ClockThứ Năm, 23/09/2021 06:30

An toàn giao thông trong mùa mưa bão

TTH - Trước mùa mưa bão năm 2021, ngành Giao thông vận tải (GTVT) đã có nhiều chủ động nhằm giảm thiểu thiệt hại, tránh ách tắc giao thông kéo dài, phục vụ thông thương hàng hóa...

Đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các dự án chỉnh trang đô thị, giao thông trước mùa mưa bãoGiao thông nhiều nơi còn ngập, ách tắc

Nâng cấp TL28A thường bị ngập lụt cục bộ

Không để giao thông chia cắt

Tỉnh lộ (TL) 28A nối từ đường Võ Văn Kiệt (TP. Huế) đến TL10A (Phú Mỹ, Phú Vang) là tuyến “huyết mạch”. Trải qua trận lũ lớn năm 2020 đã xuất hiện nhiều điểm sạt lở và nhiều đoạn bị ngập cục bộ ảnh hưởng lớn đến lưu thông và cuộc sống người dân trong vùng. Đưa vào diện ưu tiên, ngành GTVT xây dựng phương án, khắc phục gia cố, nâng nền đường so với hiện trạng gần 0,5m, dài hơn 1,5km, với kinh phí gần 13 tỷ đồng.

Những ngày này dù ảnh hưởng dịch COVID-19 nhưng trên TL28A được phân luồng, cảnh giới thi công rộn ràng như một đại công trường. Đại diện lãnh đạo Công ty CP Quản lý đường bộ và xây dựng công trình tỉnh cho biết, đơn vị liên danh cùng Công ty CP Quản lý đường bộ 1 tỉnh trúng thầu đã tranh thủ thời tiết thuận lợi đẩy nhanh tiến độ; đến nay đạt gần 70% khối lượng; dự kiến đến đầu tháng 10 sẽ lu thảm đưa vào hoạt động.

QL49A Huế - A Lưới nhiều đoạn có nguy cơ hư hỏng, sạt lở đất đá chia cắt giao thông từ huyện vùng cao về vùng xuôi; trong đó có các điểm như km 74+500, km 74+400 và đoạn từ xã Hồng Hạ (km 63+00) đến Bốt Đỏ (km 78+00)...  Đến thời điểm này với tinh thần “không để giao thông ách tắc” trong mùa mưa lũ đến, Chi cục Quản lý đường bộ II.5 phối hợp các địa phương đầu tư khắc phục cơ bản, như lắp hộ lan, san bạt bê tông taluy âm, taluy dương... hoàn tất.

Mưa lũ năm 2020 làm cầu khe Chai, xã Đông Sơn, A Lưới hư hỏng nặng đang chờ vốn khắc phục

Ông Ngô Văn Đoán, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đường bộ II.5 chia sẻ, đơn vị được giao quản lý nhiều tuyến quốc lộ qua địa bàn, như QL1A, QL49A, đường Hồ Chí Minh-nhánh tây... Đây là những cung đường trọng điểm lưu lượng phương tiện qua đông nên việc duy tu bảo dưỡng thường xuyên được chú trọng. Đặt biệt, QL49A nối từ Huế lên vùng cao A Lưới dài hơn 80km thường có nhiều điểm bị sạt lở, chia cắt giao thông trong mùa mưa bão nên đơn vị luôn có phương án tối ưu về nhân vật lực phối hợp với địa phương khắc phục, xử lý nhanh gọn, không kéo dài, đảm bảo an toàn giao thông. 

“Chờ lệnh lên đường”

Theo ông Hoàng Xuân Huy, Trưởng phòng Quản lý giao thông, Sở GTVT, mùa mưa bão năm 2020 gây thiệt hại nặng kết cấu hạ tầng giao thông địa phương, ước thiệt hại hàng trăm tỷ đồng.

