ClockChủ Nhật, 21/04/2024 06:30

Một khoảng ngô đồng thảng thốt

TTH - Đôi lần, tôi đã so sánh hoa ngô đồng với một quốc hoa nào đó trên thế giới, tạo dựng không gian và ngồi ngắm. Nhưng tôi đã bỏ ý nghĩ đó và nghĩ về những không gian khác dành cho loài hoa thanh tao miền cố xứ. Điều đầu tiên là kiếm ở đâu một hạt giống, một cây con, và hơn nữa tôi sẽ trồng ở đâu. Rồi tôi trồng nó trong tâm tưởng, nơi những góc chất chứa nỗi niềm, để mỗi lần chiêm ngắm là một lần thấy thêm những vẻ đẹp trong đời vốn như ngô đồng đã đẹp xưa nay vậy.
 

Đôi lần tôi so sánh màu hồng của hoa ngô đồng với màu môi mộc của thiếu nữ, với dải yếm bay trong giấc mơ thánh thiện. Rồi tôi chỉ có thể so sánh giữa hoa ngô đồng với hoa xoan, nở từ tháng Ba. Một hồng, một trắng, đều có pha màu tím. Vẫn nghĩ cái đẹp sẽ đẹp hơn, quý phái hơn khi gợn chút buồn xa xôi, thêm sâu thẳm. Hai loài hoa đều rất cao, tuy hoa xoan lẫn trong lá, ngô đồng thì rũ lá để dành sức cho hoa. Cách mà ngô đồng đơm hoa thì đó là một sức sống viên mãn, hồng tươi trinh nguyên. Xưa kia loài phượng hoàng đã tìm nhánh ngô đồng đậu xuống để tương xứng với mình - chỉ phượng hoàng mới xứng để ngô đồng đón đợi. Ngô đồng dẫu mang tính nữ song toát lên vẻ quân tử thanh cao: Cái cao vời ngay ở thân của nó, khi bung hoa không phải ai cũng dễ dàng chạm đến. 

Hoa ngô đồng tao nhã như cung tần mỹ nữ, như một tiên hoa lồng lộng phiêu du từ trong quá vãng về đứng bên những bức tường phong rêu, hoang phế. Năm nào đó cứ ngang qua cầu Trường Tiền, tôi đều ngóng xem hoa đã nở chưa, đã tàn chưa hay còn gian díu tình lụy nhân gian. Tri âm mấy ai hiểu thấu, đôi khi lướt qua giữa đời như không hề quen biết nhưng đã cảm cốt cách rồi đâu cần gần gụi làm tin.

Tôi ước được ngồi dưới hiên của một quán trà cổ nơi góc phố cũ mèm, ở đó tôi vẫn thấy một nhánh hoa ngô đồng sà xuống, hồng tươi lụa là. Cây ngô đồng phất phơ trong trí tưởng ấy đôi lúc rỗi tôi vẫn đi tìm. Tôi biết đến những cây ngô đồng cao lớn trong cố kinh tuy hiếm khi có dịp vào đó được ngồi một mình trong thinh vắng. Lại có lần người bạn nhắc đến cây ngô đồng ở một ngôi chùa thuộc phía tây thành phố, tôi đã đến đó tìm song chưa thấy. Tôi lại rong ruổi kiếm tìm, và lần đi ngang một ngôi nhà thờ, tôi thấy. Bây giờ lá như gần héo rũ, đó có thể là một sự thầm lặng như trút bỏ muộn phiền để bung những phiến hoa đậm sắc hồng tươi sắp sửa, như môi thiếu nữ, như màu hồng tiên nữ. Tôi ngồi xuống cội cây vào một chiều nắng nhạt, mênh mang với khói thuốc hư huyền. Tôi tưởng về không gian xưa man mác nhuốm tích cổ, với giọng ca vút lên từ chiếc đài cũ; có ai đó lẹ làng đến ngồi gần mê từng nốt nhạc trải dàn, yêu tiếng hát vút lên một vô danh rực rỡ; cái không gian mà tôi muốn ngồi mãi để hiểu thêm về hư vô.

