ClockThứ Ba, 04/07/2023 07:00

Phát huy giá trị di sản văn hóa trên tạp chí văn nghệ

TTH - Văn hóa, di sản luôn là nguồn cảm hứng bất tận của các tác giả. Làm sao để gìn giữ, phát huy được những giá trị di sản và bản sắc văn hóa địa phương luôn là điều trăn trở của những tạp chí văn nghệ.

Bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa quê hương15 văn nghệ sĩ tham gia trại sáng tác “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”

leftcenterrightdel
Văn nghệ sĩ cần tích cực tham gia bảo vệ và gìn giữ di sản văn hóa 

Nguồn cảm hứng bất tận

Văn hóa, di sản luôn là nền tảng của dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. 80 năm qua, bản “Đề cương về văn hóa Việt Nam” cũng đã khẳng định vai trò của văn hóa là ánh sáng dẫn lối trong sự nghiệp xây dựng và phát triển của đất nước.

Thừa Thiên Huế là vùng đất với nhiều di sản văn hóa vật chất và phi vật chất quý giá, là tiềm năng để phát triển kinh tế, và hơn thế chính văn hóa và di sản lại làm giàu thêm kho tàng văn hóa của quê hương mình. Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị “Về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã nhấn mạnh sự phát triển của thành phố cần thiết phải dựa trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường”.

Theo nhà văn Trần Băng Khuê (TP. Huế), Huế là một không gian sống, không gian văn hóa đặc biệt. Cùng với nhiều công trình kiến trúc, di sản văn hóa đặc sắc, Huế có một mạch ngầm văn học nghệ thuật riêng biệt.

“Trong các tác phẩm của những văn nghệ sĩ, Huế được khắc tạc theo những cảm quan riêng của từng cá tính người viết; theo trải nghiệm và sự chiêm ngắm của người nghệ sĩ. Huế trong các tác phẩm được đăng trên Tạp chí Sông Hương vừa là không gian của quá khứ, là ký ức mang theo, nhưng cũng vừa là một không gian tinh thần riêng với những dấu ấn cá nhân đậm nét theo cảm quan nghệ thuật của người sáng tạo”, nhà văn Trần Băng Khuê chia sẻ.

Nhiều trăn trở

Những di sản văn hóa quý giá như Quần thể di tích cố đô Huế, Nhã nhạc cung đình, Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn và Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế, cùng với những lễ hội, phong tục… từ lâu đã là cảm hứng cho nhiều tác phẩm nghệ thuật. Nhà thơ Lê Vĩnh Thái, Tổng Biên tập Tạp chí Sông Hương cho rằng, các tạp chí văn nghệ cần có trách nhiệm quảng bá, gìn giữ và phát huy hình ảnh của di sản địa phương.

Đó cũng là điều trăn trở của những người tham gia Hội thảo Tạp chí văn nghệ Bắc miền Trung, 5 vùng Kinh đô xưa và nay với chủ đề “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa quê hương”, diễn ra vào tháng 6 vừa qua.

Tại hội thảo, các tạp chí văn nghệ tại Huế, Hà Nội, Quảng Bình, Quảng Trị, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh đã cùng bàn luận về những vấn đề chung trong cách tiếp nhận và gìn giữ, bảo tồn di sản, văn hóa.

Nhà phê bình Hoàng Thụy Anh (Tạp chí Nhật Lệ) cho rằng, Tạp chí văn nghệ địa phương được xem là nơi lưu giữ và thức dậy ký ức văn hóa bản địa. Cô luôn trăn trở về nguy cơ bị đứt gãy và rạn nứt của hệ giá trị văn hóa địa phương trước cơn lốc của cách mạng công nghiệp, của kỹ thuật số, của những luồng văn hóa ngoại lai mà với thế giới phẳng đang tràn vào khắp các vùng đất. Đáng mừng rằng, các tạp chí đều có những chuyên mục về văn hóa địa phương. Điều đó cho thấy, việc bảo lưu và gìn giữ văn hóa, di sản của tạp chí văn nghệ địa phương là rất quan trọng.

