ClockThứ Ba, 14/11/2017 14:49

Người dân là chủ thể phát huy các giá trị di sản văn hóa

TTH.VN - Đó là ý kiến được nhiều đại biểu nhấn mạnh tại hội thảo với chủ đề “Bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa (DSVH) thế giới” do TP. Huế phối hợp cùng TP. Gyeongju (Hàn Quốc) tổ chức ngày 14/11.

Hầu hết các ý kiến đem đến hội thảo đề cao vai trò của người dân trong công cuộc phát huy các giá trị di sản văn hóa

Hội thảo diễn ra trong khuôn khổ kỷ niệm 25 năm quan hệ Hàn Quốc - Việt Nam và 10 năm hợp tác kết nghĩa giữa hai TP. Huế và Gyeongju với sự tham gia của đông đảo diễn giả, nhà nghiên cứu của hai nước. Nhiều quan điểm, kiến nghị, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm được đưa ra tại hội thảo giúp Huế bảo tồn, trùng tu các DSVH trên địa bàn.

Người dân là chủ thể

Mở đầu buổi hội thảo, ông Huh Kwon, Tổng Giám đốc Trung tâm thông tin và mạng lưới quốc tế về DSVH phi vật thể khu vực Châu Á- Thái Bình Dương nhấn mạnh rằng: Người dân là chủ thể trong việc bảo tồn và phát huy các DSVH.

Ông Huh Kwon so sánh Huế và và Gyeongju là hai thành phố có nhiều điểm tương đồng với nhiều di tích và DSVH được UNESCO công nhận là DSVH thế gới. Vì vậy, để phát triển bền vững thì người dân đóng vai trò hết sức  quan trọng, lãnh đạo thành phố cần tôn trọng ý kiến của người dân, đồng thời cần phải có những chính sách phù hợp để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, đặc biệt là không đi ngược lại mong muốn của người dân. “Cách đây 20 năm tôi đã đến Huế và cảm nhận Huế rất buồn và chưa phát triển, song giờ đây Huế đã trở thành một thành phố năng động và có nhiều thay đổi. Cùng với nỗ lực của chính quyền địa phương, tôi nghĩ người dân đã góp phần không nhỏ trong việc bảo tồn và tùng tu các DSVH”, ông Huh Kwon nhận xét.

Cùng quan điểm với ông Huh Kwon, Thị trưởng TP Gyeongju - ông Choi Yang Sik cho rằng, với điểm chung lớn nhất đó là cả hai thành phố đều có các DSVH được UNESCO công nhận là DSVH thế giới, vì vậy sự hợp tác giữa hai thành sẽ góp phần rất lớn trong việc bảo tồn và phát huy các DSVH vốn có. Ông Choi Yang Sik khẳng định, sắp tới Gyeongju sẽ quảng bá hình ảnh Huế đến với người dân thành phố nói riêng và Hàn Quốc nói chung, trong đó mỗi năm sẽ đưa 20 ngàn người dân TP. Gyeongju đến Huế du lịch nhằm tạo điều kiện cho người dân tìm hiểu về kiến trúc và văn hóa, con người Huế. Trong tương lai, Gyeongju không chỉ dừng lại trong việc hợp tác phát triển du lịch mà còn xúc tiến hợp tác về đầu tư, có nhiều hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về bảo tồn và phát huy các giá trị DSVH Huế.

Hội thảo có sự góp mặt của nhiều diễn giả, nhà nghiên cứu Huế

Trong khi đó, thay mặt cho TP. Huế, ông Nguyễn Văn Thành - Chủ tịch UBND TP. Huế cảm ơn sự hợp tác bền vững, cũng như sự giúp đỡ của TP. Gyeongju trong nhiều năm qua. Đặc biệt, với tình cảm của ngài thị trưởng TP. Gyeongju dành cho Huế 10 năm qua thông qua các hoạt động hỗ trợ như lĩnh vực thể dục thể thao, lễ hội truyền thống văn hóa... Ngoài việc tạo điều kiện cho các chuyên gia tham gia các sự kiện quan trọng, Gyeongju đã tài trợ mỗi năm trên dưới 50.000 USD để các chuyên gia và lãnh đạo TP. Huế sang Hàn Quốc trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ các phương pháp bảo tồn DSVH. 