Đến nay, một số công trình đã, đang nâng cấp sửa chữa bằng nguồn vốn Tổng cục đường bộ Việt Nam phê duyệt hơn 50 tỷ đồng được đẩy nhanh tiến độ hoàn thành trong tháng 10 này. Tùy vào từng công trình, dự án, các đơn vị, lực lượng thi công đang tiếp tục nỗ lực khắc phục, đồng thời chuẩn bị phương tiện, máy móc, nhân lực cho công tác ứng phó thiên tai, cứu hộ, cứu nạn.

Hiện nay ngành GTVT tỉnh đang kiểm tra toàn bộ cầu, đường; những vị trí xung yếu như đường đèo, dốc, cầu yếu; những đoạn thường xuyên bị ngập lụt để bổ sung các cọc tiêu, cọc thủy chí, biển báo tại ngầm, tràn... nhằm gia tăng biện pháp bảo vệ công trình, đảm bảo ATGT, phòng ngừa thiệt hại trong mùa mưa lũ. Cùng việc dự phòng vật tư, máy móc và nhân lực tại các tuyến đường xung yếu thường xuyên ách tắc do mưa lũ, ngành GTVT đã yêu cầu các đơn vị bảo trì phải khảo sát, có phương án huy động phương tiện, thiết bị của các doanh nghiệp khác đang đứng chân lân cận đoạn đường quản lý; thực hiện công việc theo đề xuất của địa phương, nhất là trong tình huống cần đảm bảo giao thông để cứu hộ, cứu nạn kịp thời.

Ngoài ra ngành phối hợp với UBND cấp huyện lên phương án, kế hoạch huy động nhân lực, vật tư, thiết bị ứng phó với thiên tai, mưa lũ, nhất là các huyện vùng sâu, vùng xa như Nam Đông, A Lưới, Phú Vang, Phú Lộc, Phong Điền...

Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở GTVT cho biết, khác với những năm trước, hiện nay ngành GTVT Thừa Thiên Huế đã lên phương án PCTT&TKCN khá sớm nhằm chủ động để giảm thiểu thiệt hại, đảm bảo giao thông thông thương theo tinh thần “có lệnh, lên đường”.

Không riêng đường bộ, ngành GTVT còn xây dựng phương án trung chuyển hành khách nếu đường sắt bị ách tắc cục bộ dài ngày do thiên tai gây ra. Phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan tham gia cứu nạn, cứu hộ đường hàng không và đường biển khi có yêu cầu. Huy động phương tiện vận tải sẵn sàng vừa di tản dân, vừa phục vụ phòng, chống dịch COVID-19... trong PCTT&TKCN. Với đường thủy nội địa cũng đề ra kế hoạch thanh thải trục vớt các chướng ngại vật trong luồng tuyến, chủ động kéo, thả, điều chỉnh phao báo hiệu trước và sau các đợt lũ.

Bài, ảnh: Minh Văn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lắp biển xử lý vi phạm Nghị định 168

Ngày 10/1, Phòng Cảnh sát giao thông Công an TP. Huế cho biết, đơn vị đã triển khai đồng loạt các biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn và xử lý vi phạm theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe (GPLX).

Lắp biển xử lý vi phạm Nghị định 168
Đảm bảo di chuyển bằng máy bay an toàn

Năm 2024 đã thổi bùng lên lo ngại về việc di chuyển bằng máy bay, đặc biệt là trong những tuần gần đây, khi hơn 200 người đã thiệt mạng trong hai vụ tai nạn riêng biệt chỉ cách nhau vài ngày.

Đảm bảo di chuyển bằng máy bay an toàn
Nâng cao ý thức tham gia giao thông từ Nghị định 168

Từ ngày 1/1/2025, Nghị định 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe có hiệu lực. Trong đó, nhiều hành vi vi phạm giao thông có mức xử phạt cao hơn nhiều lần so với trước đây.

Nâng cao ý thức tham gia giao thông từ Nghị định 168

TIN MỚI

Return to top