ClockThứ Tư, 05/04/2023 15:02

Đái tháo đường ở trẻ em: Chẩn đoán sớm, tuân thủ điều trị, ngăn ngừa biến chứng

TTH - Bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) ở trẻ em đã được ghi nhận ở những ca 5 - 7 tuổi, thậm chí tuổi sơ sinh hay nhũ nhi. Đây là căn bệnh không lây nhiễm, song nếu được chẩn đoán, can thiệp sớm sẽ tránh được việc điều trị tốn kém về sau.

Khi sức khỏe tâm thần bị tổn thươngSống khỏe với bệnh đái tháo đườngTăng glucose máu - hiểm họa cho toàn xã hội

leftcenterrightdel
 Bác sĩ tư vấn điều trị cho phụ huynh và bệnh nhi bị đái tháo đường

Không hề nghĩ đến

Bé Nguyễn U.L., 6 tuổi, ở Phong Điền vừa được chuyển đến cấp cứu tại Trung tâm (TT) Nhi, Bệnh viện Trung ương Huế (BVTW) do gặp một biến chứng cấp tính, nghiêm trọng và chỉ xảy ra ở bệnh nhân đái tháo đường type 1. Ba mẹ L. làm nghề nông, ít can thiệp vào việc ăn uống sinh hoạt của bé ở nhà và ở trường. Trước đó, bé sút cân, có dấu hiệu đau bụng, nôn, mệt mỏi, li bì, mất nước… Sau khi được truyền dịch chống sốc, truyền insuline và điều trị tích cực, L. mới được ra khỏi phòng hồi sức. Ê kíp điều trị cho biết, đây là một thử thách và căng thẳng với cả gia đình bệnh nhi lẫn bác sĩ. Mỗi năm, TT Nhi tiếp nhận một số trường hợp tương tự như vậy và đều được điều trị thành công.

Bé Huỳnh H.P., 14 tuổi ở Quảng Nam hiện đang điều trị nội trú tại Khoa Thần kinh - Tự kỷ - Thận - Nội tiết (TKTKTNT), TT Nhi. H.P. thích ăn nhiều đồ ăn chiên rán và cân nặng nhỉnh hơn bạn cùng trang lứa. Trong một tuần con sút 8kg, uống nhiều nước, người mệt mỏi, tiểu nhiều; gia đình P. bắt xe cho cháu ra BVTW Huế điều trị và được đưa vào nằm cấp cứu trong 2 ngày. Anh Huỳnh Trọng Tr. cha P. khá lo lắng trước tình trạng bệnh của con. Anh cho hay, trước đó cháu có một số biểu hiện bất thường nhưng gia đình không nghĩ đến bệnh ĐTĐ, nên không kịp thời đưa đi khám, điều trị.

ĐTĐ là tình trạng đường máu tăng cao: Đường máu lúc đói > 7 mmol/l và sau ăn trên 11 mmol/l. Theo thống kê, Khoa TKTKTNT, TT Nhi, BVTW Huế đang điều trị 1 ca nhiễm ceton ĐTĐ đã ổn định, điều trị ngoại trú, tái khám hàng tháng 15 ca. Ngoài ra còn khoảng 10 bệnh nhi ngoại tỉnh vì điều kiện ở xa nên tái khám tại địa phương, mỗi kỳ 3-6 tháng vào BVTW Huế kiểm tra.

ĐTĐ type 1 chủ yếu hay gặp ở trẻ em và vị thành niên, trẻ 5-7 tuổi và tuổi dậy thì; ĐTĐ type 2 ngày càng phổ biến ở trẻ vị thành niên, thường liên quan đến lối sống như vận động chưa đủ và ăn uống không lành mạnh (quá nhiều chất béo, quá nhiều đường hay tinh bột). Trẻ ĐTĐ type 1 (đái tháo đường phụ thuộc insulin) do tuyến tụy không còn khả năng sản xuất đủ insulin, thường có biểu hiện ăn nhiều song vẫn sụt cân, khát nước nhiều, tiểu nhiều (tiểu đêm), thiếu năng lượng hay luôn luôn cảm thấy mệt mỏi. Các dấu hiệu của bệnh ĐTĐ có thể bị nhầm lẫn với các bệnh khác. Thường những ca ĐTĐ type 1 gia đình trẻ không hề nghĩ đến, chưa phát hiện bệnh, nên thời điểm khi đưa trẻ đến khám có thể đã có những biến chứng khiến bệnh nặng hơn. Bệnh nhân mắc bệnh ĐTĐ type 1 cần được điều trị bằng insulin.

Gia đình phối hợp mới hiệu quả

Mới đây, cháu N.T., 15 tuổi, ở TP. Huế nhập viện điều trị ĐTĐ trở lại. Tại thời điểm nhập viện, hàm lượng glucose trong máu của N.T. là 18.9mmol/l. Bác sĩ điều trị N.T. cho biết, do trẻ trong độ tuổi dậy thì, chế độ ăn thiếu kiểm soát dẫn tới có giai đoạn kém tuân thủ y lệnh của bác sĩ, ít theo dõi đường máu. Do đó, Khoa TKTKTNT, TT Nhi, BVTW Huế đề nghị gia đình lập sổ tay ghi lại chế độ ăn hàng ngày của trẻ, ghi kết quả kiểm tra lượng đường huyết từng buổi.