“Chúng tôi đánh giá cao sự hợp tác trong 10 năm qua và mục tiêu của hội thảo lần này nhằm giúp cho các chuyên gia, lãnh đạo TP. Huế có cơ hội trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm. Trong quá trình phát triển thành phố luôn có những điều chỉnh nhằm giúp cho những chính sách và định hướng mang tính chất trọng tâm chiến lược của Huế, qua đó đúc rút kinh nghiệm của các đô thị khác để góp phần vào việc bảo tồn và phát huy các giá trị DSVH trên địa bàn”, ông Thành khẳng định.

Tạo nguồn sinh lợi để bảo tồn di tích

Tại hội thảo, thạc sĩ Phan Văn Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cũng đã chia sẻ rất nhiều vấn đề liên quan đến hiện trạng, công tác bảo tồn và trùng tu hoàng cung triều Nguyễn. Ông Tuấn nhắc lại, trong các cố đô của Việt Nam, Huế là cố đô duy nhất còn bảo lưu được khá nguyên vẹn tổng thể kiến trúc của nghệ thuật cung đình, với hệ thống thành quách, cung điện, miếu đường, đền đài, lăng tẩm. TP. Huế là sự mẫu mực kết hợp hài hòa giữa các yếu tố con người, kiến trúc và cảnh quan thiên nhiên, là điển hình của loại hình kiến trúc cảnh vật hóa - một loại hình kiến trúc đậm đà bản sắc dân tộc và giá tính nhân văn.

Sức hấp dẫn lớn của Huế là trải qua bao biến thiên lịch sử vẫn bảo tồn được chân dung của một kinh đô, bảo tồn được “một kiệt tác về thơ kiến trúc đô thị” với hàng trăm công trình nghệ thuật tinh vi, tuyệt mỹ, phong phú, đa dạng về phong cảnh... Đó hiển nhiên là một thế mạnh về văn hóa, trở thành thế mạnh trong cơ cấu kinh tế của tỉnh trên cơ sơ khai thác và phát huy giá trị của hệ thống di tích một cách hợp lý.

Đại biểu tham gia hội thảo chụp hình lưu niệm

Huế còn là tụ điểm về di sản văn hóa tinh thần phong phú, một vùng văn hóa Phú Xuân đặc sắc nổi tiếng bao gồm văn hóa dân gian và văn hóa cung đình. Tuy nhiên sau 30 năm chiến tranh, kho tàng di sản đồ sộ ấy bị hủy hoại rất nặng nề. Dù đất nước đã sang trang nhưng do rất nhiều khó khăn, đồng thời những định kiến về triều Nguyễn nên cách đối xử với các di sản vẫn chưa phù hợp. Sự thiếu quan tâm hay do cách sử dụng các di tích một cách tùy tiện đã tiếp tục làm mất mát, biến dạng một số di tích quang trọng. 

Năm 1981, lúc bấy giờ ông Amadou Mahtar M’bow đã ra lời kêu gọi cứu vãn di tích Huế: “... di sản Huế đang ở trong tình trạng lâm nguy, đang đứng bên vực thẳm của sự diệt vong và sự quên lãng… chỉ có “một sự cứu nguy khẩn cấp” với nỗ lực của Chính phủ Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế thì mới có thể giúp Huế thoát ra khỏi tình trạng trên”.  Từ đó, các tổ chức quản lý di tích ra đời, sự ủng hộ viện trợ của các tổ chức quốc tế đã giúp công cuộc phục hưng di tích Huế bước sang một trang mới.

Nhiều đại biểu tranh luận bên lề hội thảo

Đến thời điểm này, khai thác và phát huy giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể di tích cố đô Huế là giải pháp tốt nhất để bảo tồn di tích, làm cho di tích sống, hòa vào cuộc sống của xã hội đương đại, có tác dụng giáo dục, nâng cao đời sống văn hóa nhân dân, góp phần phát triển kinh tế, tạo nguồn sinh lợi để bảo tồn di tích. 

