ClockThứ Bảy, 26/08/2023 07:29

Phức tạp nạn “xe dù, bến cóc”

TTH - Không ít lần các cấp, các ngành chức năng địa phương đã dẹp nạn “xe dù, bến cóc” , nhưng thời gian gần đây, tình trạng này lại tái diễn, ngang nhiên hoạt động.

Kiểm tra, xử lý "xe dù, bến cóc"

Như thường lệ, sau 5 giờ chiều các ô tô khách đậu đỗ ở đường Điềm Phùng Thị, TP. Huế đón khách đi các tỉnh 

Theo quan sát của chúng tôi, sau tầm 5 giờ chiều không dưới 5 ô tô khách cỡ lớn dừng đỗ tại đường Điềm Phùng Thị, TP. Huế và khu vực quanh Bệnh viện Mắt Huế. Phần lớn ô tô đậu đỗ nơi đây là xe ngoại tỉnh, nổ máy, xi nhan đèn, được các tài, phụ xe hóng khách từ các xe ôm, xe grap các nơi chuyển đến.

Lần lượt, xe này rồi đến xe kia khi đón được một số khách nhất định lại từ từ chuyển bánh qua đường Phạm Văn Đồng đến cầu Vỹ Dạ… theo hướng bắc và nam. Tình trạng diễn ra đều đặn làm cho chúng tôi có cảm giác tại đây như có một bến xe di động, được mặc định một địa chỉ quen thuộc cho hành khách khi có nhu cầu di chuyển từ Huế đi các tỉnh.

Thấy sự tò mò và có phần ngạc nhiên của tôi, một chủ quán nước tại khu vực này nói: Khu vực này là điểm đừng đỗ xe khách liên tỉnh lâu rồi anh. Hàng ngày sau 5 giờ chiều có chừng chục xe khách lớn nhỏ về tập trung đón khách sau đó tỏa đi các nơi… Chủ quán nước này thông tin: “Trước đây thì tôi không rõ, nhưng chừng từ đầu hè đến nay, các ô tô tập trung về đây đón khách. Không hiểu thế nào nhưng việc hình thành điểm đỗ này là do các lái xe không muốn tốn khoản chi phí cho việc cho xe vào những bến đỗ quy định và hầu như chưa thấy lực lượng chức năng nào đến “thăm hỏi”, kiểm tra, kiểm soát”.

Khác với đậu đỗ đón khách trên đường Điềm Phùng Thị, hiện nay hễ vào tầm trưa hoặc chiều là không khó bắt gặp tình trạng ô tô từ 7-15 chỗ chạy tà tà dọc đường Ngô Quyền, Hai Bà Trưng, Lê Lợi và khu vực xung quanh Bệnh viện (BV) Trung ương Huế, BV Đại học Y Dược Huế. Một tình trạng không lạ, cũng chẳng mới bởi chủ xe có “chiêu”, lợi dụng hình thức xe hợp đồng du lịch, xe gia đình nên thản nhiên đưa đón, trả khách theo điểm hẹn quen thuộc. Trong khi đó, các lực lượng chức năng vẫn chưa có biện pháp giải quyết triệt để.

Bà Nguyễn Thị Minh, chủ nhà xe ở tỉnh Quảng Trị hoạt động tại bến xe phía bắc, TP. Huế bức xúc, tình trạng xe hoạt động ngoài tuyến tranh giành khách làm ảnh hưởng đến hoạt động vận tải của các xe tuyến cố định. Hiện nay lượng xe không đăng ký bến bãi, tuyến cố định xuất hiện nhiều làm ảnh hưởng đến hoạt động xe tuyến cố định, vì lượng khách đến bến xe phía bắc TP. Huế ngày càng vắng dần.

Ông Lê Viết Hoài, Giám đốc Bến xe phía bắc, TP. Huế thừa nhận, có tình trạng xe ngoài luồng hoạt động ở địa bàn TP. Huế và các xe này chủ yếu chạy tuyến Huế - Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh... và ngược lại.

