ClockChủ Nhật, 16/03/2025 10:56

“Huế quê tôi ở giữa lòng”

TTH - Nhà văn, nhà thơ Thanh Tịnh quê ở vùng ngoại ô Huế. Ông đã sống cuộc đời một thi sĩ và một người lính chân chính. Ông cũng có một đời văn nhiều dấu ấn lớn lao, để lại những áng thơ văn chan chứa tình người; trong đó, tình cảm dành cho xứ Huế luôn tràn dâng như con sóng xô bờ.

Giới thiệu tập thơ “Quê mẹ” của nhà thơ Tố Hữu

 Chân dung nhà thơ Thanh Tịnh. Ảnh: Tư liệu

Một cuộc đời thanh bạch

Thanh Tịnh tên thật là Trần Văn Ninh, sau đổi là Trần Thanh Tịnh. Ông sinh năm 1911, tại làng Dương Nỗ, Huế.

Năm 22 tuổi, ông thi đỗ đip-lôm, bắt đầu sống tự lập, làm nhân viên thư viện ở trường Prô-vi-đăng, vừa làm vừa học thi tú tài. Về sau, ông vào làm ở Sở Điền địa, đi nhiều về các vùng nông thôn, tiếp xúc với nông dân, nghe nhiều chuyện làng, chuyện xã… Từ đó, phần lớn truyện ngắn của ông được hình thành gắn với rất nhiều câu hát, câu chuyện dân gian Huế. “Ngậm ngải tìm trầm” là chuyện ông được nghe dân tiều phu ở núi Truồi (Phú Lộc) kể. Tiếp đó, ông chuyển qua làm báo, thư ký biên tập cho tập san “Những người bạn Cố đô Huế” (Les amis du vieux Huế) gần 6 năm. Trong thời gian làm thư ký tòa soạn, ông còn làm thêm hướng dẫn viên du lịch.

Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Thanh Tịnh tham gia giành chính quyền ở Huế; tham gia Ban Chấp hành Liên đoàn Văn hóa Cứu quốc Thừa Thiên (tiền thân của Liên hiệp các Hội VHNT thành phố Huế). Năm 1946, toàn quốc kháng chiến (1946), lúc ấy ông là Tổng thư ký Hội Văn hóa cứu quốc Trung Bộ, đã bỏ lại tất cả lên đường vào chiến khu chống Pháp. Tháng 12/1946, ông ra Hà Nội dự Đại hội văn hóa toàn quốc nhưng kháng chiến bùng nổ, không quay về Huế được nữa. Từ đó, chiến tranh đã chia cắt ông với quê hương, gia đình.

 Ảnh bìa cuốn “Quê mẹ” in lần đầu năm 1941 có lời tựa của Thạch Lam

Năm 1954, miền Bắc hòa bình, Thanh Tịnh là đại tá, Chủ nhiệm tạp chí Văn nghệ Quân đội, là hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa I, II. Những bạn văn sống cùng thời đều hiểu hoàn cảnh của ông, quê hương ở Huế nhưng cả đời hầu như sống trên đất Bắc. Huế trong ông gắn liền với những hoài niệm buồn thương, day dứt...

Nỗi nhớ khôn nguôi

Nhà ông Thanh Tịnh ở gần bến đò chợ Dinh, cạnh nhà của ba “đại gia” là nhà “Hồ Đắc”, “Nguyễn Khoa” và phủ “Định Viễn” (con vua Minh Mạng)… Sinh ra trong một gia đình lao động nghèo, sống gần những gia đình quyền quý “danh gia vọng tộc” ở Kinh đô Huế, ông có mặc cảm do đó nuôi chí học thật giỏi. Trước khi học chữ quốc ngữ và tiếng Pháp, ông được học chữ Hán 3 năm với một vị sư chùa Ba La Mật, cách nhà ông vài trăm mét, nhờ đó ông tiếp thu nhiều kiến thức và lễ nghĩa.

Ngày nhỏ, những lúc rảnh rỗi, ông được mẹ dẫn ra chơi nơi hàng nước của bà ở bến đò chợ Dinh, ngay sát nhà ông. Bến đò thời ấy tấp nập khách, sang sông Hương buôn bán ở các chợ Dinh, chợ Bao Vinh, chợ Đông Ba… Khách vào hàng của mẹ uống nước chè xanh, ăn quà vặt đợi đò, tám chuyện, ông ngồi say mê hóng hớt. Một số truyện của ông trong tập “Quê mẹ”, “Chị và em” được lấy cái cốt, cái sườn, nhân vật thực từ cái quán nước bến đò ấy. Nhiều truyện ngắn của ông được cấu trúc như nội dung câu ca dao Huế. Truyện “Quê Mẹ” phảng phất câu: “Chiều chiều ra đứng ngõ sau/ Ngó về quê mẹ ruột đau chín chiều”. Truyện “Tình trong câu hát” được cấu trúc trên mấy câu hò mái nhì rất quen thuộc: “Tình về Đại Lược/ Duyên ngược Kim Long/ Đến đây là chỗ rẽ của lòng/ Gặp nhau còn biết trên sông bến nào”.

