ClockThứ Tư, 10/06/2020 14:15

Ứng dụng công nghệ thông tin trong bảo hiểm y tế

TTH - Tính đến tháng 1/2020, Thừa Thiên Huế có 1.127.076 người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), đạt tỷ lệ bao phủ trên 99% so với tổng dân số. Ứng dụng công nghệ thông tin trong BHYT đã và đang mang lại nhiều chuyển biến mang tính đột phá

Gỡ vướng mắc trong ứng dụng công nghệ thông tin khám chữa bệnh bảo hiểm y tế

Người dân đến giao dịch tại BHXH

Nhanh chóng và tiện ích

Mới đây trên mạng xã hội, một chủ một tài khoản facebook kể rằng, một hôm tìm mãi vẫn không thấy thẻ BHYT nên ông đã đến cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) xin cấp lại thẻ phòng khi đau ốm. Trước kia, ông cũng từng đến đó để xin cấp lại thẻ BHYT nhưng phải mất vài ngày sau mới nhận được thẻ mới. Rút kinh nghiệm, ông đến cơ quan BHXH khá sớm và đã nhận được thẻ BHYT mới chỉ trong vòng... 3 phút.

Cùng với toàn ngành, thời gian qua, BHXH tỉnh cơ bản hoàn thiện cơ sở dữ liệu hộ gia đình tham gia BHYT; xây dựng và đưa vào sử dụng hệ thống cấp mã số định danh quản lý người tham gia BHXH, BHYT, hệ thống giao dịch BHXH điện tử để cung cấp nhiều dịch vụ công trực tuyến và các phần mềm trong các lĩnh vực nghiệp vụ khác nhằm thúc đẩy tiến trình hiện đại hóa công tác quản lý, xử lý công việc, thống kê, báo cáo chuẩn xác, tiết kiệm thời gian, chi phí, tạo thuận lợi tối đa cho tổ chức, cá nhân tham gia. Việc giải quyết thủ tục cấp lại thẻ BHYT nhanh chóng và được người dân ghi nhận.

Công tác cấp sổ BHXH, thẻ BHYT cũng được BHXH tỉnh thực hiện kịp thời và đúng quy trình; dữ liệu được quản lý chặt chẽ, thường xuyên rà soát cẩn thận để hạn chế tối đa sai sót khi in sổ, thẻ. Đặc biệt, đã rà soát, trả trên 146 nghìn sổ cho người lao động, cơ bản hoàn thành việc trả sổ BHXH cho người tham gia BHXH theo quy định của luật. Cập nhật toàn bộ dữ liệu thu, cấp sổ BHXH trên hệ thống dữ liệu chung của ngành. Đây là một bước tiến quan trọng nhằm làm thay đổi căn bản phương thức quản lý từ thủ công sang quản lý dữ liệu người tham gia BHXH, BHTN.

BHXH cũng đã phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế trong công tác khám chữa bệnh BHYT và tăng cường các giải pháp quản lý, sử dụng quỹ khám chữa bệnh BHYT; chủ động, sáng tạo thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong công tác giám định BHYT; đặc biệt, đưa vào vận hành hệ thống thông tin giám định BHYT, nhằm phát hiện kịp thời những gia tăng chi phí KCB BHYT bất thường, kiên quyết xuất toán các khoản chi phí không hợp lý, trái quy định để ngăn ngừa trục lợi.

Giao dịch điện tử

Tham gia BHYT nhiều năm, ông Nguyễn Văn Mạnh trú tại thị trấn Sịa (Quảng Điền), chia sẻ: “Thẻ BHYT làm bằng giấy nên dễ bị rách hỏng, nhất là khi đi khám, chữa bệnh nhiều lần. Nhiều khi thẻ BHYT bị mờ mã vạch nên tôi phải làm thủ tục khám, chữa bệnh mất nhiều thời gian do cần thêm các giấy tờ khác để đối chứng”.

Mặc dù có mã vạch nhưng thẻ BHYT hiện chưa có ảnh, dữ liệu chưa quét ảnh của người có thẻ. Bà Cao Thị Thanh Hồng, Phó Giám đốc BHXH huyện Quảng Điền, cho hay: Bệnh nhân phải trình giấy tờ tùy thân có ảnh hợp lệ gây bất tiện, nhất là nhiều trường hợp thông tin nhân thân không thống nhất giữa thẻ BHYT và giấy tờ tùy thân. Tình trạng bệnh nhân quên đem theo thẻ BHYT, chứng minh nhân dân nên phải quay về lấy thường xuyên xảy ra.

