ClockThứ Bảy, 11/09/2021 18:47

Chậm cập nhật chứng nhận tiêm vắc xin qua app, vì sao?

TTH.VN - Thay vì cấp giấy chứng nhận tiêm chủng sau khi tiêm vắc xin COVID-19, thời gian gần đây, người dân đến các cơ sở y tế để tiêm chủng được hướng dẫn tải ứng dụng “Sổ sức khoẻ điện tử” về điện thoại để nắm được thông tin chứng nhận cũng như các thông tin liên quan của bản thân trước, sau cũng như lịch hẹn tiêm chủng.

Thừa Thiên Huế thực hiện 84,92% mũi tiêm vắc xin COVID-19Mọi vaccine ngừa COVID-19 đều chống biến chứng nặng tốt như nhauNhững triệu chứng mắc COVID-19 với người đã tiêm vaccine đầy đủChống giặc Covid-19: “Sức khỏe người dân là trên hết”

App Sổ sức khoẻ điện tử cập nhật các thông tin tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19

“Sổ sức khoẻ điện tử” là nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19 do Viettel phát triển để hỗ trợ ngành y tế trong thời gian qua và được đánh giá khá thuận tiện, tiết kiệm được thời gian. Người dùng điện thoại thông minh có thể nhanh chóng tải về qua hai hệ điều hành Android và iOS.

Chứng nhận thông qua app 

Tại nhiều trung tâm y tế, sau khi được khám sàng lọc và tiêm chủng, trong quá trình chờ theo dõi, nhiều người được cán bộ y tế hướng dẫn tải ứng dụng “Sổ sức khoẻ điện tử”. 

Ngay khi vừa tiêm xong mũi tiêm vắc xin COVID-19 đầu tiên tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh, anh Nguyễn H. H. (51 tuổi, TP. Huế) đinh ninh sẽ được cán bộ cấp giấy chứng nhận trước khi ra về như nhiều người trước đó.

Anh H. được cán bộ y tế hướng dẫn tận tình về cách tải app “Sổ sức khoẻ điện tử” và cho biết, các thông tin hiển thị trên này không chỉ đầy đủ mà còn thay cho giấy chứng nhận. Chỉ mất chừng một phút với vài thao tác, anh H. có thể theo dõi các thông tin tiêm chủng của mình hiển thị trên đó. Một vài ngày sau, thông tin xác nhận đã tiêm chủng xuất hiện.

“Thay vì kè kè tờ giấy chứng nhận trên tay, thì nay chỉ cần đưa điện thoại ra là có thể chứng minh được mình đã tiêm, loại vắc xin nào, thời gian tiêm rất cụ thể”, anh H. nói.

Cứ thế, sau anh H. rất nhiều người khác đến tiêm được các nhân viên y tế hướng dẫn tải app và điền thông tin theo dõi việc tiêm chủng. “Sổ sức khoẻ điện tử” còn tích hợp các tính năng như khai báo y tế, phản ứng sau tiêm vắc xin ngừa COVID-19, mã số sức khỏe, hồ sơ sức khỏe…

Chứng nhận điện tử sẽ hiển thị thông tin cá nhân cùng số mũi đã tiêm, và một mã QR để dễ dàng quét tại các điểm, dịch vụ cần sử dụng. Người đã tiêm 1 mũi vắc xin sẽ có chứng nhận màu vàng, người tiêm đủ 2 mũi sẽ có chứng nhận màu xanh.

Sao tiêm rồi vẫn chưa xác nhận?

Tuy nhiên, theo phản ánh từ nhiều người, dù đã tiêm vắc xin xong từ khá lâu và đã tải app “Sức khoẻ điện tử” về, cập nhật thông tin đầy đủ nhưng… khi truy cập vẫn không thấy chứng nhận đã tiêm, hệ thống hiển thị “chưa tiêm vắc xin”.

