ClockThứ Sáu, 14/04/2017 22:13

“Thành phố không tiếng còi”

TTH - Buổi tọa đàm với chủ đề “Doanh nghiệp vận tải với văn minh đô thị” do Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở Giao thông và Vận tải, Công an TP. Huế tổ chức chiều 14/4 đi đến thống nhất vận động người tham gia giao thông thực hiện cuộc vận động “Thành phố không tiếng còi”.

Tham gia giao thông không dùng còi inh ỏi sẽ tạo thành nét đẹp văn hóa

Ít khi thể hiện văn hóa nhường đường

Mở đầu buổi tọa đàm, ông Hoàng Việt Trung, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư nêu thực trạng giao thông ở Huế: Dù Huế khá tự hào về môi trường trong sạch, phương tiện giao thông không nhiều, song vẫn không tránh khỏi các trường hợp lái xe tham gia giao thông chưa được văn minh. Tình trạng phóng nhanh vượt ẩu, không chấp hành Luật Giao thông vẫn còn khá phổ biến... Vì lẽ đó, ông Hoàng Việt Trung mong muốn sẽ nhận được những giải pháp, hiến kế để triển khai cuộc vận động nhằm tạo nét văn hóa đẹp khi tham gia giao thông.

Ông Võ Văn Tươi, Phó Giám đốc Sở Giao thông và Vận tải cho rằng, xây dựng văn hoá giao thông không chỉ ngày một ngày hai mà phải thường xuyên rèn luyện, tạo thói quen, xây dựng ý thức lâu dài cho người tham gia giao thông. Gần đây, ngành giao thông vận tải triển khai khá nhiều giải pháp để người tham gia giao thông ý thức hơn, như treo dán các khẩu hiệu tuyên truyền: “Bóp còi đúng quy định” hoặc đi ban đêm bật đèn cốt chứ không bật đèn pha... Tuy thế, ý thức của người tham gia giao thông vẫn chưa được cải thiện. Ở một số nước, việc sử dụng còi xe rất hạn chế. Khi học sinh qua đường, các phương tiện dừng lại nhường đường. Không như ở Việt Nam, hầu hết các phương tiện đều muốn chen lấn, vượt lên phía trước và văn hóa nhường đường ít khi được thể hiện. Trên địa bàn, một năm có 176 người chết vì tai nạn giao thông, đây là một con số không hề nhỏ.

Doanh nghiệp vận tải đồng tình hưởng ứng cuộc vận động

Thượng tá Trương Thế Vũ, Phó Trưởng Công an TP. Huế thông tin thêm, nói về tai nạn giao thông, kể cả nghiêm trọng và các vụ va chạm, trên địa bàn TP. Huế còn khá cao, khoảng 1.000 vụ xảy ra trong năm 2016. Qua tìm hiểu, nguyên nhân chủ yếu là do ý thức của người tham gia giao thông, với các hành vi như lấn đường, phóng nhanh vượt ẩu, có sử dụng rượu bia. Cơ quan công an đã tham mưu cấp ủy địa phương tuyên truyền đến tận người dân, song đối tượng tiếp nhận tuyên truyền chủ yếu là người lớn tuổi, CB -CNV, trong khi đối tượng gây tai nạn chủ yếu là thanh niên. Riêng phương tiện taxi, đa số do lỗi vi phạm giao thông do không nhường đường ở những đoạn giao nhau và hầu như tuần nào cũng có 5-7 vụ tai nạn liên quan đến taxi.

Tạo sự khác biệt

Khi được ông Hoàng Việt Trung giới thiệu là người con của Huế, luôn tìm cách để đem những điều tốt đẹp nhất đến cho Huế, nhà báo Lê Thanh Phong khá bối rối. Anh nói rằng, Huế cần tạo ra sự khác biệt trong thực hiện cuộc vận động. Khác biệt nhưng không quá tốn kém, đó là thực hiện “Thành phố không tiếng còi”. “Chỉ cần thế thôi đã là khác biệt, đã là sản phẩm du lịch đặc trưng của Huế. Song, phải làm sao để điều đó trở thành nhận thức, thành thói quen, chứ không nên là những buổi tuyên truyền sáo rỗng”. Thuận lợi là TP. Huế không lớn, phương tiện giao thông chưa đông đúc như một số TP khác nên việc này có thể thực hiện tốt.

Ý kiến này nhận được những tràng pháo tay và sự ủng hộ cao của khách mời, chủ tọa. Thượng tá Trương Thế Vũ giải thích thêm, nếu người tham gia giao thông không kéo còi sẽ tạo thành nét đẹp văn hoá, từ đó sẽ kéo theo một loạt các hành động đẹp khác khi tham gia giao thông như không phóng nhanh ượt ẩu, không lấn đường. Người tham gia giao thông sẽ nhường nhau, quan sát kỹ, chạy chậm lại, chắc chắn sẽ giảm thiểu tai nạn giao thông.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nguyễn Mậu Chi cho hay, ông sẽ tuyên truyền với khoảng 400 giám đốc, thành viên của hiệp hội, từ đó các giám đốc sẽ tuyên truyền đến nhân viên, người lái xe. Như thế, hiệu quả đạt được sẽ cao hơn.

Điều đó cũng được Giám đốc Công ty TNHH MTV Mai Linh Huế - Đoàn Văn Quang đồng tình ủng hộ. Ông Quang chia sẻ, ở công ty ông, khi tuyển tài xế đều phải trải qua các lớp tập huấn, tuyên truyền về Luật Giao thông, cách ứng xử khi đón, trả khách... Tuy thế, do trình độ văn hóa của lái xe không đồng đều nên vẫn còn một số trường hợp ứng xử văn hóa khi tham gia giao thông của tài xế chưa được văn minh, lịch sự. Nếu cuộc vận động được triển khai, doanh nghiệp Mai Linh sẽ tiên phong tham gia.

Kết luận tại tọa đàm, ông Hoàng Việt Trung khẳng định sẽ triển khai cuộc vận động trong tháng 5/2017. Sau khi lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp, khách mời, các bên đã thống nhất chỉ chọn một nội dung nhưng triển khai hiệu quả, có chiều sâu và tạo được sự lan tỏa, hưởng ứng trong cộng đồng doanh nghiệp, người tham gia giao thông. Trước tiên, sẽ gắn lô gô với những phương tiện tham gia cuộc vận động để khuyến khích các phương tiện khác cùng tham gia. Tuy nhiên, các cơ quan liên quan cũng xác định để cuộc vận động đạt hiệu quả tốt, cần thời gian lâu dài và có sự hưởng ứng vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp Nhân dân.

Bài, ảnh: Tâm Huệ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lắp biển xử lý vi phạm Nghị định 168

Ngày 10/1, Phòng Cảnh sát giao thông Công an TP. Huế cho biết, đơn vị đã triển khai đồng loạt các biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn và xử lý vi phạm theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe (GPLX).

Lắp biển xử lý vi phạm Nghị định 168
Nâng cao ý thức tham gia giao thông từ Nghị định 168

Từ ngày 1/1/2025, Nghị định 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe có hiệu lực. Trong đó, nhiều hành vi vi phạm giao thông có mức xử phạt cao hơn nhiều lần so với trước đây.

Nâng cao ý thức tham gia giao thông từ Nghị định 168

TIN MỚI

Return to top