ClockThứ Bảy, 21/03/2020 15:25

Cứu vãn nhà rường Huế

Mong Huế được bình anGiữ nhà và giữ làng cổ

Khẩn thiết bảo vệ giá trị nhà rường

Kinh đô Huế là nơi có nhiều dạng kiến trúc phong kiến điển hình của Việt Nam. Cung điện hoàng gia chính là sự nâng cấp quy mô và tính diễm lệ từ gốc gác ngôi nhà rường truyền thống Huế.

Nhiều nhà vườn được hỗ trợ trùng tu, sửa chữa. Ảnh: TH

Nếu so với ngôi nhà gỗ Đàng Ngoài, nhà rường Huế thường có nét mảnh dẻ, đan thanh bởi cột nhỏ, mái thẳng và mỏng, được điểm tô bằng các loại hồi văn uốn lượn theo mô-típ long hóa, giao hóa hay hoa lá cách điệu trên đường nóc hoặc các góc mái, và tuyệt nhiên không có những loại đầu đao cong vút mạnh mẽ như ở Đàng Ngoài.

Điều đặc biệt ở nhà rường Huế là nghệ thuật tạo hình bằng chạm khắc, khảm trên kiến trúc. Nét tài hoa của người thợ gốc Bắc cộng với tâm hồn của núi Ngự, sông Hương đã biến những khúc cây, thớ gỗ vô tri thành một loại kiến trúc mang linh hồn sâu thẳm, tinh tế. Vua chúa, hoàng thân quốc thích ở nhà rường thì quan lại, giới quý tộc cũng ở nhà rường. Ông bà tổ tiên ở nhà rường thì đến lớp con cháu cũng ở nhà rường. Qua bao thế hệ, nhà rường là một bộ phận không thể tách rời của di sản lịch sử, văn hóa Huế.

Tuy nhiên, qua thời gian hàng trăm năm tồn tại cùng mưa nắng, lụt bão, rất nhiều nhà rường Huế đã xuống cấp trầm trọng. Phần lớn chủ nhân các ngôi nhà rường không đủ nguồn lực kinh tế để sửa chữa, trùng tu nên nguy cơ hư hỏng, dẫn đến người sử dụng phải dỡ bỏ nhà rường để xây mới kiến trúc hiện đại càng lớn.

Để gìn giữ và phát huy giá trị nhà rường Huế, ngày 25/4/2015, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết Về việc thông qua Đề án “Chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng”. Mục tiêu chung của nghị quyết là nhằm hỗ trợ người dân giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, góp phần nâng cao giá trị hình ảnh Cố đô Huế; khai thác, phát huy có hiệu quả kinh tế của di sản nhà vườn Huế đặc trưng.

Tiếp đó, UBND tỉnh đã có Quyết định số 36/2015/QĐ-UBND “Ban hành Quy định quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng”. Theo đó, sẽ đầu tư hỗ trợ trùng tu cho 18 nhà vườn ở Huế, 25 nhà vườn ở làng cổ Phước Tích (huyện Phong Điền).

Cứu vãn nhiều ngôi nhà xuống cấp

Nhà vườn của ông Hồ Xuân Doanh ở địa chỉ 51 Thanh Nghị, phường Thủy Biều được xếp hạng nhà vườn loại 1, đã hư hỏng nặng nề, Đề án duyệt hỗ trợ 697.855.000 đồng để sửa chữa. Sau 3 tháng thi công sửa chữa toàn bộ phần mái ngói, phần giao giống, bờ nóc, bờ quyết, rui, đòn tay, từ tháng 4 đến tháng 7/2017, ngôi nhà này đã được trùng tu. Ông Doanh nói: “Thật vui mừng và cám ơn tỉnh, vì nếu không có sự hỗ trợ đó, gia đình khó có thể đầu tư trùng tu để mang lại sắc diện phong quang như hôm nay”.

Tại thành phố Huế, từ năm 2015 đến tháng 3/2020 đã có 10/18 nhà vườn tham gia đề án được hỗ trợ kinh phí trùng tu với kinh phí trên 5,4 tỷ đồng. Sự hỗ trợ kinh phí trùng tu kịp thời đã làm hồi sinh một số ngôi nhà rường tưởng chừng sẽ mất đi.

Tại làng cổ Phước Tích, ngôi nhà rường của ông Hồ Văn Thuyên xuống cấp trầm trọng đã được thay áo mới từ 2019. Trước đó, nhìn vào ngôi nhà thềm rêu mục nát này, không ai nghĩ có thể trùng tu được. Bộ khung nhà rường rệu rã này đã phải khoác lên trên nó mái tôn xập xệ, những đòn tay gãy đổ, những khung cửa cũ nát. Ông Nguyễn Vũ, Giám đốc BQL Di tích-kiến trúc nghệ thuật làng cổ Phước Tích cho biết: Khi nhận công trình này, đơn vị thi công lo sợ, nhưng tình yêu với ngôi làng khiến họ cố gắng và đã trùng tu thành công. Bây giờ ngôi nhà được thay áo mới tinh tươm.

