ClockThứ Ba, 03/10/2023 13:36

“Vỡ mộng” vay trả nợ ngân hàng khác

TTH - Thủ tục vay không dễ, chi phí phát sinh lớn khiến nhiều khách hàng từ bỏ ý định vay trả nợ ngân hàng khác theo chính sách cho phép của Ngân hàng Nhà nước.

Vay ngân hàng này trả ngân hàng khác: Cơ hội tốt nhưng cũng cần tìm hiểu kỹCơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ: Một mũi tên trúng hai đích

Nhiều ngân hàng đã triển khai cho vay trả nợ ngân hàng khác 

Không như kỳ vọng

Thông tư 06/2023/TT-NHNN (Thông tư 06) sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có hiệu lực đã mở rộng thêm quy định cho khách hàng cá nhân vay vốn ngân hàng này để trả nợ tiêu dùng cho ngân hàng khác. Sau khi chính sách này có hiệu lực, nhiều ngân hàng đã triển khai các chương trình cho vay trả nợ ngân hàng khác.

Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Phạm Bá Nam chia sẻ, Thông tư 06 sẽ tạo điều kiện cho người dân đang có khoản vay tại các tổ chức tín dụng có cơ hội được tiếp cận với các khoản tín dụng ở các tổ chức tín dụng khác để trả nợ với chi phí thấp hơn. Điều này cũng sẽ đem đến nhiều lợi ích cho người dân, đặc biệt là có nhiều sự lựa chọn về các sản phẩm, dịch vụ tài chính với chi phí hợp lý; đồng thời, các ngân hàng thương mại phải thường xuyên nâng cao chất lượng phục vụ, đào tạo nhân viên, đa dạng hóa sản phẩm nhằm thu hút khách hàng.

Kỳ vọng là vậy, song thực tế để tiếp cận chính sách này là một điều không mấy dễ dàng. Bởi khi liên hệ với cán bộ tín dụng tên T. tại một ngân hàng thương mại nhà nước đang triển khai cho khách hàng cá nhân vay vốn để trả nợ tiêu dùng cho ngân hàng khác, tôi được anh T. hướng dẫn nên mượn tạm số tiền tương ứng với khoản vay 1,1 tỷ đồng đã vay của ngân hàng A. Sau đó thực hiện các thủ tục trả nợ trước hạn, giải chấp tài sản đảm bảo rồi anh này sẽ hỗ trợ thủ tục vay mới tại ngân hàng này. Đồng thời chia sẻ lãi suất cho vay ngắn hạn kinh doanh trong 6 tháng sẽ được áp dụng với mức lãi 6,5%/năm; vay trung và dài hạn sẽ áp dụng lãi suất 8,2%/năm trong năm đầu và hết thời gian ưu đãi lãi suất sẽ được thả nổi với mức lãi 10,3%/năm.

Khi được hỏi lý do vì sao không hỗ trợ vay khách hàng cá nhân vay vốn để trả nợ trước hạn khoản vay tại ngân hàng khác như nội dung chương trình cho vay ưu đãi mà ngân hàng đã công bố triển khai trước đó. Anh T. lý giải, việc khách hàng cá nhân vay vốn để trả nợ trước hạn khoản vay tại ngân hàng khác cần có sự đồng thuận của cả 3 bên, gồm: khách hàng, ngân hàng cho vay mới và ngân hàng đã nợ trước đó. Việc “chuyển nợ” này đang gặp khó khăn vì ngân hàng cũ muốn giữ khách hàng của họ lại nên rất khó trong thực hiện các thủ tục, chưa nói thủ tục thực hiện cũng khá rườm rà.

Theo anh T., “cách đơn giản nhất vẫn là trả hết nợ ngân hàng kia rồi vay mới hoặc có thể thế chấp một tài sản khác để vay.

Cần tìm hiểu kỹ

Ngoài thủ tục rườm rà như lời cán bộ tín dụng nọ, việc các ngân hàng mới phải thẩm định, đánh giá lại khoản vay hay những chi phí phát sinh khác cũng đang là rào cản trong tiếp cận chính sách này.

Chị Nguyễn Đoàn Khánh Thư, ở TP. Huế, sau khi tìm hiểu chính sách này bày tỏ, cái lợi lớn nhất khi vay trả nợ ngân hàng khác là lãi suất được áp dụng thấp hơn so với khoản vay cũ. Nếu lãi suất cho dư nợ hiện hữu của chị là 13% thì khi vay trả nợ các ngân hàng áp dụng mức từ 10-11%/năm, thậm chí thấp hơn trong thời gian đang hưởng ưu đãi. Đồng thời, có thể tiếp cận vay vốn ở các ngân hàng thương mại nhà nước nên lãi suất sẽ ổn định hơn. Tuy nhiên, khách hàng lại phải gánh thêm một loạt chi phí như chi phí trả nợ trước hạn với mức áp dụng từ 1% đến 3% tùy hợp đồng tín dụng khách hàng đã ký trước đó; chi phí thẩm định lại hồ sơ… Chưa nói, một số ngân hàng còn yêu cầu mua các loại bảo hiểm đi kèm. Nếu tính tổng chi phí phát sinh vào mặt bằng lãi suất vay mới thì chênh lệch lãi suất này không đáng kể, thậm chí còn khiến người vay tốn thêm chi phí, thời gian.