Gần đây đọc một truyện ngắn, tác giả viết về loài hoa ngô đồng, lồng trong chuyện tình tuyệt đẹp nhưng day dứt bởi mấy đoạn đành chia xa. Câu chuyện thâm trầm đan xen hiện thực và quá khứ. Tôi luôn nhớ nhân vật là chàng trai du học ấy, với lòng đầy tự hào dân tộc nơi xứ người. Hơn hết là sự lồng ghép sắc màu của hoa ngô đồng vào chuyện, những dấu tích phôi pha trên Cửu Đỉnh, lần theo mối tình để tìm về một khung trời mộng tưởng. Tôi có lần nhắn với bạn mình ở xa đang khao khát đến Huế ngắm ngô đồng, rằng hoa không chỉ lộng lẫy ở trong Đại Nội, còn khiêm nhường nép ở đền chùa và đâu đó chưa mấy ai phát hiện ra vẻ đẹp của nó. Chừng đó thôi đã thấy một Huế thanh cao, quý phái, thăm thẳm những vỉa tầng văn hóa một khi thấm vào hồn thiếu nữ thì sắc xuân tuyệt mỹ toát lên cả khuôn mặt.

Tôi thích đi dạo bên bờ sông Hương, ngắm thành phố ở những lúc ít người nhất. Đó là quãng thời gian thành phố muốn trò chuyện với thiên nhiên, với một không gian khác để nuôi dưỡng năng lượng cho rêu phong cổ kính. Hoa ngô đồng đã có không gian của nó, dẫu sao tôi vẫn ước một ngõ phố trầm mặc, chỉ vài cây ở cuối phố hay góc đường thôi, đủ để nuôi dài những cảm hứng tụng ca thiên nhiên của thành phố miền sông thơm.

Nhụy Nguyên
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Kinh đô văn hóa sáng tạo

Sau lần đầu tiên vào năm 2012, Huế lại đăng cai tổ chức Năm Du lịch Quốc gia 2025. Nếu chủ đề của Năm Du lịch Quốc gia cách nay 13 năm là “Huế - Kinh đô cổ - Trải nghiệm mới” thì lần này, như một sự kế thừa, chủ đề của Năm Du lịch Quốc gia 2025 được xác định là “Huế - Kinh đô văn hóa sáng tạo”. Huế tự hào có 8 di sản văn hóa thế giới, trong đó 6 di sản của riêng Huế và 2 di sản chung với các địa phương khác. Giá trị di sản là cốt lõi tạo nên thế mạnh du lịch Cố đô.

Kinh đô văn hóa sáng tạo
Giữ lửa truyền thống giữa đại ngàn

Đôi vợ chồng Nghệ nhân Ưu tú Ta Dưr Tư và Areel Đời, sinh sống tại huyện A Lưới đã dành cả cuộc đời bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa độc đáo của các đồng bào dân tộc thiểu số. Với hơn 40 năm miệt mài sưu tầm, nghiên cứu và truyền dạy, họ trở thành những ngọn lửa dẫn đường và gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống cho thế hệ mai sau.

Giữ lửa truyền thống giữa đại ngàn
Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của TP. Huế trực thuộc Trung ương

Với tính chất là đô thị di sản, trong chiến lược lâu dài, Thừa Thiên Huế sẽ được cấu trúc thành chùm đô thị đa trung tâm. Sự phát triển sẽ dựa trên các điều kiện về sự phân bổ dân số, điều kiện tự nhiên, sông ngòi, đầm phá, biển, khoáng sản…và đặc biệt các thế mạnh của tài nguyên văn hóa. Điều này cũng đặt ra nhiều cơ hội kèm thách thức một khi Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của TP Huế trực thuộc Trung ương
Xây dựng văn hóa ứng xử trong các cơ sở giáo dục

Ngày 18/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức hội thảo đánh giá kết quả thực hiện Thông tư số 26/2017/TT-BGDĐT và Thông tư số 06/2019/TT-BGDĐT về quy định quy tắc ứng xử trong các cơ sở giáo dục. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Điểm cầu tại Thừa Thiên Huế được tổ chức tại Sở GD&ĐT.

Xây dựng văn hóa ứng xử trong các cơ sở giáo dục
Phát triển văn hóa, du lịch Cố đô bằng âm nhạc truyền thống

Chiều 18/12, tại Khách sạn Saigon Morin diễn ra Hội thảo khoa học Quốc gia “Phát huy giá trị âm nhạc truyền thống Huế trong phát triển văn hóa, du lịch” do Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức.

Phát triển văn hóa, du lịch Cố đô bằng âm nhạc truyền thống

TIN MỚI

Return to top