ClockThứ Hai, 22/05/2023 14:35

Những mô hình thanh niên trợ lực thoát nghèo hiệu quả

TTH - Tham gia thực hiện giảm nghèo bền vững (GNBV) giai đoạn 2022 - 2025 bằng những công trình, phần việc cụ thể là mục tiêu tuổi trẻ Thừa Thiên Huế đã, đang và sẽ nỗ lực triển khai.

“Cần câu xanh” trợ lực thoát nghèoĐào tạo kỹ năng khởi nghiệp, lập nghiệp cho sinh viên có hoàn cảnh khó khănChị Yến thoát nghèo

leftcenterrightdel
Cán bộ Đoàn hỗ trợ sinh kế và tư vấn kỹ thuật chăn nuôi cho người dân thông qua mô hình “Cần câu xanh” 

Trao cần câu

Gần 800 con gà giống, 30 heo giống, 20 vịt giống với tổng trị giá 60 triệu đồng hỗ trợ đến những hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo và cận nghèo từ đầu năm 2023 đến nay là con số ấn tượng mà mô hình “Cần câu xanh” do Huyện đoàn Phú Lộc triển khai mang lại.

Với hộ nghèo bà Hứa Thị Y. (xã Lộc Tiến), 50 con gà giống do mô hình hỗ trợ tuy không phải quá lớn, nhưng là bước tạo đà giúp gia đình phát triển sinh kế. “Gia đình chúng tôi sẽ cố gắng chăm sóc để đàn gà phát triển tốt, sớm sinh sôi nảy nở, giúp gia đình có thêm nguồn thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo bền vững”, bà Y. chia sẻ.

Trường hợp của chị Võ Thị Th. (xã Lộc An), được đoàn thanh niên địa phương hỗ trợ 100 con gà giống là cơ hội tốt để gia đình cải thiện nguồn thu nhập, sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Theo chị Th., cán bộ đoàn địa phương cũng thường xuyên lui tới thăm hỏi, động viên và hỗ trợ hướng dẫn kỹ thuật khi cần thiết

Với 17/17 xã đều thực hiện, mô hình “Cần câu xanh” đang là điểm sáng của tuổi trẻ toàn tỉnh trong công tác chung tay GNBV trong giai đoạn hiện nay. Chia sẻ về ý tưởng hình thành, Bí thư Huyện đoàn Phú Lộc Hoàng Trần Quốc Phú cho biết, với thông điệp “Trao cần câu hơn trao xâu cá”, thay vì hỗ trợ người dân bằng các phần quà, tiền mặt,… thì Huyện đoàn Phú Lộc lại hướng đến hỗ trợ những giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với từng điều kiện cụ thể của các hộ dân. Đồng thời, hướng dẫn, chia sẻ với bà con về cách thức nuôi trồng hiệu quả; từ đó khơi dậy ý chí vươn lên, thoát nghèo bền vững…

Để đảm bảo mô hình đạt được hiệu quả tốt nhất, hệ thống cán bộ đoàn toàn huyện đã phối hợp với các bên liên quan tiến hành khảo sát, lựa chọn đối tượng hưởng lợi; sau đó, tập trung hỗ trợ người dân trong việc xây dựng, cải tạo chuồng trại, liên hệ với các cơ sở cung cấp giống để cung cấp những nguồn giống chất lượng nhất,… Ngoài ra, kỹ thuật nuôi trồng và định hướng đầu ra, cách thức tái tạo sản xuất cũng được cán bộ đoàn theo sát hướng dẫn, “cầm tay chỉ việc”.

Không riêng tại Phú Lộc, hỗ trợ người dân phát triển sinh kế, vươn lên thoát nghèo cũng là vấn đề được các cấp bộ Đoàn quan tâm. Tại vùng cao A Lưới, mô hình Quỹ Thanh niên lập nghiệp và Quỹ Hỗ trợ phát triển sinh kế được duy trì hiệu quả với số vốn đến nay hơn 500 triệu đồng; từ lúc thành lập đến nay, đã giải ngân cho cho 74 thanh niên, tổ hợp thanh niên vay, với số tiền là 800 triệu đồng.

Anh Trần Toàn, Bí thư Huyện đoàn A Lưới cho biết, chỉ tính riêng trong năm 2022, mô hình trên đã hỗ trợ phát triển sinh kế cho 16 đoàn viên thanh niên, tổ hợp tác thanh niên vay vốn với trị giá 170 triệu đồng. Qua đó, có thể thấy nhu cầu mở rộng sản xuất, kinh doanh và lập nghiệp của thanh niên A Lưới vô cùng lớn, đây cũng là vấn đề được các cấp bộ Đoàn đặc biệt quan tâm thời gian qua.

