ClockThứ Ba, 13/05/2014 05:30

Khẳng định vị thế, vai trò hạt nhân phát triển khi trực thuộc Trung ương

TTH -   "Người dân sẽ được hưởng lợi gì; giải pháp xây dựng trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước về văn hóa, du lịch, khoa học-công nghệ, y tế chuyên sâu giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; làm gì để bảo tồn, gìn giữ cảnh quan đô thị Huế; xây dựng nếp sống văn minh đô thị; định hướng phát triển kinh tế-xã hội…" là những vấn đề người dân quan tâm khi Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Lấy dịch vụ - du lịch làm hạt nhân phát triển

Thừa Thiên Huế đang hướng đến xây dựng Trung tâm y tế chuyên sâu với nhiều kỹ thuật hiện đại. Trong ảnh: Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo tỉnh tham quan khu điều trị chất lượng cao của Bệnh viện quốc tế

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao cho biết, Kết luận 48 của Bộ Chính trị mở ra cơ hội to lớn cho tỉnh trong việc đẩy nhanh sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, tạo ra thế và lực mới để củng cố vững chắc vị thế của địa phương trong bối cảnh phát triển nhanh của đất nước. Ngay sau khi có Kết luận, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành và tổ chức triển khai thực hiện nhiều nghị quyết, quyết định, chương trình, kế hoạch để đầu tư xây dựng Thừa Thiên Huế đạt được các tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật đối với thành phố trực thuộc Trung ương. Một trong những chủ trương lớn là Tỉnh ủy ban hành 04 nghị quyết chuyên đề theo nội dung Kết luận 48 đó là Nghị quyết về xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành Trung tâm văn hoá, du lịch đặc sắc, Trung tâm y tế chuyên sâu, Trung tâm giáo dục - đào tạo đa ngành - chất lượng cao và Trung tâm khoa học - công nghệ của khu vực miền Trung và cả nước. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao khẳng định, khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vị thế, vai trò hạt nhân phát triển của Thừa Thiên Huế sẽ được khẳng định và nâng cao; Thừa Thiên Huế sẽ phát huy tốt hơn vai trò một trong những trung tâm lớn đặc sắc của cả nước về văn hóa, du lịch, khoa học - công nghệ, y tế chuyên sâu và giáo dục - đào tạo, đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao. Đây là tiền đề quan trọng để Thừa Thiên Huế kêu gọi các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước đến đầu tư xây dựng, mở văn phòng đại diện, tổ chức các sự kiện, hội nghị mang tầm quốc gia, khu vực và quốc tế, qua đó thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Ông Phan Thiên Định, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư cho biết: Hiện nay, tỉnh phát triển theo hướng “Tăng trưởng xanh trên nền tảng kinh tế tri thức; lấy phát triển dịch vụ - du lịch làm hạt nhân phát triển kinh tế; phát triển công nghiệp xanh, sạch, công nghệ cao làm động lực đóng góp cho tăng trưởng kinh tế”. Định hướng này, không những phù hợp với điều kiện tự nhiên, xã hội của tỉnh mà còn phát huy những tiềm năng, thế mạnh của từng lĩnh vực, từng ngành và phù hợp với xu thế phát triển đô thị hiện đại trong tương lai của đất nước và mô hình phát triển xanh mà các quốc gia trên thế giới đang thực hiện.  
Theo ông Nguyễn Minh Dũng, Giám đốc Sở Xây dựng, trong đồ án xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành đô thị loại I trực thuộc Trung ương, tỉnh đã xác định rõ: “Xây dựng đô thị Thừa Thiên Huế theo mô hình tập hợp đô thị di sản, văn hóa và cảnh quan”. Mô hình này được cấu thành bởi đô thị hạt nhân Huế (đô thị di sản văn hóa) và các đô thị văn hóa, sinh thái, cảnh quan và thân thiện với môi trường được phát triển bền vững trong mối quan hệ gắn kết đô thị - nông thôn - thiên nhiên”. Khu vực TP Huế hiện hữu là đô thị di sản văn hóa, giảm tải các chức năng về đào tạo, y tế, đầu mối giao thông... ưu tiên phát triển các chức năng dịch vụ, du lịch và văn hóa để không ảnh hưởng đến di tích. Các đô thị khác có vai trò hỗ trợ đô thị di sản Huế về phát triển nhà ở, dịch vụ, công nghiệp đa ngành, đào tạo, y tế và đầu mối giao thông. Đan xen giữa các đô thị là sự chuyển tiếp hài hòa giữa khu vực làng xóm và các vùng nông nghiệp, bảo tồn sinh thái, cảnh quan thiên nhiên,... được liên kết với nhau bằng mạng lưới giao thông đồng bộ, hoàn chỉnh và hiện đại.
Điều kiện kinh tế - xã hội sẽ được nâng lên
Trước sự quan tâm của nhiều người về đời sống của nhân dân sau khi tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, ông Bạch Chơn Đông, Phó Giám đốc Sở Nội vụ khẳng định, không thể nói rằng ngay sau khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương thì sẽ không còn những xã đặc biệt khó khăn. Tùy theo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương trong từng thời điểm khác nhau; nếu ở địa phương nào vẫn còn đặc biệt khó khăn thì các địa phương đó vẫn được hưởng các chính sách ưu đãi theo quy định của Nhà nước. Tuy nhiên, theo thời gian và tùy theo điều kiện kinh tế - xã hội phát triển đi lên của từng vùng, khi các địa phương của tỉnh hoàn thành các mục tiêu cơ bản của chương trình phát triển kinh tế - xã hội đối với các xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc và miền núi thì sẽ không còn thuộc diện đặc biệt khó khăn nữa, lúc đó sẽ không còn được hưởng các chính sách ưu đãi như hiện nay và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương ở thời điểm đó sẽ được nâng lên rất nhiều.
Về nguồn lực đầu tư, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao cho biết, dù là cấp tỉnh hay là thành phố trực thuộc Trung ương thì tất cả các chính sách đều phải thực hiện trên cơ sở pháp luật Nhà nước ban hành. Tuy nhiên, khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, cơ chế, chính sách và việc áp dụng sẽ được mở rộng hơn như chỉ tiêu phân bổ nguồn vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước cao hơn; sẽ kêu gọi được những nguồn vốn khác (ODA) theo chương trình phát triển đô thị của Chính phủ để đầu tư kết cấu hạ tầng, khi đó, người dân của Thừa Thiên Huế, bao gồm cả huyện A Lưới, sẽ được hưởng những điều kiện hạ tầng và tiếp cận các dịch vụ công tốt hơn. Về thuế, theo quy định tại các Luật thuế hiện hành và các văn bản hướng dẫn dưới Luật việc quy định mức đóng thuế được áp dụng chung cho cả nước không phân biệt thành phố trực thuộc Trung ương hay không trực thuộc Trung ương. Do đó, các loại thuế người dân phải đóng cơ bản không thay đổi. Còn việc quy định các khoản phí phải đóng trên địa bàn tỉnh hay thành phố trực thuộc Trung ương thuộc thẩm quyền HĐND cấp tỉnh ban hành dựa trên cơ sở thực trạng kinh tế - xã hội của từng địa phương, trong từng thời kỳ. Do đó, các loại phí người dân phải đóng cơ bản không thay đổi.
Thái Bình
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tàu, xe về quê ngày Tết

