ClockThứ Sáu, 09/02/2018 09:43

Lo Olympic mùa đông tại Hàn Quốc… lạnh nhất trong lịch sử

Nhiệt độ tại PyeongChang, Hàn Quốc có lúc xuống dưới -23 độ C khiến giới chuyên môn lo ngại đây sẽ là một trong những Olympic mùa đông lạnh nhất trong lịch sử.

Olympic PyeongChang: IOC hoan nghênh thiện chí của hai miền Triều TiênĐưa hệ thống nhận dạng khuôn mặt tự động vào Olympic Tokyo 2020Hàn-Trung-Nhật cam kết hợp tác tổ chức thành công Olympic PyeongChang 2018

Người hâm mộ chụp ảnh lưu niệm tại một bức tường tuyết ở PyeongChang, Hàn Quốc. - Ảnh: Reuters

Thế vận hội mùa đông dĩ nhiên phải lạnh. Thế nhưng cái lạnh đến mức tuyết cũng… không thể rơi nổi vào những ngày này tại PyeongChang đang đe dọa ảnh hưởng đến chất lượng của kỳ Olympic mùa đông sẽ chính thức khai mạc tại đây ngày 9/2.

Không chỉ là nguy cơ đối với các vận động viên, thời tiết quá khắc nghiệt còn được cảnh báo sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến các thiết bị thi đấu, ban tổ chức, và cả khán giả đến cổ vũ trực tiếp.

Tuyết không rơi vì quá lạnh!

Theo thông tin được Cơ quan khí tượng Hàn Quốc đưa ra trong buổi họp báo hôm thứ tư, nhiệt độ tại PyeongChang vào thời điểm diễn ra lễ khai mạc tối 9-2 sẽ vào khoảng -2oC đến -5oC.

Nhiệt độ thấp nhất ghi nhận vào ban đêm là khoảng -10oC. Trong lịch sử, chỉ có kỳ Olympic mùa đông 1994 diễn ra tại Lillehammer, Na Uy là có nhiệt độ thấp hơn, vào mức -11oC, theo BBC.

Thế nhưng đó chỉ là nhiệt độ trên lý thuyết. Theo các chuyên gia khí tượng, sự hoạt động của gió lạnh tại PyeongChang sẽ là yếu tố khiến nhiệt độ cảm nhận được trên thực tế có thể xuống đến… -23oC.

Nằm cách mặt nước biển khoảng 800m, PyeongChang được biết đến là một trong những vùng đất lạnh giá nhất tại xứ sở kim chi, và là một trong những địa điểm lạnh nhất trên Trái Đất nằm cùng vĩ độ.

Thời tiết quá khắc nghiệt tại PyeongChang khiến hoạt động của tuyết tại đây diễn ra rất thất thường. 

Các trận bão tuyết hầu như rất hiếm khi xảy ra, trong khi vào thời điểm này năm ngoái PyeongChang chỉ ghi nhận được vỏn vẹn 7 ngày có tuyết rơi trong suốt tháng 2/2017, với lượng tuyết trung bình là 6,3cm.

Hiểu được điều này, ban tổ chức Olympic PyeongChang đã cẩn thận chuẩn bị sẵn các… khẩu pháo bắn tuyết để phòng trường hợp tuyết không thể rơi vào những ngày thi đấu.

Những khẩu pháo này hoạt động bằng cách phun nước đã được làm lạnh cùng với khí nén để tạo thành tuyết nhân tạo với chi phí không hề rẻ - ước tính khoảng 4,4 triệu bảng Anh (gần 139 tỉ đồng) để duy trì tuyết trong suốt kỳ thế vận hội, theo BBC.

Tại một địa điểm sẽ diễn ra tranh tài ở các nội dung trên tuyết, có 250 khẩu "tuyết pháo" đã được trang bị sẵn để ứng phó với mọi tình huống.

Các vận động viên ăn bận "kín mít" trong cái lạnh thấu xương tại PyeongChang, Hàn Quốc - Ảnh: Reuters

Vận động viên cũng… cóng

"Gió là thứ tồi tệ nhất - chỉ đi dạo xung quanh làng vận động viên Olympic thôi đã là một cơn ác mộng rồi. Người ta cứ nói sống ở Canada là đã quá quen với cái lạnh, nhưng cái lạnh ở đây thì chúng tôi chưa từng được trải nghiệm," BBC dẫn lời vận động viên môn trượt băng nằm sấp người Canada Kevin Boyer.

Thời tiết lạnh giá cũng khiến nhiều người lo ngại đoàn vận động viên các nước sẽ không tham dự lễ khai mạc nhằm giữ sức khỏe cho những ngày thi đấu sau đó.

Đoàn của Ý đã phát đi thông báo nhắc nhở các thành viên có vấn đề về sức khỏe tránh đứng quá lâu dưới cái lạnh, và khuyên các vận động viên dự lễ khai mạc nên di chuyển liên tục để giữ ấm cơ thể.

Trong khi đó, đoàn Mỹ và Anh hiện đại hơn khi phát cho các vận động viên của mình những chiếc áo khoác có chức năng sưởi ấm bằng công nghệ hiện đại.