Việc khai thác và phát huy giá trị di sản cũng tạo cho điều kiện công tác phục hồi các ngành nghề thủ công, nghi lễ và nghệ thuật truyền thống, đáp ứng nhu cầu của ngành du lịch. “42 năm thực hiện công cuộc bảo tồn và phục hưng di sản văn hóa Huế đã để lại nhiều kinh nghiệm và bài học quý giá. Đó là bài học về sự nhận thức vai trò đặc biệt của di sản trong đời sống hiện tại, về sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp ngành từ trung ương đến cơ sở, là bài học về việc phát huy nội lực vốn có, huy động sự ủng hộ giúp đỡ của cộng đồng quốc tế với vai trò nổi bật của UNESCO, về việc kết hợp chặt chẽ giữa bảo tồn và phát triển, giữa lợi ích của nhà nước và cộng đồng các tầng lớp xã hội...” ông Tuấn nhìn nhận.

Huyện Phong Điền kết nghĩa với huyện Uljin - Gun, tỉnh Gyeongsangbuk (Hàn Quốc)

Trước đó, ngày 12/11 đã diễn ra lễ ký kết biên bản thỏa thuận kết nghĩa giữa huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế và huyện Uljin, tỉnh Gyeongsangbuk (Hàn Quốc). Tham dự lễ ký kết có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương; ông Lim Kwang Won, Chủ tịch huyện Uljin và lãnh đạo huyện Phong Điền.

Tại buổi lễ, hai huyện Phong Điền và Uljin đã thông tin khái quát về tình hình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương và những tiềm năng, thế mạnh của hai huyện. Trên cơ sở đó hai bên đã thống nhất mở rộng quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực, trong đó ưu tiên thúc đẩy xúc tiến thương mại, đầu tư và giao lưu văn hóa…

Hai huyện cũng đã ký kết biên bản ghi nhớ kết nghĩa hợp tác phát triển với mục tiêu tăng cường mối quan hệ giao lưu, hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau. Qua đó góp phần khai thác tốt hơn tiềm năng, thế mạnh, thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển nhanh và bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân hai huyện.

Bài, ảnh: Th. Hương - P. Thành

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Kinh đô văn hóa sáng tạo

Sau lần đầu tiên vào năm 2012, Huế lại đăng cai tổ chức Năm Du lịch Quốc gia 2025. Nếu chủ đề của Năm Du lịch Quốc gia cách nay 13 năm là “Huế - Kinh đô cổ - Trải nghiệm mới” thì lần này, như một sự kế thừa, chủ đề của Năm Du lịch Quốc gia 2025 được xác định là “Huế - Kinh đô văn hóa sáng tạo”. Huế tự hào có 8 di sản văn hóa thế giới, trong đó 6 di sản của riêng Huế và 2 di sản chung với các địa phương khác. Giá trị di sản là cốt lõi tạo nên thế mạnh du lịch Cố đô.

Kinh đô văn hóa sáng tạo
Giữ lửa truyền thống giữa đại ngàn

Đôi vợ chồng Nghệ nhân Ưu tú Ta Dưr Tư và Areel Đời, sinh sống tại huyện A Lưới đã dành cả cuộc đời bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa độc đáo của các đồng bào dân tộc thiểu số. Với hơn 40 năm miệt mài sưu tầm, nghiên cứu và truyền dạy, họ trở thành những ngọn lửa dẫn đường và gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống cho thế hệ mai sau.

Giữ lửa truyền thống giữa đại ngàn
Châu Á năm 2024: Điểm lại một số niềm vui và nỗi buồn

Hãng tin CNBC dẫn nhận xét từ Giám đốc điều hành Công ty tư vấn RiverPeak Group Curtin S. Chin và nhà phân tích khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Jose B. Collazo cho biết, giống như năm 2023, năm 2024 dường như không mang lại nhiều điều đáng mừng cho người dân trên khắp khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế bất ổn và căng thẳng địa chính trị dai dẳng, vẫn còn đó những hi vọng và niềm vui.

Châu Á năm 2024 Điểm lại một số niềm vui và nỗi buồn
Hàn Quốc chính thức trở thành “xã hội siêu già”

Theo số liệu chính thức vừa được Bộ Nội vụ Hàn Quốc công bố ngày 24/12, Hàn Quốc đã chính thức trở thành “xã hội siêu già” khi tỷ lệ dân số từ 65 tuổi trở lên vượt quá 20%, trong bối cảnh đất nước đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân khẩu học do dân số già hóa nhanh chóng và tỷ lệ sinh thấp ở mức đáng báo động.

Hàn Quốc chính thức trở thành “xã hội siêu già”

TIN MỚI

Return to top