Sự ra đời của trung tâm mới hứa hẹn phát huy nhiều giá trị bởi hai đơn vị này có nhiều điểm tương đồng. Đây là mô hình tổ chức mới ở Việt Nam, liên kết giữa tác giả sáng tạo nghệ thuật và phát huy sự quản lý của Nhà nước.
Triển lãm "Vườn trăm trứng" tại Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng trong năm 2016
Phát huy giá trị
Ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao (VH&TT) cho biết, từ khi chuyển giao từ UBND TP. Huế về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (nay là Sở VH&TT), Nhà trưng bày tác phẩm nghệ thuật Điềm Phùng Thị chưa được thành lập như một đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở VH&TT, do đó công tác quản lý, tổ chức các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ không được tập trung và duy trì thường xuyên. Việc sáp nhập, tạo thành mô hình quản lý chung sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý, bảo quản các tác phẩm và nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của Nhân dân và hình thành sản phẩm du lịch đặc sắc phục vụ du khách khi đến Huế.
Hai đơn vị Trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng và Nhà trưng bày tác phẩm nghệ thuật Điềm Phùng Thị đều hoạt động trên lĩnh vực mỹ thuật, có chức năng lưu giữ, trưng bày các tác phẩm nghệ thuật. Việc hình thành Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng & Điềm Phùng Thị và chuyển đổi vị trí của Nhà trưng bày tác phẩm nghệ thuật Điềm Phùng Thị từ địa chỉ số 1 Phan Bội Châu sang địa điểm 17 Lê Lợi tạo thành một chuỗi hệ thống các thiết chế văn hóa nghệ thuật theo không gian mở trên tuyến đường Lê Lợi (đoạn từ cầu Trường Tiền đến cầu Phú Xuân), trong mối gắn kết hài hòa, bao gồm: Công viên tượng cụ Phan Bội Châu - Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng & Điềm Phùng Thị - Bảo tàng Văn hóa Huế - Bảo tàng Nghề Thêu XQ - Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán, trong đó việc khai thác để trưng bày một số tác phẩm điêu khắc ngoài trời của Điềm Phùng Thị là rất phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách và người dân thưởng lãm nghệ thuật.
“Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng và Nhà trưng bày tác phẩm nghệ thuật Điềm Phùng Thị là hai không gian văn hóa tương đồng, có chức năng mỹ thuật. Việc hợp nhất hai đơn vị giúp tinh gọn bộ máy, tiết kiệm chi phí hành chính. Đây là một xu hướng tốt và nên thực hiện trên nhiều đơn vị. Khi hợp nhất thì có nhiều điểm tích cực, thuận lợi. Khó khăn sẽ không nhiều, có chăng là tâm lý cán bộ, nhưng vấn đề này có thể giải quyết được. Để trung tâm hoạt động tốt cần cải tiến công nghệ quản lý và nâng trình độ nghiệp vụ của người quản lý”- Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa.
Phước Ly
|
Theo ông Dũng, việc hợp nhất hai đơn vị này đáp ứng thực hiện chiến lược phát triển văn hóa Thừa Thiên Huế theo tinh thần Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 15/11/2011 của Tỉnh ủy về “Xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc của cả nước”, đồng thời đảm bảo phù hợp với quy hoạch thiết chế văn hóa tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và đề án phát triển mỹ thuật Thừa Thiên Huế đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Sau khi hợp nhất sẽ có hai cơ sở trưng bày tại địa chỉ số 15 và số 17 Lê Lợi. Sở VH&TT đang tham mưu UBND tỉnh xây dựng đề án hình thành trục không gian văn hóa nghệ thuật trung tâm TP. Huế (đường Lê Lợi - đoạn từ cầu Trường Tiền đến cầu Phú Xuân). Tuy trụ sở của Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng và Điềm Phùng Thị ở hai địa điểm khác nhau, nhưng vẫn nằm trên trục không gian văn hóa nghệ thuật, do đó sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong công tác quản lý và tổ chức hoạt động của đơn vị.
Nhiều giải pháp
Theo kế hoạch của Sở VH&TT cùng các đơn vị liên quan, sau khi hợp nhất sẽ đưa Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng & Điềm Phùng Thị trở thành địa chỉ văn hóa hấp dẫn du khách và những người yêu nghệ thuật.
Giải pháp căn bản được đề ra là tăng cường liên kết giữa trung tâm với các bảo tàng, các hãng lữ hành và công ty du lịch để xây dựng các tuyến tham quan du lịch, đưa trung tâm trở thành điểm tham quan thường xuyên của du khách trong nước và quốc tế; phấn đấu giai đoạn 2017 - 2020 đón khoảng 80.000 - 100.000 lượt khách mỗi năm, trong đó có khoảng 50% là khách quốc tế đến tham quan, học tập, nghiên cứu. Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao hoạt động tuyên truyền, quảng bá về giá trị nghệ thuật Lê Bá Đảng và Điềm Phùng Thị đến với công chúng và du khách; tiếp tục xuất bản các tập sách, tập gấp giới thiệu về Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng & Điềm Phùng Thị; xây dựng nơi đây trở thành địa điểm phục vụ các sinh hoạt chuyên đề, giới thiệu về mỹ thuật Huế; phấn đấu hằng năm tổ chức từ 7 - 10 cuộc triển lãm, trưng bày chuyên đề với các nội dung phong phú, có chất lượng cao.
Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng & Điềm Phùng Thị cũng sẽ chú trọng công tác nghiên cứu, sưu tầm, phối hợp với gia đình và các tổ chức, hội những người yêu mến hai tác giả trên để bổ sung thêm nhiều tư liệu, hiện vật về cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của họa sĩ Lê Bá Đảng và nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị. Đồng thời, thực hiện công tác bảo quản, đánh giá hiện vật để có những biện pháp xử lý kịp thời những hư hỏng của tác phẩm.
Bà Đinh Thị Hoài Trai, Giám đốc Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng & Điềm Phùng Thị cho biết, trước mắt, Ban giám đốc trung tâm định hướng sẽ cân đối lực lượng giữa hai trung tâm để tăng cường công tác quản lý, sắp xếp lại đội ngũ nhân lực theo tinh thần đúng người, đúng việc, phát huy được năng lực nhằm sớm đưa trung tâm đi vào hoạt động theo những kế hoạch đã được định hướng.
Bài, ảnh: Hữu Phúc