ClockThứ Ba, 03/03/2020 07:00

Bác sĩ dự phòng cơ sở chủ động phòng, chống COVID-19

TTH - Các bác sĩ dự phòng cơ sở hiện nay như những “chiến sĩ” thầm lặng đang ngày đêm “canh gác” không để dịch COVID-19 xâm nhập, lây lan làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người dân địa phương.

Phòng, chống dịch Covid-19: Tuyệt đối không lơ là, chủ quanVững tâm chống dịch“Khó khăn là cơ hội thử sức”

Cán bộ y tế Phú Vang phun thuốc khử trùng cho các trường học trên địa bàn

Không chủ quan, lơ là

Gần 30 năm làm công tác y tế dự phòng, bác sĩ CK I Đặng Văn Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Phú Vang còn nhớ những bài học trong đợt phòng chống dịch bệnh H1N1 vào năm 2009.

Hồi ấy, dịch bệnh có nguy cơ bùng phát nhưng công tác cách ly, dập dịch nhiều nơi chưa được thực hiện triệt để. Tại Phú Vang, có trường hợp Việt kiều quê ở xã Vinh An nghi nhiễm vì có yếu tố dịch tễ khi từ Mỹ về thăm quê bị ho, sốt kéo dài ngày. Nắm thông tin, cán bộ y tế địa phương triển khai công tác tiếp cận, theo dõi, giám sát... nhưng  gia đình bệnh nhân bất hợp tác. Sau một thời gian vận động, giải thích, hai phía tìm được tiếng nói chung nên bệnh nhân được theo dõi cách ly, cuối cùng mọi người đều nhẹ nhõm khi xét nghiệm bệnh phẩm âm tính.

Từ đợt dịch cúm A/H1N1, cán bộ y tế huyện Phú Vang luôn cảnh giác, thực hiện nghiêm quy trình phòng, chống dịch. Đó cũng là những bài học mà đội y, bác sĩ này áp dụng trong “cuộc chiến” chống dịch COVID-19 hiện nay. Bác sĩ Tuấn cho biết, khi nghe thông tin COVID-19 diễn biến phức tạp, TTYT Phú Vang không chỉ quan tâm mở rộng "chiến dịch" ở tuyến huyện, mà còn phối hợp với các ban ngành cơ sở đẩy mạnh công tác truyền thông giúp mọi người dân không chủ quan trước mối nguy hại COVID-19. Họ đưa thông tin dịch bệnh đến người dân không chỉ qua loa đài, lồng ghép hội họp mà chú trọng hình ảnh minh họa trực quan ở đường quê, ngõ xóm. Đến thời điểm này, ở Phú Vang chưa phát hiện trường hợp nghi nhiễm nhưng mối lo cán bộ y tế cứ đan xen vì mức độ nguy hiểm của COVID-19.

Để phòng ngừa COVID-19 hiệu quả, hiện cán bộ y tế TTYT huyện Phú Vang phối hợp các ban ngành địa phương luôn theo dõi, nắm bắt thông tin tiến hành giám sát chặt chẽ những trường hợp lạ, người dân xa quê đi/về ở địa phương. Mới đây có một vài lao động làm ăn ở Vĩnh Phúc trở về quê nhưng không phải vùng dịch xã Sơn Lôi, Bình Xuyên, nhưng cán bộ y tế địa phương đã nhanh chóng kết nối, làm công tác tư tưởng để họ tự cách ly theo dõi tại nhà. "Hiện, Phú Vang đã giám sát gần 80 trường hợp đi/về địa phương trong thời gian gần đây theo quy trình Bộ Y tế. 100% trường hợp này đã cam kết nếu có triệu chứng nghi ngờ nhiễm bệnh sẽ thông tin cho cán bộ y tế địa phương". Bác sĩ Tuấn nói.

Bác sĩ Lê Hoàng Ái, Trưởng trạm Y tế thị trấn Thuận An, TTYT huyện Phú Vang thực tình, từ Tết Nguyên đán đến nay anh chưa một ngày nghỉ. Điện thoại lúc nào cũng mở 24/24h, luôn sẵn sàng ứng phó với dịch COVID-19.

Rà từng đối tượng

Là địa bàn nhiều năm liền nằm trong "top" khống chế tốt dịch bệnh, nhưng trước nguy cơ dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, huyện Phong Điền không chủ quan. Khi có thông tin về dịch COVID-19, địa phương này xây dựng kịch bản phòng, chống dịch với nhiều tình huống; trong đó chú trọng phương án theo dõi giám sát từ xa những trường hợp đến/đi ở địa phương nhằm tư vấn, hướng dẫn cách ly những người có yếu tố nguy cơ nhiễm bệnh đúng quy định.

Bác sĩ Cao Thuyết, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật và HIV, TTYT Phong Điền, người đã hơn 30 năm hoạt động lĩnh vực y tế dự phòng chia sẻ: có dịch thì phải chống dịch. Kinh nghiệm của bác sĩ Thuyết khi có nguy cơ dịch xảy ra phải gần dân, làm cho dân tin thì công tác dự phòng mới thành công.

