ClockChủ Nhật, 09/05/2021 07:45

Lời mới cho ca Huế

TTH - Để ca Huế phù hợp với đời sống đương đại, phù hợp với tâm tư, cách nghĩ, cách thưởng thức của công chúng hôm nay, việc đẩy mạnh sáng tác lời mới cho ca Huế cần được đặt ra.

Phát động cuộc thi sáng tác lời mới cho ca Huế

Ca Huế cần có những lời mới phù hợp với giới trẻ và đời sống đương đại

Lời ca cũ, đội ngũ sáng tác mỏng

Là loại hình đàn hát ở thính phòng mang phong cách tự sự, tri âm, tri kỷ, các làn điệu, bài bản ca Huế đạt đến trình độ hoàn chỉnh về nhạc và lời. Nội dung bài bản ca Huế giàu chất thơ, trữ tình, thể hiện chiều sâu cả ở phần âm nhạc lẫn nội dung. Bay bổng, lâng lâng có “Phẩm tuyết”, “Nguyên tiêu”; tình tứ, quấn quýt có “Lộng điệp, “Cổ bản”; vui tươi, rộn ràng có “Kim Tiền”, “Phú Lục nhanh”; da diết với “Quả phụ”, “Nam ai”; thâm trầm, sâu lắng như “Nam bình”...

Theo nhà thơ Võ Quê, Chủ nhiệm CLB Ca Huế, thiên về tự sự và ngâm ngợi, lời ca Huế thường có nội dung sâu sắc ngợi ca phong cảnh hữu tình, tự sự nhân tình thế thái, về buồn vui phận người, giàu cảnh, đậm tình của các thi sĩ, bậc tao nhân, như: Công chúa Mai Am, Ưng Bình Thúc Giạ, Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, Á Nam Trần Tuấn Khải, Vu Hương, Kiều Khê, Bửu Lộc... Dĩ nhiên, những lời ca ấy luôn có giá trị vượt thời gian.

Để ca Huế tiếp tục được phát huy giá trị, cần có những lời ca mới phù hợp với đời sống đương đại. “Ca Huế được đưa vào phục vụ du lịch, rất phát triển nhưng lời ca vẫn chủ yếu là lời ca cổ, trong khi cuộc sống hiện nay có nhiều vấn đề đặt ra, cần bắt kịp để có những làn điệu phù hợp với đời sống đương đại”, nhà thơ Võ Quê nói.

Theo nhà báo Minh Khiêm, sáng tác lời mới có ý nghĩa rất quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị ca Huế. Ngoài một số lời ca Huế có giá trị về mặt văn học, những bài ca Huế được truyền dạy qua nhiều thế hệ đã xưa cũ về nội dung: “Lẽ nào ca ngợi cảnh đẹp Huế cứ ca hoài là “chốn bồng lai”, “xứ thần tiên”; tả tình yêu đôi lứa cứ mãi là “ghẹo nguyệt trêu hoa”, “phận má hường”? Cũng là ngâm vịnh về tự sự, trữ tình nhưng cảnh vật, con người, xã hội... hôm nay đã khác xưa. Ca từ ca Huế cũng phải đổi thay để phù hợp với đề tài, tâm tư, cách nghĩ, cách thưởng thức của công chúng hôm nay”.

Những người viết lời mới cho ca Huế trước đây đã ít, nay lại càng ít hơn. Điểm lại đội ngũ soạn lời ca Huế hiện nay khá khiêm tốn, không quá 10 người, như: Võ Quê, Minh Khiêm, Kim Vàng, Lệ Hoa, Thái Hùng… Đây là điều báo động và cũng là thiệt thòi cho ca Huế, ảnh hưởng trực tiếp đến việc giữ gìn và phát huy giá trị của ca Huế.

Phát động viết lời mới

Nhà báo Minh Khiêm từng đề xuất, ngành văn hóa cần đẩy mạnh việc sáng tác lời mới cho ca Huế, dân ca; xây dựng đội ngũ tác giả viết lời mới, nhất là phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng những cây bút trẻ. Có thể hai năm một lần, các cơ quan văn hóa, văn nghệ, báo chí… phối hợp tổ chức thi sáng tác lời mới các làn điệu ca Huế. Các bài dự thi được tuyển chọn in thành sách phục vụ cho việc học hát ca Huế, dàn dựng các tiết mục. Không có đội ngũ sáng tác lời “có tay nghề” thì không thể có lời mới có chất lượng.

