ClockChủ Nhật, 09/02/2025 06:43

Thanh âm của núi rừng

TTH - Những ngày tháng Giêng, khi sương mù còn vương trên những mái nhà của người Cơ Tu cũng là lúc thanh âm của cồng chiêng, đàn Abel vang lên giữa buôn làng. Tại thôn Dỗi, xã Thượng Lộ, huyện Phú Lộc, âm nhạc như một phần không thể thiếu trong đời sống của bà con nơi đây, gắn liền với những câu chuyện tình yêu, những khúc hát ru con hay lời tạ ơn gửi đến thần linh.

Vang mãi tiếng cồng chiêng

 Nhiều người trẻ vẫn tâm huyết với âm nhạc dân gian

Thanh âm của tình yêu và cuộc sống

Trong ngôi nhà nhỏ giữa thôn Dỗi, ông Hồ Văn Càng - một nghệ nhân lão luyện, đang cẩn thận chỉnh dây trên cây đàn Abel. Đôi tay thô ráp của ông lướt nhẹ trên thân đàn, tạo ra những giai điệu trầm bổng vang vọng trong không gian yên bình của buôn làng.

“Đàn Abel được xem là một loại nhạc cụ đặc biệt, truyền tải tiếng lòng của người Cơ Tu chúng tôi”, ông Càng nói và đôi mắt ánh lên niềm tự hào. “Ngày xưa, những đôi trai gái trong làng thường dùng tiếng đàn này để tỏ tình, trao nhau những lời hẹn ước mà không cần nói thành lời. Không ít cặp đôi nhờ thế mà nên duyên vợ chồng”, ông Càng chia sẻ.

Âm thanh của đàn Abel rất đặc biệt, tạo nên những giai điệu phong phú, thể hiện nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Bên cạnh đàn Abel, người Cơ Tu còn có nhiều nhạc cụ khác như trống, chiêng, đàn bầu A Lui, tầm Brek... Mỗi loại nhạc cụ đều gắn liền với một câu chuyện riêng, một bản sắc riêng. Ông Càng nhớ lại: “Ngày trước, mỗi khi làng có lễ hội, tiếng chiêng, tiếng trống vang lên rộn ràng. Âm nhạc không chỉ để vui chơi, mà còn là cách chúng tôi kết nối với tổ tiên, thần linh”.

Ngoài chơi đàn điêu luyện, ông Càng còn là người giỏi chế tác các nhạc cụ dân tộc. Những ngày còn trẻ, ông đã kiên trì học hỏi từ các bậc tiền bối, tự tay chế tạo đàn Abel, chỉnh từng sợi dây để tạo ra âm thanh hoàn hảo nhất. “Giờ đây, lớp trẻ ít ai còn mặn mà với nhạc cụ truyền thống, tôi chỉ mong có thể truyền lại cho họ những gì tôi biết”, ông trầm ngâm.

Dân ca Zum Kây cũng là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người Cơ Tu. Nghệ nhân - già làng Vường Văn Cưa (thôn Dỗi, xã Thượng Lộ) nhớ lại những ngày còn nhỏ: “Tôi thường nghe mẹ và bà ngoại hát những bài Zum Kây bên bếp lửa. Lời ca mộc mạc chứa đựng bao nhiêu tình cảm, những câu chuyện về cuộc sống, về thiên nhiên, về tình yêu đôi lứa”.

Dân ca Zum Kây không chỉ là những bài hát, mà còn là cầu nối giữa các thế hệ. “Ngày nay, không còn nhiều người biết hát những bài Zum Kây cổ. Nếu không dạy lại cho con cháu, có thể một ngày nào đó, âm điệu ấy sẽ biến mất”, già Cưa tiếc nuối.

Bảo tồn di sản âm nhạc

Nhìn lớp trẻ hôm nay đang dần xa rời những thanh âm truyền thống, già làng Vường Văn Cưa không khỏi trăn trở: “Giới trẻ bây giờ có nhiều thứ để quan tâm hơn, nhưng nếu chúng ta không gìn giữ, truyền dạy, thì một ngày nào đó, âm nhạc Cơ Tu chỉ còn trong ký ức”.

