ClockChủ Nhật, 25/12/2022 14:26

Sách hay: Sự khắt khe làm nên giá trị

TTH - Giải Sách Quốc gia không chỉ tôn vinh những cuốn sách hay mà còn đề cao vai trò, tâm huyết của người viết, dịch giả, nhà xuất bản và những công ty chuyên về sách.

Nhà nghiên cứu Phan Đăng đạt Giải A sách Quốc gia

Nhà nghiên cứu Phan Đăng (giữa) nhận giải A duy nhất Giải Sách Quốc gia năm 2022

Để được vinh danh, những tác phẩm ấy phải được đầu tư một cách công phu, bài bản. So với mặt bằng chung của cả nước, Thừa Thiên Huế luôn góp mặt với rất nhiều giải thưởng, trong đó từng có giải A - giải duy nhất của giải.

Giải A duy nhất của năm 2022, thuộc về tác phẩm “Hoàng Việt nhất thống dư địa chí” của tác giả Lê Quang Định, do nhà nghiên cứu Phan Đăng dịch và chú giải, NXB Thế Giới và Công ty CP sách Thái Hà xuất bản. Nhà nghiên cứu Phan Đăng hiện là giảng viên tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế, nguyên Trưởng khoa Ngữ văn Trường đại học Tổng hợp (nay là ĐH Khoa học - Đại học Huế).

Giải A được trao cho nhà nghiên cứu Phan Đăng một lần nữa khẳng định sự làm việc nghiêm túc, không biết mệt mỏi của dịch giả mà còn khẳng định vị thế của giới nghiên cứu, dịch giả vùng đất Cố đô. Xa hơn đó là niềm đam mê, tình yêu với nghiên cứu, dịch thuật, xuất bản trong hành trình lan tỏa tri thức ra với công chúng.

Hầu hết những cuốn sách được vinh danh có giá trị nổi bật về nội dung tư tưởng, tri thức, thẩm mỹ, có tác động mạnh mẽ đến cộng đồng, góp phần nâng cao dân trí, xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Nhắc đến “Hoàng Việt nhất thống dư địa chí”, ngay lập tức người ta sẽ nhớ đến giá trị của cuốn sách ở chỗ khẳng định cương vực quốc gia, thể hiện ý thức độc lập, khát vọng thống nhất giang sơn, văn hiến của dân tộc Việt Nam.

Đây được xem là bộ địa chí đầu tiên của triều Nguyễn, được viết từ khi hoàng đế Gia Long vừa đăng quang. Với niềm đam mê, tâm huyết của mình, nhà nghiên cứu – dịch giả Phan Đăng đã cất công tu chỉnh, khơi gợi mạch nguồn lịch sử, văn hóa, khát vọng thống nhất qua từng trang sách. Để từ đó, cuốn sách đã giúp cho người yêu thích nghiên cứu, lịch sử nói chung và địa lý nói riêng có thêm nguồn tư liệu quý trong quá trình nghiên cứu tiếp nối.

Không riêng gì mùa giải 2022, những năm về trước Huế cũng đã nổi tiếng khi được giới chuyên môn và công chúng ghi nhận, đánh giá cao trong hành trình cho ra những tác phẩm đình đám. Có thể kể đến như giải B tập thơ “Bài thơ của một người yêu nước mình” của Trần Vàng Sao (Nhã Nam và NXB Hội Nhà Văn), giải C “Du hành giữa các văn bản - Nguyễn Huy Thiệp và xã hội Việt Nam sau 1975” của tác giả TS. Nguyễn Văn Thuấn (NXB Đại học Huế)…

Trong khi các địa phương, tỉnh, thành khác mạnh về xuất bản cũng như các đầu sách liên quan đến văn chương, giải trí… thì Thừa Thiên Huế những năm qua nổi trội về các tác phẩm dịch thuật, nghiên cứu. Những tác phẩm đạt giải không chỉ khẳng định công sức làm việc, nghiên cứu một cách nghiêm túc mà trên nữa là niềm đam mê, mong muốn lan tỏa giá trị văn hóa lớn lao đến với cộng đồng, công chúng, để từ đó kích thích niềm yêu thích nghiên cứu, văn hóa đọc trong đời sống hiện nay.

Tuy nhiên, một thực tế rõ ràng, những cuốn sách thường được các tác giả, dịch giả chuyên tâm, dày công nghiên cứu, viết, dịch và được vinh danh thường chỉ được một số ít độc giả trong giới, sinh viên theo học các ngành liên quan, những người đam mê quan tâm. Vì thế, để xuất bản và đưa ra thị trường một cuốn sách hay (trước khi đạt giải sách hay) là chuyện không hề dễ dàng, đó còn là bài toán kinh doanh mà ngay cả tác giả lẫn nhà xuất bản phải tính toán đau đầu.

