ClockThứ Bảy, 09/02/2019 17:50

Xây dựng hình ảnh Huế từ lễ hội

TTH.VN - Không biến tướng, dung tục và mất trật tự, lễ hội đầu xuân ở Huế vẫn được duy trì nế nếp theo phong tục. Ở đó, các giá trị nhân văn tốt đẹp từ ngàn xưa được kế tục, trao truyền. Đó cũng là cách để người dân xây dựng, quảng bá hình ảnh Huế thân thiện, an toàn, mến khách...

Lễ chùa ngày đầu nămĐu tiên Gia ViênSức hút từ cầu gỗ lim trên sông HươngNhững bản sắc văn hóa độc đáo

Lễ hội Đền Huyền Trân luôn diễn ra trong không khí ngưỡng vọng, trang nghiêm

Lành mạnh, yên bình

Với ước vọng cầu mong một năm mới an lành, trong những ngày tết, rất đông người dân đi lễ chùa đầu năm. Dòng người đổ về các ngôi chùa, như: Từ Hiếu, Ba Đồn, Thiền Tôn… khá đông đúc. Tuy vậy, không hề có cảnh ồn ào, chen lấn; trái lại, ai cũng giữ sự tôn nghiêm nơi cửa Phật. Điều đó khiến anh Phạm Thế Phiệt, một người Huế xa quê nhiều năm khá bất ngờ: “Người Huế mình lúc nào cũng nhẹ nhàng, từ tốn. Đông vậy nhưng ai cũng trật tự, lặng yên khấn vái. Cũng không thấy chuyện mê tín, rải tiền, đặt tiền lên tượng Phật như một số chùa tôi từng đến ở miền Bắc. Huế vẫn luôn yên bình, kể cả trong mùa lễ hội, điều đó khiến tôi cảm thấy thích thú khi trở về quê hương”.

Ở các lễ hội đu tiên Gia Viên, Điền Hòa ở Phong Điền, không khí hội làng diễn ra trong không khí hứng khởi, đoàn kết, chan hòa. Ngoài bảo tồn văn hóa truyền thống của quê hương, đây còn là dịp để người dân nô nức trẩy hội vui xuân. Đông nhất là vật làng Sình diễn ra vào mùng 10 âm lịch hàng năm, thu hút hàng nghìn người đổ về xem vật. Có tuổi đời trên 200 năm, đến nay, lễ hội này vẫn giữ được nét đẹp truyền thống xa xưa, không đặt nặng chuyện thắng thua mà mang đậm tinh thần thượng võ của người bản địa, trở thành nét đẹp văn hóa không thể thiếu mỗi dịp xuân về.

Ông Nguyễn Long, một du khách ở TP. Hồ Chí Minh cảm nhận khi đến công viên Thương Bạc tham gia hội bài chòi vào chiều mùng 3 tết nhận xét: “Không quá náo nhiệt như những lễ hội truyền thống ở các vùng miền khác, lễ hội ở Huế vẫn duy trì được nét đẹp truyền thống, là nơi giao lưu, cộng cảm và trao truyền những đạo lý, tình cảm và khát vọng cao đẹp, tạo ra môi trường văn hóa lành mạnh, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Điều đó níu chân tôi trở lại vào đúng dịp tết sau khi trải nghiệm tết Huế vào năm ngoái”.

Hội bài chòi đầu năm mang đến cho mọi người không khí vui vẻ, dân dã

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, từng là Cố đô và là trung tâm văn hóa du lịch, tự thân Huế đang lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống, trong đó có nhiều hoạt động văn hóa lễ hội từ cung đình đến dân gian được tổ chức vào dịp tết, thể hiện sự phong phú so với các địa phương trong cả nước. Các hoạt động văn hóa, lễ hội không chỉ duy trì như ngày xưa mà còn là sản phẩm thu hút khách du lịch và cả những người xa quê trở về sống lại tình cảm của quê hương.

Ông Hoa cho rằng, các hoạt động vui chơi, văn hóa được khôi phục trong dịp tết đã tạo ra điểm nhấn đặc biệt, góp phần xây dựng hình ảnh Huế ấn tượng trong lòng khách thập phương. “Từ không khí rộn ràng của những chợ hoa ở trung tâm thành phố trong những ngày trước tết, đến các điểm vui xuân, tụ điểm văn hóa, các lễ hội đầu xuân, như: đu tiên, vật, đua ghe… của một số làng truyền thống đã tạo ra chuỗi hoạt động phong phú cho ngày tết cổ truyền. Ngay cả hội vui xuân bên bờ sông Hương, thu hút hàng ngàn người đến vui chơi cũng được trang trí rất phù hợp với kiểu cách của Huế”, ông Hoa nhận định.  

