ClockThứ Hai, 15/05/2023 06:16

“Dấu ấn” bộ đội biên phòng ở khu vực biên giới

TTH - “Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh tiếp tục chỉ đạo các đơn vị tăng cường tham mưu, phối hợp với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình dự án (DA) ở khu vực biên giới; chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, giai đoạn 2021-2030”. Đó là khẳng định của Đại tá Phạm Tùng Lâm, Chính ủy BĐBP tỉnh.

Xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững chắc Tặng 500 cuốn sách cho chiến sĩ mớiChú trọng chất lượng đội ngũ cán bộ chính trị

leftcenterrightdel
BĐBP tỉnh chủ công phối hợp xây dựng nhà "Mái ấm cho người nghèo biên giới" 

Nhiều “dấu ấn”

Những năm qua, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, các Đồn Biên phòng tích cực tham gia phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói, giảm nghèo ở các xã, phường, thị trấn biên giới thông qua nhiều phong trào, chương trình, DA, mô hình. Đó là phong trào “BĐBP Thừa Thiên Huế chung sức xây dựng nông thôn mới”; chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”; “Xuân biên phòng ấm lòng dân bản”; “Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn Biên phòng”; DA “Cán bộ, chiến sĩ quân đội nâng bước em tới trường; mô hình “Giúp đỡ cụ già neo đơn”; “Tiết kiệm tiền lẻ chia sẻ khó khăn”, “Giúp đỡ cụ già neo đơn”, “Hũ gạo tình thương”, “Ngôi nhà xanh - Biến rác thải đại dương thành tiền, tiếp sức học sinh khó khăn đến trường”; “Tuyến đường quân hàm xanh”; “Ngày về thôn bản”…

Nhiều mô hình đã tạo được hiệu ứng xã hội rộng rãi, huy động được sự tham gia đông đảo của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài quân đội. Cùng với đó, BĐBP tỉnh đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động giúp dân lao động sản xuất, phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn. Chỉ tính riêng 5 năm, từ năm 2018 đến nay, BĐBP tỉnh đã tham gia hơn 10 nghìn ngày công tu sửa, nâng cấp trường học bị hư hỏng, làm đường giao thông nông thôn, giúp dân phòng, chống lụt, bão; tặng 85 nhà mái ấm, nhà đại đoàn kết, 2 phòng học, hơn 8 nghìn suất quà, 200 xe lăn, 100 chiếc xe đạp, 40 bộ máy vi tính, 2 tấn áo quần, 14 sổ tiết kiệm, gần 100 con dê và bò giống, 3 nghìn cây giống; đỡ đầu gần 160 cháu học sinh; khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho trên 1.500 lượt người, tham gia quỹ “Vì người nghèo”, quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”… với trị giá hàng chục tỷ đồng, góp phần xây dựng khu vực biên giới ngày càng phát triển.

Nâng cao năng lực lực lượng “mũi nhọn”

Theo Đại tá Phạm Tùng Lâm, để công tác tham mưu, phối hợp với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương triển khai, thực hiện có hiệu quả các chương trình, DA ở khu vực biên giới; chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi, thời gian qua, BĐBP tỉnh đã rất chú trọng công tác tăng cường cán bộ đồn biên phòng về các xã biên giới giữ chức danh phó bí thư đảng ủy xã phụ trách quốc phòng- an ninh, tham mưu phát triển KT-XH; phân công đảng viên đồn biên phòng phụ trách hộ gia đình, tham gia sinh hoạt chi bộ thôn, tổ dân phố ở khu vực biên giới.

Những phó bí thư đảng ủy xã, cán bộ tổ công tác địa bàn, đội vận động quần chúng, những chính trị viên, chính trị viên phó các đồn biên phòng, là lực lượng “mũi nhọn” sát cánh với người dân, “cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc”; sâu sát, thấu hiểu, nắm bắt những khó khăn, tâm tư, nguyện vọng của bà con, để từ đó đã có những tham mưu đúng, trúng, phù hợp mà khi triển khai thực hiện sẽ mang lại hiệu quả cao.

Đã từng có dịp theo chân Thượng tá Trần Văn Tuyển, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân; Thượng úy Phạm Thái Sơn, Đội trưởng Đội vận động quần chúng và những cán bộ tổ công tác địa bàn nhiều lần lặn lội về với các hộ dân khó khăn xã Hồng Vân, Hồng Thủy, Hồng Trung (địa bàn đơn vị quản lý); theo chân Trung tá Lê Văn Tuấn, Chính trị viên và Trung tá Nguyễn Hữu Trí, Chính trị viên phó, Đồn Biên phòng Hương Nguyên đến với người dân xã Hương Nguyên, A Roàng..., mới biết các anh phải để xe máy lại, xắn quần lội qua suối, vác gạo trên vai vượt qua chặng đường lầy là chuyện thường ngày; thuộc như lòng bàn tay ngọn nguồn hộ già yếu neo đơn này hay hộ ốm đau bệnh tật kia, nhà hư hỏng như thế nào, cần làm cách nào để giúp.

Ở những xã biên giới huyện miền núi A Lưới, bước chân của lực lượng phó bí thư đảng ủy xã mang quân hàm xanh, chính trị viên, chính trị viên phó, cán bộ đội vận động quần chúng, tổ công tác địa bàn..., sát cánh cùng đồng bào DTTS bất kể thời gian, không gian, hiểu những khó khăn, thuận lợi của các hộ, mỗi bản, thôn, mỗi xã...

Từ đề xuất, tham mưu của lực lượng “mũi nhọn”, ban chỉ huy đơn vị các đồn biên phòng tham mưu cho lãnh đạo chính quyền địa phương các cấp đồng thời phối hợp triển khai, thực hiện hiệu quả nhiều DA, chương trình, mô hình phát triển KT-XH thiết thực. Điển hình là đồng bào DTTS ở các xã biên giới huyện miền núi A Lưới đã thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, các mô hình chăn nuôi, trồng trọt. Nhiều đàn bò, nhiều vườn thanh long, cam, mít…, giá trị kinh tế cao ngày càng được mở rộng, phát triển.

Nâng cao hơn nữa năng lực lực lượng “mũi nhọn”, mới đây nhất, BĐBP tỉnh, do Đại tá Đặng Ngọc Hiệu, Phó Chính ủy, chủ trì phối hợp với Huyện ủy A Lưới và Ban Dân tộc tỉnh tổ chức đợt tập huấn để lực lượng chính trị viên, chính trị viên phó, đội trưởng đội vận động quần chúng và cán bộ tăng cường phát triển KT-XH, thuộc các đồn biên phòng tuyến biên giới đất liền, được bồi dưỡng, nâng cao năng lực, kỹ năng, nghiệp vụ hơn nữa; là “nền móng” quan trọng để tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.

Bài, ảnh: QUỲNH ANH
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

TIN MỚI

Return to top