ClockThứ Ba, 11/04/2023 14:08

Dân khổ vì nâng cấp đường với tiến độ "rùa"

TTH - Kể từ tháng 4/2021, người dân TP. Huế phấn khởi, vui mừng khi các tuyến đường ở các phường nội thành được triển khai nâng cấp, chỉnh trang. Tuy nhiên với tình trạng thi công tiến độ "rùa" làm người dân địa phương bức xúc khi sinh hoạt, làm ăn, đi lại của họ bị đảo lộn.

Giải phóng mặt bằng: Thấu đáo, hài hòa nhưng cũng phải cương quyết

leftcenterrightdel
Tiến độ thi công "rùa" tại các đường nội thành làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân 

Theo ghi nhận của chúng tôi vào ngày đầu tháng 4, tuyến đường Lê Thánh Tôn qua Nguyễn Chí Diểu, hay Nguyễn Biểu bụi khói mịt mù, đất đá lởm chởm. Người, phương tiện lưu thông qua lại những tuyến này rất khó khăn vì công nhân đào bới, chỉnh trang mặt đường, vỉa hè. Dọc hai bên tuyến đường này, nhiều nhà dân phải đóng cửa, trước nhà phủ kín rèm vải để hạn chế bụi; hàng quán ở đây cũng ế ẩm vì ít người lui tới.

Ông Lê Văn Khoa, người dân ở đường Lê Thánh Tôn than: "Tuyến đường này đã thi công đến nay cũng gần 2 năm rồi, nhưng không thấy dấu hiệu hoàn tất. Mưa xuống thì cả đoạn xuất hiện "ổ gà, ổ voi", nắng thì bụi bay phủ kín nhà cửa. Gia đình tôi sống dựa vào quán tạp hóa nhỏ, nhưng kể từ khi đường đào xới nên luôn trong cảnh vắng khách".

Một người dân ở cùng khu vực ông Khoa mở quán cà phê, nhưng hôm nào trời quang phải dùng vải che để cản bụi. Chủ quán này cho hay, mục đích mở quán bán cà phê chủ yếu bán cho người dân địa phương, nhưng từ khi đường bị đào xới, quán hầu như đóng cửa. Tình trạng này kéo dài, việc kinh doanh của gia đình thất thu, cuộc sống sinh hoạt bị đảo lộn.

"Chúng tôi mừng vì đường sá được chỉnh trang làm đẹp, nhưng quá ngao ngán với tiến độ thi công "rùa" không biết ngày hoàn thành. Rất mong ban ngành, đơn vị liên quan có giải pháp để cảnh sống người dân ổn định, nhất là việc đi lại an toàn và không còn bụi bặm như hiện nay" - chủ quán cà phê nói.

Không riêng các tuyến đường Lê Thánh Tôn, Đinh Công Tráng... thi công kiểu "rùa" mà nhiều tuyến tại khu vực các phường nội thành cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Trong đó, có nhiều tuyến nhà thầu thi công đã cam kết hoàn tất vào giữa tháng 8/2022 nhưng đến nay vẫn dang dở, như đường Xuân 68, Hàn Thuyên, Đặng Dung, Trần Quốc Toản, Lương Ngọc Quyến...

Đại diện lãnh đạo Phòng Quản lý Đô thị TP. Huế cho biết, việc nâng cấp, chỉnh trang các tuyến đường ở khu vực nội thành thuộc DA Green City do Sở Kế hoạch và Đầu tư làm chủ đầu tư, triển khai từ tháng 4/2021. Các tuyến đường này đã nhiều lần dân phản ánh thi công chậm, làm ảnh đời sống sinh hoạt, khiến các ban ngành chức năng TP. Huế "sốt ruột" nhưng trách nhiệm theo dõi, giám sát tiến độ thi công thuộc về chủ đầu tư DA Green City.

Ông Lê Thanh Bắc, Phó Giám đốc BQL DA Green City Huế cho biết, việc chỉnh trang, nâng cấp 16 tuyến đường khu vực nội thành nằm trong gói thầu số 24, thuộc DA Chương trình phát triển các đô thị loại II (các đô thị xanh) - tiểu DA Thừa Thiên Huế. Gói thầu này ngoài việc nâng cấp, chỉnh trang hệ thống thoát nước, vỉa hè 16 tuyến đường nói trên, còn nạo vét và kè 6 hồ kinh thành, như hồ Phong Trạch, Cây Mưng, Tiền Bảo, hồ Vuông... và chỉnh trang, xây dựng kè dọc bờ sông Đông Ba. Tổng kinh phí gói thầu hơn 224 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ tháng 4/2021 đến 4/2024 và do Công ty CP Xây dựng và Thương mại 299 thi công (Công ty 299). Tuy vậy, quá trình thực hiện gói thầu 24 quá chậm, đến tháng 4/2023 mới đạt khoảng 40% kế hoạch, với giá trị thực hiện khoảng 88 tỷ đồng không như cam kết ban đầu.

Theo ông Lê Thanh Bắc có nhiều nguyên nhân làm cho gói thầu 24 chậm, như công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), điều chỉnh thiết kế để chỉnh trang đô thị, bảo vệ di tích, cây xanh và năng lực thi công của nhà thầu hạn chế. Vướng mắc lớn nhất hiện nay của gói thầu 24 có hơn 1.370 hộ bị ảnh hưởng, trong đó 60 hộ phải tái định cư (TĐC) nhưng đến nay mới phê duyệt đền bù 356 hộ, còn 1.014 hộ chưa được phê duyệt đền bù.

Ông Bùi Ngọc Chánh, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Huế cho biết, trong quá trình rà soát, kiểm đếm để GPMB gặp nhiều khó khăn trong việc xác định nguồn gốc đất, việc tranh chấp, chồng lấn... nên phải thận trọng thẩm định để đề xuất phương án phê duyệt đền bù, cấp đất TĐC đúng luật. Đơn vị đang phối hợp các phường để đẩy nhanh việc GPMB dự kiến hoàn tất trước ngày 30/4.

Ông Lê Thanh Bắc thông tin thêm, hiện nay, Ban QLDA đã có nhiều văn bản cảnh báo Công ty 299 về việc chậm tiến độ. Thời điểm hiện tại thời tiết thuận lợi, nếu Công ty 299 không tập trung được nhân lực, trang thiết bị máy móc để đẩy nhanh tiến độ như kế hoạch cam kết, đơn vị sẽ kiến nghị các sở, ngành liên quan, UBND tỉnh chấm dứt hợp đồng thi công.

Bài, ảnh: SONG MINH
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nâng cao ý thức tham gia giao thông từ Nghị định 168

Từ ngày 1/1/2025, Nghị định 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe có hiệu lực. Trong đó, nhiều hành vi vi phạm giao thông có mức xử phạt cao hơn nhiều lần so với trước đây.

Nâng cao ý thức tham gia giao thông từ Nghị định 168

TIN MỚI

Return to top