ClockThứ Hai, 19/08/2024 07:33

Cơ hội cho nhà vườn, nhà rường Huế

TTH - Với mục tiêu bảo tồn và phát huy các giá trị đặc trưng của hệ thống nhà vườn, nhà rường trên địa bàn, UBND TP. Huế tiếp tục triển khai và đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án Chính sách hỗ trợ, bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn đặc trưng và nhà rường cổ Bao Vinh.

Hỗ trợ 45,2 tỷ đồng bảo tồn nhà vườn, rường xứ HuếBảo tồn phát huy thương hiệu nhà rường HuếCứu vãn nhà rường Huế

 Nhiều ngôi nhà rường cổ Bao Vinh, phường Hương Vinh xuống cấp cần hỗ trợ kinh phí trùng tu, tôn tạo

Cuối tháng 7/2024, UBND TP. Huế ban hành quyết định về chủ trương đầu tư dự án tu bổ, chống xuống cấp nhà vườn bà Nguyễn Thị Ngộ, số 3 Phạm Thị Liên, phường Kim Long thuộc danh mục nhà vườn tham gia Đề án “Chính sách hỗ trợ, bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn đặc trưng trên địa bàn tỉnh” (viết tắt là Đề án nhà vườn).

Theo đại diện gia đình bà Nguyễn Thị Ngộ, nhà được xây dựng vào năm 1890 trên diện tích 1.969m2, phân loại nhà vườn xếp loại 1. Qua hơn 130 năm đưa vào sử dụng và chưa đầu tư sửa chữa lớn nên hiện nhà đã xuống cấp, cần trùng tu để bảo tồn, bảo vệ di sản gắn với khai thác du lịch. Sau khi nhận quyết định tu sửa nhà của thành phố, gia đình bà rất mừng, đồng thời cho biết sẽ cố gắng phát huy giá trị nhà vườn Huế sau khi hoàn thành công tác trùng tu.

Trên cơ sở khảo sát và đánh giá hiện trạng cùng với nhu cầu sửa chữa của chủ nhà vườn, đề án tiến hành hạ giải toàn bộ hệ mái ngói liệt, hệ khung gỗ để phục hồi; hệ thống ván vách, cửa, liên ba, ván trần sẽ được thay thế một số lá cửa, phục hồi các cấu kiện hư hỏng nặng, tu bổ, xử lý một số cấu kiện còn tốt để tái sử dụng… Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1,1 tỷ đồng từ nguồn vốn hỗ trợ từ Quỹ Hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng, nhà vườn không đối ứng, dự kiến khởi công trùng tu vào đầu tháng 9/2024.

Theo lãnh đạo UBND TP. Huế, dự án nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị đặc trưng của hệ thống nhà vườn Huế. Đồng thời, tạo sự đồng thuận, hợp tác của người dân trong thực thi chính sách làm tiền đề lan tỏa, hình thành ý thức tự nguyện tham gia ở phạm vi rộng trong việc bảo vệ di sản nhà vườn Huế gắn liền với khai thác hiệu quả kinh tế.

Cùng với Đề án nhà vườn, trên cơ sở nội dung Đề án “Chính sách hỗ trợ, bảo vệ và phát huy giá trị nhà rường cổ Bao Vinh, phường Hương Vinh, TP. Huế” (viết tắt là Đề án nhà rường cổ) được UBND tỉnh phê duyệt và để thuận lợi trong việc tổ chức, triển khai các hoạt động liên quan đến Đề án nhà rường cổ, thành phố đã kiện toàn bổ sung chức năng nhiệm vụ tổ chức, triển khai thực hiện đề án cho Ban quản lý và bảo vệ nhà vườn Huế. Đồng thời, đề nghị cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, tham mưu trình UBND tỉnh bổ sung thêm chức năng nhiệm vụ tổ chức, triển khai thực hiện Đề án nhà rường cổ cho Quỹ hỗ trợ, bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng.

