ClockThứ Sáu, 15/01/2021 15:39

“Nói có sách…”

TTH - Một số nhân vật lịch sử liên quan đến Huế cũng bị xuyên tạc dẫn đến hiểu sai trong thời gian dài, điển hình là Bắc cung hoàng hậu Lê Ngọc Hân.

Sự thật thì Chùa Thiên Mụ đã được Dương Văn An nhắc đến trong “Ô Châu cận lục” nhuận sắc vào năm 1555. Ảnh: travel.com.vn

Trước ngày khởi công xây dựng hồ Tả Trạch, nhiều ý kiến tranh luận về tên gọi Tả Trạch hay Hữu Trạch là đúng. Ít lâu sau, tình cờ lật giở cuốn “Ca dao xứ Huế-bình giải” của Ưng Luận (xuất bản năm 2000) vừa mua được từ quầy sách cũ, tôi ngạc nhiên đến thích thú khi cụ cho biết Triều đình Huế quy định tính sông Hương từ dưới lên. Hèn chi từ năm 1956 đến 1967, Huế có hai quận Tả Ngạn ở bờ Nam và Hữu Ngạn ở bờ Bắc.

Do không chú tâm nên tôi không nhớ rõ nó nằm ở trang nào, đoạn nào; nay, cần tìm tài liệu, lục lại cuốn sách này, dù tìm chưa ra nhưng lại thấy cụ giải bình câu ca:

“Gió đưa cành trúc la đà

Tiếng chuông Thiên Mụ canh gà Thọ Xương”

Và cho rằng, chùa Thiên Mụ “do chúa Nguyễn Hoàng lập từ năm 1601. Trước đó nơi đây chỉ là một cái gò có địa thế xinh đẹp” (sđd, trang 24).

Ngộ nhận về lịch sử ngôi chùa Thiên Mụ khá phổ biến như Bửu Kế trong “Nguyễn Triều cố sự-Huyền thoại về danh lam xứ Huế” (NXB Đà Nẵng 2004) cũng viết: “Thiên Mụ xây vào năm 1601 dưới thời chúa Nguyễn Hoàng” (trang 96).

Vừa qua, dự họp chi bộ tổ dân phố, nơi tôi tạm trú tại hội trường Trường tiểu học Quang Trung (Phú Nhuận, TP. Huế) để tổng kết năm, tôi thấy sáu tấm panô quảng bá di tích Huế, như lăng Khải Định, Phu Văn Lâu, cầu Trường Tiền…; phần giới thiệu chùa Thiên Mụ, nguyên văn như sau: “Chùa Thiên Mụ hay còn gọi là chùa Linh Mụ là một ngôi chùa cổ nằm trên đồi Hà Khê, tả ngạn sông Hương, cách trung tâm thành phố Huế (Việt Nam) khoảng 5km về phía Tây. Chùa Thiên Mụ chính thức khởi lập năm Tân Sửu (1601) đời chúa Tiên Nguyễn Hoàng-vị chúa Nguyễn đầu tiên ở Đàng Trong”. Đọc xong, tôi rất ngỡ ngàng vì đối tượng tiếp nhận thông tin là các cháu học sinh tiểu học ở ngay tại đất Cố đô!

Sự thật thì chùa Thiên Mụ đã được Dương Văn An nhắc đến trong “Ô Châu cận lục” nhuận sắc vào năm 1555: “Chùa Thiên Mụ: Chùa ở phía Nam làng Hà Khê, huyện Kim Trà nương đỉnh núi, dưới gối dòng sông. Tấc gang gần gũi ven trời, vượt thoát cõi trần tân thế ba ngàn. Khách tản bộ lên thăm, bất giác thiện tâm phát khởi, lòng tục tiêu trừ, thật là một cảnh trí thần tiên vậy” (bản dịch của Trần Đại Vinh, Hoàng Văn Phúc, NXB Thuận Hóa 2001). Dịch giả Trần Đại Vinh nhiều lần nhắc nhở vì sai sót nói trên và không chỉ riêng ông, những người thận trọng khi viết về chùa Thiên Mụ, tuy vẫn nhắc đến các giai thoại song đều nhắc đến “Ô Châu cận lục” như nhà báo Thanh Tùng trong “Thăm chùa Huế” (Hội văn nghệ TP. Huế xuất bản năm 1989), nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa Huế Phan Thuận An trong “Kiến trúc Cố đô Huế” (NXB Thuận Hóa 1997)…