Ngày 25/1 (26 Tết) - ngày đầu tiên trong chuỗi ngày nghỉ tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 chính thức bắt đầu cũng là lúc tàu, xe tăng chuyến để phục vụ việc đi lại của người dân.

Tàu, xe về quê ngày Tết
Đảm bảo cấp nước an toàn, ổn định dịp Tết

Trước thềm năm mới Ất Tỵ 2025, Công ty CP Cấp nước Huế (HueWACO) đã lên kế hoạch, sẵn sàng các phương án cần thiết nhằm đảm bảo cấp nước an toàn, liên tục, ổn định cho người dân trên địa bàn thành phố trước, trong và sau tết Nguyên đán.

Đảm bảo cấp nước an toàn, ổn định dịp Tết
Đảm bảo trật tự đô thị dịp giáp Tết

Xác định là quận trung tâm văn hóa du lịch, thương mại của thành phố Huế nên quận Thuận Hóa triển khai nhiều giải pháp, huy động nhân lực đảm bảo trật tự đô thị (TTĐT), trật tự công cộng (TTCC) trên địa bàn dịp trước, trong và sau tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Đảm bảo trật tự đô thị dịp giáp Tết
Đồng Lâm chủ động các kế hoạch sản xuất ngay từ đầu năm

Năm 2025, Nhà máy xi măng Đồng Lâm phấn đấu sản xuất và tiêu thụ 1,5 triệu tấn clinker và hơn 1,4 triệu tấn xi măng. Để đạt kết quả này, Công ty CP xi măng Đồng Lâm triển khai nhiều giải pháp về nguồn cung nguyên liệu, đổi mới công nghệ và bước đầu đã đem lại kết quả tích cực.

Đồng Lâm chủ động các kế hoạch sản xuất ngay từ đầu năm

TIN MỚI

Return to top