Nhà văn Lưu Nga (Tạp chí Xứ Thanh) khẳng định: “Tạp chí văn học nghệ thuật là kênh thông tin phản ánh đa chiều về các sự kiện, các hoạt động liên quan đến việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa của dân tộc, để từ đó giúp cho các cơ quan chức năng và những người làm công tác quản lý, nghiên cứu về văn hóa, lịch sử có thêm thông tin hữu ích. Từ đó tạp chí văn nghệ địa phương đã góp phần to lớn trong việc đấu tranh bảo vệ các giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc trước sự tấn công, du nhập của các trào lưu văn hóa, lối sống xa lạ đi ngược với truyền thống lịch sử dân tộc, khí phách và những giá trị tinh thần tốt đẹp của con người Việt Nam”.

Đối với chuyên mục “Huế - dòng chảy văn hóa” trên Tạp chí Sông Hương, nhà nghiên cứu Đỗ Minh Điền (TP. Huế) cho biết, trước thời điểm các tờ tạp chí chuyên ngành xuất hiện ở Huế như Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, Tạp chí Huế Xưa và Nay; Tạp chí Sông Hương được xem là kênh thông tin gần như là duy nhất tại Huế lúc đó. Sông Hương có vai trò rất quan trọng trong việc giới thiệu hệ thống các di sản cung đình triều Nguyễn. Thậm chí, có những bài viết được đăng trước cả thời điểm Quần thể di tích cố đô Huế được UNESCO vinh danh năm 1993.

Từ góc nhìn di sản, nhà nghiên cứu Võ Vinh Quang (TP. Huế) nêu lên tầm quan trọng của di sản Hán Nôm bởi những dấu ấn về truyền thống làng xã, các phong tục, tục lệ, hương ước, gia phong lễ giáo… đều được kết tinh thông qua nguồn tư liệu Hán Nôm. Bởi thế, để xây dựng Huế trở thành trung tâm văn hóa đặc sắc của Việt Nam, phù hợp với tầm nhìn phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo tiêu chí thành phố di sản đặc thù, tác giả nêu vấn đề cần có phương án khai thác, bảo tồn, hồi hương loại tư liệu Hán Nôm quý giá và độc đáo này.

Tạp chí văn nghệ địa phương, song hành với việc góp sức phát huy cao nhất tính sáng tạo văn học nghệ thuật bằng những tư liệu, chất liệu về di sản, văn hóa bản địa, là công tác tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội theo định hướng của Đảng và Nhà nước. “Tạp chí Sông Hương luôn mong muốn cùng với những văn nghệ sĩ gửi gắm tình yêu, mong muốn được gìn giữ bản sắc quê hương, để Huế đẹp thêm trên từng trang viết cũng như phát triển hơn với tư cách đô thị trung tâm của miền Trung”, Nhà thơ Lê Vĩnh Thái chia sẻ.

Bài, ảnh: ĐĂNG TRÌNH
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát huy vai trò trụ cột trong hệ thống an sinh

Bảo hiểm xã hội (BHXH) là trụ cột chính của hệ thống an sinh góp phần quan trọng bảo đảm đời sống của người dân nói chung và người lao động nói riêng. Năm 2025, BHXH thành phố Huế triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN)… nhằm ổn định cuộc sống, đồng thời giúp người dân phòng tránh các rủi ro, bệnh tật.

Phát huy vai trò trụ cột trong hệ thống an sinh
Phát huy vai trò của cán bộ nữ

Vai trò của cán bộ nữ ngày càng được khẳng định. Vì vậy, trong thời gian tới công tác cán bộ nữ cần được quan tâm nhiều hơn.

Phát huy vai trò của cán bộ nữ

TIN MỚI

Return to top