ClockThứ Năm, 03/01/2013 14:25

Phú Lộc vui đón nước sạch

TTH -  Hai nhà máy cấp nước Lộc An, Lộc Trì hoàn thành, người dân Phú Lộc thỏa ước mong được sử dụng nước sạch lâu nay. 

Không còn là ước mơ

Cụ Phan Thị Tỵ, ở Lộc Điền, năm nay ngoài 80 tuổi, nhưng đây là lần đầu tiên cụ tận mắt chứng kiến và được uống nước sạch. Cụ nói: “Đời tui vậy mà sướng hơn ông bà, cha mẹ. Được uống nước sạch, được xem tivi, thật quá mãn nguyện”.
 

Thi công tuyến ống chính

 
 
Thị trấn Phú Lộc và các xã phụ cận, như Lộc Trì, Lộc An, Lộc Hòa, Lộc Điền, Lộc Sơn đều có chung nguồn nước nhiễm phèn. Có được nguồn nước sạch là mong ước từ lâu của người dân nơi đây. Nay mong ước đã thỏa, bà con rất phấn khởi. Chị Nguyễn Thị Thắm, ở Lộc Sơn cho biết, hai bên gia đình nội ngoại của chị đều đăng ký bắc nước sạch để sử dụng. Từ khi có nước sạch, gia đình chị không sử dụng nước giếng bơm. Các con của chị rất thích thú với việc tắm vòi sen. Đến lớp các cháu tự hào khoe với bạn bè, thầy cô. “Có nước sạch, quê tôi giờ không thua gì thành thị”, chị Thắm nói.
 
Trước ngày hệ thống nước sạch đi vào hoạt động, người dân nơi đây đã hợp đồng với HueWACO để bắc nước. Bác Phan Văn Kham, khu vực trưởng, Khu vực 1, thị trấn Phú Lộc cho hay, tỉ lệ người dân ở khu vực 1 sử dụng nước sạch đạt hơn 90%. Không đợi chính quyền vận động, người dân đã ý thức được tầm quan trọng của việc sử dụng nước sạch trong đời sống hàng ngày nên đều tự giác, tự nguyện đăng ký sử dụng. Để có nguồn nước sạch, nhiều người dân thị trấn Phú Lộc và các xã phụ cận đã hiến đất để cùng với Công ty TNHH NNMTV Xây dựng và Cấp nước Thừa Thiên Huế (HueWACO) đẩy nhanh tiến độ thi công các tuyến ống cấp nước. Trong ngày khánh thành, ông Phan Ngọc Thọ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, biểu dương sự hợp tác thiện chí của người dân với HueWACO trong việc thi công công trình cấp nước. Ông Phan Ngọc Thọ khẳng định, sự phối hợp của người dân chính là yếu tố then chốt quyết định tiến độ và sự thành công của dự án.
 
Quyết tâm của chủ đầu tư
 
Trong ngày khởi công dự án cấp nước Phong Điền, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao phát biểu: “Cấp nước cho khu vực nông thôn tuy không mang lại hiệu quả kinh tế nhưng có ý nghĩa chính trị, xã hội sâu sắc”. Điều đó khẳng định, việc đưa nước về nông thôn, vùng sâu, vùng xa là một cách làm mang tính xã hội. Trên phạm vi cả nước, HueWACO là đơn vị đầu tiên đưa nước về cấp cho người dân vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.
 
Với dự án cấp nước thị trấn Phú Lộc và các xã phụ cận, HueWACO đã đầu tư hơn 60/66,5 tỷ đồng phần xây dựng hai nhà máy cấp nước. Đáng nói, ngoài vốn ngân sách cấp và vốn vay Tổ chức JICA, còn lại gần 40% là vốn HueWACO. Trong bối cảnh khó khăn chung, HueWACO đã vận dụng nhiều giải pháp linh hoạt để tiết kiệm chi phí, nhân công, nguyên liệu để thi công công trình, đảm bảo đúng kế hoạch, trong thời gian chờ Ngân hàng Phát triển Việt Nam-Chi nhánh Huế giải ngân. Đến nay, dù công trình hoàn tất, song phía Ngân hàng Phát triển Việt Nam-Chi nhánh Huế vẫn chưa có bất kỳ động thái giải ngân nào, dù HueWACO đã hoàn tất các thủ tục cần thiết.
 
