ClockThứ Sáu, 21/12/2018 16:49

Nội các Nhật Bản phê duyệt ngân sách kỷ lục 900 tỷ USD cho năm tài chính 2019

TTH.VN - Nội các của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm nay (21/12) vừa thông qua ngân sách dự thảo đạt mức kỷ lục 101,46 nghìn tỷ yên (902,3 tỷ USD) cho tài khóa tiếp theo bắt đầu từ ngày 1/4/2019. Đây là lần tăng ngân sách năm thứ 7 liên tiếp, và là lần đầu tiên vượt mức 100 nghìn tỷ yên, trong bối cảnh chi phí an ninh xã hội và quốc phòng ngày càng tăng.

Nhật Bản cần hơn 2 tỷ USD để tái thiết sau lũNhật Bản trình dự thảo ngân sách cao kỷ lụcNhật Bản dự chi ngân sách quốc phòng kỷ lục 48,2 tỷ USD cho năm 2018

Thủ tướng Nhật Bản Shino Abe trong một cuộc họp báo ngày 10/12. Ảnh: Reuters

Theo The Japan Times, kế hoạch chi tiêu cũng bao gồm các khoản tài trợ cho các biện pháp thúc đẩy nền kinh tế trước tác động của việc tăng thuế tiêu thụ sắp tới.

Với dự thảo ngân sách ban đầu, 77,95 nghìn tỷ yên sẽ được dành cho chi tiêu chính sách và 23,51 nghìn tỷ yên là chi phí trả nợ. Trong các khoản chi tiêu chính sách, 2,03 nghìn tỷ yên sẽ dành cho các “biện pháp đặc biệt” mà Thủ tướng Abe khẳng định sẽ giúp tăng cường nhu cầu trong nước sau khi thuế tiêu dùng được tăng từ 8% hiện nay lên 10% vào ngày 1/10 sang năm.

Ngoài ra, hơn một nửa số tiền trên sẽ được sử dụng để củng cố các cơ sở hạ tầng như đường sá và kè sông kiên cố hơn và mua sắm trang thiết bị cho các dịch vụ khẩn cấp, sau khi quốc gia này phải gánh chịu một loạt các thảm họa tự nhiên gồm mưa bão và động đất gây nhiều thiệt hại nghiêm trọng hồi mùa hè năm nay.

The Japan Times cho biết, Chính phủ Nhật Bản cũng sẽ áp dụng các biện pháp bao gồm một chương trình giảm giá nhằm khuyến khích người tiêu dùng mua sắm tại các doanh nghiệp nhỏ hơn bằng thẻ tín dụng và các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt khác, cũng như hỗ trợ việc mua sắm cho các hộ gia đình có thu nhập thấp hoặc có trẻ nhỏ. Bộ trưởng Tài chính Taro Aso nói rằng, các bước đi này đủ để khắc phục tác động kinh tế của việc tăng thuế tiêu thụ.

Trong 101,5 nghìn tỷ yên chi ngân sách, chi phí an sinh xã hội chiếm hơn 1/3, đạt mức cao kỷ lục 34,06 nghìn tỷ yên khi dân số nước này đang già hóa nhanh chóng, đẩy chi tiêu cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và lương hưu tăng cao. Thêm vào đó, Nhật Bản cũng dự kiến sẽ áp dụng giáo dục tiểu học miễn phí ​​vào tháng 10/2019, góp phần làm tăng chi tiêu ngân sách.

Chi tiêu quốc phòng cũng sẽ đạt mức cao nhất từ trước đến nay với 5,26 nghìn tỷ yên, gồm các khoản chi đáng kể từ việc chuẩn bị để giới thiệu hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis Ashore trên đất liền và mua máy bay chiến đấu tàng hình F-35A.

Dự kiến, nền kinh tế Nhật Bản sẽ tăng trưởng 1,3% được điều chỉnh theo lạm phát trong năm tài chính sắp tới sẽ kết thúc vào tháng 3/2020, doanh thu thuế ước tính ​​sẽ tăng 5,8% so với năm trước lên 62,50 nghìn tỷ yên, một mức kỷ lục mới. Theo đánh giá, việc doanh thu thuế tăng đều đặn đã làm giảm sự phụ thuộc của chính phủ vào nợ công trong những năm gần đây.

Tuy nhiên, Nhật Bản vẫn là nước có “sức khỏe tài chính” yếu nhất trong các nền kinh tế công nghiệp hóa lớn, với nợ công lớn gấp đôi quy mô tổng sản phẩm quốc nội.

Bảo Nghi (Lược dịch từ Reuters & The Japan Times)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhật Bản phát triển phương pháp mới có thể phân hủy “hóa chất vĩnh cửu” PFAS

Theo tin từ Japan Times, Nhật Bản vừa phát triển một phương pháp mới để phân hủy PFAS - một nhóm hợp chất hữu cơ chứa fluor nhân tạo thường được gọi là “hóa chất vĩnh cửu”, thường được sử dụng trong rất nhiều loại sản phẩm tiêu dùng và gây ra những lo ngại về môi trường cũng như sức khỏe con người.

Nhật Bản phát triển phương pháp mới có thể phân hủy “hóa chất vĩnh cửu” PFAS

TIN MỚI

Return to top