ClockThứ Năm, 23/11/2017 13:31

Cầu dân sinh xuống cấp, không đảm bảo lưu thông

TTH - Những cây cầu bắc qua các tuyến đường chính các vùng quê trên địa bàn tỉnh đang xuống cấp nghiêm trọng. Sau mỗi mùa mưa lũ, khi phải oằn mình với dòng nước, những cây cầu trở nên rệu rã, nỗi lo người dân cứ thế nhân lên mỗi khi đi qua. Không khó khi bắt gặp những cây cầu ấy ở các vùng quê như Phú Vang, Quảng Điền, Hương Thủy...

Cầu “U 40” phục vụ sản xuất nông nghiệp với đời sống người dân thôn Kim Sơn (xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy) xuống cấp nghiêm trọng

Vừa đi vừa sợ

Tại xã Phú Mỹ (Phú Vang), người dân nơi đây luôn ám ảnh mỗi khi đi qua cầu Long nằm trên địa bàn thôn Mỹ Lam. Cầu xây dựng từ năm 1975 để phục vụ việc giao thương, đi lại của hàng ngàn hộ dân trong vùng. Trải qua thời gian, cầu ngày càng yếu, xuống cấp nghiêm trọng. Với chiều dài khoảng 30m, rộng 8m, cầu xuất hiện khe nứt và ổ gà, các thanh lan can hai bên thành cầu bị ăn mòn, trơ cả lõi sắt gỉ rét, có đoạn lan can đã bị gãy đổ rất nguy hiểm cho người lưu thông.

Trụ bê tông ở đầu cầu cũng bị nứt gãy, mố cầu bị hư hỏng và lồi ra bên ngoài. Mỗi khi ô tô đi qua, cây cầu rung lắc mạnh có thể cảm nhận được. Theo người dân, dù cầu đã xuống cấp nặng nề, nhưng hàng ngày vẫn có rất nhiều lượt phương tiện giao thông qua lại. Chính quyền địa phương đã cắm biển cấm xe có trọng tải trên 8 tấn, nhưng nhiều xe tải vẫn liều đi qua cây cầu này. Ngoài ra, dù đã có biển báo “cấm đi lại trên hành lang cầu”, nhưng có người vẫn vô tư đi lại bất chấp nguy hiểm.

Cầu Tây Thành (xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền) xuống cấp, cấm một số phương tiện qua lại

Bà Phạm Thị Diệu Hiền, Chủ tịch UBND xã Phú Mỹ cho biết, cầu Long có lượng lưu thông qua lại rất cao và bây giờ đã bị hư hỏng nghiêm trọng. “Ở các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân luôn kiến nghị về vấn đề trên. Nhưng kinh phí của địa phương vẫn còn hạn hẹp nên chưa thể tu sửa được. Hiện, xã đã đặt biển cảnh báo trên cầu và cấm xe có trọng tải lớn đi qua nhưng đây chỉ là giải pháp tạm thời...”, bà Hiền thông tin.

Trong khi đó, cầu Tây Thành (Quảng Thành, Quảng Điền) cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Cây cầu này nằm ngay trung tâm xã, phục vụ người dân trong việc giao lưu và phát triển dịch vụ, điểm trung chuyển hàng hóa nông sản, thủy hải sản cung cấp cho các chợ ở TP. Huế cũng đang “xuống dốc” theo thời gian.

Phần lan can Cầu Long (xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang) bị gãy đổ rất nguy hiểm cho người đi đường

Cây cầu đã cũ nhưng hàng ngày phải đón nhiều phương tiện qua lại. Nằm sát chợ nên cầu còn phục vụ việc vận chuyển hàng hóa của bà con trong và ngoài địa phương đến bán. Cầu yếu, nguy cơ mất an toàn cao nên chính quyền địa phương phải đặt biển báo hạn chế các phương tiện qua lại. Theo đại diện chính quyền địa phương, trên địa bàn còn nhiều cầu hư hỏng, cần xây mới, thế nhưng do kinh phí hạn hẹp nên vẫn chưa có phương án cụ thể.

Gia cố tạm thời

Trở lại xã Thủy Bằng (thị xã Hương Thủy)- nơi có cây cầu được mệnh danh “U 40” phục vụ cho việc sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân thôn Kim Sơn đã trở thành nỗi ám ảnh, mối đe dọa đối với với nhiều người bởi sự xuống cấp nghiêm trọng. “Cứ mỗi lần xuống cấp thì người dân lại chặt tre, dùng dây để gia cố”-ông Trần Hữu Ánh, Trưởng thôn Kim Sơn cho hay. Cũng theo ông Ánh, cầu nối qua hói Châu Ê, chủ yếu phục vụ việc sản xuất nông nghiệp, hàng ngày người dân qua lại và chở nông sản mặc dù biết cầu xuống cấp, nguy hiểm. Theo ghi nhận, cầu được xây vào thập niên 70 của thế kỷ trước, chỉ với chiều dài chừng 20 m nhưng cầu nằm chênh vênh, không có lan can tay vịn, trải qua thời gian cầu hư hỏng nặng.

