ClockThứ Năm, 08/12/2022 20:32

Tiền đề quý giá

TTH.VN - Một “tiền đề”, một cơ chế để trưng tập, hồi hương những di sản bị lưu lạc của đất nước là hết sức cần thiết.

Huy động mọi nguồn lực để hồi hương ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" về nước sớm nhấtTiếp tục hoãn đấu giá Ấn vàng của vua Minh MạngXây dựng cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý thuận lợi, khuyến khích đưa cổ vật hồi hươngTriển lãm hơn 100 tư liệu, hiện vật về “Chế độ Y quan triều Nguyễn”Gốm cổ Nhật Bản kể chuyện Phật giáo

Nhiều biến cố lịch sử đã làm thất tán một khối lượng khổng lồ cổ vật của Huế- Kinh đô thời Nguyễn

Dù “sinh sau đẻ muộn” so với nhiều người anh em khác, song sự kiện ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” của Việt Nam được dợm đưa ra đấu giá quốc tế rồi được đàm phán hồi hương đã lọt vào danh sách đề cử để bình chọn 10 sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch tiêu biểu của năm 2022.

Như thế đã phần nào khẳng định sức hút và sự quý giá của các cổ vật nước ta, cũng như khẳng định tấc lòng thao thức, trân trọng của người dân nước Việt đối với di sản văn hóa của tiền nhân.

Lọt vào danh sách đề cử, nhưng ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” thực tế vẫn chưa kết thúc đàm phán. Đó thực sự là nỗi thắc thỏm phập phồng của nhiều người nên tại buổi họp báo để các nhà báo theo dõi lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch bình chọn 10 sự kiện tiêu biểu năm 2022 thuộc các lĩnh vực này diễn ra vào ngày 6/12, tại đó, như báo chí thông tin, ông Trần Đình Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa đã tái khẳng định để an lòng dư luận, rằng việc đàm phán hồi hương ấn vàng '‘Hoàng đế chi bảo’' đang diễn ra thuận lợi, và ấn vàng nhất định sẽ hồi hương !

Cửu vị Thần công- Bảo vật Quốc gia đã được công nhận.

Kết quả ấy có được là do các bộ ngành vào cuộc tích cực. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã chỉ đạo quyết liệt ngay khi nhận được đề nghị đàm phán từ Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch. Đại diện chính quyền Pháp cũng tham gia vào cuộc đàm phán cùng các tổ chức của Việt Nam…

Nếu mọi thứ suôn sẻ, mà như khẳng định của Cục Di sản văn hóa, chắc chắn sẽ suôn sẻ, thì đây là dấu mốc lịch sử đánh dấu lần đầu tiên nước ta đàm phán hồi hương di sản thành công; tạo tiền đề quan trọng cho việc hồi hương cổ vật sau này, như định hướng tăng hàm lượng các quy định về hồi hương cổ vật mà Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đã đưa vào và dự định sẽ ban hành vào năm 2024.

Những chiếc kim ấn phiên bản bằng gốm mạ vàng hy vọng phần nào giải tỏa cơn khát của công chúng được chiêm ngắm những chiếc ấn vàng thật của vương triều Nguyễn .

“Tiền đề quan trọng cho việc hồi hương cổ vật sau này”- tuy chỉ là một dòng ngắn thôi, nhưng mệnh đề này lại khiến tôi liên tưởng đến những thông tin nhói lòng mà mình từng tiếp cận khi thực hiện một bài viết về câu chuyện thất tán cổ vật của Kinh đô Huế trước đây.

Với lịch sử 700 năm, từ Thuận Hóa đến Phú Xuân- Huế, trong đó có ngót 150 năm là Kinh đô của nước Việt thống nhất, chưa kể lượng cổ vật bị thất tán trong những biến cố lịch sử những thời kỳ trước, chỉ tính riêng giai đoạn đầu khi thực dân Pháp xâm lược, tước đoạt quyền lãnh đạo của triều đình nhà Nguyễn, số cổ vật của Huế đã bị giặc Pháp cướp bóc, cưỡng đoạt là một con số khổng lồ mà sử liệu đã ghi rõ:

Năm 1862, với Hòa ước Nhâm Tuất, triều Nguyễn phải “đền” 4 triệu piastre (quy đổi thành 2.880.000 lạng bạc) chiến phí cho Pháp. Nhà vua đã phải lấy rất nhiều đồ vật quý giá chế tác bằng vàng, ngọc, kể cả tận thu kim ấn, kim sách, tư trang bằng vàng bạc của hoàng tử, công chúa, thân vương, cung phi để trả.

