ClockChủ Nhật, 13/11/2022 08:56

Một thuở giếng khơi

Ký ức giếng làng

Đắn đo, suy tính mãi, cha mẹ tôi quyết định dựng lại gian bếp và khu công trình phụ tắm giặt, vệ sinh. Muốn quy hoạch cho gọn ghẽ, dự tính phải bịt miệng giếng khơi lại. Giọng mẹ nghe chiều trăn trở, rằng nhiều năm nay nông thôn mới phát triển, người làng đua nhau ly hương, tích cóp được bao nhiêu về cất nhà cửa khang trang. Nhưng mạnh ai nấy làm, vô tình làm nguồn nước ô nhiễm hết cả. Giếng khơi xưa trong mát là thế, nay đâu còn dám dùng ăn uống gì, chỉ để tắm giặt, tưới cây thôi. Tôi chợt thấy lòng trống trải, như kiểu sắp mất mát một điều gì thật thiêng liêng, thương quý.

Cách đây mươi lăm, hầu như nhà nào cũng có một cái. Đến nhà ai mà không có giếng, là thấy bất thường, lạ lẫm lắm. Nhớ chiếc gàu cao su khum tròn có miếng gỗ “làm cầu” để buộc dây thừng vào múc nước. Thỉnh thoảng gàu bị tuột dây rơi xuống giếng, cha kiếm cái thang dài, luồn chiếc đòn gánh hay đoạn cây tre qua bậc thang trên cùng rồi đặt ngang miệng giếng, rồi cẩn thận lần từng bậc một di chuyển xuống sâu. Có khi giếng sâu, chiếc thang không đủ dài, cha phải thiết kế thêm một cái gậy có cột đầu móc, lựa mãi mới móc gàu lên được.

Múc nước ở độ sâu hàng chục mét, tôi chỉ kéo được mấy gàu là đã thở dốc, hai bàn tay đỏ rát. Nước giếng khơi trong và mát lịm những ngày hè. Đi học, đi chăn trâu, đi làm cỏ lúa, bụm tay vục nước lên mặt, mệt nhọc như vơi đi mấy phần. Sáng mùa đông rét buốt, kéo gàu nước từ giếng lên, thấy làn hơi như khói mỏng bảng lảng bay, chạm tay vào thấy ấm. Nước ở giếng khơi kỳ diệu như vậy.

Có giếng khơi là sẽ có giàn rau trái phủ xanh quanh năm. Mùa nào thức ấy, mẹ ươm đủ loại dây leo, nào bầu, bí, mướp, su su, đậu ván... Dưới giàn cây xanh mướt, nhịp sống thường ngày bên thềm giếng cũng thung dung, nhẹ nhõm hơn. Chẳng biết gì về mạch, nguồn nước, nhưng tôi cảm nhận, dường như mỗi chiếc giếng đều có thân phận riêng. Có giếng nước trong và ngọt, hãm chè xanh rất thơm và đẹp nước, nấu cơm thì đậm vị. Nhưng có giếng nước lại lờ lợ, khó lòng mà ăn uống.

Làng quê trở mình thay da đổi thịt từng ngày, người ta có điều kiện sắm sanh nhiều tiện nghi phục vụ đời sống, thu vén mọi thứ sao cho thật gọn ghẽ, sạch đẹp. Nhưng hệ lụy là mạch nước ngầm của hàng trăm, hàng ngàn chiếc giếng khơi làng quê đã dần trở nên vấy bẩn. Vì sợ ô nhiễm và bệnh tật, nên nhà thì lấp, nhà thì bịt miệng để cải tổ không gian sống giống nhà tôi, chẳng mấy ai còn dám ăn uống bằng nước giếng nữa. Bây giờ tới nhà ai cũng thấy bể chứa nước mưa, nhiều nhà bể to thì trữ dùng ăn uống được cả năm. Người ta làm vậy vì niềm tin cảm tính, nước mưa của trời là sạch. Cùng với đó, nước máy sạch đã về tận làng, đường ống bắt đến từng nhà, khiến những chiếc giếng khơi cứ ngày một hao hụt dần.

Nghĩ về giếng khơi cho nguồn nước ngọt lành qua năm tháng, một ngày nào đó rồi sẽ chỉ còn trong hoài niệm, lòng dâng nỗi bâng khuâng nhớ tiếc. Có lẽ, những chiếc giếng đã hoàn thành sứ mệnh thời đại của nó, nhưng liệu rằng khi buộc phải trôi vào ký ức, giếng có biết buồn?

MAI ĐÌNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thức quà ký ức

Có một người bạn trẻ của tôi ở Hà Nội nói rằng, em đi chợ mà thấy mấy loại bánh truyền thống là mua ngay, không chỉ mua để ăn đâu, mà như mua một kỷ niệm cho mình...

Thức quà ký ức
Người lính công binh và ký ức Điện Biên Phủ

70 năm trôi qua kể từ chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Chí Bình vẫn nhớ như in “56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non”.

Người lính công binh và ký ức Điện Biên Phủ
Ký ức một thời

Cứ đến tháng Ba, tháng Tư hằng năm là những ký ức về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước giành thắng lợi lại có dịp ùa về trong mỗi người đã một thời “vào sinh ra tử”, “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Đó là những kỷ niệm một thời đạn bom, gian khổ nhưng rất đỗi tự hào. Sự tự hào ấy của họ đã làm nên sức mạnh để góp phần giải phóng quê hương, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước ngày 30/4/1975.

Ký ức một thời
Chầm chậm tháng Ba

Tháng Ba, đôi khi mình muốn ngồi thật lâu dưới một tán cây. Những dải nắng trùng trình rọi qua vòm lá rậm, rắc mật lên bờm hoa mê mướt tím, đậu lại trên đôi cánh bầy sẻ đang mổ vào hư vô. Màu xanh ngợp đầy của lá tràn vào lồng ngực tháng Ba, như thôi thúc người ta hoài vọng về một quãng đồng mùa con gái, một cánh rừng rộng đến mộng mị, hay ấp ủ chiêm bao trong mảnh vườn tuổi nhỏ. Lứa gió đầu xuân hãy còn hây hẩy, nhu mì, nhón tay mở những cánh cửa tỉnh thức, thả bầy ý nghĩ đi rong. Giữa quãng vắng tưởng như bất động, mình ngồi đợi những xa xôi quay về.

Chầm chậm tháng Ba
Ký ức rồng xanh

Ấn tượng về rồng sớm nhất trong tôi mà đến nay còn lưu giữ, là con rồng ở đình làng; ngôi đình được xây dựng lại. Sợ chiến tranh tàn phá, xã mang sắc bằng, kèo cột cất giấu trong làng. Tôn tạo lại đình tuy nhỏ hơn song vẫn mang dáng vóc ngày xưa. Tôi nhớ câu thơ truyền trong dân gian mà mấy cụ đọc lại về ngôi đình bị hư hại bởi đạn bom, trước lúc nó được tháo dỡ đem cất: “Đình làng nay không rồng bay phượng múa/ Đứng trụi trần như bốt gác đầu thôn…”.

Ký ức rồng xanh

TIN MỚI

Return to top