Giữ nét đẹp toàn vẹn

Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương có số lượng lễ hội nhiều nhất cả nước với 500 lễ hội lớn nhỏ khác nhau.

Theo đánh giá của Sở Văn hóa và Thể thao, phần lớn các lễ hội đảm bảo được mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội, tránh được nguy cơ mai một và biến hóa tiêu cực, đồng thời, trở thành một sản phẩm du lịch văn hóa thu hút đông đảo du khách, nhất là trong dịp lễ tết. Vì thế, trong nhiều năm, công tác quản lý và tổ chức lễ hội của Thừa Thiên Huế được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng A.

Tặng chữ ngày xuân trở thành nét đẹp văn hóa

Theo lý giải của nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, được vậy là vì các lễ hội ở Huế không quá lớn, không phức tạp. Người Huế cơ bản vẫn giữ được nề nếp nên lễ hội đầu xuân không bị dung tục hóa, thương mại hóa, biến tướng. Nét đẹp lễ hội truyền thống vẫn được gìn giữ, phù hợp với thuần phong mỹ tục. Ở các chùa chiền, nơi thờ tự, các lễ hội không có những hoạt động mang tính dị đoan, đa phần người dân tham gia để tỏ lòng thành kính, cầu bình an, sức khỏe trong năm mới chứ không nặng cầu danh, cầu lộc. Các hội vật Thủ Lễ, làng Sình dù thu hút hàng ngàn người tham gia nhưng không hề lộn xộn, mất trật tự. Người dân lại thân thiện, mến khách, hòa nhã nên lễ hội ở Huế luôn mang đến cho khách thập phương cảm giác an toàn, lành mạnh.

Vẫn còn những hình ảnh chưa đẹp của người dân khi tham gia lễ hội, nhất là một số người vẫn chưa có ý thức cao trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, tùy tiện xả rác khi tham gia các hoạt động cộng đồng. Đầu năm mới, những hình ảnh xả rác ở Khu du lịch tâm linh Tượng đài Quán Thế Âm (xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy) hay các bãi cỏ ven sông Hương được đăng tải lên mạng xã hội là điều đáng buồn. Bên cạnh việc tuyên truyền, giáo dục để mỗi người có ý thức văn minh khi tham gia lễ hội và các hoạt động cộng đồng, cần có chế tài xử phạt để người dân tự răn đe mình phải giữ gìn vệ sinh môi trường, có như vậy, hình ảnh Huế - thành phố xanh, sạch, sáng, đẹp, thân thiện mới toàn vẹn trong lòng người dân và du khách.

Bài, ảnh: Minh Hiền

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cân đối nguồn vốn đầu tư xây dựng kè biển

Trong những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, diễn biến bất thường của thời tiết; đặc biệt trong năm 2024 ảnh hưởng của bão số 6 và liên tiếp các đợt thiên tai trong tháng 9 và 10 đã làm xói lở bờ biển trên địa bàn hơn 10,3km/tổng số 127km, tập trung các khu vực huyện, thị Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc và quận Thuận Hóa.

Cân đối nguồn vốn đầu tư xây dựng kè biển
Đảm bảo an ninh trật tự, phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội

Ngày 9/1, Công an TP. Huế tổ chức hội nghị triển khai công tác Công an năm 2025. Tham dự hội nghị có các ông: Lê Trường Lưu, UVTW Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng Đoàn ĐBQH TP. Huế; Phạm Đức Tiến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Thanh Bình, UVTV Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Huế.

Đảm bảo an ninh trật tự, phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội
Khẩn trương xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế thực chất, hiệu quả, tạo động lực phát triển mới

Sáng 4/1, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị công bố Nghị quyết của Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động triển khai Kết luận của Bộ Chính trị về xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam do Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng phối hợp tổ chức.

Khẩn trương xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế thực chất, hiệu quả, tạo động lực phát triển mới

TIN MỚI

Return to top