Hiểu tầm quan trọng trong việc gìn giữ, bảo tồn và phục dựng bản sắc văn hóa dân tộc Cơ Tu, nghệ nhân Vường Văn Cưa luôn động viên người dân học tập dân ca, dân vũ và tìm cách để đưa bản sắc dân tộc vào trong đời sống. Âm nhạc dân gian ngày nay được biểu diễn vào những ngày lễ hội lớn và trong cả những dịp vui của gia đình, ma chay cưới hỏi, khi có khách ghé thăm…

Hiện nay, nhiều lớp truyền dạy nhạc cụ, hát dân ca đã được tổ chức, thu hút sự tham gia của nhiều người dân, đặc biệt là các em nhỏ. Những nghệ nhân gạo cội như ông Càng, ông Cưa vẫn kiên trì truyền dạy, với hy vọng những giai điệu xưa sẽ tiếp tục vang lên trong những lễ hội, trong từng mái nhà của buôn làng.

Ông Lê Thanh Hồ, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc chia sẻ: “Âm nhạc dân gian Cơ Tu không chỉ là một phần của đời sống tinh thần, mà còn là tài sản quý giá của văn hóa Việt Nam. Huyện đang lên phương án mở rộng các lớp dạy nhạc cụ truyền thống, khuyến khích giới trẻ tham gia nhiều hơn vào các hoạt động văn hóa dân gian. Bảo tồn và phát huy giá trị của âm nhạc Cơ Tu không chỉ là trách nhiệm của người dân tộc Cơ Tu mà còn là của cả cộng đồng”.

Giữa nhịp sống hiện đại, những thanh âm của đàn Abel, của Zum Kây, của những bước nhảy Zaza vẫn vang vọng giữa đại ngàn. Bằng tình yêu và tâm huyết, những người con của buôn làng đang từng ngày nỗ lực gìn giữ và trao truyền di sản quý giá này.

Bạch Châu
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Những thanh âm giữa đại ngàn Trường Sơn
Thanh âm giữa đại ngàn Trường Sơn - Kỳ 1: Thanh âm kể chuyện núi rừng

Những bản hòa tấu, những điệu múa mềm mại hay những nhạc cụ thô mộc nhưng tràn đầy sức sống..., tất cả cùng nhau kể lại câu chuyện về cội nguồn, về bản sắc văn hóa và niềm tự hào dân tộc của những con người gắn bó trọn đời với núi rừng Trường Sơn.

Thanh âm giữa đại ngàn Trường Sơn - Kỳ 1 Thanh âm kể chuyện núi rừng
Báu vật của núi rừng A Lưới

Nhắc đến âm nhạc dân gian trên dãy Trường Sơn hùng vĩ, không thể không kể đến nghệ nhân Lê Văn Trình (thôn PaRis - Ka Vin, xã Lâm Đớt, huyện A Lưới), người đã dành cả cuộc đời mình để gìn giữ và lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống. Ông không chỉ là một nghệ nhân tài hoa mà còn là “ngọn lửa” thắp sáng niềm đam mê âm nhạc dân tộc cho thế hệ trẻ.

Báu vật của núi rừng A Lưới
Thất vọng & để hy vọng…

Trong một tương lai gần, đi dưới tán rừng Bạch Mã, du khách sẽ được chiêm ngắm, được hít căng lồng ngực mùi hương nồng nàn tỏa ra từ những nhánh lan rừng đang bung nở, đang đong đưa đùa vui với nắng, với gió. Hy vọng sẽ là vậy…

Thất vọng  để hy vọng…
“Săn” cá bống suối

Hôm đến xã Hồng Thủy xa xôi của huyện biên giới A Lưới, tôi gặp hình ảnh dưới dòng suối uốn lượn giữa núi rừng, người phụ nữ Pa Cô đang mải miết “săn” cá bống. Mồ hôi ướt lưng chiếc áo cũ, dệt bằng vải zèng truyền thống, nhỏ giọt trên đôi má hồng rực lên dưới nắng. Nụ cười cũng rạng rỡ như nắng và mộc mạc, hiền lành như lá rừng. “Bức tranh” thật đẹp khiến chúng tôi không thể nào không “chốt” cái hẹn ngược suối.

“Săn” cá bống suối
Ngắm đỗ quyên trên đỉnh Bạch Mã

Trên đỉnh Bạch Mã quanh năm dịu mát, sắc hoa, màu lá và muôn chim rừng nơi đây luôn là nguồn cảm hứng vô tận cho những tay săn ảnh và những ai muốn khám phá vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ. Qua những góc ảnh của tác giả Trương Vững, Thừa Thiên Huế Cuối tuần mời bạn đọc dạo thăm mùa xuân trên đỉnh Bạch Mã và ngắm những sắc hoa đỗ quyên nhiều màu, lạ mắt.

Ngắm đỗ quyên trên đỉnh Bạch Mã

TIN MỚI

Return to top