Huy động nhiều nguồn lực

Bên cạnh đó, hỗ trợ tìm kiếm việc làm cho thanh niên miền núi cũng là một hướng mở hiệu quả tại huyện A Lưới. Trong năm 2022, có 18 thanh niên đi làm việc tại các thị trường như Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan và 19 thanh niên đang chờ xuất cảnh, 13 thanh niên đang học và 57 thanh niên đã đăng ký học. Ngoài ra, Huyện đoàn còn phối hợp với các công ty tuyển dụng việc làm hỗ trợ gần 200 thanh niên vào làm việc tại nhiều công ty trong và ngoài tỉnh.

Theo thông tin từ Tỉnh đoàn, tình nguyện đảm bảo an sinh xã hội là một trong những phong trào được tuổi trẻ Thừa Thiên Huế chú trọng triển khai xuyên suốt với nhiều hoạt động phong phú, hướng về địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa có sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng. Giai đoạn 2017 - 2022, nhiều sáng kiến và mô hình đã được tuổi trẻ tỉnh nhà triển khai có hiệu quả nhằm chung tay giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo và cận nghèo.

Với “mũi nhọn” là các Chiến dịch Thanh niên tình nguyện Hè, tình nguyện mùa Đông, Xuân tình nguyện, Tháng Thanh niên, các cấp bộ Đoàn đã tặng hơn 35 nghìn suất quà, 30 nghìn áo ấm, 150 nghìn suất ăn miễn phí với tổng trị giá hơn 18 tỷ đồng; tổ chức 263 đợt khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho 35,2 nghìn bà con Nhân dân các vùng khó khăn.

Cũng từ thực tiễn hoạt động, nhiều mô hình, cách làm sáng tạo và hiệu quả nhằm trợ lực cho người nghèo cũng được tuổi trẻ toàn tỉnh phối hợp với nhiều tổ chức, cá nhân triển khai như: “Tủ mỳ 0 đồng”;“Dự án nuôi em - Thừa Thiên Huế”; Quầy hàng miễn phí “Ai thiếu đến lấy, ai thừa đến cho”; “Bát cháo nghĩa tình”,“Hũ gạo tình thương”, “Tay kéo biên phòng”, “Bữa cơm có thịt”…

Theo Bí thư Tỉnh đoàn Nguyễn Thanh Hoài, một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà tuổi trẻ Thừa Thiên Huế đặt ra trong giai đoạn 2022 - 2027 là tham gia thực hiện GNBV giai đoạn 2022 - 2025. Đây sẽ là “kim chỉ nam” xuyên suốt để các cấp bộ Đoàn chú trọng và đẩy mạnh triển khai trong thời gian tới.

Trong đó, quan trọng nhất là tổ chức được các chương trình an sinh xã hội, mô hình phát triển kinh tế hiệu quả và huy động được sự chung tay từ nhiều nguồn lực xã hội. Song hành cùng đó, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đồng hành giúp đỡ các hộ nghèo, đặc biệt là những trường hợp thanh niên khó khăn thay đổi nhận thực, tự lực vươn lên thay đổi cuộc sống.

Bài, ảnh: MINH NGUYÊN
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bốn mùa tình nguyện

Không kể mùa đông hay mùa hạ, mùa nắng hay mùa mưa, dấu chân tình nguyện của tuổi trẻ Huế đã đem đến cho đồng bào những con đường sáng, những ngôi nhà tinh tươm, những mảnh vườn được vun xới... Với những chàng trai, cô gái trẻ, đó là hành trình được cống hiến, được trưởng thành.

Bốn mùa tình nguyện
Tinh gọn bộ máy gắn với hiệu quả hoạt động sau sáp nhập huyện

Cùng với việc khẩn trương thực hiện các đề án để sáp nhập hai huyện Phú Lộc và Nam Đông theo Nghị quyết (NQ) số 1314/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, huyện Phú Lộc cũng đang triển khai các kế hoạch để tinh gọn bộ máy theo chủ trương của Đảng, Nhà nước và đảm bảo hoạt động hiệu quả sau khi sáp nhập huyện.

Tinh gọn bộ máy gắn với hiệu quả hoạt động sau sáp nhập huyện
Thoát nghèo từ nguồn vốn chính sách

Từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), nhiều mô hình sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi trên địa bàn TX. Hương Trà đã được hình thành, phát triển, góp phần giúp người nghèo nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Thoát nghèo từ nguồn vốn chính sách

TIN MỚI

Return to top