Sắp tới, Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức cuộc thi “Sáng tác lời mới dựa trên các bài bản ca Huế” năm 2021, kêu gọi sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trên quy mô toàn quốc. TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho hay, cuộc thi nhằm hưởng ứng việc xây dựng hồ sơ di sản nghệ thuật ca Huế đề nghị UNESCO vinh danh là di sản phi vật thể đại diện của nhân loại; góp phần tích cực vào việc xây dựng đời sống văn hóa nghệ thuật cơ sở, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần của người dân. Cuộc thi cũng hướng đến việc sáng tác lời mới dựa trên các bài bản ca Huế phù hợp với giới trẻ và chương trình đưa ca Huế vào trường học nhằm góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Nhà thơ Võ Quê là người sáng tác khá nhiều lời mới cho ca Huế với khoảng 200 bài theo các bài bản, như: Cổ bản, Tứ đại, Nam ai, Nam bình, Long ngâm... Theo ông, người soạn lời giỏi phải am hiểu, đam mê và thuộc các làn điệu ca Huế, biết đưa chất liệu văn học vào lời ca.

Theo nhà báo Minh Khiêm, lời ca Huế không theo một thể thơ truyền thống nào, hình thức thơ tự do, câu dài, câu ngắn tùy theo nhạc. Trừ vài làn điệu ngắn, các bài ca Huế có lời chia thành nhiều trổ (còn gọi là sáp), mỗi trổ một vần, chủ yếu là vần chân, có khi là vần lưng, có bài ca chỉ có một vần. Lời ca Huế sáng tác theo nhạc, không có hư tự, có giá trị văn học nên sáng tác lời ca Huế mặc nhiên khó hơn và yêu cầu cao hơn so với sáng tác lời các làn điệu hò, lý.

Hoan nghênh cuộc thi “Sáng tác lời mới dựa trên các bài bản ca Huế” do Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức, nhà thơ Võ Quê đề xuất, để cuộc thi chất lượng hơn, Sở Văn hóa và Thể thao nên tổ chức tập huấn, giới thiệu những bài bản, làn điệu; có những buổi nói chuyện, trao đổi kinh nghiệm về việc soạn lời ca Huế, quan trọng là lan tỏa được niềm đam mê ca Huế trong cộng đồng thì sẽ có nhiều người soạn lời cho bộ môn nghệ thuật này.

Bài, ảnh: CÁT AN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Làm mới quần áo cũ

Làm mới quần áo đã qua sử dụng bằng các họa tiết thêu tay, hoặc đắp nổi những mẩu vải nhỏ tinh tế đang được nhiều bạn trẻ thích thú. Chỉ với vài đường kim mũi chỉ đơn giản nhưng đủ sức khiến cho một bộ đồ cũ bỗng trở nên độc lạ và cá tính, thu hút bao ánh mắt.

Làm mới quần áo cũ
“Đò anh Đới...”

Sau nhiều lần dự định đến thăm người chủ đò đầu tiên chở du khách nghe ca Huế trên sông Hương, hôm nay tôi đã được diện kiến. Người chủ đò tên Đới năm xưa gắn liền với cái bảng hiệu có một không hai treo trên chiếc đò của mình: "Đò anh Đới - Đời anh đó". Ngôi nhà của ông Đới sát bờ sông Hương, gần khu vực cồn Hến, nhìn sang là cầu Phú Lưu nối với con đường mang tên Ưng Bình - một hoàng tộc Triều Nguyễn, nhà thơ và là soạn giả ca Huế nổi tiếng.

“Đò anh Đới  ”
Khởi nguồn từ một căn cước văn hóa

Võ Thành Thân là một trong những họa sĩ trẻ, góp phần làm nên công cuộc đổi mới nghệ thuật Việt Nam. Triển lãm cá nhân “Mộng Ảnh” của anh đang diễn ra tại Bảo tàng Nghệ thuật Quang San (TP. Hồ Chí Minh) từ ngày 30/11 - 15/12/2024 - triển lãm quy tụ 14 bộ tác phẩm sơn dầu, thành quả của hơn ba năm nghiên cứu và sáng tạo miệt mài.

Khởi nguồn từ một căn cước văn hóa
Trao giải 3 cuộc thi về lực lượng vũ trang Thừa Thiên Huế

Ngày 17/12, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tổ chức tổng kết, trao giải 3 cuộc thi: Sáng tác ca khúc về truyền thống, sáng tác logo truyền thống Lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh và cuộc thi viết “Xây dựng nền quốc phòng toàn dân” tỉnh lần thứ 3, năm 2024; đồng thời, công bố phim tài liệu về lịch sử truyền thống LLVT tỉnh.

Trao giải 3 cuộc thi về lực lượng vũ trang Thừa Thiên Huế

TIN MỚI

Return to top