ClockThứ Bảy, 21/12/2019 16:59

Cầm cố sổ bảo hiểm xã hội: Người lao động lãnh đủ

TTH - Không xuất hiện rầm rộ công khai cầm cố sổ bảo hiểm xã hội (BHXH) như các tỉnh, thành khác song vẫn đáng lo ngại khi “cái khó bó cái khôn” bất cứ lúc nào. Hậu quả, quyền lợi người lao động (NLĐ) tiêu tan nếu xem sổ BHXH như hàng hóa đem đi cầm cố.

Thay đổi cách tính BHXH hưởng lương hưu, trợ cấp một lần từ 2020Lương hưu một lần nên là chuyện “cực chẳng đã”

Người lao động cần được tuyên truyền về ý nghĩa sổ BHXH (ảnh minh họa)

Không chủ quan

Năm 2016, cơ quan BHXH bắt đầu bàn giao sổ BHXH cho NLĐ quản lý. Điều này hợp lý khi họ tự quản lý sổ BHXH của mình, khi nghỉ việc sẽ kịp thời được giải quyết chế độ hoặc có ngay sổ BHXH để tiếp tục tham gia, cộng nối quá trình đóng BHXH khi chuyển sang làm việc tại đơn vị khác. Mặt khác, người sử dụng lao động tiết kiệm được chi phí, thời gian và nhân lực làm công tác quản lý sổ BHXH. Tuy nhiên, lợi dụng việc giao sổ BHXH để tự quản lý, một số lao động đã mang thế chấp, cầm cố sổ BHXH.

Q.A, một lao động làm việc ở Khu công nghiệp Phú Bài (TX. Hương Thủy), kể: Cầm sổ BHXH cũng như cầm các loại giấy tờ, hàng hóa khác thôi. Năm ngoái tôi kẹt tiền quá, nên đến nhà ông T. ở đường Trần Phú (TP. Huế) để cầm sổ BHXH. Tuy nhiên, tùy theo giá trị sổ như năm đóng, mức lương mà lãi suất cũng khác. Tôi có thâm niên 12 năm làm việc nên ông T. cầm 10 triệu đồng, với lãi suất 15%. Theo giao hẹn, sau 3 tháng không trả được lãi, gốc, tôi phải viết giấy ủy quyền để ông làm thủ tục nhận BHXH 1 lần. Lo lắng mất sổ BHXH, mỗi tháng tôi vừa trả tiền gốc, lẫn tiền lãi để nhanh chóng lấy lại sổ.

Cũng theo Q.A, dịch vụ cầm sổ BHXH ở Huế là có nhưng phát triển nhỏ lẻ, chủ yếu chỉ cầm cho người quen biết. Các hiệu cầm đồ ở Huế ngại cầm sổ BHXH, lao động Huế lại “ăn chắc mặc bền”, lo mất sổ BHXH. Mỗi sổ BHXH chỉ được cầm tầm 10 triệu đồng trở xuống và trong vòng vài ba tháng thì lao động lại tìm cách “chuộc” về. Theo địa chỉ của Q.A, tôi tìm đến nhà ông Q. ở đường Trần Phú. Thấy người lạ, ông Q. từ chối thẳng. Ông nói, sợ phạm pháp và phiền toái, vả lại nhu cầu của người Huế cầm sổ không cao. Có chăng thì cũng dăm bữa, nửa tháng họ đến chồng tiền để lấy sổ BHXH về…

Sổ BHXH không phải là tài sản để thế chấp, cầm cố

NLĐ có thể trắng tay

Phía BHXH tỉnh cho biết, hiện vẫn khó phát hiện NLĐ có cầm cố sổ BHXH hay không, nhưng chưa có tình trạng xin cấp lại sổ BHXH hoặc ủy quyền không đúng mục đích. Tuy nhiên, không vì thế mà ngành BHXH chủ quan. Xét cho cùng, nguyên nhân dẫn đến việc NLĐ dễ dãi trong việc mua bán, cầm cố sổ do họ chưa hiểu hết ý nghĩa của sổ BHXH khi về già. Hơn nữa, hiện chưa có chế tài xử lý nghiêm đối với hành vi cầm cố, thu mua sổ BHXH, nhất là việc lợi dụng mua bán, cầm cố để trục lợi bất chính. Công tác tuyên truyền vẫn phải được đẩy mạnh.

Ông Nguyễn Xuân Tiếu, Phó Giám đốc BHXH tỉnh cảnh báo, nếu NLĐ đem sổ đi cầm cố, sau đó đề nghị cơ quan BHXH cấp lại sẽ không được chấp nhận. Vì, người tham gia BHXH được cấp và bảo quản một sổ BHXH duy nhất. Trường hợp sổ bị mất, hỏng phải thông báo với cơ quan BHXH để xem xét cấp lại.

Hiện, chưa có quy định nào cấm không được cầm cố sổ BHXH nên rất nhiều người vẫn mang sổ đi giao dịch. Tuy nhiên, sổ BHXH không phải là một tài sản để thế chấp. Sổ chỉ có giá trị pháp lý khi cơ quan BHXH đứng ra làm thủ tục giải quyết các chế độ cho NLĐ theo quy định của pháp luật. Hành vi cầm cố sổ BHXH của người lao động, sau đó làm thủ tục kê khai sổ BHXH bị mất, hư hỏng để xin cấp lại, đã thuộc trường hợp kê khai không đúng sự thật, sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.

Người cầm cố, mua sổ BHXH cũng cần lưu ý, BHXH chỉ giải quyết cho những có người có tên trong sổ BHXH. Nếu người bán gặp rủi ro, người thân của họ được hưởng và giấy ủy quyền đương nhiên hết hiệu lực, người cầm cố sổ sẽ chịu thiệt. “Khi BHXH giải quyết hưởng BHXH một lần, sẽ phải kiểm tra, đối chiếu các yếu tố về nhân thân, số sổ BHXH, dữ liệu, quá trình đóng BHXH của NLĐ, đảm bảo không giải quyết hưởng trùng, ông Tiếu cho biết thêm.

Cầm cố và thế chấp sổ BHXH sẽ “thiệt đủ đường” cho các bên tham gia. Hệ lụy lớn nhất là quyền lợi của người tham gia BHXH có thể “tiêu tan”. Để ngăn chặn tình trạng cầm cố sổ BHXH, ngành BHXH sẽ phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến để NLĐ phải xem sổ BHXH là một loại tài sản đặc biệt, gắn liền với nhân thân, quyền lợi không thể tách rời của NLĐ.

Bài, ảnh: Thu Huế

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đảm bảo an ninh trật tự, phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội

Ngày 9/1, Công an TP. Huế tổ chức hội nghị triển khai công tác Công an năm 2025. Tham dự hội nghị có các ông: Lê Trường Lưu, UVTW Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng Đoàn ĐBQH TP. Huế; Phạm Đức Tiến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Thanh Bình, UVTV Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Huế.

Đảm bảo an ninh trật tự, phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội
Cầu nối thị trường lao động

Sàn giao dịch việc làm của Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) thành phố Huế hoạt động định kỳ và thường xuyên theo hình thức trực tiếp, trực tuyến đã giúp kết nối nhu cầu của người tìm việc và việc tìm người hiệu quả, minh bạch.

Cầu nối thị trường lao động

TIN MỚI

Return to top