ClockThứ Bảy, 10/03/2018 09:10

Sắc vàng hoa cải

TTH - Mùa hoa cải về, trên facebook tràn ngập những bức ảnh rực rỡ sắc vàng của hoa cải. Các cô, các chị xúng xính váy hoa, khăn xanh áo đỏ tạo dáng để có được bức hình ưng ý bên cạnh những khóm hoa mang hương thơm của hoa đồng gió nội. Trong cái nắng hanh hao, hoa cải vàng rực, tươi mới, sáng bừng... Hình ảnh đó, làm tôi nhớ đến tuổi thơ với bao kỷ niệm bên cánh đồng cải quê mình.

Rưng rưng hoa cảiNgười trồng cải: Lo lắng trước mùa hoaMùa hoa cải

Làng tôi nằm ven bên một triền sông nhỏ. Cứ mỗi độ xuân về, cánh đồng quê ngập tràn sắc hoa cải nở rộ. Khoác trên mình chiếc áo vàng rực rỡ, không kiêu sa nhưng lại rất đỗi ngọt ngào, màu hoa ấy đẹp mãi trong tôi cả một thời niên thiếu, đẹp trong những câu chuyện tình quê thầm lặng và đơn sơ. Cứ đến vụ mùa, thấp thoáng trong những luống hoa vàng là dáng chị, dáng mẹ, dáng của bao người phụ nữ quê tôi nhỏ bé, tảo tần chăm chỉ thu hoạch rau cho kịp buổi chợ sớm mai. Tiếng cười nói xé toang màn sương, buôn vài câu chuyện phiếm, họ sẻ chia biết bao chuyện đời thường vụn vặt, là nỗi trở trăn sau mỗi mùa gặt, là niềm vui khi bán được lứa heo được mùa, hay chia cho nhau hạt giống cải sau mỗi vụ mùa thu hoạch...

Triền hoa đẹp như mơ ấy cứ đến mùa lại nở, nồng nàn quyến rũ cả một khung trời quê. Sinh ra ở chốn “bông lúa, củ khoai” nên ký ức tuổi thơ chúng tôi cũng hồn nhiên và mộc mạc như sắc vàng hoa cải. Mỗi mùa hoa về, không gian chơi đùa của chúng tôi lại có thêm một sắc màu, hương vị mới. Những dấu chân trần thơ dại in khắp lối đồng cải, rịn vào cát sông, gốc cải dường như cũng mỉm cười đung đưa theo bước chân trẻ thơ.

Bên đồng hoa cải là bao trò chơi dân gian. Tiếng hò reo vang vọng cả một khoảng không trong ánh hoàng hôn của làng quê nghèo khiến cho lũ chim giật mình vẫy cánh quay về tổ, đàn trâu vội nhai nắm cỏ cuối trước khi thong dong về chuồng. Giờ ngẫm lại cứ như bức họa đồng quê. Lũ con gái chúng tôi khéo léo ngồi tết những ngồng cải thành vòng hoa chơi trò cô dâu chú rể... Chơi chán cả đám lại thả mình xuống tấm thảm hoa để nghe mùi hương lan tỏa khắp thân mình, nghe tiếng thì thào của những cánh hoa đang nhảy múa trên bãi sắc vàng. Những trò chơi ấy cứ kéo dài mãi cho đến hết mùa cải. Nó như một khoảng trời cổ tích trong sáng, êm đềm nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ chúng tôi suốt thời thơ ấu.

Dọc triền sông vẫn còn đó bóng dáng hoa cải nhưng thưa thớt, nhòa dần dăm ba bụi. Vẫn mùi đồng ải, mùi nồng nồng của cỏ dại, hòa quyện với sắc vàng dung dị ánh lên trong sắc lá xanh thẳm. Nhưng, con đường đất đỏ bên bãi bồi ngày ấy giờ trở thành đường nhựa rộng lớn, cánh đồng trù phú ấy được thay thế bằng những ngôi nhà cao tầng, hiện đại. Cuộc sống đô thị hóa dần dần len lỏi vào miền quê vốn dĩ bình dị, thân thương. Tự nhiên lòng lại khắc khoải nỗi nhớ khôn nguôi: “Bao giờ cho đến ngày xưa?”…

Nguyệt Tú

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Làng quê bên dòng Ô Lâu

Thuận Hòa là một thôn nhỏ nằm bên dòng Ô Lâu thuộc phường Phong Hòa (TX. Phong Điền). Trước năm 1993, bà con ở đây sống lênh đênh trên sông nước. Từ năm 1993, người dân Thuận Hòa được huyện cấp đất làm nhà dọc theo bờ sông thì cuộc sống bắt đầu thay đổi.