Vận động viên trượt tuyết tự do người Úc Lydia Lassila đã phải từ chối vinh dự cầm cờ cho đoàn rước của quốc gia cô trong lễ khai mạc nhằm tránh bị cảm lạnh làm ảnh hưởng đến thành tích thi đấu.

Được biết, trong lịch sử các kỳ Oympic mùa đông trước đây đã có tiền lệ dời ngày thi đấu do gió mạnh, tuyết rơi nhiều hoặc sương mù gây cản trở tầm nhìn, nhưng chưa có kỳ đại hội nào bị hoãn vì trời quá lạnh.

Sân vận động Olympic PyeongChang không có mái che và hệ thống sưởi ấm - Ảnh: Reuters

Cổ động viên khốn khổ vì lạnh

Sân vận động Olympic PyeongChang, nơi sẽ diễn ra lễ khai mạc và bế mạc kỳ thế vận hội, được thiết kế không mái che nhằm rút ngắn thời gian xây dựng. Với điều kiện thời tiết như hiện nay, có thể ban tổ chức sẽ phải hối hận vì quyết định này.

Với chi phí đầu tư 58 triệu USD, sân vận động này cũng không được lắp đặt hệ thống sưởi ấm trung tâm do các lo ngại về chi phí.

Theo BBC, 6 người đã phải nhập viện vì hạ thân nhiệt sau khi tham dự một sự kiện âm nhạc ngoài trời được tổ chức tại sân vận đồng này hồi tháng 12 năm ngoái. Nhiệt độ lạnh cóng cũng khiến người hâm mộ phải… sử dụng toilet thường xuyên hơn.

Dự kiến có khoảng 43.000 khán giả sẽ đến sân xem trực tiếp lễ khai mạc tối 9-2. Ban tổ chức đã chuẩn bị sẵn các túi chườm ấm, mền, đệm lót ngồi và áo mưa để cung cấp miễn phí cho toàn bộ khán giả đến sân.

Hơn chục khu vực sưởi ấm, 40 máy sưởi cỡ lớn và các tấm kính chắn gió cũng đã được dựng lên khắp sân vận động để giúp người hâm mộ chống chọi với cái lạnh.

Các tiết mục văn nghệ đầu chương trình cũng đã được thay đổi để có sự tham gia của khán giả nhằm giúp họ vận động giữ ấm trong thời gian chờ đến phần chính của lễ khai mạc.

Theo Tuổi trẻ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hương Bình, từ cuộc “thiên di” lịch sử ấy

Từ năm 1976, thực hiện chủ trương của tỉnh (nay là thành phố), nhiều người dân vùng ven TP. Huế, TX. Hương Trà và một số ở các huyện Quảng Điền, Phong Điền tình nguyện di cư lên khai hoang xây dựng quê hương mới, lập nên xã Hương Bình (TX. Hương Trà) ngày nay. Sau gần 50 năm từ cuộc “thiên di” lịch sử ấy, ước nguyện về cuộc sống mới tốt đẹp của người dân nơi đây đã thành hiện thực.

Hương Bình, từ cuộc “thiên di” lịch sử ấy
Châu Á năm 2024: Điểm lại một số niềm vui và nỗi buồn

Hãng tin CNBC dẫn nhận xét từ Giám đốc điều hành Công ty tư vấn RiverPeak Group Curtin S. Chin và nhà phân tích khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Jose B. Collazo cho biết, giống như năm 2023, năm 2024 dường như không mang lại nhiều điều đáng mừng cho người dân trên khắp khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế bất ổn và căng thẳng địa chính trị dai dẳng, vẫn còn đó những hi vọng và niềm vui.

Châu Á năm 2024 Điểm lại một số niềm vui và nỗi buồn
Hàn Quốc chính thức trở thành “xã hội siêu già”

Theo số liệu chính thức vừa được Bộ Nội vụ Hàn Quốc công bố ngày 24/12, Hàn Quốc đã chính thức trở thành “xã hội siêu già” khi tỷ lệ dân số từ 65 tuổi trở lên vượt quá 20%, trong bối cảnh đất nước đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân khẩu học do dân số già hóa nhanh chóng và tỷ lệ sinh thấp ở mức đáng báo động.

Hàn Quốc chính thức trở thành “xã hội siêu già”
Nguyễn Ngọc Phôn với áo dài ngũ thân đoạt giải Ba Giải thưởng người mẫu xuất sắc tại Seoul - Hàn Quốc

Ngày 24/12, Viện Nghiên cứu Văn hóa Truyền thống Hàn Quốc & ORIHERI cho biết, đại diện đến từ TP. Huế - Nguyễn Ngọc Phôn (23 Tuổi, Công ty TNHH DV & TM Thêu May Đoan Trang) vừa vượt qua hơn 2.000 thí sinh trên thế giới đoạt giải Ba Giải thưởng người mẫu xuất sắc tại World Grand Prix Supreme model contest and Seoul Beauty Fashion Festival (Người mẫu vô địch thế giới và Lễ hội thời trang làm đẹp tại Seoul - Hàn Quốc 2024).

Nguyễn Ngọc Phôn với áo dài ngũ thân đoạt giải Ba Giải thưởng người mẫu xuất sắc tại Seoul - Hàn Quốc

TIN MỚI

Return to top