Một số nhân vật lịch sử liên quan đến Huế cũng bị xuyên tạc dẫn đến hiểu sai trong thời gian dài, điển hình là Bắc cung hoàng hậu Lê Ngọc Hân. Tạp chí B.A.V.H, số ra tháng 10-12/1941, đăng tải bài viết “Những oái ăm của ông Tơ bà Nguyệt hay là số phận lạ lùng của công chúa Ngọc Hân” của ông Phạm Việt Thường, dựng lên chuyện công chúa Ngọc Hân làm vợ vua Quang Trung và vua Gia Long, có hai con với vua Gia Long (thực tế là công chúa Lê Ngọc Bình, vợ vua Cảnh Thịnh - tức Nguyễn Quang Toản, triều Tây Sơn). Được một tạp chí uy tín, sử dụng nên bài viết khiến nhiều người tin và trích dẫn.

Cũng viết về số phận công chúa Lê Ngọc Hân, Nguyễn Viết Kế trong “Kể chuyện các đời vua nhà Nguyễn” (NXB Đà Nẵng, 1994) quả quyết: “Riêng mẹ con bà công chúa Lê Ngọc Hân (vợ vua Quang Trung) thì đã nhanh chân chạy trốn vào Quảng Ngãi sau khi Phú Xuân bị Gia Long tái chiếm. Nhưng tay chân của Gia Long đã bắt được bà và hai con. Bắc cung hoàng hậu Lê Ngọc Hân đã phải tự tử chết, hai người con thì bị thắt cổ” (trang 9-10). Rất may, nhà văn Nguyễn Đắc Xuân cho ra mắt bạn đọc cuốn “Bắc cung hoàng hậu Lê Ngọc Hân thời ở Huế” (NXB Thuận Hóa 2014) kịp thời phản bác. Qua các nguồn sử liệu đáng tin cậy, đã được kiểm chứng, Nguyễn Đắc Xuân làm rõ bà mất năm 1799, trước khi Gia Long tái chiếm Phú Xuân 2 năm (1801), có hai con với vua Quang Trung là hoàng tử Quang Đức và công chúa Ngọc Bảo. Hai người con có lẽ cùng chung số phận với những người trong gia đình vua Quang Trung như “Đại Nam thực lục chính biên”- bộ sử biên niên của Triều Nguyễn-chép lại là “bị lăng trì cắt nát thây” vào tháng 11 năm Tân Dậu (1801)!

“Vậy hãy trả cho Sê-sa vật gì của Sê-sa” (dẫn theo An Chi- “Chuyện Đông chuyện Tây” – tập 1, NXB TP. Hồ Chí Minh, 2018, trang 350). Với tinh thần đó, chúng tôi mong muốn mọi người có trách nhiệm hơn với mảnh đất mình đang sống khi nói và viết, người biết nói với người chưa biết, đừng để ngộ nhận, sơ suất kèo dài. Nếu người dân Huế nói đúng, viết đúng về lịch sử địa phương thì sách báo và người dân trong nước, ngoài nước không thể viết sai, hiểu sai được.

Hà Xuân Huỳnh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tìm hiểu truyền thống văn hóa lịch sử:
Cách làm hay ở Kim Long

Đảng ủy phường Kim Long (TP. Huế) đã tổ chức cuộc thi trực tuyến tìm hiểu truyền thống văn hóa lịch sử cách mạng địa phương. Đây là hình thức truyền thông giáo dục sinh động, không chỉ giúp lan tỏa giá trị lịch sử mà còn góp phần nâng cao nhận thức trong các tầng lớp Nhân dân…

Cách làm hay ở Kim Long

TIN MỚI

Return to top