Điện Long An- Nơi được dùng làm Bảo tàng cổ vật cung đình Huế

Sự kiện 23/5 năm Ất Dậu (1885) mà nhiều người vẫn biết đến với tên gọi “Thất thủ kinh đô”. Sau khi tràn vào kinh đô Huế, giặc Pháp đã cướp bóc, đốt phá và giết hại dân chúng một cách dã man.

Linh mục Père Siefert chứng kiến và ghi lại: “Kho tàng trong hoàng cung đã mất đi gần 24 triệu quan vàng và bạc… Cuộc cướp cạn ấy kéo dài trong 2 tháng còn gây tai tiếng hơn cuộc cướp phá Cung điện Mùa Hè của Thanh Đế ở Bắc Kinh”; Quân Pháp đã cướp đi “228 viên kim cương, 266 món nữ trang có nạm kim cương, hạt trai, hạt ngọc, 271 đồ bằng vàng trong cung của bà Từ Dũ (Dụ)… Tại các tôn miếu thờ các vua: Gia Long, Minh Mạng và Thiệu Trị thì hầu hết các thứ có thể mang đi như mũ miện, đai áo, thảm đệm, triều phục, long sàng và bàn xoay có chạm trổ, các giá treo vũ khí, hộp đựng trầu để thờ, ống nhổ, chậu quán tẩy bằng vàng; hỏa lò, mùng và màn thêu hoa, đỉnh trầm, ấm trà và khay chén, tăm xỉa răng... đều bị cướp”.  

Tướng De Courcy, người chỉ huy cuộc tấn công đã gửi cho chính phủ Pháp bức điện đề ngày 24/7/1885: “Trị giá phỏng chừng các quý vật bằng vàng hay bằng bạc giấu kỹ trong các hầm kín là 9 triệu quan. Đã khám phá thêm nhiều ấn tín và kim sách đáng giá bạc triệu. Xúc tiến rất khó khăn việc tập trung những kho tàng mỹ thuật. Cần cử sang đây một chiếc tàu cùng nhiều nhân viên thành thạo để mang về mọi thứ cùng với kho tàng”!

Các cuộc triển lãm, trưng bày cổ vật luôn tạo được sức hấp dẫn mạnh với giới nghiên cứu văn hóa nói riêng và công chúng nói chung

Lượng cổ vật khổng lồ ấy hẳn đã tiêu tán không ít, nhưng số còn lại và được lưu giữ đâu đó trong các bảo tàng, tư gia, dòng tộc… chắc chắn cũng không phải là không nhiều. Một “tiền đề”, một cơ chế để trưng tập, hồi hương những di sản bị lưu lạc của đất nước do vậy là động thái đáng mừng và hết sức cần thiết nhằm nắm giữ, không để vuột mất mỗi khi cơ hội xuất hiện.

Hiền An

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đưa di sản Huế vươn xa

Ở thời điểm hiện tại, hình hài của một Kinh đô xưa đã được tái hiện rõ rệt hơn bao giờ hết. Di sản Huế đã và đang từng bước phát huy giá trị đúng với tiềm năng và lợi thế vốn có.

Đưa di sản Huế vươn xa
Nơi di sản “gặp gỡ” công nghệ

“Đế Đô Khảo cổ ký” - Dự án tiên phong trong việc kết hợp công nghệ và di sản hứa hẹn mở ra hướng phát triển mới cho công nghiệp văn hóa tại Việt Nam.

Nơi di sản “gặp gỡ” công nghệ
Hào quang thành phố di sản của Việt Nam

Việc xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương là quá trình nỗ lực, phấn đấu lâu dài từ năm 1996 của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thừa Thiên Huế. Và sau gần 30 năm, giờ đây ước nguyện và niềm mong mỏi ấy đã trở thành hiện thực.

Hào quang thành phố di sản của Việt Nam
Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của TP. Huế trực thuộc Trung ương

Với tính chất là đô thị di sản, trong chiến lược lâu dài, Thừa Thiên Huế sẽ được cấu trúc thành chùm đô thị đa trung tâm. Sự phát triển sẽ dựa trên các điều kiện về sự phân bổ dân số, điều kiện tự nhiên, sông ngòi, đầm phá, biển, khoáng sản…và đặc biệt các thế mạnh của tài nguyên văn hóa. Điều này cũng đặt ra nhiều cơ hội kèm thách thức một khi Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của TP Huế trực thuộc Trung ương
Xây dựng hồ sơ di sản bún Huế

Quyết định số 3979/QĐ-BVHTTDL ngày 10/12/2024 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận "Nghề làm bún Vân Cù" trong Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thuộc lĩnh vực Nghề thủ công truyền thống. Đây là tiền đề xây dựng hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể với tầm nhìn quốc gia và quốc tế về di sản văn hóa ẩm thực Bún Huế trong thời gian tới.

Xây dựng hồ sơ di sản bún Huế

TIN MỚI

Return to top