ClockThứ Ba, 21/02/2023 16:42

Y tế cơ sở, y tế dự phòng - cánh tay nối dài trong phòng, chống dịch bệnh

TTH.VN - Đoàn Giám sát tối cao của Quốc hội đề nghị tỉnh làm rõ nhiều vấn đề như, cơ chế thanh toán kinh phí để mua test kít; chính sách đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế,… đặc biệt, những kiến nghị của tỉnh cần cụ thể hơn để đoàn giám sát có cơ sở tổng hợp, báo cáo Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành.

Giám sát, gỡ khó cho tuyến y tế cơ sởChuyển giao kỹ thuật mới và hỗ trợ đào tạo nhân lực ngành y cho Hà TĩnhViên chức y tế dự phòng, y tế cơ sở được tăng phụ cấp ưu đãiRà soát chế độ phụ cấp đối với cán bộ y tế dự phòng, y tế cơ sở trong lực lượng vũ trang

Quang cảnh buổi làm việc

Sáng 21/2, UVTW Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Dương Thanh Bình dẫn đầu đoàn giám sát làm việc với UBND tỉnh về “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”. Làm việc với đoàn về phía tỉnh có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương; lãnh đạo HĐND tỉnh, UBND tỉnh, UBMTTQ Việt Nam tỉnh, các vị ĐBQH.

Nhiều nỗ lực trong phòng, chống dịch COVID-19

Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho biết, trong công tác phòng, chống COVID-19, ngân sách nhà nước các cấp cơ bản đảm bảo nguồn kinh phí, tập trung ưu tiên nguồn lực cho công tác khoanh vùng, xét nghiệm tầm soát diện rộng, chi cho công tác điều trị; thường xuyên rà soát điều chỉnh các khoản chi chưa thực sự cần thiết để tăng thêm nguồn lực phòng chống dịch.

Theo đó, kết quả thực hiện chi ngân sách nhà nước cho phòng, chống dịch COVID-19 và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 giai đoạn 2020-2022 trên địa bàn tỉnh là 836.715 triệu đồng. Đến nay, toàn tỉnh đã triển khai 45 đợt tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 và đã thực hiện tiêm 2.946.291 liều vắc xin phòng COVID-19 cho người từ 5 tuổi trở lên. Tổng số kinh phí mua test kít tại Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh gần 30 tỷ đồng.

Trong giai đoạn phòng, chống dịch COVID-19 đã có 3 cuộc thanh tra liên quan đến việc huy động, phân bổ, quản lý, sử dụng nguồn lực phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh. Qua các cuộc thanh tra của UBND tỉnh và Thanh tra tỉnh đã chỉ ra những hạn chế, thiếu sót trong công tác chỉ đạo, quản lý điều hành và tổ chức thực hiện của Sở Y tế và các đơn vị trực thuộc.

“Dịch bệnh kéo dài đã ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách các cấp; nhu cầu kinh phí phòng chống dịch khá lớn, trong khi ngân sách còn hạn chế đã ảnh hưởng đến việc thực hiện công tác phòng chống dịch; phân cấp một số nhiệm vụ, nội dung chi phòng chống dịch giữa các cấp ngân sách chưa rõ ràng, dẫn đến khó khăn trong quá trình thực hiện”, ông Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.

UVTW Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Dương Thanh Bình nêu vấn đề tại buổi làm việc

Các thành viên đoàn giám sát cho rằng, những khó khăn của tỉnh cũng là khó khăn chung của các tỉnh, thành trong cả nước. Phó Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Trường Giang đề nghị tỉnh làm rõ thêm về cơ chế thanh toán khi mua test kít và các kết luận thanh tra. Một thành viên khác trong đoàn cũng yêu cầu tỉnh cụ thể hóa con số dự phòng ngân sách phục vụ công tác chống dịch; công tác vận động, huy động nguồn lực qua kênh UBMTTQ Việt Nam như thế nào và mục đích sử dụng ra sao…

Sau khi làm rõ những thắc mắc của đoàn công tác, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cho biết, dù chịu ảnh hưởng các đợt dịch nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh cũng có nhiều dấu ấn. Công tác quản lý các nguồn lực cũng chặt chẽ. “Về kinh phí mua test kít chúng tôi sẽ không sử dụng ngân sách nhà nước. Số tiền còn lại nằm trong khả năng huy động của tỉnh”, ông Nguyễn Văn Phương nói.

Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Dương Thanh Bình đánh giá cao công tác phòng chống dịch COVID-19 của tỉnh. Tỉnh đã thực hiện tốt các chỉ đạo, chính sách từ Trung ương và có giải pháp thích ứng linh hoạt trong điều kiện khó khăn. “Tỉnh đã huy động tối đa về nhân lực, vật lực và sử dụng nguồn lực khá tốt. Tuy nhiên, còn một số vướng mắc, trong đó cũng có trách nhiệm phía Trung ương, đặc biệt là hướng dẫn chi nguồn lực và kế hoạch tiêm vắc xin”, ông Dương Thanh Bình nhận định.

Phương thức hoạt động của mạng lưới y tế cơ sở cần hiệu quả hơn

Đổi mới phương thức hoạt động

Thông tin với đoàn công tác, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh về mô hình trung tâm y tế huyện đa chức năng, quản lý trạm y tế và nhân viên y tế thôn bản là mô hình có hiệu quả, thống nhất điều hành từ Sở Y tế đến thôn bản. Dù vậy, do quản lý ngành dọc, nhưng kinh phí do Sở Y tế đầu tư cho tuyến cơ sở có hạn, nên vẫn còn khó khăn trong đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị cho tuyến cơ sở.

Hiện nay, mạng lưới y tế cơ sở tỉnh có 9 trung tâm y tế huyện/thị xã/thành phố; 141 trạm y tế xã/phường/thị trấn. Tỷ lệ trạm y tế có bác sĩ làm việc đạt 90,8%. Nhân lực y tế tại cơ sở trên địa bàn tỉnh hiện có 2.319 người. Tiếp tục duy trì mạng lưới y tế cơ sở rộng khắp trong cả tỉnh, 100% các xã, phường, thị trấn có cơ sở trạm y tế xã. Số nhân viên y tế được bố trí làm công tác dự phòng là 1.345 người, trong đó bác sĩ là 313 người. Trong 3 năm qua, số viên chức cử đi đào tạo sau đại học chuyên môn y về công tác y tế dự phòng đạt kết quả khá cao 34/130, đạt tỉ lệ 26,15%.

Hiện nay, dịch bệnh COVID-19 đã ổn định và đang được kiểm soát tốt trên địa bàn toàn tỉnh, song vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát dịch trở lại. Do đó, công tác đào tạo nguồn nhân lực làm công tác y tế dự phòng vẫn tiếp tục thực hiện nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương giải đáp thắc mắc của đoàn giám sát

Ông Nguyễn Thanh Bình cũng thừa nhận khó khăn tuyển dụng bác sĩ theo vị trí việc làm hoặc bổ sung, thay thế số bác sĩ nghỉ hưu, thôi việc, chuyển công tác tại các đơn vị.

Các thành viên đoàn giám sát nêu quan điểm, mô hình y tế cơ sở phải gắn công tác khám chữa bệnh, đồng thời, cần làm rõ với nhân sự hiện nay, việc phân công, điều hành hoạt động có phù hợp với tình hình địa phương hay chưa; chất lượng y tế tuyến huyện ra sao và chính sách cho y tế cơ sở, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có những khó khăn gì; các phòng khám tư nhân tác động ra sao đối với các trạm y tế… Ông Dương Thanh Bình cho rằng, cần nhận diện lại khái niệm y tế dự phòng, y tế cơ sở. Hiện nay, Trung ương vẫn chưa thống nhất mô hình phù hợp, và thực trạng này đang tồn tại trong cả nước. Vì vậy, vấn đề đặt ra là cần nhìn nhận lại về mặt chủ trương, quyết sách cho phù hợp để có tính thống nhất.

Thay mặt lãnh đạo tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương ghi nhận, tiếp thu các ý kiến của đoàn công tác. Đối với những ý kiến chuyên sâu, tỉnh sẽ có trả lời bằng văn bản.

Bài, ảnh: LÊ THỌ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chiến lược toàn cầu chống lại virus lây truyền qua đường thực phẩm

Kết quả của báo cáo mới được thực hiện dưới sự hợp tác của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xác định những thách thức cấp bách nhất thế giới trong việc giải quyết các bệnh do virus lây truyền qua đường thực phẩm.

Chiến lược toàn cầu chống lại virus lây truyền qua đường thực phẩm
Phát huy hiệu quả giám sát của cơ quan dân cử

Quá trình tổ chức thực hiện Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân (HĐND) đã phát sinh nhiều hạn chế, khó khăn. Yêu cầu đặt ra là cần kịp thời sửa đổi, bổ sung hoàn thiện Luật nhằm phát huy hơn nữa hiệu quả giám sát của các cơ quan dân cử.

Phát huy hiệu quả giám sát của cơ quan dân cử

TIN MỚI

Return to top