ClockThứ Tư, 27/01/2021 16:55

Chi trả chính sách trợ giúp xã hội không dùng tiền mặt.

TTH - Ngày 26/1, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) tổ chức hội thảo “Thí điểm chi trả chính sách trợ giúp xã hội không dùng tiền mặt”.

Chi trả chính sách trợ giúp xã hội không dùng tiền mặt

Việc chi trả chính sách trợ giúp xã hội cho các đối tượng vẫn đang thực hiện chi trả bằng tiền mặt

Đây là hoạt động thực hiện chủ trương của Bộ LĐTB&XH về chi trả chính sách an sinh xã hội không dùng tiền mặt (KDTM) và triển khai nội dung chuyển đổi số năm 2021; đồng thời đánh giá khả năng ứng dụng thanh toán điện tử KDTM trong chi trả chính sách an sinh xã hội và chuẩn bị kế hoạch triển khai thí điểm tại TX. Hương Thủy và huyện Phú Lộc.

Toàn tỉnh có 58.848 người đang hưởng chế độ trợ giúp xã hội tại cộng đồng, chiếm khoảng 5,2% dân số toàn tỉnh. Kinh phí hỗ trợ cho hoạt động chi trả cho các đối tượng 125,5 triệu đồng/tháng và khoảng 1,5 tỷ đồng/năm. Từ tháng 7/2016 đến nay, Phòng LĐTB&XH phối hợp với bưu điện cấp huyện ký hợp đồng chi trả chính sách trợ giúp xã hội bằng tiền mặt cho đối tượng trợ giúp xã hội. Thời gian chi trả từ ngày 5 đến 25 hàng tháng tại các điểm bưu điện văn hóa xã, phường, thị trấn, các nhà văn hóa xã, các bưu cục. Đối với đối tượng ốm đau già, yếu, bệnh tật đặc biệt nặng không đến nhận được thì thực hiện chi trả tận nhà cho đối tượng. Sau thời gian chi trả, bưu điện cấp huyện thực hiện thanh quyết toán với phòng LĐTB&XH.

Qua 5 năm thực hiện chi trả tiền mặt cho đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng, bên cạnh những kết quả đạt được, còn bộc lộ một số hạn chế, như: tốn nhiều nhân lực phục vụ cho công tác chi trả; một số trường hợp đối tượng, người nhận thay 2-3 tháng mới đến nhận tiền chế độ dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý, chi trả, thanh quyết toán; tại một số điểm chi trả vẫn còn tình trạng nhân viên chi trả ký thay, ký khống đối với các trường hợp chậm, chưa nhận chế độ vào danh sách chi trả để đảm bảo chi trả, quyết toán 100% với đơn vị liên quan; một số địa phương thực hiện việc thanh quyết toán chi trả không đúng quy định như thanh quyết toán không đúng với thực tế chi trả hoặc để 2-3 tháng mới thanh toán một lần.

Theo đánh giá của chuyên gia về an sinh xã hội, Ngân hàng Thế giới (WB) tại hội thảo, việc ứng dụng thanh toán điện tử trong chi trả trợ giúp xã hội đem lại nhiều lợi ích cho người hưởng lợi và đơn vị thực hiện chi trả. Đối với người hưởng lợi sẽ cải thiện hoạch định chi tiêu, tiết kiệm thời gian, chi phí, giảm đi lại, giảm bớt gánh nặng cho các điểm chi trả. Đối với đơn vị LĐTB&XH cấp huyện, tỉnh chủ động chuyển tiền mọi lúc, mọi nơi và chủ động quản lý tiền; chủ động kiểm soát và chiết xuất số liệu báo cáo từ đơn vị cung cấp dịch vụ; giao dịch nhanh chóng, đảm bảo tính minh bạch, rút ngắn thời gian và công sức, giảm thiểu tối đa việc chi sai...

Hội thảo cũng đã nghe kinh nghiệm của tỉnh Cao Bằng, tỉnh đầu tiên thực hiện thí điểm ứng dụng các mô hình chi trả điện tử trong thực hiện chính sách an sinh xã hội và các đơn vị cung cấp dịch vụ như Viettel, VietinBank trình bày giải pháp đề xuất và kế hoạch triển khai chi trả trợ giúp xã hội KDTM trên địa bàn tỉnh.

Phát biểu tại hội thảo, ông Đặng Hữu Phúc, TUV, Giám đốc Sở LĐTB&XH cho rằng, chi trả chính sách trợ giúp xã hội KDTM bước đầu sẽ gặp nhiều khó khăn. Nhưng nếu các ngành, các cấp, đơn vị và đối tượng hưởng lợi cùng hợp tác triển khai tốt, thực hiện chuyển đổi tốt sẽ đem lại nhiều lợi ích cho người thụ hưởng chính sách cũng như người làm công tác an sinh xã hội.

Hạ tầng thanh toán quốc gia của Việt Nam gồm hành lang pháp lý và sự phát triển nhanh của hệ thống hạ tầng thanh toán đã sẵn sàng, vấn đề còn lại là cách thức triển khai kế hoạch, các điều kiện cần thiết để thực hiện từ phía cơ sở và được các đối tượng hưởng lợi sử dụng. Trước mắt, Sở LĐTB&XH thực hiện thí điểm tại TX. Hương Thủy, huyện Phú Lộc và sẽ triển khai cho tất cả các huyện/thị/thành phố còn lại từ năm 2022.

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đảm bảo an ninh trật tự, phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội

Ngày 9/1, Công an TP. Huế tổ chức hội nghị triển khai công tác Công an năm 2025. Tham dự hội nghị có các ông: Lê Trường Lưu, UVTW Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng Đoàn ĐBQH TP. Huế; Phạm Đức Tiến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Thanh Bình, UVTV Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Huế.

Đảm bảo an ninh trật tự, phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội

TIN MỚI

Return to top