ClockThứ Hai, 29/01/2024 11:27

Mang tết vui, tết ấm đến với những gia đình chính sách và yếu thế

TTH - Như thành thông lệ, những ngày giáp tết cổ truyền trở thành mùa trao - nhận yêu thương, mùa chăm tết no ấm, tết sum vầy đến với người dân, người lao động, những đối tượng yếu thế. Dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm nay, sẽ có nhiều chương trình với hàng trăm nghìn suất quà tết lần lượt trao tặng cho những người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo... trên địa bàn tỉnh.

Quà bảo hiểm cho người dânMang hơi ấm mùa Xuân quê hương đất Việt đến với kiều bào tại BỉỞ lại với biên cương

Tặng quà tết cho các em có hoàn cảnh khó khăn ở huyện Quảng Điền 

Trao yêu thương nhận tết ấm

Những ngày này, không khí tết đã bắt đầu rộn rã khắp nơi. Niềm háo hức tết được nhân lên không phải bởi hoạt động làm hàng tết, mua sắm tết hay hoa tết khoe sắc... mà là từ những chuyến đi của tình người, của những hành trình mang tết ấm, trao gửi yêu thương đến với những gia đình chính sách, người có công với cách mạng, nạn nhân chất độc da cam, hộ nghèo, hộ cận nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn...

Trong không khí rộn ràng chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, các anh chị em của Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội lại mang tết ấm đến với các em có hoàn cảnh khó khăn ở các huyện Phong Điền, Quảng Điền. Chuyến đi này, trung tâm đã trao 200 suất quà tết cho các em với trị giá mỗi suất 300 nghìn đồng.

Nhiều phụ huynh của các bạn nhỏ ở các xã ven biển Điền Hương, Điền Môn, Điền Lộc (huyện Phong Điền) và Quảng Công (Quảng Điền) rất vui mừng khi con mình có quà tết. Với gia đình thuộc hộ nghèo, đây là món quà rất ý nghĩa, giúp con cái họ có được chiếc áo mới, đôi giày xinh để đi chơi tết. Còn với những người làm công tác xã hội, những mạnh thường quân, các suất quà tết này tuy không lớn, nhưng góp phần giúp trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được đón một cái tết trọn vẹn, vui vẻ, đầm ấm hơn. Qua đó tiếp thêm động lực, niềm tin để động viên, khích lệ các em vươn lên trong học tập và trong cuộc sống.

Với tinh thần "tương thân tương ái", "lá lành đùm lá rách", những nghĩa cử cao đẹp về lòng sẻ chia, lòng yêu thương qua những chương trình "trao xuân yêu thương", "tết ấm cho người nghèo"... ngày càng được nhân rộng và được cộng đồng xã hội ghi nhận. Năm nay, mùa của yêu thương lại "nở rộ" về các vùng quê, đến các cơ sở bảo trợ xã hội, các nhà máy, cơ sở sản xuất của công nhân nghèo...

Cũng trong dịp tết cổ truyền của dân tộc, dịp mà theo quan niệm của người dân, tết là phải no ấm, sung túc, sum vầy và tết theo ý Đảng là không để một ai "thiếu ăn", "không có tết", nên nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị, tổ chức, nhà hảo tâm đều trích ngân sách, kinh phí cho kế hoạch thăm hỏi, tặng quà tết cho những người có công với cách mạng, thân nhân người có công, hộ nghèo, cận nghèo, người yếu thế... với mong muốn góp một phần nhỏ giúp họ đón một cái tết vui vầy, ấm cúng hơn.

Không để ai bị bỏ lại phía sau

Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm nay, toàn tỉnh sẽ có 108.269 suất quà dành tặng cho các đối tượng là người có công, thân nhân người có công, đối tượng xã hội tại cộng đồng, tại các cơ sở bảo trợ xã hội... theo quy định tại Nghị quyết 34 ngày 9/12/2022 của HĐND tỉnh. Kinh phí tặng quà tết cho các đối tượng này năm nay theo dự toán hơn 34,2 tỷ đồng.

Trong tổng kinh phí trên, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội được phân bổ 569,6 triệu đồng dùng để tặng quà cho các đối tượng do đơn vị quản lý/trao tặng: người có công với cách mạng, thân nhân người có công với cách mạng tiêu biểu; đơn vị nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng; đơn vị làm công tác quy tập mộ liệt sĩ. Kinh phí chi cho các huyện, thị xã, TP. Huế gần 33,64 tỷ đồng dùng để thăm, tặng quà tết đối với người có công với cách mạng, thân nhân người có công với cách mạng (30.850 suất); đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo (77.401 suất). Tùy từng trường hợp, đối tượng để được hưởng theo mức quà tặng khác nhau: 3 triệu đồng/suất, 1,3 triệu đồng/suất, 500 nghìn đồng/suất và 300 nghìn đồng/suất. Việc thăm hỏi, tặng quà được các đơn vị, địa phương thực hiện đúng đối tượng, chế độ, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách, bảo đảm tất cả các đối tượng chính sách đều có quà và được nhận quà trước tết.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, tỉnh cũng đang tiến hành kế hoạch chi trả trợ cấp xã hội tháng 2/2024 cho đối tượng bảo trợ xã hội trước ngày 3/2/2024. Tập trung rà soát, nắm tình hình đời sống của các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng; người có hoàn cảnh khó khăn: người nghèo, người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người lang thang cơ nhỡ, người dân ở vùng bị thiệt hại bởi thiên tai, dịch bệnh, vùng sâu, vùng xa... để quan tâm, chăm lo, kịp thời hỗ trợ phù hợp.

Đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, để đảm bảo an sinh xã hội, nhất là đảm bảo mọi người, mọi nhà được đón một cái tết vui tươi, ấm no, an toàn, lành mạnh, ngành sẽ sát cánh cùng mặt trận, các cấp chính quyền, tổ chức chính trị xã hội tích cực thực hiện các chính sách hỗ trợ kịp thời từ các gói hỗ trợ của Chính phủ, địa phương cho đến vận động các tổ chức, doanh nghiệp, mạnh thường quân và cộng đồng để "không một ai không có tết".

Đơn cử năm nay, có 18 trường hợp thuộc các đối tượng ngoài quy định tại Nghị quyết số 34 của HĐND tỉnh gồm: hộ nghèo đơn thân khó khăn và hộ có trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn do không phù hợp với đối tượng quy định tại Nghị quyết số 34, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với UBMTTQ Việt Nam tỉnh và UBND các huyện, thị xã, TP. Huế để vận động thêm nguồn kinh phí từ cơ quan mặt trận, nguồn huy động hợp pháp khác với kinh phí 23,4 triệu đồng để hỗ trợ cho các đối tượng này. Ngoài ra, các cấp, các ngành sẽ tích cực thực hiện nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả để chăm lo, làm tốt hơn nữa, bảo đảm mọi người dân, người lao động đều có tết, đón tết vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Có những nhịp cầu

Nhi dựng xe dưới một tán cây im mát bên trong công viên. Từ đây cô có thể thấy rõ nền nhà cũ, mới tháng trước còn im lìm giữa đống gạch đổ, đìu hiu nhìn sang bên kia đường nơi cây cầu mới đang vào giai đoạn hoàn thiện. Vậy mà hôm nay khu nhà giải tỏa đang ồn ã mấy tốp công nhân khẩn trương dọn dẹp và trục bỏ các gốc cây trên vỉa hè.

Có những nhịp cầu
Thông tin doanh nghiệp:
Làm thế nào để mua được máy rửa xe tốt cho gia đình?

Khi mua máy rửa xe cho gia đình, có một số yếu tố cần lưu ý để đảm bảo bạn chọn được sản phẩm tốt, phù hợp với nhu cầu sử dụng và mang lại hiệu quả cao. Dưới đây là một số hướng dẫn giúp bạn lựa chọn máy rửa xe tốt cho gia đình.

Làm thế nào để mua được máy rửa xe tốt cho gia đình
Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

Con người Huế có tính cách và lối sống đặc trưng, thể hiện qua sự kín đáo, ý tứ, trầm lặng, hoài cổ, hướng nội, nền nếp gia phong… Đó là đặc trưng của gia đình truyền thống Huế. Các gia đình Huế ngày nay vẫn giữ được sâu đậm thuần phong mỹ tục, nền nếp trong quan hệ gia đình. Đó là nhận định của PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh - nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế khi bàn về gia đình truyền thống Huế trong xã hội hiện đại.

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế
Chuyến trở về của cha

Năm tôi 49 tuổi, cha dẫn tôi về Huế. Cha bảo: “Rất có thể đây là chuyến thăm quê cuối cùng”. Gọi là dẫn nhưng thật ra có lúc tôi phải dìu đỡ ông. Ngoài 80, dù đầu óc vẫn còn minh mẫn nhưng các cơ quan hoạt động của người già đã đồng loạt rệu rã. Nhất là từ sau khi mẹ tôi mất, cha như yếu hẳn đi. Nỗi buồn bao giờ cũng là kẻ thù bào mòn sức lực. Cha ăn ít, nói ít, có hôm chỉ tha thẩn ngồi dưới tán cây sộp cổ thụ trước nhà. Hỏi gió máy quá cha ngồi đó làm gì, cha cười, bảo đang trò chuyện với thiên nhiên. Nhưng ông chỉ lắng nghe thôi, nào là tiếng lá rụng, tiếng chim ca, tiếng của con sóc nâu truyền cành ngó đôi mắt láo liên nhìn ông già tóc bạc nhấp chén trà lạt ướp hoa sói trong buổi sáng trời se se lạnh.

Chuyến trở về của cha

TIN MỚI

Return to top