Ngoài ra, việc thị trường bất động sản đang đóng băng, giá các loại bất động sản giảm mạnh so với thời điểm trước đó cũng khiến việc định giá tài sản đảm bảo không đáp ứng được nhu cầu vay của khách hàng.

Chị Thư đưa ra ví dụ, trước đây, tôi dùng lô đất gia đình đang ở làm tài sản đảm bảo và được định giá cho vay 1,3 tỷ đồng, tuy nhiên khi ngân hàng mới khảo sát, thẩm định lại thì khu đất này chỉ vay được 900 triệu đồng, so với dư nợ hiện hữu hơn 1,1 tỷ đồng mà tôi đang còn nợ tại ngân hàng kia thì không đủ “chuyển nợ”. Trong khi đó, tôi không có tài sản khác để thế chấp nên dù muốn cũng không thể tiếp cận được.

Theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, tổ chức tín dụng và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất, phí cấp tín dụng trong hoạt động của ngân hàng theo quy định của pháp luật. Như vậy, việc áp dụng các loại phí khi khách hàng tiếp cận các khoản vay sẽ dựa trên thỏa thuận giữa tổ chức tín dụng với khách hàng, đồng thời tuân thủ theo các quy định của pháp luật có liên quan. Do đó, khách hàng cần tìm hiểu kỹ thông tin về sản phẩm cho vay để trả nợ của các ngân hàng, bao gồm lãi suất, các chính sách ưu đãi, chi phí về trả nợ trước hạn ở ngân hàng cũ và các chi phí khác có liên quan để có phương án cơ cấu lại nguồn vốn một cách hiệu quả nhất.

Ông Phạm Bá Nam, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh khuyến cáo, trường hợp tổ chức tín dụng áp dụng mức phí không phù hợp với quy định của pháp luật, đề nghị khách hàng phản ánh ngay và cung cấp thông tin đầy đủ cho Ngân hàng Nhà nước tỉnh để có chỉ đạo xử lý kịp thời. Ngân hàng Nhà nước tỉnh cũng đề nghị các tổ chức tín dụng hỗ trợ các khách hàng có nhu cầu vay vốn để trả nợ trước hạn khoản vay tại ngân hàng khác. Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi, giám sát chặt việc triển khai thực hiện chính sách này của các ngân hàng thương mại trên địa bàn. Từ đó sẽ có những ý kiến phản hồi cũng như đề xuất phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

Bài, ảnh: Hoàng Nhân
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ngân hàng “chạy đua” tăng lãi suất

Cuối năm âm lịch, nhu cầu vốn của người dân, doanh nghiệp tăng cao. Vì thế, để đáp ứng nguồn vốn cho thị trường, nhiều ngân hàng đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động.

Ngân hàng “chạy đua” tăng lãi suất
Ngân hàng và doanh nghiệp cần có tiếng nói chung

Các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã triển khai nhiều chương trình tín dụng hướng vào các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng và các lĩnh vực có thế mạnh của tỉnh. Đó là khẳng định của ông Phạm Bá Nam, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tỉnh tại hội nghị đối thoại, kết nối ngân hàng, doanh nghiệp (DN) trên địa bàn chiều 14/11.

Ngân hàng và doanh nghiệp cần có tiếng nói chung
Cần tháo gỡ các nút thắt về vốn cho hoạt động tín dụng chính sách

Ngày 25/10, Đoàn công tác của Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Việt Nam do ông Ngô Văn Cương, thành viên HĐQT NHCSXH Việt Nam làm Trưởng đoàn đã có buổi kiểm tra, giám sát đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh.

Cần tháo gỡ các nút thắt về vốn cho hoạt động tín dụng chính sách
CHUYỂN ĐỔI SỐ NGÀNH NGÂN HÀNG:
Kéo gần khoảng cách trong tiếp cận các dịch vụ

Chuyển đổi số ngành ngân hàng đã và sẽ góp phần quan trọng kéo gần khoảng cách trong tiếp cận dịch vụ ngân hàng, nhất là các địa phương vùng sâu, vùng xa..., là chia sẻ của ông Lê Việt Sỹ, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh tỉnh với Thừa Thiên Huế Cuối tuần.

Kéo gần khoảng cách trong tiếp cận các dịch vụ

TIN MỚI

Return to top