Bàn về câu chuyện này, TS. Lê Vũ Trường Giang - Khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học Huế nói rằng, trong thực tế hơn chục năm làm sách, với vai trò là cộng tác viên của các nhà xuất bản, công ty phát hành trong nước giới thiệu bản thảo, tuyển chọn bản thảo, anh đã nhận thấy có nhiều vấn đề.

Theo TS. Giang, trước hết việc làm sách là một công việc rất tỉ mẩn, công phu và mất rất nhiều thời gian từ khâu tác giả, đến xử lý bản thảo, in ấn, phát hành, quảng bá. Với Huế, câu chuyện làm sách lại có đặc thù riêng gắn với vị thế là một trung tâm giáo dục, văn hóa, văn học nghệ thuật của cả nước qua nhiều thời kỳ.

Giai đoạn gần đây, tính chất của công tác xuất bản đã có sự chuyển biến khá nhiều. Ở Huế, có thể phân ra những kiểu làm sách như sau: một là, tác giả tự in, tự phát hành, quảng bá tác phẩm – công trình của mình; hai là, có sự liên kết với các nhà xuất bản, công ty phát hành và được các đơn vị mua bản quyền, ký kết hợp tác.

Kiểu làm thứ nhất chủ yếu để phục vụ nhu cầu bản thân hoặc trong một cộng đồng nhỏ hẹp, phát hành không rộng khắp cả nước, không trở thành sản phẩm thương mại và vì thế tính quảng bá không cao. Kiểu làm này tác giả phải bỏ công ra làm tất cả, số lượng in hạn chế, chất lượng không đồng đều nhưng lại đang chiếm vị trí chủ đạo và nhiều đầu sách hay làm theo “sự khiêm tốn đó” vô tình đã không đến tay bạn đọc khắp cả nước.

Kiểu làm thứ hai, các nhà xuất bản, công ty phát hành làm tất cả các khâu sau khi tác giả giao bản thảo với điều kiện bản thảo phải đảm bảo chất lượng, thu hút người đọc và tác giả có thương hiệu. Với kiểu làm này, sách in số lượng nhiều, phát hành rộng khắp trên nhiều hệ thống nhà sách, trang thương mại điện tử, nội dung phong phú, hình thức bắt mắt, chất lượng cao, hướng đến sự chuyên nghiệp của công tác xuất bản, phát hành.

Dựa trên hai kiểu làm đó, chúng ta dễ nhận thấy ở Huế, tác giả nào, đầu sách nào làm theo kiểu thứ nhất thì chỉ giới hạn trong phạm vi nhỏ của Huế, sách chủ yếu là tặng, biếu, việc thương mại rất hạn chế, và đến với tay bạn đọc cần sách đó không nhiều. Kiểu thứ hai là xu thế, là hướng đi tích cực, sách đảm bảo chất lượng và có tính thương mại, hướng mở rộng độc giả, đối tượng.

Tuy nhiên, một thực tế là lượng tiêu thụ sách ở Huế tại các nhà sách, cửa hành sách so với mặt bằng chung cả nước không thật sự sôi động. Từ một trung tâm học thuật, một xứ sở của sách vở, phổ biến đến nỗi ngày xưa gia đình nào cũng có một tủ sách được kế thừa qua nhiều đời với một số lượng khá đồ sộ. Ngày nay, việc tiêu thụ sách đã giảm hẳn, kéo theo sự đi xuống của văn hóa đọc trong thời đại số.

Bài, ảnh: NHẬT MINH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quảng bá giá trị văn hóa Huế qua Tủ sách Huế, tưởng dễ mà khó - Kỳ 2: Muốn lan tỏa, thôi phụ thuộc ngân sách

Bên cạnh việc lan tỏa ra thị trường đến rộng rãi hơn với bạn đọc không những trong nước mà xa hơn là quốc tế, những ấn phẩm Tủ sách Huế về lâu dài cần được nhân rộng số lượng phát hành thông qua hình thức xã hội hóa. Xa hơn cũng cần tính toán để Tủ sách Huế thích ứng với quá trình chuyển đổi số để mọi người dễ tiếp cận. Đây là hiến kế của các chuyên gia, những người hoạt động trong lĩnh vực xuất bản khi bàn về đường hướng phát triển Tủ sách Huế không chỉ trong tương lai, mà cần hành động ngay từ bây giờ.

Quảng bá giá trị văn hóa Huế qua Tủ sách Huế, tưởng dễ mà khó - Kỳ 2 Muốn lan tỏa, thôi phụ thuộc ngân sách
Trao tặng 94 tủ sách lớp học tại huyện Phú Lộc

Chiều 22/4, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phú Lộc phối hợp Tổ chức Zhi Shan Foundation tại Việt Nam tổ chức chương trình hưởng ứng Ngày hội đọc sách với chủ đề “Sách hay cần bạn đọc” và trao tặng 94 tủ sách lớp học cho 13 trường học tại huyện Phú Lộc.

Trao tặng 94 tủ sách lớp học tại huyện Phú Lộc

TIN MỚI

Return to top