ClockThứ Năm, 02/01/2020 06:30

Chất lượng nước thải tại nhà máy Lộc An đang được giám sát

TTH - * Người dân chưa phát hiện bất thường nào về môi trường trong thời gian gần đây

Phú Lộc vui đón nước sạch

Là khẳng định của đại diện Công ty CP Cấp nước Thừa Thiên Huế (HueWACO) và các đơn vị liên quan xung quanh phản ánh chất lượng nước thải tại nhà máy nước (NMN) Lộc An gây ô nhiễm.

Hệ thống nước thải xúc rửa trong sản xuất nước sạch được chuyển về bể lắng và tái sử dụng sau lắng

Giám sát nguồn thải

Xung quanh thông tin HueWACO tận dụng khu đất quy hoạch xây dựng NMN Lộc An đầu tư khu trồng dưa lưới công nghệ cao, thải ra lượng nước thải gây ô nhiễm môi trường, chúng tôi đã có mặt tại NMN Lộc An. Theo quan sát, xung quanh khu vực nhà máy có hệ thống mương dẫn dọc nhà máy và hệ thống ống thu gom nước mưa từ nhà màng sản xuất nông nghiệp chảy ra hệ thống này. Khu vực nhà máy còn có 1 bể lắng phục vụ công tác lắng bùn sau khi xử lý, nước sau khi lắng sẽ tiếp tục được thu lại phục vụ quá trình sản xuất nước.

Ông Nguyễn Cát, sống ngay bên khu vực nhà máy cho biết, gia đình chưa phát hiện bất thường nào về môi trường thời gian gần đây. Sau khi đọc một số thông tin trên phương tiện truyền thông, gia đình cũng đi kiểm tra một vòng khu đất xung quanh nhà nhưng hệ thống nước thoát ra từ nhà máy không có dấu hiệu có mùi, màu bất thường nên gia đình vẫn khá yên tâm.

Chính quyền địa phương sau khi tiếp nhận thông tin cũng tiến hành kiểm tra. Ông Hồ Đắc Sự, Chủ tịch UBND xã Lộc An cho hay, kiểm tra các điểm sả thải và hoạt động sản xuất nước sạch cũng như khu công nghệ cao NMN Lộc An, chúng tôi nhận thấy khu vực xả thải không có mùi, không có ruồi nhặng phát sinh. UBND xã sẽ tiếp tục theo dõi, giám sát liên tục không để ảnh hưởng đến người dân.

Liên quan đến hệ thống nước thải ra từ NMN Lộc An, ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc HueWACO phụ trách NMN Lộc An lý giải, nguyên vật liệu đầu vào như giá thể, dưỡng chất được bảo quản, lưu giữ tại kho theo qui định. Các dưỡng chất châm cây chỉ vừa đủ cho cây, nếu dư sẽ được các máng thu lại cho vào bồn và tái sử dụng không thoát ra ngoài.

Các phế phẩm đầu ra như giá thể, thân cây dưa được xử lý tái sử dụng hoặc xay làm phân bón. Lượng nước thải ra ngoài môi trường như phản ánh của báo chí gần đây chủ yếu từ hệ thống thu gom nước mưa từ hệ thống nhà màng. Chất lượng các nguồn nước thải được giám sát liên tục, kết quả kiểm tra mới đây của công ty khẳng định chất lượng nước thải vẫn ổn định, không gây ô nhiễm.

Tận dụng

Đầu năm 2019, HueWACO xây dựng mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao trên diện tích 2.000m2 tại NMN Lộc An. Đến nay diện tích này được mở rộng khoảng 18.000m2. Hệ thống nhà lưới được làm bằng khung thép mạ kẽm chịu lực, móng trụ và nhà được lắp ghép cơ động, có thể tháo di chuyển nhanh.

Theo quy hoạch cấp nước tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt,NMN Lộc An có công suất thiết kế ban đầu 8.000m3/ngày đêm sẽ được nâng lên 30.000 m3/ng.đêm vào năm 2020.

Ông Dương Quý Dương, Phó Tổng Giám đốc HueWACO thông tin, khu vực hưởng lợi của NMN Lộc An là các xã nông thôn bãi ngang nên tốc độ tăng nhu cầu nước chậm hơn so với dự báo của nhu cầu sử dụng nước sạch tại quy hoạch cấp nước. Năm 2018, HueWACO đã cải tạo, ứng dụng công nghệ lắng lọc nâng công suất xử lý của nhà máy đạt 12.000m3/ngày đêm, đảm bảo cấp nước sạch cho phạm vi hưởng lợi đến năm 2027.

Trường hợp trên địa bàn phục vụ có nhu cầu dùng nước tăng đột biến sẽ lắp bể DAF cơ động 3.000m3/ngày đêm để nâng công suất NMN Lộc An lên 15.000m3/ngày đêm. Giai đoạn 2025-2030, công ty cũng đã nghiên cứu phương án đầu tư nâng cấp công suất của NMN Lộc An lên 30.000m3/ngày đêm theo quy hoạch cấp nước được phê duyệt. Để đảm bảo hiệu quả đầu tư và đáp ứng kịp thời nhu cầu dùng nước trên địa bàn, công ty tận dụng có hiệu quả phần diện tích chưa sử dụng trồng sản phẩm nông nghiệp sạch.

Dự án đầu tư trồng sản phẩm nông nghiệp sạch thuộc phạm vi NMN Lộc An được UBND tỉnh thống nhất chủ trương thực hiện với yêu cầu việc triển khai nghiên cứu, thực hiện dự án phải đảm bảo quy hoạch cấp nước. Khi có nhu cầu triển khai, phát triển các dự án cung cấp nước sạch, chủ đầu tư phải di dời và không được đền bù tài sản trên đất.

Theo ông Dương, việc tận dụng quỹ đất quy hoạch cho NMN Lộc An đầu tư nông nghiệp công nghệ cao mang lại hiệu quả, giải quyết việc làm thường xuyên cho từ 15–20 lao động và 5–10 lao động thời vụ với mức thu nhập bình quân từ 3,5–4,5 triệu đồng/tháng. Dự án có thời gian hoàn vốn chưa đến 5 năm và các chỉ số tài chính rất tốt: giá trị hiện tại ròng (NPV) là 8,88 tỷ đồng và tỷ suất hoàn vốn nội bộ 18,66% lớn hơn lãi suất ngân hàng (6,5%). Đây là một phần nguồn vốn để công ty phục vụ tái đầu tư hệ thống cấp nước và nâng công suất nhà máy về sau.

“Việc thực hiện dự án khi chưa hoàn thiện các thủ tục liên quan là thiếu sót của công ty. Chúng tôi đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục liên quan đến điều chỉnh quy hoạch cấp nước, chuyển đổi mục đích sử dụng đất sớm hoàn thiện các thủ tục liên quan. Vì thế, công ty rất mong được các cơ quan ban ngành liên quan tạo điều kiện, sớm hoàn tất các thủ tục liên quan, mở ra triển vọng đầu tư nông nghiệp công nghệ cao tại Thừa Thiên Huế” ông Dương đề xuất.

Bài, ảnh: Hoàng Loan

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

HueWACO tham dự ngày hội khởi nghiệp sáng tạo

Công ty cổ phần Cấp nước Thừa Thiên Huế (HueWACO) tham gia triển lãm khởi nghiệp sáng tạo dựa trên các đề tài nghiên cứu khoa học, sáng kiến cải tiến kỹ thuật đã đạt giải cao của công ty.

HueWACO tham dự ngày hội khởi nghiệp sáng tạo

TIN MỚI

Return to top