 |
Thiếu tá Đoàn Thăng Long (trái) khám bệnh cho người dân tại lán trại trên nương rẫy |
Mờ sáng, những cơn gió núi rét mướt khiến ai nấy cuộn tròn trong chăn ấm. Bản làng vẫn chưa thức giấc. Nhưng lúc này, những người lính biên phòng Đồn Biên phòng Nhâm đã nai nịt gọn ghẽ, chuẩn bị vượt quãng đường gập ghềnh, đèo dốc, sang bản Sê Sáp, huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông, nước bạn Lào. Chuyến đi này, ngoài những phần quà tặng, đơn vị còn tổ chức khám bệnh, tư vấn về sức khỏe, cấp, phát thuốc miễn phí cho người dân bản bạn. Dù đã cùng đồng đội tỉ mỉ kiểm tra, chuẩn bị lượng thuốc men, thiết bị y tế từ trước, nhưng trước lúc khởi hành, Thiếu tá Đoàn Thăng Long vẫn cẩn thận kiểm tra thêm lượt nữa, để chắc chắn không có sơ sót nào.
Mưa kéo dài mấy hôm trước, nên đường đất bùn nhão nhoẹt. Những người lính nhiều lúc phải gò lưng đẩy “con ngựa sắt” qua quãng đường lầy lội. Quân phục lấm lem bùn đất, nhưng Thiếu tá Long và đồng đội vẫn đảm bảo an toàn cho những thùng thuốc, thiết bị y tế. Khi đến đầu bản Sê Sáp, thấy bà con dân bản đang đứng chờ, các anh nở nụ cười, quên hết những vất vả sau chặng đường dài.
Sau một buổi sáng cùng các đồng nghiệp khám bệnh, kiểm tra sức khỏe, tư vấn cho từng người tại khu vực tập trung giữa bản, tuyên truyền, dặn dò bà con về các phương pháp đảm bảo môi trường sống, để phòng ngừa bệnh tật, Thiếu tá Long dành thời gian đến tận nhà thăm khám cho một số người già đang phải nằm một chỗ trên giường. Những lời hỏi han động viên ân cần của Thiếu tá Long, “mở ra” nụ cười thân thiện, tin tưởng trên gương mặt nhăn nheo tuổi tác.
“Bản Sê Sáp không có cơ sở y tế. Mỗi khi đau ốm, bà con phải đưa nhau qua Trạm Kiểm soát biên phòng Hồng Thái, “cầu cứu” Bộ đội Biên phòng (BĐBP). Thương lắm. Làm được gì để người dân bản bạn và người dân bản làng A Lưới còn nhiều khó khăn, phòng, chống bệnh tật hiệu quả, đảm bảo sức khỏe, chúng tôi đều cố gắng hết sức”, Thiếu tá Long chia sẻ.
Hình ảnh một lương y quân hàm xanh luôn nỗ lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ mà chúng tôi từng chứng kiến trong một lần đến Đồn Biên phòng Nhâm lại hiện về. Hôm đó mưa tầm tã. Nhận tin người dân làm rẫy, bị bệnh bất ngờ, đang cần giúp đỡ, Thiếu tá Long mang theo dụng cụ y tế, thuốc men, đội mưa, lập tức tìm đến với người bệnh.
Trước thắc mắc vì sao có thể đến đúng khu vực lán trại mà bệnh nhân và mọi người đang đợi, mà không cần dừng lại hỏi đường, Thiếu tá Long bộc bạch: Mỗi lúc vào rừng, lên rẫy bị bệnh bất ngờ hoặc tai nạn, người đầu tiên dân bản “cầu cứu” là BĐBP. Không đếm hết lần các anh bất chấp không gian, thời gian, “ôm” theo hộp thuốc, để kịp thời khám bệnh, sơ, cấp cứu ban đầu, cho thuốc tại chỗ hoặc hỗ trợ đưa người bệnh đến Trung tâm Y tế huyện A Lưới (tùy tình trạng bệnh). Vậy nên mỗi con đường nhỏ, vị trí lán trại của bà con, các anh đã “thuộc”.
Bằng tâm huyết và trách nhiệm của một lương y mang quân hàm xanh, không chỉ đảm bảo sức khỏe cho người dân biên giới, Thiếu tá Long cùng các đồng nghiệp hết lòng chăm sóc y tế, đảm bảo sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ đơn vị. Trong đại dịch COVID-19, Thiếu tá Long là một trong những quân nhân vượt lên hoàn cảnh khó khăn của gia đình, sát cánh cùng đồng đội “ngược xuôi” xung kích, bám trụ tại các chốt chống dịch trên biên giới, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được UBND tỉnh (nay là TP. Huế) tặng bằng khen. Quá trình đảm nhiệm cương vị Ủy viên Ban Chấp hành Hội Thầy thuốc trẻ TP. Huế, Thiếu tá Đoàn Thăng Long cũng năng nổ, nhiệt huyết, được Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tặng bằng khen.
Theo đánh giá của Thượng tá Lê Xuân Thanh, Chính trị viên Đồn Biên phòng Nhâm, những nỗ lực của Thiếu tá Long đóng góp vào những thành tích mà đơn vị đạt được, góp phần xây dựng niềm tin yêu của người dân đối với cán bộ, chiến sĩ đơn vị nói riêng, với BĐBP nói chung.