ClockThứ Tư, 13/03/2024 08:02
An toàn giao thông trên cao tốc Cam Lộ-La Sơn:

Trước khi hoàn thiện hạ tầng, tài xế cần nâng cao ý thức

TTH.VN - Liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn thời gian gần đây cho thấy, bên cạnh yếu tố hạ tầng thì ý thức của người tham gia giao thông nói chung và của “cánh tài xế” là một trong những vấn đề cần quan tâm.

Từ cao tốc nghĩ đến đường tránh HuếBố trí camera phạt nguội trên tuyến cao tốc Cam Lộ - La SơnGiải pháp hạn chế tai nạn trên tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn

 Cao tốc Cam Lộ - La Sơn giúp giảm tải phương tiện cho QL1A qua địa bàn Thừa Thiên Huế

Lưu thông “cảm tính”

Cao tốc Cam Lộ - La Sơn đưa vào hoạt động đến nay thực sự giảm tải áp lực phương tiện giao thông qua QL1A ở địa bàn Thừa Thiên Huế. Anh Nguyễn Văn Tùng (lái xe đường dài Bắc - Nam ở Phường Thuỷ Xuân, TP. Huế) thừa nhận, để giảm bớt thời gian và chi phí qua các trạm BOT ở QL1A, anh Tùng thường xuyên qua lại trên cao tốc này. Tuy vậy, theo anh Tùng quan sát trên cao tốc Cam Lộ-La Sơn có nhiều đoạn hẹp, không có dải phân cách ở giữa nên các xe dễ đối đầu nhau, vô cùng nguy hiểm, đặc biệt là về đêm. Có những đoạn chuyển làn từ hai làn lên bốn làn, nhiều xe tăng tốc độ, chuyển làn đột ngột vô cùng nguy hiểm, nguy cơ gây tai nạn rất cao… Nếu lái xe thiếu kinh nghiệm, non nghề, chưa thấu hiểu các quy định quy phạm của luật an toàn giao thông thì càng tai hại hơn.  

 Hiện trường vụ tai nạn thương tâm xảy ra tối 10/3 trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn

Mới đây nhất vào tối 10/3, trên tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn đoạn qua thôn Sơn Quả, xã Phong Sơn, huyện Phong Điền đã xảy ra vụ TNGT nghiêm trọng giữa ô tô khách và xe tải đang dừng đỗ ven đường làm nhiều người thương vong.

Trước đó, vào ngày 18/2, cũng trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn đoạn qua huyện Phong Điền xảy ra TNGT thảm khốc đã làm 3 người tử vong. Nguyên nhân ban đầu là do tài xế điều khiển phương tiện mang biển kiểm soát 36A- 485.67 vượt ẩu làn trong cùng, va chạm với ô tô biển kiểm soát 63H-005.68 điều khiển theo hướng Quảng Trị - Đà Nẵng khiến chiếc ô tô con lao xuống vực bên phải.

Tình trạng lấn làn, vượt ẩu trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn vẫn diễn ra phổ biến 

Sau những vụ TNGT vừa xảy ra, nhiều ý kiến của chuyên gia và cơ quan chức năng phân tích có những bất cập chưa đồng bộ hạ tầng tuyến nhưng ý thức, kỹ năng của người điều khiển phương tiện còn hạn chế, như thiếu kinh nghiệm, chưa thấu hiểu các quy định, quy phạm của Luật ATGT.

Không ít lần qua lại trên cao tốc này, nhất sau vụ TNGT xảy ra vào tối 10/3, chúng tôi cùng nhiều đồng nghiệp theo cao tốc này ra hướng tỉnh Quảng Trị chứng kiến tình trạng lái xe chạy quá tốc độ, đi vào làn khẩn cấp, chuyển làn đột ngột… như trò chơi “đuổi bắt” của trẻ nhỏ. Nếu một tài xế không am hiểu pháp luật, chưa có ý thức cao văn hóa giao thông như các tình huống chúng tôi chứng kiến các xế rượt đuổi trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn vào sáng 12/3 thì TNGT nơi đây sẽ vẫn xảy ra và hậu quả để lại còn buồn hơn.

Nhiều tài xế vẫn đang điều khiển phương tiện theo cảm tính trên cao tốc 

Ông Nguyễn Thanh Trí, Giám đốc Trung tâm Đào tạo lái xe Tâm An - Huế cho rằng, đường cao tốc tiêu chuẩn luôn có từ 2 làn xe trở lên. Khi lưu thông trên cao tốc thì cũng khác hẳn với các tuyến đường trong nội đô. Từ việc hiểu rõ tốc độ của mỗi làn xe, từ làn tốc độ cao, tốc độ tối thiểu cho đến làn khẩn cấp. Đặc biệt là việc xin vượt, hay chuyển làn… Đây cũng là một trong những điều cơ bản mà mỗi lái xe cần phải hiểu, chủ động khi cầm lái. Nhưng thực tế những lần ông Trí điều khiển phương tiện trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn đã thấy không ít phương tiện di chuyển theo “cái tôi của mình”.

“Phóng nhanh, vượt ẩu, lấn làn là do ý thức, kỹ năng điều khiển của người tham gia giao thông. Đây là những điểm yếu dễ gây TNGT trên cao tốc mà khi lái xe không nên vi phạm để rồi không có cơ hội sửa chữa lần hai”- ông Nguyễn Thanh Trí nói.

