ClockThứ Năm, 12/08/2021 13:15

Nâng cấp thủy lợi ứng phó mưa lũ

TTH - Từng bước nâng cấp hồ đập, kè biển vừa đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp, đảm bảo an toàn dân cư trong mùa mưa lũ được xem là giải pháp hữu hiệu hiện nay khi tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH) ngày càng phức tạp.

Bảo đảm an toàn hồ đập trong mùa mưa lũ: Cần xây dựng phương án ứng phó khẩn cấp

 Nâng cấp, xây dựng hồ Thọ Sơn đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ

Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh, từ năm 2003 đến nay bằng nguồn vốn của Trung ương và địa phương, đã đầu tư xây dựng mới một số hồ chứa nước thượng nguồn và nâng cấp hệ thống hồ đập và thủy lợi vùng gò đồi, vùng cát. Trong đó, đã xây dựng, hoàn thành đưa vào vận hành khai thác công trình hồ chứa nước Tả Trạch, Thủy Yên với tổng dung tích khoảng 660 triệu m3; nâng cấp hàng chục hồ thủy lợi vùng cát, gò đồi làm cho việc cấp nước tưới, nước sinh hoạt chủ động hơn và bảo đảm an toàn đập trong mùa mưa lũ.

Hiện nay, tiểu dự án (DA) sửa chữa và nâng cao an toàn đập (WB8) tỉnh cũng đang triển khai các hạng mục để đầu tư sửa chữa, nâng cấp 9 hồ gồm: Phú Bài 2, Ka Tư, Tà Rinh, Năm Lăng, Cừa, Phụ Nữ, Khe Rưng, Cây Cơi và Ba Cửa ở các địa phương Hương Thủy, Nam Đông, Phong Điền.

Theo Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng NN&PTNT, đến nay tiến độ thi công các hồ đạt khoảng trên 90% khối lượng. Ngoài ra, UBND tỉnh cũng đã đầu tư DA nâng cấp sửa chữa hồ chứa nước Thọ Sơn (Hương Trà). Hiện nay DA đã triển khai hoàn thành.

Thực hiện chương trình nâng cấp đê biển theo Quyết định 58/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trên địa bàn tỉnh có tổng chiều dài đê biển được phê duyệt là 181km (trong đó có 174 cống) bảo vệ hơn 11 nghìn ha lúa và khoảng 40.000 người dân, tuyến đê sau khi được đầu tư chịu được bão cấp 9 và triều cường 5%.

Từ năm 2006 đến nay, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau đã đầu tư được khoảng 80 km đê với tổng mức đầu tư khoảng 600 tỷ đồng, đạt khoảng 40% trên tổng chiều dài đê theo chương trình.

Tuy nhiên, do thường xuyên chịu ảnh hưởng trực tiếp của lũ, lụt và tác động của sóng, gió và thủy triều của đầm phá nên nhiều đoạn đê chưa được nâng cấp tiếp tục bị xuống cấp cần tiếp tục triển khai đầu tư nâng cấp trong thời gian tới. Hiện còn lại hơn 100 km đê và hơn 100 cống lớn nhỏ đã bị xuống cấp, cần kinh phí để đầu tư các tuyến khoảng 1.000 tỷ đồng.

Trên địa bàn tỉnh đã và đang đầu tư các DA chống sạt lở bờ biển, ổn định cửa biển, với chiều dài khoảng 5,26 km với kinh phí xây dựng khoảng hơn 560 tỷ đồng. Hiện còn hơn 20 km bờ biển (trên tổng chiều dài 127km) đang bị xâm thực, sạt lở, đặc biệt là các đoạn bờ biển qua Phú Vang, Quảng Điền, Phú Lộc đang cần kinh phí đầu tư với tổng mức đầu tư  khoảng hơn 2.400 tỷ đồng.

Mới đây, Công ty Thủy lợi đã đề xuất Sở NN&PTNT trong giai đoạn năm 2021- 2025 cần hơn 151 tỷ đồng để đầu tư nâng cấp các công trình thủy lợi hồ đập, hồ chứa nước.

Ông Phan Thanh Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh đánh giá, mặc dù được đầu tư và thu được những kết quả bước đầu, nhưng nhiệm vụ bảo đảm an toàn các đập, hồ chứa thủy lợi và khu vực kè biển còn nhiều khó khăn.

Để tiếp tục thực hiện chiến lược phát triển thủy lợi, ngoài nỗ lực của địa phương đã thực hiện đầu tư một số chương trình, DA bằng ngân sách của tỉnh, UBND tỉnh cũng đã đề nghị Bộ NN&PTNT xem xét đề xuất chính phủ tiếp tục bổ sung nguồn vốn để thực hiện một số công trình như xây dựng mới hồ chứa nước Thủy Cam với kinh phí khoảng 485 tỷ đồng; hồ chứa nước Ô Lâu Thượng với kinh phí khoảng 987 tỷ đồng.

Ngoài ra, nâng cấp sửa chữa các hồ chứa nước gồm: Khe Nước, Cây Mang, Khe Râm, La Ngà, Cơn Thộn, Hòa Mỹ với kinh phí khoảng 100 tỷ đồng; xây dựng khoảng 60 km kè bảo vệ bờ sông bị sạt lở trên địa bàn tỉnh với kinh phí khoảng 600 tỷ đồng, ưu tiên xử lý các đoạn sạt lở nặng trên sông Hương, Bồ và quan tâm đầu tư trang bị hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn, hệ thống giám sát, quản lý tự động, hệ thống cảnh báo, kiểm định an toàn đập cho các hồ thủy lợi trên địa bàn tỉnh với kinh phí khoảng 250 tỷ đồng. Tổng nhu cầu kinh phí giai đoạn 2021-2025 ước khoảng 6.000 tỷ đồng.

Bài, ảnh: Hà Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hồ Tả Trạch tăng lưu lượng điều tiết nước

Ngày 16/12, Ban Quản lý đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 5 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã có thông báo gửi các sở, ngành, địa phương về việc điều tiết nước hồ Tả Trạch về hạ du sông Hương.

Hồ Tả Trạch tăng lưu lượng điều tiết nước
Ngày 28/11, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất do mưa lũ ở Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi, miền bắc trời rét

Trong 24 giờ qua (từ 1 giờ ngày 27/11 đến 1 giờ ngày 28/11), khu vực tỉnh Hà Tĩnh và các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to như: Cẩm Yên 112,2mm (Hà Tĩnh); Hồ Troóc Trâu 180mm (Quảng Bình); Bạch Mã 159,8mm (Thừa Thiên Huế); Trà Dơn 122,8mm (Quảng Nam); Trà Thanh 121,4mm (Quảng Ngãi); ...

Ngày 28 11, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất do mưa lũ ở Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi, miền bắc trời rét
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chủ động ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ ở Trung Bộ

Chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó với gió mạnh trên biển, mưa lũ, ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét, lũ ống bảo đảm kịp thời, hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại. Yêu cầu trên được Thủ tướng Chính phủ đặt ra với Bộ trưởng các bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tại Công điện số 120/CĐ-TTg, ngày 25/11.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chủ động ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ ở Trung Bộ

TIN MỚI

Return to top