Mới đây, nhận thông tin trường hợp bà cụ ở Điền Lộc (Phong Điền) đi thăm người thân từ Mỹ trở về và có quá cảnh ở sân bay Incheon- Hàn Quốc. Dù quá cảnh trong thời gian 15 phút, nhưng khi trở về quê bà cụ có triệu chứng ho, sốt phải nhập viện. Trước thông tin đó, bác sĩ Thuyết cùng đồng nghiệp nhanh chóng phối hợp với chính quyền địa phương đến gia đình sàng lọc thông tin, giải thích cho người thân hiểu công tác phòng chống dịch bệnh. Kết quả xét nghiệm, bà cụ âm tính với COVID-19. Hiện, sức khỏe của bà cụ ổn định và trở về nhà sinh hoạt cùng con cháu.

Trước đó, trường hợp nữ thông dịch viên ở xã Điền Hòa, huyện Phong Điền bị ho, cảm sốt nhiều ngày sau chuyến đi nghỉ dưỡng tại Trung Quốc trở về. Nắm được thông tin về yếu tố dịch tễ nghi nhiễm COVID-19 cao, bác sĩ Thuyết đã phối hợp giới thiệu bệnh nhân vào BV Trung ương Huế để cách ly, điều trị. Thời điểm đó, để giúp người dân sống cạnh nhà bệnh nhân này không hoang mang, bác sĩ Thuyết nhiều ngày cùng ăn, cùng ngủ với người dân xã Điền Hòa, triển khai công tác tiêu độc khử trùng vừa lập danh sách những người có tiếp xúc với bệnh nhân để hướng dẫn thực hiện cách ly, theo dõi sức khỏe... May mắn, kết quả xét nghiệm của bệnh nhân trên sau đó âm tính nên anh cùng các đồng sự thở phào.

Bác sĩ Cao Thuyết thông tin, gần một tháng nay hầu như anh không có thời gian rỗi. Mọi công tác sinh hoạt, ăn ở gia đình nhiều lúc đảo lộn, tất cả dành cho công tác phòng dịch COVID-19. Phương châm làm việc của đội ngũ y, bác sĩ ở TTYT Phong Điền luôn trong tư thế sẵn sàng. Hễ nghe thông tin văn bản trên đưa về là nhanh chóng cập nhật, trao đổi, phối hợp ban ngành địa phương giúp dân phòng ngừa COVID-19 hiệu quả.

Bài, ảnh: Minh Trường

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phòng, chống dịch bệnh nổi bật mùa đông xuân

Môi trường mưa ẩm thuận lợi cho virus phát triển, nhất là các bệnh nhiễm trùng hô hấp và đường tiêu hóa. Trong số các ca bệnh nhập viện tăng, một số trường hợp diễn biến nặng do tự điều trị.

Phòng, chống dịch bệnh nổi bật mùa đông xuân
Chủ động, sáng tạo “trên chính mảnh đất của mình”

Tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và một số nội dung quan trọng, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “Bây giờ là lúc phải hành động. Trên cơ sở chủ trương, chính sách chung của Đảng, Nhà nước và sự điều tiết của Trung ương, các địa phương phải trăn trở, suy nghĩ “trên chính mảnh đất của mình”, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo để phát triển; từng cơ quan, đơn vị, địa phương phải đặt ra mục tiêu phấn đấu cụ thể để đóng góp vào hoàn thành mục tiêu chung của đất nước”. Các tỉnh, thành phố đang đứng trước đòi hỏi phải tạo nên được động lực mới cho phát triển kinh tế-xã hội và nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho người dân.

Chủ động, sáng tạo “trên chính mảnh đất của mình”
Đối ngoại Việt Nam năm 2024: Tích cực, chủ động góp phần tạo đà đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới

Trong năm 2024, thế giới tiếp tục quá trình biến đổi sâu sắc, có nhiều diễn biến mới, phức tạp, tác động đến tất cả mọi mặt đời sống xã hội. Năm 2024 cũng là năm đất nước bước vào giai đoạn nước rút thực hiện thắng lợi Nghị quyết Ðại hội XIII. Trong bối cảnh đó, công tác đối ngoại đã được triển khai đồng bộ, hiệu quả, với nhiều hoạt động sôi động, đạt được nhiều kết quả tích cực. Mặc dù môi trường bên ngoài biến động, Việt Nam tiếp tục nổi lên là một "điểm sáng" hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực. Những thành tựu "quan trọng, có ý nghĩa lịch sử" của đối ngoại từ đầu nhiệm kỳ đến nay như đánh giá của lãnh đạo chủ chốt tiếp tục được kế thừa, phát huy và góp phần vào những thành tựu chung của đất nước.

Đối ngoại Việt Nam năm 2024 Tích cực, chủ động góp phần tạo đà đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới

TIN MỚI

Return to top