Cuối tháng 7/2024, Ban quản lý và bảo vệ nhà vườn Huế đã khảo sát, đánh giá tình trạng xuống cấp của nhà rường cổ đối với hộ bà Phan Thị Diệu Liên, số 77B Bao Vinh. Nhà có diện tích nhà 139m2, xây dựng năm 1914, phân loại nhà rường cổ loại 1, hiện đã xuống cấp, cần trùng tu, nhà rường cổ đáp ứng tiêu chí và thuộc danh mục nhà rường cổ tham gia Đề án nhà rường cổ được UBND tỉnh phê duyệt để đề xuất hỗ trợ trùng tu, tu bổ trong năm 2024.

Theo lãnh đạo UBND TP. Huế, đây là 2 trong số nhiều nhà vườn, nhà rường trên địa bàn sẽ được hỗ trợ kinh phí để tu bổ, chống xuống cấp trong thời gian tới. Cùng với việc hỗ trợ trùng tu, nhằm hình thành, phát triển điểm du lịch nhà vườn đặc trưng tại Thủy Biều, Kim Long và điểm du lịch phố cổ Bao Vinh để tổ chức khai thác dịch vụ du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị các nhà vườn đặc trưng, nhà rường cổ Bao Vinh theo hướng du lịch xanh, bền vững, thành phố tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ khác như đào tạo nghề, chuyển đổi nghề, truyền nghề…; xây dựng chuyên trang quảng bá về du lịch nhà vườn đặc trưng nhằm phát huy giá trị nhà vườn Huế, nhà rường cổ trên địa bàn thành phố.

Bài, ảnh: Ngọc Khánh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhiều cơ hội cho tăng trưởng du lịch toàn cầu

Tháng 1/2025 vừa bắt đầu với triển vọng đầy thách thức đối với ngành du lịch toàn cầu, khi một loạt các sự kiện bất lợi phủ bóng đen lên đà tăng trưởng đầu năm. Tuy nhiên, theo Tạp chí du lịch thế giới TTW, đây vẫn là tháng then chốt đối với ngành du lịch, thời điểm mang lại những cơ hội đáng kể để ngành này tăng tốc và đặt nền móng cho tăng trưởng cả năm.

Nhiều cơ hội cho tăng trưởng du lịch toàn cầu
Tận dụng cơ hội & vượt qua thách thức

Đúng 20 ngày sau khi Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV thông qua Nghị quyết thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương và 10 ngày trước khi lễ công bố được tổ chức, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế (cũ) tổ chức Tọa đàm khoa học "Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của thành phố Huế trực thuộc Trung ương". Tôi nghĩ, đó là một việc làm cần thiết khi Huế là thành phố trực thuộc Trung ương đầu tiên của Việt Nam chọn con đường dựa vào nền tảng văn hóa, di sản để phát triển.

Tận dụng cơ hội  vượt qua thách thức
Năm 2025 mở ra cơ hội đầu tư tích cực tại châu Á

Châu Á là khu vực thương mại hội nhập cao thứ hai thế giới sau Liên minh châu Âu (EU), với gần 57% giá trị thương mại có nguồn gốc từ khu vực này, tăng 3% trong 20 năm qua, trái ngược với sự sụt giảm được ghi nhận ở các khu vực khác.

Năm 2025 mở ra cơ hội đầu tư tích cực tại châu Á
TƯƠNG LAI NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO ĐÔNG NAM Á:
Động lực tài chính đang gia tăng

Trong bối cảnh nhu cầu năng lượng tăng cao và sự tập trung vào năng lượng tái tạo ngày càng lớn để đạt được các mục tiêu phát thải ròng bằng 0, Đông Nam Á - vùng đất sở hữu nhiều ánh nắng mặt trời và những tiến bộ trong công nghệ năng lượng mặt trời - sẽ mang đến cơ hội đáng kể cho hoạt động tài trợ năng lượng tái tạo.

Động lực tài chính đang gia tăng

TIN MỚI

Return to top