Anh H. T. (TP. Huế) cho biết dù đã tiêm vắc xin hơn nửa tháng, tải app cập nhật đầy đủ, thế nhưng ngày nào truy cập để theo dõi vẫn không thấy chứng nhận. “Ban đầu tưởng mình nhập thông tin sai tôi dò đi dò lại rất kỹ, không thấy sai chỗ nào. Tôi gọi lên trung tâm y tế mình tiêm chủng để hỏi thì được hứa sẽ kiểm tra, cập nhật”, anh T. kể lại. Cũng băn khoăn về việc này, ngày 8/9 có người đã gửi câu hỏi lên cổng dịch vụ công của tỉnh: “Tôi tiêm phòng mũi 1 ngày 16/6/2021, mũi 2 ngày 20/8/2021 nhưng đến nay app chưa cập nhật mũi nào”.

Người đã tiêm 1 mũi vắc xin sẽ có chứng nhận màu vàng, người tiêm đủ 2 mũi sẽ có chứng nhận màu xanh

Liên quan đến vấn đề này, bác sĩ Hoàng Văn Đức – Giám đốc CDC tỉnh cho biết, thời gian trước, sau khi tiêm xong vắc xin phòng ngừa COVID-19 – người được tiêm sẽ được cấp một giấy chứng nhận tiêm chủng bằng giấy với đầy đủ các thông tin liên quan. Thời gian sau này, việc chứng nhận này được áp dụng trên nền tảng công nghệ, trong đó có app “Sổ sức khoẻ điện tử”.

Theo ông Đức, việc tiêm chủng diễn ra rất nhanh, nhưng ngược lại việc cập nhật lên “Sổ sức khoẻ điện tử” sẽ mất một thời gian nhất định. Bởi ngay sau khi tiêm, bộ phận nhập dữ liệu sẽ đưa dữ liệu lên cổng tiêm chủng quốc gia và chờ được xác thực.

Tuy nhiên, có nhiều tình huống phát sinh liên quan đến người được tiêm như khai thông tin không đầy đủ, chính xác. Chỉ cần sau một con số trong ngày, tháng, năm sinh hay số chứng minh nhân dân, dấu trên họ tên… thì hệ thống cổng tiêm chủng quốc gia sẽ không xác nhận. Bên cạnh đó, trong quá trình xử lý, nhập số liệu cũng có xảy ra sai sót nên việc cập nhật có chậm hơn.

“Chúng tôi có nhận được thông tin phản ánh về việc chưa được cập nhật xác nhận thông tin tiêm chủng, nhưng không nhiều. Liên quan đến vấn đề này, chúng tôi đề nghị người được tiêm kiểm tra, bổ sung lại thông tin ngay trên app sao cho đầy đủ và chính xác. Nếu sau đó vẫn chưa thấy xác nhận xin liên hệ với cơ sở tiêm chủng để được hỗ trợ”, ông Đức khẳng định.

Ông Đức cũng đề nghị người được tiêm phải cẩn trọng trong khai báo thông tin, khai báo chi tiết, tuyệt đối không để ra sai sót, như vậy quá trình cập nhật sẽ nhanh chóng. Ngoài ra, ông cũng đề nghị đội ngũ nhập dữ liệu phải tuyệt đối cẩn thận, hạn chế những sai sót.

Với những người không sử dụng được điện thoại, hoặc người lớn tuổi không thể cập nhật app… ông Đức cho hay, sẽ cấp giấy chứng nhận bằng giấy. Các tổ chức, cá nhân nếu có yêu cầu cấp giấy chứng nhận bằng giấy cũng sẽ được đáp ứng.

Bài, ảnh: Nhật Minh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Còn sức, còn lao động

250 triệu đồng lãi ròng mỗi năm từ trồng lúa và nấm rơm, là thành quả từ tình yêu lao động và sự chăm chỉ mà vợ chồng ông Lê Duy Quát và bà Nguyễn Thị Vui (Phú Lương, Phú Vang) “gặt hái” bao năm qua.

Còn sức, còn lao động
"Chạy nước rút" cập nhật thông tin sinh trắc học

Để đảm bảo các giao dịch ngân hàng thông suốt từ 1/1/2025, người dân và các ngân hàng thương mại đang "chạy nước rút" để cập nhật thông tin sinh trắc học và dữ liệu căn cước công dân gắn chíp.

Chạy nước rút cập nhật thông tin sinh trắc học

TIN MỚI

Return to top