Làng quê bên dòng Ô Lâu
“Nhìn vô trong Huế...”

Thuở ấu thơ, trẻ con làng tôi đứa mô cũng có một niềm ao ước đó là được đi Huế chơi ít nhất là một lần. Đình làng Đại Lộc quê tôi có một lùm mù u rậm rạp và là chốn để chúng tôi leo trèo và hát những câu nghêu ngao vào những buổi chiều hè: “Trèo lên cây mù u nhìn vô trong Huế...”. Rồi những đêm không trăng, trời đầy sao, lũ trẻ con làng chúng tôi nhìn về phía xa xôi, nơi có một quầng sáng phía chân trời và nói với nhau rằng, đó là Huế. Hồi đó, làng tôi có một chuyến đò đi Huế hàng ngày xuất phát ở bến đò Đồng Dạ, nơi con sông Ô Lâu bắt đầu chảy qua làng tôi. Nhưng phải có công chuyện chi quan trọng thì nông dân làng tôi mới đi Huế, còn trẻ con như chúng tôi thì rất khó để được đi.

“Nhìn vô trong Huế  ”
Lối về ngõ hạnh

Quê chồng tôi ở Phú Thượng (Phú Vang - nay thuộc TP. Huế), mỗi năm có vài lần kỵ, chạp. Mỗi lần ghé về, điều tôi thích nhất ngoài những căn bếp ngăn nắp có chiếc tủ gạc - măng - rê xưa cũ, ngoài những mẹt bầu, bí đao được cắt mỏng phơi khô tỏa mùi thơm giòn đặt trên mấy chạn củi của các thím, tôi còn vô cùng thích thú những con ngõ biếc xanh.

Lối về ngõ hạnh
Hình bóng quê nhà

Năm 2005, nhà báo Dương Phước Thu tặng tôi cuốn sách “Qua sông nhìn lại bến bờ” vừa ra mắt. Đây là tập bút ký tư liệu - nghiên cứu lịch sử, khảo lược quá trình hình thành xứ Thuận Hóa, tỉnh Thừa Thiên đến thành phố Huế ngày nay. Lướt qua phần viết về quê mình, tôi gọi điện cho anh, phản ứng vì xưa đến giờ, làng tôi chỉ là một, không có thôn La Chử Thượng, thôn La Chử Trung, thôn La Chử Đông, thôn La Chử Nam, thực chất Thượng, Trung, Đông, Nam là các phường của làng. Vài ngày sau, anh nói tôi tới lấy “vật chứng” với lời phàn nàn: Tức quá, sách mới ra đã có 2 người phàn nàn rằng chưa chính xác! Tài liệu anh đưa là bản sao Quyết định của UBND tỉnh về việc phê chuẩn số thôn, khu vực của các xã, thị trấn thuộc huyện Hương Trà từ tháng 8/2000; căn cứ để anh đưa thông tin vào.

Hình bóng quê nhà
Mùa hoa bình yên

Sáng nay trời trở lạnh. Cái lạnh mang hơi hướm của một tiết xuân đang đầy. Mưa lún phún rơi nhẹ trên những luống cải ngồng đang vàng hoa. Mùa hoa cải của ngày tháng đầu năm ở Huế mới đẹp làm sao. Cả một bãi dài là màu xanh êm dịu và màu vàng thắm đượm dưới mắt tơ. Hoa cải mang mùi ngai ngái, vất vưởng khó tan. Hương cải theo gió bay xa.

Mùa hoa bình yên

TIN MỚI

Return to top