Đối với cơ sở khám chữa bệnh, chuyển đổi sang sử dụng thẻ điện tử để xác thực người sử dụng thẻ tại khâu tiếp đón bệnh nhân sẽ giảm thời gian kiểm tra thủ tục, bảo đảm nhanh gọn, chính xác do thông tin lưu giữ trong thẻ điện tử. Quan trọng hơn, toàn bộ bệnh tật đều được lưu trữ trên thẻ, thuận lợi cho bác sĩ  theo dõi và điều trị bệnh. Các cơ sở y tế tránh việc sử dụng các dịch vụ cận lâm sàng, với tần suất có thể gây ra những tác dụng phụ ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh, hay việc cấp các loại thuốc điều trị phù hợp, tránh tình trạng kháng thuốc do sử dụng không hợp lý.

Việc cấp thẻ BHYT điện tử sẽ giải quyết tình trạng lạm dụng quỹ khi đi khám nhiều lần. Bệnh nhân chỉ thực hiện xác thực nhân thân bằng thông tin sinh trắc học như vân tay, khuôn mặt... giúp thuận tiện và giảm phiền hà. Sử dụng thẻ BHYT điện tử sẽ cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục như đổi thẻ do sai, lệch thông tin, thay đổi nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu, điều chỉnh quyền lợi…

Một vài suy nghĩ

Quá trình cấp mới mã số BHXH cũng gặp một số khó khăn. Ông Nguyễn Đăng Hải Thiên, Phó Giám đốc BHXH huyện Phú Vang, cho biết: Trước đây, khi đồng bộ mã số, có rất nhiều trường hợp chung hồ sơ cá nhân. Tuy nhiên, sau khi hủy đồng bộ thì phần mềm không trả lại số chứng minh nhân dân trước đó, mà ghi nhận trùng số chứng minh nhân dân… Thế nên, BHXH huyện đang tiến hành rà soát danh sách người dân có thẻ BHYT thông qua các cơ sở khám chữa bệnh cấp xã.

Để triển khai ứng dụng thẻ bảo hiểm điện tử thành công, cần có nhiều giải pháp và sự đầu tư về hạ tầng công nghệ thông tin, trang thiết bị để liên thông dữ liệu thẻ BHYT giữa các ngành. Cơ sở hạ tầng của các cơ sở khám chữa bệnh phải có đủ trang thiết bị ứng dụng công nghệ thông tin đồng bộ để người dân áp dụng thẻ BHYT ở mọi lúc, mọi nơi. Người có thẻ tự quản lý được việc khám bệnh, tránh tình trạng thẻ BHYT giả hoặc bị người khác lấy trộm mã thẻ của mình để KCB. Việc chuyển đổi sang thẻ BHYT điện tử trong tương lai sẽ mang lại lợi ích lớn cho tất cả các bên liên quan như người tham gia BHYT, cơ sở khám chữa bệnh và cơ quan BHXH.

Bài, ảnh: Huế Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

THÔNG TIN DOANH NGHIỆP:
Martech Đà Nẵng 2025: Sức mạnh kết nối, vượt tầm công nghệ

Giải bóng Martech Cup 3 miền và sự kiện Martech Đà Nẵng 2025 không chỉ là một cơ hội để các đội bóng giao lưu, tranh tài mà còn là nơi các chuyên gia, doanh nhân, marketer và các tổ chức khám phá và cập nhật những công nghệ, chiến lược mới nhất trong lĩnh vực marketing và công nghệ.

Martech Đà Nẵng 2025 Sức mạnh kết nối, vượt tầm công nghệ
Còn sức, còn lao động

250 triệu đồng lãi ròng mỗi năm từ trồng lúa và nấm rơm, là thành quả từ tình yêu lao động và sự chăm chỉ mà vợ chồng ông Lê Duy Quát và bà Nguyễn Thị Vui (Phú Lương, Phú Vang) “gặt hái” bao năm qua.

Còn sức, còn lao động

TIN MỚI

Return to top