ClockThứ Năm, 19/04/2018 06:15
XỬ LÝ NẠN ĂN XIN, CHÈO KÉO:

Quyết liệt, đồng bộ và nhân văn

TTH - Phối hợp ra quân xử lý các đối tượng chèo kéo, đeo bám du khách như ăn xin, hàng rong, xích lô “dù”, cò mồi…; giải quyết triệt để tình trạng mất trật tự tại các bến xe, điểm tham quan du lịch là những giải pháp được UBND tỉnh chỉ đạo thực thiện trước thềm Festival Huế 2018.

Xử lý mạnh tình trạng ăn xin, đeo bámVẫn là chuyện đeo bámXử lý dứt điểm tình trạng ăn xin, đeo bám du khách trước Festival Huế 2014Giải quyết từ gốcHướng đến trong lành môi trường du lịch

Những người chụp ảnh dạo tiếp cận, mời gọi chụp ảnh tại khu vực Đại nội làm du khách khó chịu

Dai dẳng

Tại chùa Thiên Mụ- điểm du lịch nổi tiếng của Huế- vẫn tồn tại thực trạng hàng rong và các dịch vụ chèo kéo du khách. Trên tuyến đường dẫn vào chùa còn nhiều đối tượng là phụ nữ, trẻ em chuyên bán hàng rong, chèo kéo du khách.

Chiều 16/4, có mặt tại khu vực chùa Thiên Mụ, chúng tôi chứng kiến cảnh một nhóm phụ nữ chừng 5-7 người tụ tập, khi thấy đoàn khách nước ngoài vừa bước ra từ cổng chùa thì ngay lập tức tiếp cận, mời chào khách xuống thuyền rồng. Những gánh hàng rong cũng đeo bám khách, từ bắp luộc, khoai sắn... “Biết các cô, các chị buôn bán rong chỉ vì miếng cơm manh áo, nhưng khi từ chối mua thì họ cứ đi theo năn nỉ cho bằng được làm chúng tôi không thoải mái”, chị Thanh Tâm – du khách đến từ Hà Nội chia sẻ.

Một chủ bãi giữ xe gần chùa cho hay: “Có khi khách vừa dừng xe chưa kịp đưa vào bãi để giữ thì đã có một hai phụ nữ bưng cả rổ hàng chạy đến mời chào, rất bất tiện”.

Người bán bắp bám, năn nỉ du khách mua hàng tại một điểm du lịch

Cảnh chèo kéo, đeo bám du khách mua hàng, chụp ảnh, đi xích lô cũng diễn ra ở khu vực bến xe du lịch Nguyễn Hoàng, các trục đường Đoàn Thị Điểm, 23 tháng 8- nơi du khách vào, ra tham quan Đại nội Huế.

Dù đã có nhiều giải pháp nhưng trên thực tế, vấn nạn ăn xin tại các điểm tham quan du lịch, nhất là khu vực du lịch tâm linh, chùa chiền xuất hiện từ lâu làm ảnh hưởng các điểm đến du lịch vẫn chưa được xử lý dứt điểm.   

Cần sự vào cuộc đồng bộ

Ông Nguyễn Thành Nam, Trưởng phòng Quản lý bảo vệ Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế chia sẻ, đơn vị này đã chỉ đạo lực lượng bảo vệ tại các điểm di tích tuyệt đối không cho đối tượng ăn xin, bán hàng rong, đeo bám du khách hoạt động. Tuy nhiên, vẫn tồn tại một số đối tượng hoạt động ở phía ngoài, vấn đề này cần sự phối hợp với chính quyền sở tại. Hiện đang phối hợp với Công an TP. Huế rà soát hơn 10 trường hợp lập biên bản xử lý và buộc cam kết không tái phạm.

Bà Phan Minh Nguyệt, Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội cho biết, từ đầu năm 2017 đến tháng 4/2018, Trung tâm Nuôi dưỡng và Cung cấp dịch vụ công tác xã hội (Trung tâm) của sở đã tiếp nhận 46 người lang thang trên toàn tỉnh. Trung tâm đã chuyển Trung tâm Bảo trợ xã hội 1 người, đưa vào nuôi dưỡng 12 người; giải quyết cho về địa phương 31 người... Các đối tượng lang thang ăn xin hầu hết không có giấy tờ tuỳ thân, tên tuổi, quê quán, khai báo không đúng sự thật... nên việc quản lý, xử lý hoà nhập rất phức tạp và gặp nhiều khó khăn.

“Một số đối tượng lang thang sau khi vào Trung tâm xác minh được nơi cư trú, Trung tâm đã gửi văn bản đề nghị gia đình và địa phương đến làm thủ tục bảo lãnh về gia đình ổn định cuộc sống nhưng gia đình không chịu đến”, bà Nguyệt nêu những bất cập, khó khăn trong công tác quản lý đối tượng ăn xin, lang thang.

