếp cận những đỉnh cao trí tuệ của nhân loại, nghiên cứu và ứng dụng những thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến.

Có thể tìm thấy tố chất nổi trội đó ở 3 nữ doanh nhân hàng đầu trên đây của nước ta. Tuy nhiên, đối chiếu với những yêu cầu mà cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp đặt ra với các doanh nhân mới thấy làm doanh nhân không dễ và phụ nữ làm doanh nghiệp lại càng bị áp lực. Nổi lên hàng đầu là những định kiến xã hội về giới tính. Cân bằng giữa công việc và cuộc sống là mục tiêu chung của mọi doanh nhân, dù thuộc bất kỳ giới tính nào. Tuy nhiên, các bà mẹ làm kinh doanh thì thường phải vất vả điều hành công ty và chăm sóc gia đình cùng một lúc. Và như CEO Vinamilk Mai Kiều Liên tâm sự, “phải làm ra những sản phẩm tốt nhất, như đang làm cho người thân, gia đình của mình vậy”.

Xưa xứ Huế “kín cổng, cao tường” và các doanh nhân nữ ở đây chủ yếu là chủ một số đặc sản của đất Thần kinh. Có thể kể như mụ Rớt bún bò hay mụ Cửu Ớt, chủ hiệu bán thuốc lá cẩm lệ và thuốc nhuộm răng phía trước chợ Đông Ba, nổi tiếng trong suốt hai thập niên 1940 – 1960 được nhắc tới như những chuyện kể dân gian. Nhìn chung, công việc của một doanh nhân khá xa lạ với phụ nữ truyền thống Huế, vốn sống trong không gian văn hóa đậm chất kinh kỳ nên nề nếp lễ nghĩa nhưng lại khép kín; e dè và ngại giao tiếp, nặng về “buôn thúng bán bưng”, giỏi về nữ công gia chánh nhưng lại thiếu sự lanh lợi cần có và ý thức vượt qua những rào cản của một doanh nhân hiện đại.

Thay cho mụ Rớt hay mụ Cửu Ớt xưa, gần 50 năm qua sau ngày giải phóng, Thừa Thiên Huế đã và đang hình thành một đội ngũ khá đông đảo các doanh nhân nữ hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và dịch vụ. Số lượng sản phẩm tốt của Huế được giới thiệu ra thị trường do những người doanh nhân nữ Huế sản xuất, kinh doanh ngày càng có sức lan tỏa. Và, đó là những sản phẩm không chỉ thể hiện sự khéo léo và tỉ mỉ, mà còn hướng tới tiêu dùng an toàn, tạo nên sự khác biệt.

Trong một lần chuyện trò với báo chí và bạn bè, bà Đặng Thị Dương, Chủ tịch Hội Doanh nhân nữ Thừa Thiên Huế cho rằng, những ngày hội giao lưu thương mại, các nữ doanh nhân Huế luôn được quan tâm. Một trong những khác biệt là họ đều sử dụng sản phẩm áo dài Đoan Trang sang trọng và tầm cỡ. Trong giới doanh nhân nữ ở Thừa Thiên Huế, bà Dương được biết đến là người luôn tất bật với công việc. Nhiều người bảo rằng, đằng sau tà áo dài quý phái với vẻ đẹp uyển chuyển của phụ nữ Huế, bà Dương vẫn toát ra sự năng động, quyết liệt trong lời nói, hành động chứ không hề bị giới hạn bởi hình ảnh phụ nữ là những “bánh bèo” e dè.

Cũng phải có một ghi nhận dành cho Hội Doanh nhân nữ Thừa Thiên Huế. Mới được thành lập cách nay không lâu, Hội Doanh nhân nữ Thừa Thiên Huế thể hiện được tinh thần không ngừng học hỏi, đổi mới phương thức kinh doanh, góp phần hình thành nhiều loại hình dịch vụ đa dạng, có chất lượng cao. Kết quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nữ quản lý đóng góp không nhỏ vào GPD của tỉnh. Đặc biệt, Hội đã có nhiều hoạt động hỗ trợ cộng đồng và thiện nguyện, đền ơn đáp nghĩa…

Với Hội Doanh nhân nữ, không quá ồn ào, nữ doanh nhân Huế đang chủ động hội nhập một cách tuyệt vời vào thương trường, theo một phong cách Huế an nhiên mà năng động.

Đan Duy
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phụ nữ đi đầu trong giữ gìn bản sắc văn hóa Huế

Sáng 23/12, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành Hội LHPN tỉnh lần thứ IX, khoá XVI nhiệm kỳ 2021-2026; tổng kết hoạt động hội và phong trào phụ nữ năm 2024, triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2025. Đến dự có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Đức Tiến và lãnh đạo một số ban, ngành của tỉnh.

Phụ nữ đi đầu trong giữ gìn bản sắc văn hóa Huế
Hơn 2.000 người chạy vì một Việt Nam không có bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái

Ngày 8/12, tại khuôn viên Hồ Thiền Quang-Phố đi bộ Trần Nhân Tông (trước cổng Công viên Thống Nhất, Hà Nội), hơn 2.000 vận động viên trong nước và quốc tế đã tham giải Chạy vì một Việt Nam không có bạo lực giới với phụ nữ và trẻ em gái năm 2024, nhằm lan tỏa thông điệp, cam kết chung mạnh mẽ nhằm chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.

Hơn 2 000 người chạy vì một Việt Nam không có bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái
Hỗ trợ, chăm lo cho phụ nữ đơn thân, yếu thế

Chẳng may đau ốm, bệnh tật... khiến nhiều phụ nữ rơi vào hoàn cảnh rất khó khăn. Nhưng, họ chưa bao giờ bị “bỏ lại phía sau”, bởi bên cạnh họ luôn có sự giúp đỡ, chăm lo của các cấp hội phụ nữ.

Hỗ trợ, chăm lo cho phụ nữ đơn thân, yếu thế

TIN MỚI

Return to top