Ông Ngô Văn Tuân, Giám đốc Sở GTVT:

Sẵn sàng hỗ trợ về mặt kỹ thuật

Cầu dân sinh nằm trong hệ thống đường giao thông nông thôn, có vị trí rất quan trọng trong hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân trong vùng; đồng thời, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng các tuyến đường huyện, đường tỉnh và cả quốc lộ. Hiện, nhiều cầu dân sinh hiện đang xuống cấp, không đảm bảo lưu thông. Theo phân cấp thì hệ thống giao thông này do địa phương quản lý; tuy nhiên, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ về kỹ thuật trong quá trình đầu tư, nâng cấp. Hiện tại, Bộ GTVT đang phân bổ cho tỉnh số dầm thép còn chất lượng, từ các cầu cũ trên QL 1A được dỡ ra sau khi các cây cầu này được đầu tư xây mới. Số dầm thép này sẽ được phân bổ về các huyện để đầu tư, nâng cấp cầu dân sinh.

ĐT

ững người dân thường xuyên qua, về cây cầu biết nguy hiểm nhưng không còn cách nào khác. Thời điểm đi lại nhiều nhất chính vào các vụ mùa, khi thu hoạch nông sản. Nhiều lần người dân đã kiến nghị lên xã, xã kiến nghị lên thị xã nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp. Theo cán bộ xã Thủy Bằng, cầu chủ yếu phục vụ việc qua lại làm đồng, nhu cầu tu sửa cũng có nhưng kinh phí xã hạn hẹp, đã đề xuất lên thị xã và chỉ biết chờ...

Thời gian qua, thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, đã có hàng ngàn km đường giao thông nông thôn trên địa bàn được xây dựng; theo đó, có hàng trăm cầu dân sinh được cải tạo, nâng cấp. Tuy nhiên, trong điều kiện thời tiết mưa lũ thất thường, nhiều cây cầu dân sinh cũ đã nhanh chóng xuống cấp. Chẳng hạn như cầu bê tông ở xóm Cầu, thôn Bao La (Quảng Phú, Quảng Điền), nằm trên trục đường chính nối khu dân cư này với đường Tứ Phú- Quảng Vinh. Trong trận lũ vừa qua, cầu bị xói mố, mặt cầu bị sập xuống. Người dân phải lấy tre gia cố tạm thời để lưu thông.

Theo khảo sát của chúng tôi, hiện số lượng cầu dân sinh trong các khu dân cư bị xuống cấp khá nhiều, ảnh hưởng lớn đến việc đi lại, sản xuất của người dân trong vùng. Tuy nhiên, kinh phí dành để sửa chữa, xây mới rất hạn chế. Nên chăng, mỗi địa phương cần khảo sát, đánh giá thực trạng hệ thống cầu dân sinh ở trên địa bàn để có kế hoạch sửa chữa hàng năm; đồng thời có phương án bố trí vốn hợp lý như từ nguồn vốn khắc phục bão lụt, đưa vào Chương trình xây dựng nông thôn mới, vận động sự đóng góp của người dân trên tinh thần “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, nhằm từng bước góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông nông thôn, phục vụ tốt hơn nhu cầu  đi lại, phát triển sản xuất ở địa phương.

Bài, ảnh: THỌ THÀNH - THẾ ANH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phong Điền: Nhiều tuyến đường hư hỏng, xuống cấp

Do đầu tư xây dựng đã lâu cùng với những đợt mưa dồn dập gần đây, nhiều tuyến đường liên xã, phường và tỉnh lộ (TL) ở thị xã Phong Điền xuống cấp, hư hỏng nặng làm mất an toàn giao thông (ATGT) cho người, phương tiện lưu thông.

Phong Điền Nhiều tuyến đường hư hỏng, xuống cấp
Nguy cơ mất an toàn tại các "điểm đen" giao thông

Gần đây, hệ thống giao thông ở Phong Điền không ngừng được đầu tư, nâng cấp, kết nối thông suốt. Tuy nhiên, hiện tại các ngã ba, ngã tư ở các quốc lộ (QL), tỉnh lộ (TL)… qua địa bàn Phong Điền có nguy cơ thành “điểm đen”, mất an toàn giao thông (ATGT).

Nguy cơ mất an toàn tại các điểm đen giao thông
Đừng để "cái khó bó cái khôn"

Ở Huế có khá nhiều cây cầu được xây dựng từ khá lâu, đang xuống cấp, hư hỏng, chỉ được duy tu, sửa chữa hàng năm - Việc làm mà theo cơ quan, đơn vị quản lý - chỉ mang tính tạm thời, bởi nguy cơ mất an toàn giao thông (ATGT) rất cao.

Đừng để cái khó bó cái khôn
Hãy vì những chuyến tàu an toàn

Dù ngành đường sắt và công an thường xuyên phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xử lý nhưng tình trạng vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt, ném đất đá lên tàu vẫn xảy ra, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động chạy tàu.

Hãy vì những chuyến tàu an toàn

TIN MỚI

Return to top