Cần nhiều giải pháp

Đã có nhiều ý kiến nhìn nhận, cao tốc Cam Lộ - La Sơn hiện nay chưa nên gọi là đường cao tốc vì đang là giai đoạn phân kỳ đầu tư do nguồn lực, kinh phí hạn chế. Ông Lê Văn Sáu, Phó Giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh, chủ đầu tư DA đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn thừa nhận, có những bất cập trên tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn xảy ra sau khi đưa vào khai thác. Tuy nhiên, đây là cao tốc đầu tư phân kỳ trong giai đoạn 1, thiết kế toàn tuyến dài 98km, có 28 điểm vượt xe…

Sau những vụ TNGT xảy ra gần đây với sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT, tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn được các ngành, đơn vị, địa phương liên quan tiến hành khảo sát thống nhất các giải pháp bổ sung, điều chỉnh tổ chức giao thông trên tuyến. Trước mắt bổ sung thêm biển hiệu, biển báo ATGT hợp lý tại những đoạn địa hình khó khăn như có dốc dài liên tục...; đồng thời bố trí lắp đặt camera xử phạt nguội các trường hợp chạy sai làn đường, phóng nhanh vượt ẩu tại những đoạn không cho phép vượt… với kinh phí gần 20 tỷ đồng.

Lực lượng cảnh sát giao thông tăng cường tuần tra kiểm soát trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn 

Ông Sáu cũng thông tin thêm, hiện nay, Bộ GTVT đã có quyết định giao nhiệm vụ cho Ban QLDA đường Hồ Chí Minh lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn. Thời gian thực hiện là từ năm 2024 đến năm 2025. Theo tính toán sơ bộ, việc nâng cấp, mở rộng tuyến đường từ quy mô 2 làn xe lên 4 làn xe tiêu chuẩn, có làn dừng khẩn cấp liên tục cần khoảng 6.700 tỷ đồng…

Rõ ràng, việc sớm hoàn thiện và đồng bộ cao tốc Cam Lộ - La Sơn là hết sức cần thiết, góp phần đảm bảo lưu thông an toàn của các phương tiện trên đoạn tuyến và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và liên vùng...

 Dừng đổ phải đúng quy định, chọn vị trí phù hợp trên cao tốc

Ông Hoàng Văn Tuấn, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh cho rằng, nhìn lại các vụ TNGT xảy ra trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn vừa qua cho thấy, ngoài yếu tố hạ tầng, nguyên nhân một phần cũng xuất phát từ chính sự chủ quan của người điều khiển phương tiện. Trong khi chờ đợi sự đầu tư đồng bộ hạ tầng cao tốc đạt chuẩn, mỗi người tham gia giao thông trên cao tốc này cần nâng cao ý thức, trách nhiệm, tuân thủ biển báo, quy định giao thông. Đó chính là giải pháp trực tiếp giúp đảm bảo an toàn giao thông cho bản thân và những bạn đường.

Thiếu tá Dương Xuân Đạt, Phó Đội trưởng Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 4, Cục Cảnh sát giao thông cho biết, sau những vụ TNGT xảy ra trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn, đơn vị thường xây dựng kế hoạch, tăng cường kiểm tra tại các điểm ra vào cao tốc Cam Lộ - La Sơn. Ngoài việc nhắc nhở tài xế đi đúng làn đường, cảnh sát quay video ôtô vi phạm để phạt nguội, các lỗi phóng nhanh, vượt ẩu, lấn làn…

 

 Cao tốc Cam Lộ - La Sơn sẽ được điều chỉnh, mở rộng đạt chuẩn trong thời gian tới

Bài, ảnh, clip: MINH -THIỀU
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

THÔNG TIN DOANH NGHIỆP:
Giải pháp xử lý nước thải tại Huế- Giải pháp phát triển bền vững

Xử lý nước thải tại Huế là một trong những nhiệm vụ cấp bách nhằm bảo vệ môi trường và hướng đến sự phát triển bền vững của thành phố. Với sự gia tăng dân số, phát triển đô thị và công nghiệp, các giải pháp xử lý nước thải không chỉ giúp giảm thiểu ô nhiễm mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc gìn giữ hệ sinh thái tự nhiên, đặc biệt là những di sản văn hóa và thiên nhiên quý giá của Huế.

Giải pháp xử lý nước thải tại Huế- Giải pháp phát triển bền vững
“Nước rút” nối thông tuyến cao tốc bắc-nam

Năm 2024 qua đi, trên “đại công trường” dự án đường cao tốc bắc-nam phía đông giai đoạn II (2021-2025) tiếp tục ghi nhận nhiều dấu ấn tích cực và chuyển biến mạnh mẽ. Các đơn vị ngành giao thông miệt mài từng ngày, từng giờ “chạy nước rút”, tăng tốc thi công nhằm nối thông tuyến cao tốc bắc-nam.

“Nước rút” nối thông tuyến cao tốc bắc-nam
Đồng bộ giải pháp để hạn chế tình trạng ngập đường khi mưa lớn

Các ngầm tràn, cống không đảm bảo thoát nước đã dẫn đến tình trạng ngập trên nhiều đoạn đường tại các địa phương ở huyện Phú Lộc khi mưa lớn. Bên cạnh giải pháp nâng cấp, sửa chữa, người dân cần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường để tránh các loại rác thải sinh hoạt rơi đọng, gây tắc nghẽn cống.

Đồng bộ giải pháp để hạn chế tình trạng ngập đường khi mưa lớn

TIN MỚI

Return to top