ClockThứ Hai, 11/03/2019 05:15

Định hình giao thông công cộng trong lòng đô thị xanh

TTH - Huế là một đô thị với hệ thống cây xanh dày đặc từng được nhiều tổ chức hoạt động trong lĩnh vực thiên nhiên môi trường ghi nhận và đánh giá cao, có thể trở thành thành phố tiên phong trong phát triển xanh và bền vững.

Tập trung phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộHiến kế cho thành phố bốn mùa hoa và phát triển giao thông công cộng

Huế là thành phố du lịch xanh, nếu phát triển được phương tiện công cộng nữa sẽ rất tốt. (Trong ảnh: Du khách nước ngoài chọn du lịch Huế bằng xe đạp). Ảnh: Hoàng Hải

Theo các chuyên gia, để Huế trở thành một không gian đô thị xanh cần phải giải quyết được bài toán hạn chế dần phương tiện cá nhân, phát triển giao thông công cộng (GTCC); đó là xe buýt, xe đạp, tàu điện, thậm chí là đi bộ.

“Nếu làm được điều này, tôi tin chắc Huế sẽ trở thành một điển hình của Việt Nam” – chuyên gia giao thông đô thị - du lịch, TS. Lương Hoài Nam nhận định.

Theo TS. Nam, bài toán giải quyết nạn kẹt xe, hạn chế xe máy với Huế cần tính toán sớm, đừng để trở thành nan giải như hai đô thị TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, khi mà vấn đề kẹt xe đang gây áp lực trong sự phát triển kinh tế - xã hội. Ngay từ thời điểm này, cần đặt ra, hoạch định chính sách để tìm lời giải”, TS. Nam nhấn mạnh.

Vị chuyên gia này cho rằng, quy mô đô thị của TP. Huế có thể giải quyết GTCC hết sức đơn giản. Huế có bán kính ngắn, không có hẻm dài, ngõ sâu nên sẽ thuận lợi. Tuy nhiên, để phát triển GTCC cần có giải pháp, kế hoạch hạn chế phương tiện cá nhân.

“Huế là thành phố hoàn toàn có thể phát triển GTCC trong một lộ trình cụ thể. Điều này tạo ra sự khác biệt, độc đáo giữa không gian đô thị xanh như Huế hiện nay. Với tư cách cá nhân, tôi sẵn sàng đóng góp ý tưởng cùng địa phương”, ông Nam chia sẻ tâm huyết.

Không khó để bắt gặp hình ảnh du khách nước ngoài đến Huế để trải nghiệm du lịch bằng xe đạp. Họ đạp quanh thành phố, xuôi về các vùng ven đô, thậm chí xa hơn để vãn cảnh, khám phá văn hóa, với ý thức bảo vệ môi trường, hạn chế khí thải và vận động để tăng cường sức khỏe. Không phải đến Huế hay Việt Nam mới sử dụng phương tiện này, ở nhiều nước phát triển, xe đạp hoặc đi bộ đã trở thành thói quen của người dân trong cuộc sống.

Huế có không gian đô thị xanh, nếu phát triển được giao thông công cộng sẽ tạo nên điểm nhấn ấn tượng. (Trong ảnh, du khách trải nghiệm Huế bằng xe đạp). Ảnh: Đ. Quang

Khi hỏi về ấn tượng trên những cung đường của Huế, đa số du khách có chung câu trả lời: “Huế có rất nhiều cây xanh, phong cảnh đẹp, thơ mộng”. Và không chỉ có du khách, thời gian gần đây, phong trào đi xe đạp đã trở thành thói quen đối với người dân Huế, nhưng chỉ dừng lại việc đạp vào buổi sáng sớm, tập thể dục, rèn luyện sức khỏe.

Ở một số nước tiên tiến, nếu muốn sử dụng xe đạp đi lại ở trung tâm thường có làn đường riêng, vạch kẻ ưu tiên cho xe đạp. Có những bãi cho thuê xe đạp ở những tuyến đường cửa ngõ ra vào thành phố, để những người di chuyển ô tô có thể thuê xe đạp với mức giá rẻ.

Trong khi đó, xe buýt được xem là giải pháp. Nhiều người dân cho rằng đó là phương tiện công cộng hợp với xu thế phát triển của xã hội, tuy nhiên chính họ vẫn chưa mặn mà. Lý do được đưa ra:  hệ thống xe buýt còn khá nhếch nhác, chưa “phủ sóng” ở nhiều tuyến đường, đặc biệt những tuyến đường ngắn quanh thành phố.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định xác định, du lịch là trọng tâm của Huế và lượng khách đến đây càng ngày càng đông. Tuy nhiên, khu vực trung tâm thành phố là những con đường nhỏ. Vì thế, phát triển xanh là xu hướng phù hợp cho thành phố với việc sử dụng nhiều xe đạp. Điều này đòi hỏi tạo ra hạ tầng cho sử dụng xe đạp, đồng thời quy hoạch lại mạng lưới giao thông, phân luồng, phân tuyến hợp lý.

“Nếu có cách làm tốt, thay đổi phương tiện, thói quen, tăng cường hệ thống xe buýt, xe đạp, hạ tầng hỗ trợ thì chúng ta giải quyết được và thật sự tạo ra điểm nhấn cho đô thị xanh...”, ông Định nói.

PHAN THÀNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lắp biển xử lý vi phạm Nghị định 168

Ngày 10/1, Phòng Cảnh sát giao thông Công an TP. Huế cho biết, đơn vị đã triển khai đồng loạt các biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn và xử lý vi phạm theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe (GPLX).

Lắp biển xử lý vi phạm Nghị định 168
Thông tin doanh nghiệp:
Giấy vệ sinh cuộn lớn và vai trò quan trọng trong hệ thống vệ sinh công cộng

Giấy vệ sinh cuộn lớn ngày càng trở nên phổ biến trong các hệ thống vệ sinh công cộng nhờ vào khả năng đáp ứng nhu cầu sử dụng cao, tiết kiệm chi phí và thân thiện với môi trường. Sản phẩm này không chỉ là vật dụng thiết yếu mà còn góp phần quan trọng trong việc duy trì môi trường sạch sẽ và an toàn cho cộng đồng.

Giấy vệ sinh cuộn lớn và vai trò quan trọng trong hệ thống vệ sinh công cộng
Nâng cao ý thức tham gia giao thông từ Nghị định 168

Từ ngày 1/1/2025, Nghị định 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe có hiệu lực. Trong đó, nhiều hành vi vi phạm giao thông có mức xử phạt cao hơn nhiều lần so với trước đây.

Nâng cao ý thức tham gia giao thông từ Nghị định 168

TIN MỚI

Return to top