“Đối với các gia đình có trẻ bị ĐTĐ, muốn điều trị hiệu quả phải dùng thuốc đúng liều, đúng cách theo chỉ định; áp dụng chế độ ăn, chăm sóc nhằm kiểm soát tốt đường máu, ngăn ngừa các biến chứng. Sự hợp tác tốt giữa bệnh nhân, cha mẹ với bác sĩ mới mang lại hiệu quả tích cực giúp kiểm soát lượng đường trong máu tốt”, một bác sĩ ở khoa này lưu ý.

ĐTĐ là căn bệnh liên quan đến lượng đường trong máu, nếu bị biến chứng sẽ ảnh hưởng nhiều cơ quan trong cơ thể do đường huyết tăng. Theo thời gian, nếu đường máu không được kiểm soát tốt, bệnh ĐTĐ có thể ảnh hưởng đến các cơ quan chính trong cơ thể, bao gồm tim, mạch máu, dây thần kinh, mắt và thận. Trẻ chơi game, máy vi tính, vận động chưa đủ, ăn uống quá nhiều, ăn uống nhiều chất béo, quá nhiều đường hay tinh bột dẫn đến tăng cân. Yếu tố gia đình cũng có vai trò ảnh hưởng đến bệnh ĐTĐ type 2. Thạc sĩ - BSCKII Nguyễn Thị Diễm Chi, Phó Giám đốc TT Nhi, Trưởng khoa TKTKTNT khuyên: Để có lối sống lành mạnh cho trẻ, các bậc cha mẹ nên xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh và cân bằng, ít chất béo cho trẻ như thức ăn luộc hấp thay vì chiên rán; giảm thức ăn đồ uống có đường, thức ăn nhanh; khuyến khích sản phẩm từ ngũ cốc, trái cây, rau quả… Cho trẻ tập luyện các môn thể thao vận động như đá bóng, bơi lội, đạp xe…

Với những trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên bị béo phì cần đặt ra mục tiêu là duy trì cân nặng nhất định hoặc tăng cân từ từ. Khi trẻ cao lên, cân nặng của trẻ sẽ phù hợp chiều cao hơn. Một số bệnh nhân ĐTĐ type 2 vẫn mạnh khỏe nếu ăn uống điều độ, vận động và giảm cân, và có thể không cần đến biện pháp điều trị nào khác, ít nhất là trong một vài năm. “Nếu can thiệp, điều chỉnh từ sớm sẽ tránh được việc điều trị vất vả, tốn kém về sau”, một chuyên gia về bệnh ĐTĐ nhấn mạnh.

 Mặc dù hiếm gặp, song trẻ sơ sinh vẫn có thể mắc tiểu đường với các triệu chứng: Bú sữa mẹ đầy đủ nhưng vẫn gầy; thường tiểu tiện vào ban đêm nhiều hơn; cơ thể mệt mỏi, sốt dai dẳng, ngủ nhiều hơn bình thường; chậm tăng cân hoặc sút cân… Gia đình cần theo dõi và đưa trẻ đến khám ở các bệnh viện chuyên khoa nhi khi có dấu hiệu bất thường để được chẩn đoán, điều trị kịp thời.
Bài, ảnh: LINH TUỆ
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

GenAI đe dọa sự phát triển kỹ năng của con người

Theo các chuyên gia, sự phụ thuộc ngày càng tăng của con người vào trí tuệ nhân tạo tạo sinh (GenAI) có thể khiến họ mất đi lợi thế trong việc phát triển các kỹ năng đọc, viết và kỹ năng phân tích quan trọng trong tương lai.

GenAI đe dọa sự phát triển kỹ năng của con người
Đổi thay cuộc sống người Mường ở Khe Su

Nằm nép mình dưới chân dãy Bạch Mã hùng vĩ, thôn Khe Su, xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc, là nơi cư trú của một cộng đồng nhỏ người Mường. Mặc dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng với sự quan tâm từ các cấp chính quyền, người dân nơi đây đã vươn lên thoát nghèo, từng bước ổn định cuộc sống.

Đổi thay cuộc sống người Mường ở Khe Su
Giảm nghèo ở vùng lõi

Xã Bình Tiến được xem là vùng “lõi nghèo” của TX. Hương Trà. Do vậy, cấp ủy, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể địa phương không ngừng huy động nhiều nguồn lực để cải thiện sinh kế, phát triển kinh tế hộ gia đình, tăng nguồn thu nhập cho người dân, góp phần thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững ở địa phương.

Giảm nghèo ở vùng lõi
Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng

Ngày 26/11, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phối hợp với Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an tổ chức hội nghị tập huấn bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng

TIN MỚI

Return to top