Trong cuộc họp mới đây với các sở, ngành, địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dung nhấn mạnh, vấn nạn ăn xin, đeo bám, chèo kéo du khách được UBND tỉnh chỉ đạo các ngành và địa phương thực hiện từ lâu, tuy nhiên lâu nay vẫn chưa làm quyết liệt, chưa thường xuyên nên tình trạng này mới tái diễn, ảnh hưởng đến môi trường du lịch của tỉnh. Cần phải giải quyết dứt điểm trước thềm Festival Huế 2018 nhưng đảm bảo hài hòa và nhân văn.  

Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, các ngành chức năng cần tổng rà soát tất cả các điểm du lịch có hiện tượng ăn xin, đeo bám, chèo kéo du khách để có giải pháp ngăn ngừa, quản lý.

Đối với ăn xin tại các điểm du lịch, khu di tích, phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục nhận thức của người dân. Các đội kiểm tra liên ngành phải thường xuyên xua đuổi, thu gom, tùy từng đối tượng  để có giải pháp phù hợp. Nếu trong tỉnh thì mời trực tiếp lãnh đạo địa phương đến tiếp nhận và cam kết không để xảy ra tình trạng này nữa. Đối với các đối tượng ngoài tỉnh, mời các tỉnh đến nhận, hoặc trả về tận địa phương.

Bài, ảnh: Thái Bình- Đắc Đức

Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch:

Gọi đường dây nóng khi bị làm phiền

Thực tế, nạn đeo bám, chèo kéo du khách vẫn còn tồn tại ở khu vực bến xe du lịch, nơi du khách ra-vào các khu du lịch, di tích…Chúng tôi đã phối hợp với chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra, xử lý, chấn chỉnh, nhưng vì mưu sinh nên vẫn có một bộ phận làm nghề này, ảnh hưởng đến môi trường du lịch,

Trước mắt, khi bị các đối tượng làm phiền, du khách hãy gọi đến đường dây nóng của ngành du lịch gồm 0234.3828288, 0234.3501111 và chúng tôi sẽ có người trực tiếp xử lý.

Về lâu dài, UBND TP. Huế cần nghiên cứu, tổ chức khu vực, có quầy để nhóm đối tượng này bán, ai tái phạm sẽ không cho hoạt động. Sở sẽ phối hợp để tập huấn kỹ năng bán hàng rong cũng như trang bị thêm vốn tiếng Anh cho họ mưu sinh.   

Đại tá Đặng Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Công an tỉnh:

Phối hợp đảm bảo an ninh trật tự tại điểm du lịch

Để đảm bảo ANTT trên lĩnh vực du lịch, thời gian qua, chúng tôi tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp du lịch, khu du lịch thực hiện quy chế phối hợp đảm bảo ANTT, đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ  quốc, góp phần ổn định môi trường du lịch.

Dịp Festival Huế 2018, Công an tỉnh chỉ đạo công an giao thông, công an trật tự và công an phường phối hợp với các đơn vị khác chấn chỉnh tối đa nạn đeo bám, chèo kéo  khách du lịch mua quà, xin tiền, hay lợi dụng trà trộn để móc túi hoặc tranh giành khách thiếu văn hóa của xe tour, xe taxi… Đồng thời, tăng cường tuyên truyền phương thức, thủ đoạn của tội phạm để nâng cao ý thức tự quản, tự phòng, tự bảo vệ trong Nhân dân và du khách tham gia các hoạt động du lịch.

Thái Sơn (ghi)

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quy định mới về trình tự xử lý "phạt nguội" vi phạm giao thông

Quy định mới về trình tự xử lý "phạt nguội" phương tiện vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ được quy định trong Thông tư số 73/2024/TT-BCA, ngày 15/11/2024, quy định công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông (sau đây gọi tắt là Thông tư 73/2024/TT-BCA).

Quy định mới về trình tự xử lý phạt nguội vi phạm giao thông
Tập trung xử lý các “điểm nóng” về trật tự đô thị

Để đảm bảo trật tự đô thị - an toàn giao thông (TTĐT - ATGT) tại các địa điểm tham quan du lịch và các “điểm nóng” trên địa bàn thành phố, Đội Quản lý đô thị (QLĐT) TP. Huế huy động nhân lực triển khai nhiều giải pháp, góp phần ổn định trật tự đô thị và tạo sự đồng thuận trong quần chúng nhân dân.

Tập trung xử lý các “điểm nóng” về trật tự đô thị

TIN MỚI

Return to top