“Tình trạng “xe dù bến cóc” kéo dài nhiều năm gây bức xúc cho nhà xe và các phương tiện hoạt động tại bến. Các nhà xe nhiều lần phản ánh đến cơ quan chức năng và mỗi lần kiến nghị là có danh sách những xe hoạt động trá hình. Lực lượng chức năng cũng nhiều lần ra quân, nhưng sau mỗi đợt ra quân tình trạng “xe dù bến cóc” vẫn tiếp tục”- ông Hoài nói.

Ông Đặng Văn Thành, Giám đốc Bến xe phía nam TP. Huế cho hay, hiện nay có tình trạng các nhà xe hoạt động tuyến Lào - Đà Nẵng, nhưng vẫn chạy vào các tuyến nội đô TP. Huế đón trả khách, thậm chí dừng đỗ trước cửa ngõ các bến xe Huế làm bức xúc dư luận, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp vận tải có tuyến cố định hoạt động ở địa phương. Tình trạng này diễn ra từ thời điểm sau dịp COVID-19 tạm lắng, làm cản trở lưu thông, ảnh hướng đến trật tự an toàn giao thông địa phương. “Lãnh đạo Công ty CP Bến xe Huế đã có công văn đề nghị các ban, ngành chức năng địa phương can thiệp nhưng hiện nay tình trạng vẫn chưa chấm dứt”.

Qua tìm hiểu thực tế, tình trạng “xe dù, bến cóc” không chỉ diễn ra ở Thừa Thiên Huế mà rất nhiều địa phương khác. Lực lượng liên ngành chức năng thường xuyên phối hợp ra quân kiểm tra, xử phạt nhưng rồi vẫn như “đá ném ao bèo”, “ xe dù bến cóc” vẫn tồn tại.

Khó nhưng vẫn có giải pháp nếu quyết tâm. Trước hết, việc quản lý chặt về luồng, tuyến là giải pháp căn cơ nhất để giải quyết vấn đề xe hợp đồng trá hình. Bên cạnh đó là tăng cường phối hợp liên ngành với các biện pháp mạnh trong công tác tuần tra kiểm soát, đấu tranh xử lý kiên quyết, nghiêm minh các lỗi vi phạm với các hình thức đậu đỗ, bắt khách của ô tô không đúng nơi quy định. Các địa phương cũng phát huy trách nhiệm, xây dựng những tuyến phố văn minh, tự quản để “xe dù, bến cóc” không có cơ hội tồn tại…

Mới đây, ngày 10/8, Ban An toàn giao thông tỉnh có Kế hoạch 47/KH-BATGT đề nghị các ban, ngành chức năng địa phương phối hợp kiểm tra xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách trên địa bàn. Thời gian từ 20/8 đến 20/9 không ngoài mục đích xử lý nạn “xe dù bến cóc”, “xe trá hình tuyến cố định” và các loại hình vận tải hành khách bằng ô tô trái với quy định. Thông qua việc phối hợp kiểm tra, kiểm soát này để phát huy hiệu quả hoạt động vận tải hành khách, đáp ứng nhu cầu phục vụ đi lại của người dân, đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh, đúng luật…
Bài, ảnh: SONG MINH
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nâng cao ý thức tham gia giao thông từ Nghị định 168

Từ ngày 1/1/2025, Nghị định 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe có hiệu lực. Trong đó, nhiều hành vi vi phạm giao thông có mức xử phạt cao hơn nhiều lần so với trước đây.

Nâng cao ý thức tham gia giao thông từ Nghị định 168
Các dự án giao thông chạy “nước rút” thi công, giải ngân

Thời điểm cuối năm này, các chủ đầu tư/Ban Quản lý dự án thuộc Bộ Giao thông vận tải đang tập trung cao độ, phối hợp với nhà thầu thi công tăng tốc tiến độ thi công các hạng mục, dự án nhằm chạy “nước rút” về khối lượng giải ngân vốn đầu tư công.

Các dự án giao thông chạy “nước rút” thi công, giải ngân

TIN MỚI

Return to top