ClockThứ Sáu, 24/01/2014 13:58

Diện mạo của thành phố tương lai

TTH - Với Kết luận 48 của Bộ Chính trị, Thừa Thiên Huế đang ở thời kỳ phát triển nhanh tiến trình đô thị hóa. Vấn đề đặt ra là làm sao cho đô thị vừa bung ra nhưng không bị phá vỡ về không gian và hình ảnh. Đô thị Huế hấp dẫn và cuốn hút mọi người do đang sở hữu một quỹ kiến trúc vô giá”; đô thị đó sẽ biến đổi nhanh chóng với những gì quá khứ cha ông để lại và những nhu cầu mới của thời đại. Huế phải trở thành một đô thị sinh thái, một thành phố mở trong xã hội hiện đại, một thành phố hoàn toàn khác với những thành phố khác hiện nay.

Tầm nhìn mới về Huế

Vấn đề mấu chốt quyết định trong việc phát triển đô thị ở Thừa Thiên Huế là thành phố Huế. Do tính chất, vị trí của đô thị Huế mà sau ngày thành phố giải phóng đến nay, quy hoạch thành phố luôn được điều chỉnh, từ mười mấy phường xã lên trên 40 phường xã và nay là 27 phường. Huế từ thành phố loại 2 lên loại 1, lại được xác định là một trong 5 thành phố cấp quốc gia. Thế nên, thành phố mãi lúng túng trong tấm áo chật của mình. Thấy rõ vấn đề này, Bộ Chính trị trong Kết luận số 48 xác định, đô thị trung tâm của thành phố lớn gồm Huế - Bình Điền - Tứ Hạ - Phú Bài - Thuận An. Điều này đặt ra là phải quy hoạch lại đô thị trung tâm.

Quá trình phát triển, cần lưu tâm đến không gian xanh cho đô thị.

Đô thị trung tâm phải chứa đựng các cực phát triển của Huế, trung tâm văn hóa du lịch đặc sắc của đất nước; trung tâm giáo dục, đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; trung tâm khoa học và công nghệ; trung tâm y tế chuyên sâu của khu vực và cả nước; trung tâm tôn giáo của đất nước. Đô thị phải phát triển theo hướng hình thành các cực của trung tâm, dịch chuyển theo hướng các cực của trung tâm, đồng thời phải ổn định và phát huy giá trị của đô thị cổ, bảo vệ cảnh quan hai bờ sông Hương… tạo nên sự tiếp nối của đô thị cổ và các cực. Vùng tiếp nối này là những mảnh đất vàng trong tương lai. Những nỗ lực của Thừa Thiên Huế thời gian qua cho thấy Bình Điền - Tứ Hạ - Thuận An - Phú Bài đều có điều kiện có thể trở thành các “cực” của đô thị trung tâm: có hạ tầng thích hợp, có hệ thống giao thông kết nối vùng Huế.             

Nên chăng, vạch lại địa giới hành chính, chia lại đô thị trung tâm thành các quận (trước 1975, thành phố Huế chỉ tồn tại trên danh nghĩa, thực chất là 3 quận: quận Hữu Ngạn, quận Tả Ngạn, quận Thành Nội). Đây chính là việc làm càng xúc tiến sớm càng tránh được lãng phí lớn và làm cho diện mạo đô thị Thừa Thiên Huế rõ ràng hơn.

Trách nhiệm của Trung ương đối với Huế

Trung ương Đảng và Chính phủ rất quan tâm đối với Huế. Là một thành phố văn hóa lại quyết liệt trong đấu tranh cách mạng, bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh, do vậy có thể nói Huế tiềm lực thì lớn, nguồn lực thì nghèo, nếu không muốn nói là tỉnh lẻ. để Huế phát triển xứng tầm, đòi hỏi phải có sự tiếp sức mạnh mẽ của đất nước.

Sịa, đô thị vệ tinh đang thay đổi hàng ngày

Vấn đề hàng đầu đối với Huế, là hệ thống giao thông đối ngoại. Chúng ta có Cảng hàng không Quốc tế Phú Bài nhưng đến bao giờ có chuyến bay nước ngoài đến Huế và ngược lại? Ngay cả tuyến nội địa cũng đang còn nghèo nàn, chỉ loanh quanh Huế - Hà Nội, Huế - thành phố Hồ Chí Minh; chúng ta nói Huế nằm trên tuyến hành lang Đông - Tây, nhưng đến nay vẫn chưa có đường cao tốc. Người Huế có cảm giác các tuyến đường huyết mạch của đất nước ngang qua Huế đều xếp hàng sau các địa phương bạn… Có thể nói, trọng điểm về giao thông đối ngoại của Huế từ phi trường - cảng biển - đường cao tốc đều diễn ra chậm chạp.

Huế là một trung tâm văn hóa của đất nước, nhưng các ngành Trung ương đã có các thiết chế văn hóa gì để xứng đáng. Ngay một trung tâm hội nghị quốc tế xứng tầm chỉ là vấn đề trong mơ ước, chứ chưa nói các hội nghị quốc tế lớn cũng cần chuyển về Huế để giảm áp lực cho thủ đô và thành phố Hồ Chí Minh. Một thành phố Festival nhưng đến nay chủ yếu Huế vẫn đang sử dụng những sân khấu dã chiến, vẫn thấp thỏm bởi thời tiết thất thường của Huế.

