 |
Khám, chữa bệnh ở một trạm y tế huyện Phú Lộc. Ảnh: L. Tuệ |
Tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ và Ban Thường vụ Đảng ủy Chính phủ với Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Y tế về các dự thảo đề án quan trọng chuẩn bị trình Bộ Chính trị ngày 25/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có những chỉ đạo rất cụ thể và quyết liệt liên quan đến đề án xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về chăm sóc sức khỏe, dân số và phát triển.
Thủ tướng yêu cầu đề án phải bổ sung nội hàm về chăm sóc, bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân với các mục tiêu cụ thể. Ví như mỗi người dân được khám, chữa bệnh bao nhiêu lần trong một năm; kế hoạch phòng ngừa, điều trị các bệnh nan y, bệnh nhiệt đới... Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu ngay trong năm nay, ngành y tế phải đưa thêm 1.000 bác sĩ về cơ sở. Đây là một quyết tâm, động thái mạnh của người đứng đầu Chính phủ nhằm thu hẹp khoảng cách chất lượng khám, chữa bệnh giữa các vùng miền, thể hiện tinh thần không để ai bị bỏ lại phía sau trong tiếp cận dịch vụ y tế.
Việc tăng cường đội ngũ bác sĩ giỏi về cơ sở sẽ giúp người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo… có cơ hội tiếp cận dịch vụ khám, chữa bệnh chất lượng hơn. Thay vì phải tốn kém đi lại, vượt tuyến lên bệnh viện tỉnh, trung ương, họ có thể được điều trị ngay tại địa phương, rút ngắn thời gian chờ đợi, giảm chi phí sinh hoạt.
Về phía các bệnh viện tuyến trên, chủ trương này cũng gián tiếp giảm bớt tình trạng quá tải kéo dài, giúp bác sĩ tuyến trên có thể tập trung vào các ca bệnh phức tạp. Trong khi đó, tuyến dưới sẽ có điều kiện tập trung cho công tác y tế dự phòng, chủ động sàng lọc, phát hiện sớm bệnh tật trong cộng đồng, hạn chế những đợt dịch bùng phát quy mô lớn. Bằng cách “phủ sóng” bác sĩ đến mọi địa bàn, chúng ta không chỉ cụ thể hóa mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”, mà còn mở ra triển vọng phát triển kinh tế - xã hội, vì sức khỏe cộng đồng là nền tảng cho năng suất lao động và chất lượng đời sống.
Tuy nhiên, để chủ trương này đạt hiệu quả bền vững, vẫn còn không ít trở ngại cần được giải quyết.
Trong thực tế, không chỉ tuyến cơ sở mà ngay cả các bệnh viện tuyến trên cũng đang đau đầu với tình trạng thiếu nhân lực. Nên nếu không có kế hoạch luân phiên, tuyển dụng, đào tạo chuyên sâu, khi một phần bác sĩ tuyến trên sẽ bị “rút” đi, sẽ làm tăng nguy cơ quá tải ở các bệnh viện lớn.
Hơn nữa, lực lượng bác sĩ mới ra trường thường e ngại khi phải về vùng khó khăn. Họ cần môi trường chuyên môn thách thức hơn để rèn luyện tay nghề. Tiếp đến là dù có đủ bác sĩ, nhưng nếu tuyến dưới thiếu máy móc y tế, thuốc men, hoặc không có hệ thống xét nghiệm cơ bản, bác sĩ khó thể phát huy hết năng lực. Hiện nhiều trung tâm y tế cấp huyện còn thiếu cả phương tiện cấp cứu, dịch vụ chụp chiếu hiện đại… Nếu không đầu tư hạ tầng kèm theo, người dân vẫn phải lên tuyến trên xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh… như lâu nay.
Vấn đề quan trọng hơn cả là hiện không ít bệnh viện huyện, thậm chí cả với những địa phương như thành phố Huế, đang rơi vào vòng luẩn quẩn: ít bệnh nhân - ít nguồn thu – không có tiền trả lương, tái đầu tư. Đặc biệt, nhiều trường hợp nợ lương kéo dài tại một số địa phương, trong đó có các trung tâm y tế của thành phố Huế thời gian gần đây cho thấy, nếu chỉ “điều” bác sĩ về nhưng cơ sở vẫn vắng bệnh, khó có khoản thu ổn định để trả lương, thì bác sĩ giỏi cũng sẽ không mặn mà để toàn tâm làm việc, gắn bó lâu dài.
Chủ trương đưa 1.000 bác sĩ về cơ sở là đúng đắn, là cấp thiết. Nhưng để biến mục tiêu thành hiện thực và bền vững, ngành y tế cần giải pháp đồng bộ ở nhiều khía cạnh: đào tạo, luân phiên bác sĩ, đầu tư trang thiết bị, cơ chế tài chính, đãi ngộ lương thưởng, và cả chiến lược truyền thông thay đổi nhận thức, nâng cấp niềm tin cho người dân. Chỉ khi xóa bỏ những rào cản này, y tế tuyến dưới mới thực sự khởi sắc, đáp ứng mong mỏi của người dân và giảm tải bền vững cho tuyến trên. Trên nền tảng đó, hệ thống y tế mới có thể tiến tới cân bằng, công bằng, và nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe toàn dân như kỳ vọng.