Làng cổ Phước Tích có 25/26 nhà tham gia Đề án, trong đó có 14 nhà loại I, 9 nhà loại II, 3 nhà loại III. Năm 2017, Nhà nước hỗ trợ đầu tư kinh phí trên 1,9 tỷ đồng trùng tu 3 nhà, năm 2018 đầu tư trên 5,95 tỷ đồng trùng tu 8 nhà, năm 2019 đầu tư gần 5,3 tỷ đồng trùng tu 9 nhà. Năm 2020, đang đề nghị đầu tư trên 2 tỷ đồng trùng tu 3 nhà, trong đó có 1 nhà loại I.

Đề án “Chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng” đã đem lại hiệu quả rất rõ: nhiều ngôi nhà rường Huế được cứu vãn. Đặc biệt, ngôi làng cổ Phước Tích gần như được hồi sinh hoàn toàn nhờ đề án này. Ông Hoàng Văn Thái, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho biết: “Đề án đã tác động rất kịp thời và hiệu quả trong việc chống xuống cấp các di sản tại làng cổ Phước Tích; đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người dân làng cổ có trên 500 năm tuổi”.

Tuy nhiên, tại thành phố Huế, việc triển khai đề án còn gặp khó khăn: Vướng mắc về vấn đề sở hữu, đa số đều là đồng thừa kế hoặc đại diện thừa kế, một số người đang sống trong nhà vườn không có quyền quyết định việc tham gia đề án. Nhiều chủ nhân có tâm lý ngại tham gia vì sợ sẽ không được tự do xử lý kiến trúc nhà trong tương lai. Một số nhà xin không tiếp tục tham gia do kinh phí sửa chữa quá lớn, trong lúc đề án chỉ hỗ trợ cao nhất 700 triệu đồng… Do vậy, thành phố Huế mới chỉ chi được 5,2 tỷ đồng trong tổng số trên 9,3 tỷ đồng kinh phí đề án hỗ trợ trùng tu bảo vệ nhà vườn.

Hy vọng phát huy xanh

Bên cạnh trùng tu bảo vệ nhà vườn, việc phát huy giá trị là một nội dung mà Nghị quyết HĐND tỉnh đòi hỏi khi thông qua Đề án “Chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng”.

Tại thành phố Huế, đến tháng 3/2020 đã có 9 nhà vườn tham gia đề án tổ chức kinh doanh du lịch, phục vụ du khách. Trong đó có 3 nhà vườn kinh doanh dịch vụ homestay. Ông Trần Song, Phó Chủ tịch UBND thành phố Huế cho biết: đã có những ngôi nhà vườn sau khi trùng tu, tổ chức làm du lịch, dịch vụ đã thu từ 30-90 triệu đồng/tháng. Làng cổ Phước Tích đang trong giai đoạn hoàn thiện các hạ tầng cơ bản của làng, sau đó sẽ tính đến những phương án dài lâu để phát huy giá trị làng cổ. Hiện có 14 trong 26 nhà tham gia dịch vụ tổ chức tham quan nhà vườn.

 THANH NGỌC

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đô thị di sản và hướng đi riêng có của Huế

Huế từ hôm nay, ngày 1/1/2025 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương thứ 6 của Việt Nam và được xem là “đô thị di sản” đầu tiên của Việt Nam. Không chỉ là đô thị di sản đẳng cấp của Việt Nam, Huế còn được các tổ chức thế giới đánh giá cao trong công cuộc bảo tồn những giá trị ngàn xưa để lại và được phát huy giá trị một cách hiệu quả với những đặc thù, riêng biệt.

Đô thị di sản và hướng đi riêng có của Huế
Mở cửa cho các “Bảo tàng sống” của Huế - Kỳ 1: Nhà vườn Huế vẫn “kín cổng cao tường”

Huế được mệnh danh là “Thành phố vườn” với gần 100 nhà vườn, nhà rường cổ (gọi chung là nhà vườn Huế). Mỗi ngôi nhà vườn như một “Bảo tàng sống” chứa đựng những giá trị về văn hóa và đời sống lễ nghi, hương vị ẩm thực và phong cách ứng xử của người dân. Phát triển du lịch gắn với trùng tu và chống xuống cấp là giải pháp tối ưu nhằm giữ lại nhà vườn, giữ gìn bản sắc văn hóa và phát huy giá trị di sản Cố đô theo tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.

Mở cửa cho các “Bảo tàng sống” của Huế - Kỳ 1 Nhà vườn Huế vẫn “kín cổng cao tường”
Cơ hội mới cho nhà rường cổ Bao Vinh

Sau hơn 20 năm mỏi mòn chờ đợi, đầu tháng 11/2024 ngôi nhà rường cổ đầu tiên trong số 21 nhà tại phố cổ Bao Vinh, phường Hương Vinh, TP. Huế được khởi công tu bổ, chống xuống cấp để trả lại nguyên bản nhà rường cổ Huế, đồng thời góp phần chỉnh trang đô thị hướng tới phát triển du lịch - dịch vụ ở phố cổ Bao Vinh.

Cơ hội mới cho nhà rường cổ Bao Vinh
Bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô Huế

Được xem là đơn vị đi đầu cả nước và là hình mẫu về công tác bảo tồn, trùng tu di tích, nhân kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23/11, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế Hoàng Việt Trung đã có những chia sẻ thú vị với Thừa Thiên Huế Cuối tuần về hành trình phục hồi và phát triển các giá trị di sản để góp phần đưa Quần thể di tích Cố đô Huế trở thành điểm đến hấp dẫn.

Bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô Huế

TIN MỚI

Return to top