Một góc đô thị Lăng Cô (Phú Lộc). Ảnh: Huy Khánh

Đã đến lúc, Trung ương cần chỉ đạo các bộ ngành tổng kết việc thực hiện Kết luận 48 của Bộ Chính trị, Huế là báu vật của đất nước và chúng ta đã làm gì để báu vật đó ngày càng sáng lung linh, làm nên vẻ đẹp cho đất nước. Ngành giao thông vận tải, khoa học công nghệ, giáo dục, kế hoạch đầu tư, xây dựng, du lịch… làm gì để phát huy giá trị vốn có hay cứ hàng ngang mà tiến. Chúng ta có thể xây dựng một thành phố mới nhưng giữ vững và phát triển đô thị sẵn có với nhiều giá trị đặc sắc sao khó khăn quá.   

Quy hoạch đô thị trung tâm, vấn đề cốt lõi

Để Thừa Thiên Huế nhanh chóng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, việc hàng đầu là quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch đô thị trung tâm. Đô thị trung tâm đã được xác định là Huế - Bình Điền - Tứ Hạ - Phú Bài - Thuận An. Quy hoạch đô thị trung tâm không phải là một bài toán cộng gồm quy hoạch Huế, quy hoạch Hương Trà, Hương Thủy, Phú Vang. Bài toán cộng dễ dẫn đến rối loạn quy hoạch do thiếu sự kết nối bởi mạnh địa phương nào làm theo địa phương đó theo ý mình, thiếu sự hài hòa thống nhất. Quy hoạch phải xác định các cực phát triển để từ đó có sự chuyển dịch đô thị phù hợp, đây là điều cực kỳ quan trọng xác định diện mạo đô thị lớn. Không xác định các cực phát triển của đô thị trung tâm sẽ làm cho thành phố trở nên chật hẹp và lúng túng trong định hướng phát triển.

Mặt khác, quy hoạch đó phải bảo đảm thích đáng quỹ đất dành cho giao thông, công viên, vùng đệm các công trình phúc lợi công cộng, Huế có điều kiện thuận lợi để xây dựng một đô thị mở trong xã hội hiện đại, các đô thị hiện đại trên thế giới có quỹ đất dành cho giao thông 20 - 25% trong khi đó đất giao thông ở các đô thị nước ta chỉ có 4 - 6%, thực sự là một thách thức lớn mà nguyên nhân do một phần nguồn lực để phát triển đô thị chính là quỹ đất. Đây chính là vòng luẩn quẩn làm bó tay các nhà quy hoạch và quản lý.

Vấn đề còn lại đòi hỏi phải có hành động quyết liệt trong việc chuyển dịch đô thị, bố trí đội hình phát triển đô thị trung tâm. Vùng nội đô sẽ bao gồm đô thị cổ và đô thị hiện đại, đô thị cổ là đô thị hiện hữu và đô thị hiện đại sẽ được hình thành ở các cực phát triển. Cần tạo các điểm nhấn ở những cực phát triển, các điểm nhấn này sẽ tạo động lực thúc đẩy sự chuyển dịch đô thị theo hướng hình thành các khu đô thị hiện đại. Có như vậy mới giải tỏa được mọi áp lực lên đô thị di sản.

Cao hơn hết vẫn là thực hiện dân chủ trong quy hoạch, người dân phải thực sự tham gia xây dựng quy hoạch, tham gia thực hiện quy hoạch. Sau quy hoạch mà không thấy bóng dáng người dân sở tại trong chừng mực nào đó là một sự thất bại, làm sao vui được khi thấy người ta làm giàu trên mảnh đất mình đang sống, còn mình như kẻ tha phương?

Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, thời gian tùy thuộc vào nỗ lực của chúng ta. Thành phố đó gồm đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh. Đô thị trung tâm gồm Huế - Bình Điền - Tứ Hạ - Phú Bài - Thuận An. Đô thị vệ tinh gồm Chân Mây- Lăng Cô, A Lưới, Nam Đông, Phong Điền, Sịa… Đó là diện mạo của thành phố tương lai, không xác định rõ điều này, chúng ta càng chập chờn trên tiến trình đô thị hóa.

Hải Lê
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cân đối nguồn vốn đầu tư xây dựng kè biển

Trong những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, diễn biến bất thường của thời tiết; đặc biệt trong năm 2024 ảnh hưởng của bão số 6 và liên tiếp các đợt thiên tai trong tháng 9 và 10 đã làm xói lở bờ biển trên địa bàn hơn 10,3km/tổng số 127km, tập trung các khu vực huyện, thị Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc và quận Thuận Hóa.

Cân đối nguồn vốn đầu tư xây dựng kè biển
Chỉnh trang hạ tầng, đưa Thuận Hóa xứng tầm quận trung tâm

Với mục tiêu xây dựng và phát triển quận Thuận Hóa trở thành quận trung tâm hành chính chính trị, văn hóa, dịch vụ du lịch…, giữ vai trò động lực phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của TP. Huế, UBND quận Thuận Hóa đẩy mạnh xây dựng hệ thống hạ tầng KT-XH đồng bộ, hiện đại, thân thiện với môi trường.

Chỉnh trang hạ tầng, đưa Thuận Hóa xứng tầm quận trung tâm

TIN MỚI

Return to top