Truyện ngắn của ông mang đầy phong vị Huế và tạo riêng cho ông một thi pháp văn xuôi độc đáo. “Tôi đi học” đến nay đã hơn 100 năm tuổi. Đó không chỉ là một câu chuyện về ngày đầu tiên đến trường mà còn là một bức tranh giàu chất Huế, từ không gian thiên nhiên đến phong cách ngôn ngữ, từ tâm hồn con người đến những giá trị văn hóa. Chất Huế trong truyện là sự dịu dàng, lắng đọng; là nỗi nhớ nhung, hoài niệm; là sự nâng niu từng khoảnh khắc của cuộc sống. Thanh Tịnh đã không chỉ kể lại một kỷ niệm tuổi thơ, mà còn gửi gắm vào đó cả một tâm hồn Huế nhẹ nhàng, sâu sắc và đầy chất thơ. Chính vì vậy, “Tôi đi học” không chỉ chạm đến trái tim của những người con xứ Huế, mà còn làm lay động mọi độc giả bởi vẻ đẹp trong trẻo, tinh tế của nó.

Những năm ở Hà Nội, ông trải qua cảnh “ăn cơm tập thể, ở giường cá nhân”, hình ảnh quê hương xứ Huế vẫn luôn hằn trong trái tim ông. Trong bài thơ “Nhớ Huế quê tôi” ông viết:

“Sông núi vươn dài tiếp núi sông

Cò bay thẳng cánh nối đồng không

Có người bảo Huế, xa, xa lắm!

Nhưng Huế quê tôi ở giữa lòng”.

Cảm xúc trong thơ dâng trào, thể hiện nỗi nhớ quê hương da diết và niềm tự hào sâu sắc về mảnh đất Huế thân yêu. Bài thơ không chỉ vẽ nên một Huế thơ mộng mà còn khắc họa khí phách kiên cường của mảnh đất Cố đô trong những tháng năm đấu tranh gian khó...

Ngày 17/7/1988, nhà thơ Thanh Tịnh qua đời. Ngày 31/8/1991, gia đình và bạn bè đã cải táng đưa ông về Huế, đặt ông nằm dưới chân núi Thiên Thai. Vòm thông trên mộ ông vẫn vi vu trong gió bài thơ bất hủ “Nhưng Huế quê tôi ở giữa lòng”…

Hạ Nguyên
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Tìm đường” đến danh hiệu di sản

Trong bức tranh toàn cảnh về người Cơ Tu, lễ hội mừng lúa mới giữ một vai trò rất quan trọng trong đời sống văn hóa tín ngưỡng, làm nổi bật các đặc trưng văn hóa tộc người, phản ánh nhân sinh quan, thế giới quan cũng như các hệ tri thức bản địa. Đó là nhận định được các chuyên gia đưa ra trong quá trình xây dựng hồ sơ Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Lễ hội mừng lúa mới của dân tộc Cơ Tu ở vùng Nam Đông, huyện Phú Lộc, TP. Huế”.

“Tìm đường” đến danh hiệu di sản
Khi văn hóa mang lại kinh tế cho cộng đồng

Cách đây chưa lâu, khi nhắc đến A Lưới nhiều người vẫn ái ngại vì dịch vụ lưu trú ở huyện vùng cao còn quá nghèo nàn và thiếu thốn. Thế nhưng hôm nay, khi quay lại A Lưới, mọi người đều bất ngờ với sự thay đổi ngoạn mục, chất lượng dịch vụ du lịch nơi đây phát triển vượt bậc. Những cảnh quan nhiên, như suối A Nor (Hồng Kim), Par Le (Hồng Hạ)… được đầu tư, đánh thức. Các khu homestay, farmstay… mọc lên đã làm thay đổi bộ mặt du lịch, biến A Lưới trở thành điểm du lịch hấp dẫn.

Khi văn hóa mang lại kinh tế cho cộng đồng
Huế có thêm không gian văn hóa, ẩm thực

Tổ hợp trải nghiệm văn hóa - ẩm thực - quà tặng đặc sản kinh đô nằm ở tầng 1, tòa nhà Sốngcentre Huế (khu A2 Khu thương mại Hùng Vương, đường Bà Triệu, quận Thuận Hóa) vừa chính thức khai trương, mở cửa đón người dân và du khách vào chiều 19/4.

Huế có thêm không gian văn hóa, ẩm thực
Lan tỏa Tủ sách Huế & văn hóa đọc trong học đường

Để lan tỏa giá trị của Tủ sách Huế và văn hóa đọc trong học đường, Viện Nghiên cứu phát triển thành phố tổ chức các hoạt động giới thiệu Tủ sách Huế ở các trường học. Báo Huế ngày nay đã có cuộc trò chuyện với ông Cung Trọng Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thành phố về những hoạt động này.

Lan tỏa Tủ sách Huế  văn hóa đọc trong học đường

TIN MỚI

Return to top