“Cái khó ló cái khôn”. Câu nói này quả đúng với HueWACO trong quá trình thi công hai nhà máy nước Lộc An, Lộc Trì. Do thiếu vốn, không đủ kinh phí mua sắm các thiết bị, máy móc mới, nên Ban Giám đốc cùng anh em công nhân, kỹ thuật... chủ động thiết kế, mua sắm máy móc thiết bị sẵn có trong nước để gia công, chế tạo. Ở hai công trình này, CB-CNV của HueWACO đã chế tạo thành công máy trung hòa khí Clo, giàn cào bùn, đan lọc inox 2 tầng, lamen, góp phần giúp HueWACO tiết kiệm hơn 5 tỷ đồng so với đầu tư mới. Với việc lắp đặt máy sớm để đưa hai nhà máy vào vận hành trước thời hạn, góp phần giúp HueWACO thực hiện thành công kế hoạch cấp nước cho nông thôn. Dù máy móc, thiết bị đều do anh em công nhân, kỹ thuật tự chế, song vẫn đảm bảo các yếu tố kỹ thuật, an toàn, chất lượng, thân thiện với môi trường. Toàn bộ các bể phản ứng, lắng lọc và bể chứa đều áp dụng kỹ thuật đúc bê tông không trát, đảm bảo bền vững lâu dài. Độ đục ở mức 0,2 NUT, thấp hơn 10 lần so với quy định của Bộ Y tế...
 
Trong quá trình thi công công trình, HueWACO còn gặp không ít khó khăn khác ngoài vốn: địa hình hiểm trở, đồi núi phức tạp, công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều trở ngại, nhiều tuyến ống phải đi qua đường sắt, Quốc lộ 1A, kênh thủy lợi, hồ sâu..., song, với quyết tâm cao, HueWACO đã hoàn thành dự án đúng như cam kết. Cũng tại hai công trình này, lần đầu tiên tại Việt Nam, HueWACO là đơn vị thực hiện thành công việc kích ống bằng thủy lực, đánh dấu một bước tiến mới trong việc thi công công trình cấp nước của ngành cấp nước Việt Nam.
Bài, ảnh: Tâm Huệ
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tàu, xe về quê ngày Tết

Ngày 25/1 (26 Tết) - ngày đầu tiên trong chuỗi ngày nghỉ tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 chính thức bắt đầu cũng là lúc tàu, xe tăng chuyến để phục vụ việc đi lại của người dân.

Tàu, xe về quê ngày Tết
Đảm bảo cấp nước an toàn, ổn định dịp Tết

Trước thềm năm mới Ất Tỵ 2025, Công ty CP Cấp nước Huế (HueWACO) đã lên kế hoạch, sẵn sàng các phương án cần thiết nhằm đảm bảo cấp nước an toàn, liên tục, ổn định cho người dân trên địa bàn thành phố trước, trong và sau tết Nguyên đán.

Đảm bảo cấp nước an toàn, ổn định dịp Tết
Đảm bảo trật tự đô thị dịp giáp Tết

Xác định là quận trung tâm văn hóa du lịch, thương mại của thành phố Huế nên quận Thuận Hóa triển khai nhiều giải pháp, huy động nhân lực đảm bảo trật tự đô thị (TTĐT), trật tự công cộng (TTCC) trên địa bàn dịp trước, trong và sau tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Đảm bảo trật tự đô thị dịp giáp Tết
Đồng Lâm chủ động các kế hoạch sản xuất ngay từ đầu năm

Năm 2025, Nhà máy xi măng Đồng Lâm phấn đấu sản xuất và tiêu thụ 1,5 triệu tấn clinker và hơn 1,4 triệu tấn xi măng. Để đạt kết quả này, Công ty CP xi măng Đồng Lâm triển khai nhiều giải pháp về nguồn cung nguyên liệu, đổi mới công nghệ và bước đầu đã đem lại kết quả tích cực.

Đồng Lâm chủ động các kế hoạch sản xuất ngay từ đầu năm

TIN MỚI

Return to top